Dấu hiệu cảnh báo xuất huyết dạ dày

Nắm rõ các dấu hiệu xuất huyết dạ dày điển hình là vô cùng quan trọng. Xuất huyết dạ dày là một tình trạng rất nguy hiểm, có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Do đó, người có nguy cơ mắc bệnh cần hiểu rõ các biểu hiện bệnh để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của bản thân. Bài viết sẽ điểm qua những triệu chứng phổ biến của xuất huyết dạ dày. 

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các Bác sĩ Phạm Thị Thu Hương - Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật - Tiết niệu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

1. Dấu hiệu xuất huyết dạ dày đầu tiên - Thay đổi sắc tố da

Dạ dày suy yếu không thể chuyển hóa các chất dinh dưỡng, cơ thể sẽ rơi vào tình trạng mệt mỏi không rõ nguyên nhân. Kết quả sau một thời gian dài, cơ thể trở nên suy nhược, làn da tnhợt nhạt và mất đi sức sống. Đây là dấu hiệu xuất huyết dạ dày bên ngoài dễ nhận biết nhất khi bệnh nhân bị xuất huyết dạ dày.

2. Đau vùng thượng vị dạ dày

Cơn đau sẽ bắt đầu tại vùng thượng vị dạ dày trước khi lan ra toàn bộ vùng bụng. Bệnh nhân sẽ cảm thấy đau bụng dữ dội, bụng căng trướng, đồng thời còn trải qua triệu chứng đổ mồ hôi lạnh và gương mặt trở nên tái nhợt.

3. Buồn nôn, nôn ra máu

Nôn ra máu là một dấu hiệu xuất huyết dạ dày phổ biến, gần như tất cả người bệnh đều phải trải qua. Bệnh nhân sẽ có cảm giác đầy bụng, chướng bụng, buồn nôn, cảm giác mùi tanh lợm trong miệng và nôn ra máu tươi hoặc máu đen (có thể kèm theo cả thức ăn). Có trường hợp, bệnh nhân nôn ra thức ăn trước khi nôn ra máu.

Tình trạng nôn ra máu là một dấu hiệu cực kỳ nguy hiểm, bệnh nhân có thể mất nhiều máu gây đe dọa đến tính mạng. Do đó, trong tình huống này, việc cấp cứu kịp thời là rất cần thiết để hạn chế mất máu hết mức có thể. 

Nôn ra máu là dấu hiệu xuất huyết dạ dày thường gặp
Nôn ra máu là dấu hiệu xuất huyết dạ dày thường gặp

4. Đi ngoài ra phân có màu đen

Sau khi nôn ra máu, bệnh nhân có thể đi ngoài ra phân màu đen như màu bã cà phê. Ngoài ra, phân sẽ có đặc tính sền sệt và phát ra mùi khó chịu.

Mức độ nặng nhẹ của tình trạng chảy máu dạ dày được đánh giá dựa trên lượng phân và độ sậm màu. Lượng phân nhiều và màu đen sậm cho thấy mức độ chảy máu dạ dày càng nghiêm trọng.

5. Cơ thể thiếu máu

Khi bệnh nhân trải qua các triệu chứng nôn ra máu hay xuất hiện máu trong phân, các dấu hiệu khác của việc mất máu quá nhiều như choáng váng, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi hột và tụt huyết áp cũng sẽ xuất hiện kèm theo.

Khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu xuất huyết dạ dày như trên, bệnh nhân nên nhập viện sớm để được kiểm tra tình trạng và tiến hành cầm máu. Ngoài ra, người bệnh tuyệt đối không tự thực hiện điều trị tại nhà vì nếu kéo dài thời gian, bệnh nhân có thể tử vong do mất máu quá nhiều. 

Bệnh nhân nôn ra máu và đi ngoài ra máu nhiều kéo dài khiến cơ thể bị thiếu máu.
Bệnh nhân nôn ra máu và đi ngoài ra máu nhiều kéo dài khiến cơ thể bị thiếu máu.

Trong những trường hợp dấu hiệu xuất huyết dạ dày nhẹ, bác sĩ có thể sử dụng phương pháp nội soi để kiểm tra và chỉ định dùng thuốc điều trị tại nhà. Tuy nhiên, đối với những trường hợp xuất huyết dạ dày nặng, đặc biệt là khi xuất huyết do vi khuẩn Hp gây ra, việc cầm máu ngay lập tức là điều rất cần thiết. Sau đó, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng kháng sinh và thuốc chữa lành vết loét. 

Bệnh nhân có một trong các dấu hiệu trên nên đi khám bác sĩ để xác định chính xác có bị xuất huyết dạ dày hay không.
Bệnh nhân có một trong các dấu hiệu trên nên đi khám bác sĩ để xác định chính xác có bị xuất huyết dạ dày hay không.

6. Xuất huyết dạ dày có nguy hiểm không?

Xuất huyết dạ dày là một bệnh lý đe dọa đến sức khỏe hệ tiêu hóa và có nguy cơ tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Trong giai đoạn đầu, bệnh không có dấu hiệu xuất huyết dạ dày rõ ràng. Thậm chí, lượng máu mất đi có thể rất ít, chỉ có thể được phát hiện thông qua các xét nghiệm y khoa như xét nghiệm máu ẩn trong phân. Bệnh nhân thường chỉ cảm thấy mệt mỏi, nhận thấy phân sẫm màu hoặc máu trên giấy vệ sinh sau khi đi tiêu,…

Tuy nhiên, bệnh xuất huyết dạ dày sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi kéo dài với lượng máu mất đi sẽ tăng lên và thường xuyên hơn. Khi đó, bệnh nhân có thể trải qua các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, cảm giác lạnh ở tay chân, nhịp tim yếu,…  

Hơn nữa, việc mất máu nhiều từ đường tiêu hóa có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu nghiêm trọng hoặc giảm công thức máu. Vì vậy, việc theo dõi và phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp thời là rất quan trọng.

7. Làm thế nào để phòng ngừa xuất huyết dạ dày?

Cách phòng ngừa xuất huyết dạ dày là một phần quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và tránh các vấn đề tiềm ẩn. Dưới đây là một số gợi ý để bảo vệ hệ tiêu hóa:

  • Tránh thuốc lá và rượu bia: Thuốc lá và rượu bia có thể gây tổn thương cho niêm mạc dạ dày.
  • Duy trì thói quen tập thể dục đều đặn: Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường sức đề kháng và củng cố hệ miễn dịch.
  • Cân bằng giữa công việc và thư giãn: Dành đủ thời gian nghỉ ngơi và cân bằng với thời gian làm việc để cơ thể luôn trong trạng thái khỏe mạnh.
  • Hạn chế sử dụng thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs): Nếu không cần thiết, tránh sử dụng thuốc mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ.
  • Duy trì chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh: Ăn uống cân đối, ngủ đủ giấc, tạo tinh thần tích cực để giảm căng thẳng và stress.
  • Thực hiện theo chu kỳ sinh học lý tưởng: Hạn chế thức khuya và duy trì thời gian ngủ đều đặn để giữ cho cơ thể hoạt động một cách tốt nhất.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với sự toàn diện về chuyên môn, dịch vụ và cơ sở vật chất sẽ giúp người bệnh có một trải nghiệm an tâm và thoải mái khi thăm khám tại Vinmec.

Bác sĩ Phạm Thị Thu Hương có kinh nghiệm trên 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nội Tiêu hóa trong đó với với gần 20 năm giữ chức vụ Phó khoa, trưởng khoa Bệnh viện Trung ương Huế. Hiện tại, là Bác sĩ Nội tiêu hóa - Nội soi tiêu hóa - Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe