Dị ứng thức ăn ở trẻ là một vấn đề ngày càng phổ biến, gây ra nhiều lo lắng cho các bậc phụ huynh. Đây là phản ứng quá mẫn của hệ miễn dịch đối với một số thành phần trong thức ăn. Nguyên nhân chính khiến trẻ bị dị ứng thức ăn thường là do các loại protein có trong sữa bò, trứng, đậu phộng, hạt cây có vỏ, cá, động vật có vỏ và lúa mì.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Đĩnh - Trưởng Đơn nguyên Hô hấp - Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
1. Dị ứng thức ăn là gì?
Dị ứng thức ăn xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng với các chất được coi là "lạ" trong thực phẩm.
Trẻ em có cơ địa dị ứng (atopy) thường dễ bị dị ứng thức ăn hơn. Những trẻ này thường có mức kháng thể IgE trong máu cao hơn bình thường, thường có người thân như bố mẹ hoặc anh chị em cũng bị dị ứng. Ngoài ra, trẻ mắc các bệnh lý như viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa, hen phế quản hoặc mày đay dị ứng cũng thuộc nhóm dễ bị dị ứng thức ăn ở trẻ.
Các protein “lạ” trong thực phẩm có thể trở thành dị nguyên khi chúng vào máu, kết hợp với kháng thể IgE, kích hoạt các tế bào bạch cầu ưa kiềm và tế bào mast để giải phóng các chất hóa học như histamin, serotonin,... và gây ra các phản ứng dị ứng.
2. Biểu hiện của trẻ bị dị ứng thức ăn
Dị ứng thực phẩm có thể xảy ra ngay sau khi ăn, từ vài phút đến vài giờ sau đó. Các dấu hiệu dị ứng thức ăn ở trẻ khác nhau và ảnh hưởng đến nhiều vùng trên cơ thể, bao gồm:
- Da: mẩn đỏ, ngứa tại vùng miệng hoặc trong miệng, nổi ban đỏ khắp cơ thể, sưng môi, sưng quanh mắt, sưng mặt.
- Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy.
- Mắt và mũi: ngứa mắt, chảy nước mắt, ngứa mũi, chảy nước mũi, nghẹt mũi.

Trắc nghiệm: các chỉ số cần chú ý về sự phát triển thể chất của trẻ
Chiều cao, cân nặng của bé ở từng giai đoạn nên là bao nhiêu là bình thường, bao nhiêu là bất thường? Cùng ThS.BS Ma Văn Thấm điểm lại xem bạn đã nắm được các chỉ số phát triển thể chất của bé chưa nhé!Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Ma Văn Thấm , chuyên khoa Nhi , Phòng khám Đa khoa Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)
Khi gặp phải phản ứng dị ứng nghiêm trọng, trẻ có thể bị sưng phù thanh môn, co thắt phế quản (gây khó thở, thở khò khè), tụt huyết áp và những triệu chứng này thường xuất hiện đột ngột, diễn biến nhanh chóng, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Sau khi ăn thực phẩm có dị nguyên, một số trẻ có thể gặp phải các triệu chứng xuất hiện muộn như viêm da cơ địa, đau bụng, đi ngoài phân lỏng hoặc có máu nhầy trong phân.
3. Thức ăn nào dễ gây dị ứng ở trẻ?
Các thực phẩm dễ gây dị ứng thức ăn ở trẻ gồm có đậu phộng, các loại hạt như hạnh nhân, cá, hải sản, trứng (nhất là lòng trắng trứng), sữa... Dị ứng sữa là loại dị ứng phổ biến nhất và thường xuất hiện rất sớm ở trẻ, ngay từ những tháng đầu đời. Bên cạnh đó, một số loại trái cây như việt quất, bí đỏ, cà chua, khoai tây, mù tạt cũng có thể gây dị ứng. Các chất phụ gia trong thực phẩm như benzoat, salicylate, bột ngọt cũng là những tác nhân gây dị ứng.

4. Dị ứng thức ăn bao lâu thì hết?
Dị ứng thức ăn bao lâu thì hết tùy thuộc tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng, có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày. Thông thường, các biểu hiện dị ứng nhẹ như phát ban, ngứa hoặc mẩn đỏ sẽ tự khỏi trong khoảng 4-24 giờ hoặc 2-3 ngày. Thời gian này phụ thuộc vào quá trình chuyển hóa và đào thải chất gây dị ứng ra khỏi cơ thể.
Đối với các trường hợp dị ứng nặng hơn, kèm theo các triệu chứng như sốt, đầy bụng, khó thở hoặc thậm chí sốc phản vệ, việc can thiệp y tế là vô cùng cần thiết. Các biểu hiện này thường xuất hiện nhanh chóng và có thể đe dọa tính mạng nếu không được xử lý kịp thời. Trong những trường hợp này, bệnh nhân cần được đưa đến cơ sở y tế để được các bác sĩ chuyên khoa đánh giá và điều trị.
5. Làm gì khi trẻ bị dị ứng thức ăn?
Cách chữa dị ứng thức ăn ở trẻ chủ yếu dựa vào việc xác định các tác nhân gây dị ứng và tránh tiếp xúc với chúng. Vì vậy, việc thay đổi chế độ ăn uống và cẩn trọng hơn khi lựa chọn thực phẩm cho trẻ là điều rất quan trọng.
Khi nghi ngờ trẻ bị dị ứng thức ăn nào đó, hãy tìm đến bác sĩ chuyên khoa dị ứng để được tư vấn. Các bác sĩ sẽ tiến hành khám, hỏi về triệu chứng và có thể thực hiện các xét nghiệm chuyên môn như test dị nguyên trên da hoặc xét nghiệm máu để xác định rõ ràng loại thực phẩm gây dị ứng.
Khi đã xác định được trẻ bị dị ứng thực phẩm, việc điều trị cần được thực hiện càng sớm càng tốt, với hai phương pháp chính:
- Loại bỏ các thực phẩm gây dị ứng khỏi chế độ ăn của trẻ: Việc loại bỏ những thực phẩm gây dị ứng khỏi chế độ ăn là biện pháp quan trọng nhất, giúp giảm thiểu mức độ nghiêm trọng và ngăn ngừa các phản ứng dị ứng tái diễn.
- Sử dụng thuốc điều trị phù hợp: Phụ huynh không nên tự ý cho trẻ dùng thuốc mà cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để có phác đồ điều trị chính xác.
6. Phòng tránh dị ứng thức ăn cho trẻ bằng cách nào?
Một trong những cách hiệu quả nhất để phòng tránh dị ứng thức ăn ở trẻ là loại bỏ những thực phẩm đã được xác nhận là khiến trẻ bị dị ứng thức ăn khỏi chế độ ăn. Do đó, trước khi cho trẻ ăn một loại thực phẩm mới, cha mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ, đặc biệt khi có nguy cơ dị ứng chéo giữa các loại thực phẩm.
Khi biết trẻ bị dị ứng thức ăn với một món nào đó, mẹ không nên cho trẻ dùng lại món ấy. Cần giữ nhà cửa sạch sẽ và thoáng mát, đồng thời tránh khói thuốc lá, vì những yếu tố này có thể khiến tình trạng dị ứng của trẻ thêm nghiêm trọng.
Nếu trẻ bị dị ứng với sữa bò, phụ huynh có thể thay thế sữa bò bằng sữa đậu nành, sữa từ ngũ cốc hoặc các loại sữa bò được chế biến đặc biệt (loại bỏ protein gây dị ứng). Tuy nhiên, cần chú ý rằng nếu trẻ dị ứng sữa bò, cũng có khả năng bị dị ứng với sữa trâu hoặc sữa dê.

Trước khi cho trẻ ăn thực phẩm chế biến sẵn hoặc thực phẩm đóng hộp, cha mẹ cần kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm để nhận diện các thành phần hoặc chất phụ gia có thể khiến trẻ bị dị ứng thức ăn.
Thực tế cho thấy, phần lớn trẻ em sẽ dần dần hết dị ứng thức ăn khi trưởng thành, tức là tình trạng dị ứng thức ăn ở trẻ không kéo dài suốt đời. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là khi nào cần kiểm tra xem trẻ còn dị ứng với thức ăn hay không và khi nào là thời điểm thích hợp để cho trẻ thử lại các món ăn từng nghi ngờ gây dị ứng? Đây là những vấn đề mà các bà mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa Dị ứng để được đánh giá và tư vấn chính xác.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.