Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Phúc Liên - Bác sĩ Ngoại tiết niệu - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Người bệnh bí tiểu, bị bướu tuyến tiền liệt hay bệnh lý bàng quang thần kinh là những trường hợp phổ biến có chỉ định đặt ống thông dẫn lưu bàng quang trên lâm sàng. Ngoài ra, trước một số loại phẫu thuật, hay gặp nhất là mổ đẻ, người bệnh cũng cần thông tiểu bằng các ống dẫn lưu bàng quang qua niệu đạo.
1. Tổng quan về đặt ống thông dẫn lưu bàng quang
Thủ thuật đặt ống thông dẫn lưu bàng quang được chia làm hai loại, bao gồm: đặt ống thông dẫn lưu bàng quang qua đường niệu đạo và đặt ống thông dẫn lưu trực tiếp vào bàng quang qua xương mu.
Phương pháp đặt ống dẫn lưu bàng quang qua niệu đạo còn có tên gọi khác là thông tiểu, thường xuyên được thực hiện trên lâm sàng. Ống dẫn lưu được sử dụng khi thông tiểu thường là các loại ống thông foley và nelaton với các kích cỡ, chất liệu đa dạng tùy thuộc theo tuổi và bệnh tình trong từng người bệnh cụ thể.
Ngược lại, đặt ống thông dẫn lưu bàng quang trên xương mu là thủ thuật xâm lấn nhiều hơn, cần được thực hiện trong phòng mổ và cân nhắc khi đưa ra chỉ định.
Dù với bất kỳ nguyên nhân nào, khi đặt ống thông dẫn lưu bàng quang trong một thời gian dài, người bệnh đều phải đối diện với nhiều nguy cơ trong suốt quá trình chăm sóc và thay ống dẫn lưu bàng quang.
2. Vấn đề có thể gặp khi đặt ống thông dẫn lưu bàng quang
Đặt ống thông dẫn lưu bàng quang trong một thời gian dài mang đến nhiều nguy cơ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm. Đứng đầu trong số đó là tình trạng nhiễm trùng hệ tiết niệu, bao gồm nhiễm trùng tại lỗ tiểu ngoài tiếp giáp chân ống thông tiểu, nhiễm trùng niệu đạo, viêm bàng quang, viêm đài bể thận, áp xe thận.
Nếu giữ ống thông tiểu dưới 7 ngày, tần suất mắc nhiễm trùng đường tiểu vào khoảng 10 - 30%. Tỷ lệ mắc nhiễm trùng đường tiểu tăng tỷ lệ với thời gian đặt ống dẫn lưu, tăng lên rất cao nếu kéo dài trên 28 ngày. Vi khuẩn rất dễ xâm nhập vào hệ tiết niệu vốn vô khuẩn thông qua các bước thực hiện thủ thuật không được đảm bảo vô trùng.
Nhiễm khuẩn ở hệ tiết niệu trên ở những bệnh nhân có đặt ống thông tiểu thường do vi khuẩn di chuyển ngược dòng từ niệu đạo - bàng quang lên niệu quản và đài bể thận. Nặng nề hơn, nhiễm trùng đường tiểu có thể dẫn đến nhiễm khuẩn máu hay sốc nhiễm trùng. Các tình trạng này được xem là rất nguy kịch vì có tính đe dọa tính mạng bệnh nhân.
Đặt thông niệu đạo kéo dài mà không được cố định ống đúng kỹ thuật gây đè ép niêm mạc niệu đạo, thiếu máu dẫn đến hẹp niệu đạo về sau.
Ngoài ra, sỏi bàng quang, viêm teo bàng quang, rò rỉ nước tiểu, tắc ống thông tiểu cũng là những vấn đề khác cần quan tâm. Sỏi bàng quang dễ xuất hiện khi nước tiểu không được dẫn lưu triệt để, gây lắng đọng các chất, đặc biệt là khi có viêm nhiễm niêm mạc bàng quang. Bàng quang bị viêm lặp lại nhiều lần và kéo dài dẫn đến tình trạng viêm teo bàng quang. Sỏi từ các cặn lắng nước tiểu, cục máu đông là nguyên nhân làm tắc ống dẫn lưu, gây bí tiểu cấp hoặc rò rỉ nước tiểu qua lỗ niệu đạo ngoài nếu ống dẫn lưu có kích thước quá nhỏ.
Thay ống dẫn lưu bàng quang là thao tác rất thường thực hiện ở những người bệnh đặt ống thông dẫn lưu bàng quang. Việc làm này cũng mang lại nhiều nguy cơ như tổn thương niệu đạo, bàng quang, tuyến tiền liệt nếu thực hiện mạnh tay hoặc không đúng kỹ thuật.
3. Các yếu tố nguy cơ khi đặt ống thông dẫn lưu bàng quang
Biến chứng có thể xuất hiện ở tất cả các đối tượng đặt ống thông dẫn lưu bàng quang, tuy nhiên một vài đối tượng đặc biệt sẽ có nguy cơ cao hơn, bao gồm:
- Nữ giới: Do đặc điểm của hệ giải phẫu đường tiết niệu ở phụ nữ với niệu đạo ngắn nên vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào bàng quang hơn. Nam giới thường mắc phải bệnh viêm tinh hoàn hoặc viêm tiền liệt tuyến hơn nhiễm trùng tiết niệu.
- Tuổi: Người lớn tuổi với thể trạng kém, sức đề kháng suy yếu nên dễ nhiễm khuẩn hơn.
- Lượng nước tiểu ít cùng với sự ứ đọng nước tiểu làm tăng nguy cơ hình thành sỏi và nhiễm khuẩn.
- Các bệnh lý mạn tính: Mắc cùng lúc nhiều bệnh lý là một yếu tố bất lợi khi phải mang ống thông dẫn lưu bàng quang.
4. Chăm sóc người bệnh đặt ống thông dẫn lưu bàng quang
Sống chung với ống thông dẫn lưu bàng quang trong thời gian dài đòi hỏi bản thân người bệnh cũng như người chăm sóc phải chú ý nhiều điều để giảm thiểu tối đa các biến chứng. Một số điều cần lưu ý gồm:
- Tất cả các thao tác với hệ thống ống thông dẫn lưu bàng quang phải tuân thủ nguyên tắc vô trùng.
- Túi đựng nước tiểu cần chọn loại có van, có vạch định lượng và thường xuyên xả hết. Hạn chế việc tháo rời túi khỏi ống dẫn lưu.
- Đặt túi đựng nước tiểu ở vị trí thấp để chống trào ngược nước tiểu vào ngược bàng quang lên niệu quản.
- Cố định ống thông tiểu đúng cách: Dán băng keo cố định ống thông tiểu lên mặt trong của đùi đối với người bệnh nữ và trên vùng bẹn đối với người bệnh nam, khi cố định chừa khoảng cách cử động tránh chèn ép và kéo căng tạo áp lực lên lỗ niệu đạo.
- Uống nhiều nước, bảo đảm lượng nước tiểu khoảng 2 lít/ ngày.
- Khi phát hiện ống thông bị tắc cần bơm rửa bàng quang bằng bơm tiêm qua ống dẫn lưu. Thao tác này cần được thực hiện bởi nhân viên y tế.
- Thay ống dẫn lưu mỗi tháng một lần.
- Vệ sinh bộ phận sinh dục ngoài, hậu môn và lỗ tiểu ngoài thường xuyên cho bệnh nhân. Nếu có ống thông dẫn lưu bàng quang qua xương mu cần đảm bảo vết mổ khô và sạch, thay băng và vệ sinh vết mổ, tránh vấy bẩn nước tiểu.
- Theo dõi, phát hiện sớm các triệu chứng bất thường như đau bụng, sốt, nước tiểu có máu, đục, có cặn lắng, mùi hôi bất thường... để kịp thời xử lý.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.