Dị ứng thức ăn: Những điều cần biết

Dị ứng thức ăn là hiện tượng xảy ra khi cơ thể phản ứng quá mức với một loại chất có trong thành phần của thức ăn. Dị ứng thức ăn ảnh hưởng đến khoảng 6-8% trẻ em dưới 3 tuổi và 3% người lớn. Mặc dù không có cách chữa trị dứt điểm nhưng tình trạng dị ứng thức ăn có thể tự dung nạp khi trẻ lớn lên nên với trẻ em cần được đánh giá chỉ định ăn kiêng sau một khoảng thời gian thích hợp tùy theo biểu hiện lâm sàng cũng như loại thức ăn dị ứng.

1. Dị ứng thức ăn là gì?

Dị ứng thức ăn là một phản ứng bất lợi của hệ thống miễn dịch xảy ra sau khi ăn một loại thức ăn nhất định. Ngay cả khi với một lượng nhỏ thức ăn gây dị ứng cũng có thể gây nên các triệu chứng như vấn đề tiêu hoá, nổi mề đay hoặc phù nề đường thở. Ở một số người dị ứng thực phẩm có thể gây nên triệu chứng nghiêm trọng hoặc thậm chí là phản ứng có thể đe dọa đến tính mạng - sốc phản vệ.

Dị ứng thức ăn khác với không dung nạp thức ăn. Bởi không dung nạp thức ăn là một tình trạng ít nghiêm trọng hơn và không liên quan đến hệ thống miễn dịch.


Dị ứng thức ăn dẫn đến các triệu chứng nổi mề đay, phát ban...
Dị ứng thức ăn dẫn đến các triệu chứng nổi mề đay, phát ban...

2. Triệu chứng dị ứng thức ăn

Đối với một số người, một phản ứng dị ứng với một loại thức ăn cụ thể có thể gây khó chịu nhưng cũng không nghiêm trọng với cơ thể. Tuy nhiên, với người khác, một phản ứng dị ứng thức ăn có thể nặng nề và thậm chí còn đe dọa đến tính mạng . Các triệu chứng dị ứng thức ăn thường phát triển trong vòng vài phút đến hai giờ sau khi ăn. Các triệu chứng dị ứng thức ăn phổ biến nhất bao gồm:

  • Nổi mẩn ngứa toàn thân hoặc ngứa trong miệng, nổi mề đay, phát ban, chàm, sưng môi, sưng mặt, lưỡi, cổ họng hoặc các bộ phận khác trên cơ thể.
  • Khò khè, nghẹt mũi hoặc khó thở.
  • Đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn.
  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu

Sốc phản vệ: Ở một số người, dị ứng thức ăn có thể gây nên các phản ứng nghiêm trọng gọi là sốc phản vệ. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể đe dọa đến tính mạng bao gồm:

  • Co thắt và sưng nề đường thở.
  • Cổ họng bị sưng hoặc cảm giác bị nghẹn ở cổ họng khiến cho quá trình thở khó khăn.
  • Sốc với sự giảm huyết áp đột ngột và nghiêm trọng.
  • Mạch đập nhanh.
  • Chóng mặt hoặc mất ý thức.

Điều trị khẩn cấp là rất quan trọng với phản ứng sốc phản vệ. Trong trường hợp không được điều trị, bệnh nhân có thể hôn mê và thậm chí dẫn đến tử vong.


Dị ứng thức ăn dẫn đến sốc phản vệ
Dị ứng thức ăn dẫn đến sốc phản vệ

3. Nguyên nhân gây dị ứng thức ăn

Phản ứng dị ứng thức ăn xảy ra khi hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức với một loại thức ăn hoặc một chất có trong thức ăn, xác định đó là mối nguy hiểm và kích hoạt các phản ứng bảo vệ làm giải phóng ra histamin, cũng như các chất trung gian hoá học khác gây nên các triệu chứng như trên.

Mặc dù bất kỳ loại thực phẩm nào cũng có thể gây dị ứng, nhưng những loại thực phẩm sau chiếm khoảng 90% các trường hợp dị ứng: Trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa, lạc, các loại hạt, cá, động vật có vỏ như tôm, cua.., lúa mì, đậu nành.

Hội chứng dị ứng thức ăn phấn hoa: còn được gọi là hội chứng dị ứng miệng. Hội chứng dị ứng miệng là một loại dị ứng thức ăn, các phản ứng dị ứng giới hạn ở vùng hầu họng sau khi ăn các loại hoa quả hoặc rau củ sống ở những người có dị ứng với phấn hoa. Nguyên nhân là do phản ứng chéo giữa IgE đặc hiệu với phấn hoa và protein tương đồng được tìm thấy trong hoa quả và rau củ. Các triệu chứng xuất hiện trong hoặc ngay sau ăn khoảng 5 - 10 phút như ngứa và phát ban ở miệng, ngứa và đau họng, phù nề mô, miệng, lưỡi hoặc cổ họng. Tuy nhiên, các phản ứng của hội chứng dị ứng miệngsẽ ít nghiêm trọng hơn khi các thức ăn này đã được nấu chín.

Dị ứng thức ăn sau gắng sức: Các triệu chứng dị ứng xuất hiện sau khi gắng sức trong vòng vài giờ sau khi ăn một số thực phẩm nhất định. Một trong những thức ăn dị ứng được ghi nhận nhiều nhất là lúa mì, động vật có vỏ...Nhiều người các triệu chứng dễ dàng xuất hiện hơn khi kèm theo các yếu tố kèm theo như sử dụng đồ uống có cồn, nhiệt độ quá cao, giai đoạn tiền kinh nguyệt ở phụ nữ, đang sử dụng các thuốc giảm đau chống viêm nhóm NSAIDs.... Các trường hợp nghiêm trọng cũng có thể dẫn đến sốc phản vệ.


Nhiều trường hợp bị dị ứng do ăn hải sản tươi sống
Nhiều trường hợp bị dị ứng do ăn hải sản tươi sống

4. Không dung nạp thức ăn và một số phản ứng khác

Không dung nạp thức ăn hoặc phản ứng với các chất lạ có trong thức ăn có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng giống như dị ứng thức ăn, chẳng hạn như buồn nôn, nôn, chuột rút và tiêu chảy. Tuỳ thuộc vào loại thức ăn không dung nạp mà cơ thể có tiếp nhận một lượng nhỏ mà sẽ không có phản ứng. Ngược lại, nếu bị dị ứng thức ăn thực sự thì thậm chí một lượng nhỏ thức ăn cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng.

Một trong những khía cạnh khó khăn trong chẩn đoán không dung nạp thức ăn là một số người nhạy cảm không phải với chính thức ăn gây dị ứng mà là một chất hay thành phần được sử dụng để chế biến thức ăn đó.

5. Các tình trạng phổ biến dễ nhầm với dị ứng thức ăn

  • Thiếu một enzyme cần thiết để tiêu hoá hoàn toàn một loại thức ăn. Ví dụ thiếu số lượng enzyme lactase làm giảm khả năng tiêu hoá đường sữa. Không dung nạp lactose có thể gây đầy hơi, tiêu chảy.
  • Ngộ độc thực phẩm: Đôi khi ngộ độc thực phẩm có thể giống dị ứng thức ăn. Ví dụ như vi khuẩn trong cá ngừ và các loại cá khác có thể tạo ra độc tố gây ngộ độc.
  • Nhạy cảm với phụ gia thực phẩm: Ví dụ sulfites được sử dụng trong trái cây khô, đồ hộp và rượu vang có thể kích thích các cơn hen suyễn ở những người nhạy cảm.
  • Độc tính histamine: Một số loại cá như cá thu, cá ngừ, không được bảo quản lạnh đúng quy cách thì gây nguy cơ ngộ độc cao do hàm lượng histamin tăng cao trong thực phẩm.
  • Những người bị bệnh celiac sẽ nhạy cảm với gluten khi sử dụng các thực phẩm có thành phần chứa gluten trong lúa mì, lúa mạch đen và lúa mạch.

6. Các yếu tố nguy cơ gây dị ứng thức ăn

  • Tiền sử gia đình: Nguy cơ bị dị ứng thức ăn nếu tiền sử trong gia đình có thành viên bị mắc hen suyễn, chàm, nổi mề đay.
  • Nếu đã bị dị ứng một loại thức ăn cụ thể, có thể cơ thể sẽ tăng nguy cơ dị ứng với những loại thức ăn khác. Tương tự, nếu đã có phản ứng dị ứng với thức ăn thì nguy cơ bị dị ứng ở những lần tiếp theo sẽ cao hơn và mức độ sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.
  • Tuổi: Dị ứng thức ăn khá phổ biến ở trẻ em đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi.
  • Hen suyễn: Hen suyễn và dị ứng thức ăn thường xảy ra cùng nhau. Cả triệu chứng của hen suyễn và dị ứng thức ăn đều nghiêm trọng.

7. Đề phòng dị ứng thức ăn

  • Tìm hiểu kỹ về thành phần thực phẩm được sử dụng.
  • Sử dụng vòng đeo tay hoặc vòng đeo cổ giúp cảnh báo khi bạn dị ứng với thực ăn cụ thể nào đó.
  • Khi ăn ở nhà hàng nên cẩn thận lựa chọn thức ăn và phải chắc chắn rằng bữa ăn không chứa những thực phẩm gây dị ứng với cơ thể. Đồng thời có thể trực tiếp nhờ đầu bếp tại nhà hàng hỗ trợ.
  • Chuẩn bị bữa ăn có thể mang theo khi đi du lịch hoặc dự tiệc sự kiện.
  • Nếu thường xuyên bị dị ứng thức ăn, mức độ nặng hoặc có hen phế quản kèm theo cần gặp bác sĩ để được kê đơn và hướng dẫn sử dụng bút tiêm Adrenaline khẩn cấp.

Dị ứng thức ăn ảnh hưởng đến da, đường tiêu hoá hoặc hệ hô hấp hoặc tim mạch. Đối với các triệu chứng nhẹ có thể hết mà không cần điều trị gì cả hoặc chỉ cần dùng các thuốc kháng histamin. Nhưng với những trường hợp phản ứng dị ứng thức ăn nghiêm trọng thì cần phải gặp bác sĩ để thăm khám và điều trị.

Nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: mayoclinic.org; medlineplus.gov; healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe