Tăng huyết áp có thể phòng ngừa hiệu quả bằng các cách sau

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hồng Phúc - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc. Bác sĩ đã có nhiều năm kinh nghiệm trong điều trị huyết áp.

Tăng huyết áp là bệnh lý thường gặp ở những người lớn tuổi và đang có dấu hiệu ngày càng phổ biến ở người trẻ. Tăng huyết áp được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” bởi chúng có khả năng để lại nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

1. Vì sao Tăng huyết áp nguy hiểm?

Tăng huyết áp không chỉ đơn thuần là áp lực của dòng máu tác động lên thành động mạch tăng, mà nó còn kéo theo nhiều hệ lụy ảnh hưởng trực tiếp đến tim và động mạch. Theo thời gian, tăng huyết áp nếu không được theo dõi và kiểm soát tốt sẽ gây ra các biến chứng về tim mạch, đột quỵ và thận.

Trong đó, các biến chứng điển hình nhất là: Đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim, nhũn não, xuất huyết não, mờ mắt, bệnh động mạch ngoại vi, phình hoặc phình tách thành động mạch...Đây là những biến chứng có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh, có khả năng gây tàn phế và trở thành gánh nặng về tinh thần cũng như vật chất đối với gia đình bệnh nhân và xã hội.

Tăng huyết áp còn nguy hiểm bởi chúng thường diễn biến âm thầm và không có triệu chứng báo trước nào. Trên thực tế có nhiều bệnh nhân bị tăng huyết áp trong nhiều năm mà không hề hay biết. Đến khi phát hiện thì đã bị mắc các biến chứng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc phải chịu thương tật suốt đời. Không ít trường hợp bệnh nhân thấy có triệu chứng đau đầu thì cũng là lúc phát hiện mình bị xuất huyết não, khả năng cứu chữa vô cùng mong manh.

2. Nguyên nhân tăng huyết áp


Các nguyên nhân gây tăng huyết áp
Các nguyên nhân gây tăng huyết áp

Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tăng huyết áp như: tuổi cao, chế độ ăn uống không hợp lý (ăn mặn, ăn nhiều chất béo); thói quen sinh hoạt không lành mạnh (hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia); ít hoạt động thể lực; tình trạng thừa cân, béo phì; căng thẳng quá mức; mắc các bệnh lý về thận, nội tiết, bệnh tim mạch, tiền sử gia đình có người bị tăng huyết áp...

Phần lớn những yếu tố nguy cơ này có thể kiểm soát được nếu có hiểu biết đúng và có ý thức phòng tránh.

Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về huyết áp cao không?

Huyết áp cao còn được gọi là kẻ giết người thầm lặng vì bệnh thường không có triệu chứng. Thiếu hụt kiến thức về huyết áp cao có thể làm cho tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Dưới đây là những câu hỏi trắc nghiệm vui giúp bạn hiểu đúng về bệnh cao huyết áp.

3. Cần làm gì để phòng ngừa tăng huyết áp?

“Người bị huyết áp cao nên làm gì? Làm cách nào để phòng ngừa tăng huyết áp?” đều là những câu hỏi đang được rất nhiều người quan tâm.

Thực tế đúng là tăng huyết áp rất nguy hiểm nhưng chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa biến chứng tăng huyết áp nếu tuân thủ một số phương pháp điều trị nghiêm ngặt.

Việc điều trị tăng huyết áp là một quá trình lâu dài và tổng thể dựa trên sự kết hợp giữa nhiều chế độ: Tập luyện, ăn uống, thư giãn đầu óc và sử dụng thuốc. Dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn có thể phòng ngừa hoặc giảm thiểu dấu hiệu bệnh lý.

3.1 Giảm cân ở người thừa cân hoặc béo phì

Thực tế rất nhiều người tăng huyết áp bị thừa cân. Nguy cơ huyết áp cao thường tăng dần ở phụ nữ cao tuổi sau mãn kinh, những người béo phì, bụng to (với vùng bụng >85cm ở nữ và >95cm ở nam).

Đối với trường hợp này, các bác sĩ có thể chỉ định một chế độ ăn kết hợp với tập luyện dành cho bạn. Kết quả là khi cân nặng giảm xuống, huyết áp của bạn cũng giảm theo đáng kể.

3.2 Điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý

Một chế độ ăn uống hợp lý có thể giúp làm giảm huyết áp và kiểm soát cân nặng. Chế độ ăn hợp lý được đề xuất như sau:

  • Nên ăn: Hoa quả, rau, ngũ cốc thô như gạo lứt, các loại đậu..., thực phẩm nhiều xơ (vì chất xơ có tác dụng chuyển hóa các chất béo và làm hạ huyết áp). Nên ăn thức ăn không có mỡ và rất ít mỡ, tiêu thụ chất béo có nguồn gốc thực vật, dầu thực vật, dầu cá; ăn các loại hải sản giàu Omega 3 như cá hồi, cá trích..và mỗi ngày nên ăn khoảng 55 - 95g các chế phẩm từ sữa như sữa chua.
  • Không nên ăn: các loại thịt đỏ như thịt heo, thịt bò..., lòng đỏ trứng, nội tạng, tiết động vật, các loại thức ăn nhanh (mì tôm...) và thực phẩm ăn sẵn chiên rán. Hạn chế các loại nước ngọt có ga, các loại bia, bột nở, các loại bột làm sủi bọt...

Nếu có thể nên cắt giảm tối đa muối trong khẩu phần ăn hàng ngày vì Natri, một thành phần chính có trong muối thường giữ nước, tăng gánh nặng cho tim. Càng ăn nhạt, càng tiêu thụ ít muối (dưới 5g/ngày) thì càng tốt cho người bệnh tăng huyết áp.

3.3 Tăng cường tập luyện thể lực


Tăng cường tập luyện thể lực là việc cần thiết để phòng ngừa tăng huyết áp
Tăng cường tập luyện thể lực là việc cần thiết để phòng ngừa tăng huyết áp

Cùng với việc điều chỉnh chế độ ăn uống thì tập luyện thể lực là một phần không thể thiếu của chương trình điều trị hàng ngày. Luyện tập thể dục thường xuyên có tác dụng làm giảm huyết áp và giảm cân nặng, duy trì cân nặng cơ thể ở mức lý tưởng. Để phòng ngừa tăng huyết áp chúng ta nên luyện tập ít nhất 30 phút mỗi ngày và hầu hết các ngày trong tuần. Các bài tập có thể đa dạng từ đi bộ nhanh, đạp xe, yoga, tập aerobic hoặc bơi lội..v.v..tùy vào sở thích và khả năng tập luyện của mỗi người.

3.4 Từ bỏ những thói quen xấu

  • Bỏ hút thuốc lá: Các nghiên cứu chỉ rõ việc hút thuốc lá làm gia tăng nguy cơ tim mạch gấp nhiều lần ở người cao huyết áp. Ngưng hút thuốc là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa tăng huyết áp và các bệnh tim mạch.
  • Hạn chế uống rượu quá mức: Việc uống nhiều rượu sẽ dẫn tới nguy cơ béo phì, tăng huyết áp khó kiểm soát và gia tăng nguy cơ tai biến mạch máu não.
  • Hạn chế stress, căng thẳng quá mức: Stress thường dẫn đến những thói quen không lành mạnh như chế độ ăn bừa bãi, lạm dụng rượu bia, thuốc lá...gây ảnh hưởng tới các chỉ số huyết áp. Cách tốt nhất là bạn không nên thức khuya, làm việc quá căng thẳng, nên ngủ đúng giờ và tối thiểu 7 giờ/ngày.

4. Khám và điều trị huyết áp, bệnh tim mạch tại địa chỉ uy tín

Tăng huyết áp là bệnh lý nguy hiểm mang tính chất kéo dài, tiềm ẩn nhiều biến chứng khó lường có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người bệnh. Do đó để phòng chống tăng huyết áp người trưởng thành nên thường xuyên đo kiểm tra huyết áp để phát hiện sớm các dấu hiệu. Người bị bệnh tăng huyết áp ngoài việc áp dụng các biện pháp tích cực thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt còn cần được theo dõi bệnh lý lâu dài và phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa bệnh nhân và bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02439743556 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Hội Tim mạch học Việt Nam

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe