Đo áp lực ổ bụng gián tiếp qua ống thông dẫn lưu bàng quang

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Đồng Xuân Hà - Bác sĩ Nội tiêu hoá - Khoa khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Tăng áp lực ổ bụng và hội chứng tăng áp lực ổ bụng gây tổn thương nhiều cơ quan như gây suy tim, rối loạn chức năng hô hấp, suy thận. Hậu quả làm tăng tỉ lệ tử vong. Xác định và điều trị sớm tình trạng tăng áp lực ổ bụng được chứng minh là cải thiện đáng kể khả năng sống cho bệnh nhân. Vậy làm thế nào để đo áp lực ổ bụng?

1. Áp lực ổ bụng là gì?

Áp lực ổ bụng (Intra-abdominal Pressure - IAP) được định nghĩa là áp lực ở trạng thái cân bằng động trong ổ bụng. Áp lực ổ bụng tăng lên khi hít vào, giảm khi thở ra và giá trị bình thường dao động từ 0 - 5 mmHg (0 - 7 cmH2O). Tuy nhiên, ở người béo phì, giá trị này có thể cao hơn.

Áp lực tưới máu bụng (Abdominal perfusion pressure - APP) là hiệu số của huyết áp trung bình động mạch (Mean Arterial Pressure - MAP) trừ đi áp lực ổ bụng (IAP).

APP = MAP - IAP

Theo hiệp hội khoang bụng thế giới, tăng áp lực ổ bụng (Intra-abdominal hypertension - IAH) là khi giá trị của áp lực ổ bụng ≥ 16 cmH20 trong ít nhất hai lần đo cách nhau 12 giờ.

Áp lực bàng quang (Bladder pressure) có ý nghĩa phản ánh áp lực ổ bụng và được đo thông qua ống thông vào đường tiểu, đơn vị đo là mmHg.

2. Các phương pháp đo áp lực ổ bụng

Có hai cách chính để đo áp lực ổ bụng là cách đo trực tiếp và cách đo gián tiếp:

  • Kỹ thuật đo áp lực ổ bụng trực tiếp: Áp lực ở bụng được đo thông qua kim hoặc ống thông trong khoang phúc mạc. Phương pháp này cho kết quả chính xác nhất. Tuy nhiên, có nhiều biến chứng có thể xảy ra như chảy máu, nhiễm trùng, thủng tạng,.. nên khó thực hiện thường quy.
  • Kỹ thuật đo gián tiếp qua bàng quang: Đây là phương pháp thường được thực hiện vì an toàn hơn, dễ thực hiện.

Ngoài ra, còn có một số phương pháp đo khác như đo qua dạ dày, đo qua áp lực trực tràng, đo qua tử cung và đo qua áp lực tưới máu chủ dưới.


Đo áp lực ổ bụng là để đánh giá và theo dõi áp lực ổ bụng
Đo áp lực ổ bụng là để đánh giá và theo dõi áp lực ổ bụng

3. Khi nào cần đo áp lực ổ bụng?

Mục đích của việc đo áp lực ổ bụng là để đánh giá và theo dõi áp lực ổ bụng trong một số bệnh lý gây tăng áp lực ổ bụng. Cụ thể là các trường hợp:

  • Bệnh nhân bị giảm áp lực thành bụng trong chấn thương và bỏng nặng, suy hô hấp cấp, sau phẫu thuật đóng kín ổ bụng.
  • Khi bệnh nhân có tình trạng tăng thể tích ống tiêu hóa như liệt dạ dày - ruột, tắc ruột, bán tắc ruột.
  • Bệnh nhân bị viêm tụy cấp
  • Trường hợp bệnh nhân tăng thể tích ổ bụng trong cổ chướng/suy gan, tràn máu/tràn khí phúc mạc.

4. Khi nào không được đo áp lực ổ bụng?

Không có chống chỉ định trong thủ thuật đo áp lực ổ bụng. Tuy nhiên, trong các trường hợp chống chỉ định của đặt ống thông dẫn lưu bàng quang (đặt sonde tiểu) như nhiễm khuẩn tiết niệu, chấn thương dập rách niệu đạo sẽ không thực hiện được. Ngoài ra, kết quả đo áp lực ổ bụng không chính xác nếu có khối u bàng quang.

5. Đo áp lực ổ bụng gián tiếp qua ống thông dẫn lưu bàng quang được thực hiện như thế nào?

5.1. Chuẩn bị

Nhân lực: 01 bác sĩ rửa tay, mặc áo như làm thủ thuật vô khuẩn.

Dụng cụ bao gồm: 01 đồng hồ đo áp lực hoặc thước chia vạch cmH20, khóa ba chạc, túi chứa nước tiểu, bơm tiêm 50ml, túi dịch truyền Natri Clorid 0,9%.

Trước khi thực hiện thủ thuật, người bệnh được giải thích để hợp tác khi làm thủ thuật. Bệnh nhân được đặt nằm ngửa trong tư thế ngay ngắn với hai chân duỗi thẳng, đầu bằng (lưu ý nếu kê cao đầu sẽ làm tăng áp lực ổ bụng). Bệnh nhân được vệ sinh tại vùng hậu môn, sinh dục và được đặt ống thông Foley dẫn lưu hết nước tiểu.

5.2. Quy trình thực hiện

Áp lực ổ bụng có thể được xác định dễ dàng thông qua đo áp lực bàng quang và được thực hiện lần lượt theo các bước:

Bước 1: Kết nối hệ thống khóa ba chạc với nhau: Đầu tiên, chạc ba số một nối một cổng với ống thông Foley và một cổng nối với túi đựng 1.000ml dung dịch muối đẳng trương 0,9%. Sau đó, thực hiện nối chạc ba số hai với chạc ba số một và một bơm tiêm 60ml. Cuối cùng, chạc ba thứ số 3 được nối với chạc ba số hai và hệ thống đo áp lực và túi chứa nước tiểu.

Bước 2: Các khóa một, hai, ba được mở để dẫn lưu hết nước tiểu ra túi rồi đóng đường dẫn túi nước tiểu ở khóa thứ trước khi mở đường tới cổng áp lực. Ở khóa thứ nhất, tiến hành khóa đường tới ống thông dẫn lưu bàng quang và mở đường tới túi dịch.

Bước 3: Tại chạc ba số hai, tiến hành hút 50ml dịch vào bơm tiêm và khóa đường tới túi dịch. Mở đường tới ống thông dẫn lưu bàng quang rồi bơm 50ml dịch vào bàng quang. Chờ sau thời gian từ 30 - 60 giây đề trạng thái cân bằng xảy ra và theo dõi áp lực tại đồng hồ đo áp lực, ghi nhận thông số áp lực của lần đo.

Tùy bệnh lý có thể thời gian và khoảng cách theo dõi áp lực ổ bụng phụ thuộc vào từng bệnh lý và người bệnh cụ thể.


Đo áp lực ổ bụng có thể chỉ định với bệnh nhân tăng thể tích ổ bụng trong cổ chướng/suy gan
Đo áp lực ổ bụng có thể chỉ định với bệnh nhân tăng thể tích ổ bụng trong cổ chướng/suy gan

6. Theo dõi biến chứng

Nhiễm trùng niệu là biến chứng có thể gặp do đặt và lưu ống thông bàng quang kéo dài. Tuy nhiên, biến chứng này có thể ngăn ngừa được bằng cách tuân thủ vô khuẩn trong quá trình làm thủ thuật và rút ngay ống thông bàng quang khi không cần theo dõi áp lực ổ bụng nữa.

Để tránh những biến chứng xảy ra, bạn nên lựa chọn những cơ sở y tế uy tín để thực hiện. Hiện nay đo áp lực ổ bụng gián tiếp qua ống thông dẫn lưu bàng quang đang được thực hiện thường quy tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống trang thiết bị máy móc hiện đại cùng đội ngũ bác sĩ là những chuyên gia hàng đầu có thể tiến hành chụp, chẩn đoán chính xác; giúp quá trình đều trị đạt hiệu quả cao.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe