Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Ngô Đắc Thanh Huy - Bác sĩ Tim mạch - Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Tăng huyết áp là tình trạng mà áp lực máu lên thành động mạch vượt ngưỡng cho phép. Đa số tình trạng tăng huyết áp chưa tìm được nguyên nhân gây ra bệnh. Việc điều trị chủ yếu là phải dùng thuốc hạ áp nhằm duy trì huyết áp ổn định. Cho nên để tránh tác hại không nên tự ý ngưng uống thuốc huyết áp.
1. Vì sao người bệnh tự ý dừng uống thuốc hạ huyết áp?
Tăng huyết áp là khi chỉ số huyết áp tâm thu từ 140mmHg trở lên hoặc chỉ số huyết áp tâm trương từ 90mmHg trở lên. Trên thực tế có tới trên 90% số trường hợp tăng huyết áp chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh, gọi là tăng huyết áp nguyên phát.
Bệnh tăng huyết áp thường gặp ở người cao tuổi gây mức ảnh hưởng rất nghiêm trọng đối với sức khỏe mà chúng ta không thể lường trước được. Tuy nhiên, tăng huyết áp là bệnh lý mạn tính, được coi như một kẻ giết người thầm lặng, ít khi có các biểu hiện lâm sàng, do đó rất khó phát hiện bệnh. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời tăng huyết áp gây ra những biến chứng khó lường.
Lý do khiến người bệnh tự ngưng dùng thuốc huyết áp là vì người bệnh cảm thấy huyết áp đã trở về bình thường nên dừng việc uống thuốc lại . Một số trường hợp, lo sợ gặp phải các tác dụng không mong muốn của thuốc khi dùng thuốc lâu dài hoặc quên khi dùng thuốc đều đặn hàng ngày...
Mục đích của việc điều trị tăng huyết áp trước hết là duy trì huyết áp ở mức tối ưu để ngăn ngừa các biến chứng. Nguyên tắc quan trọng nhất trong điều trị tăng huyết áp là điều trị lâu dài, điều trị cả đời, không được tự ý dừng thuốc hay tăng liều thuốc khi chưa được sự cho phép của bác sĩ.
2. Khi nào dừng uống thuốc hạ huyết áp
Có rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh tăng huyết áp thắc mắc “Có nên dừng uống thuốc huyết áp hay không?” và “Khi nào dừng thuốc huyết áp”. Trên thực tế, việc sử dụng thuốc đòi hỏi lâu dài, trọn đời. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân mà bệnh nhân tự dừng uống thuốc hạ huyết áp, việc này có thể dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng.
3. Tác hại khi tự ý ngừng uống thuốc huyết áp
Trong quá trình dùng thuốc chỉ số huyết áp trở về bình thường là nhờ vào việc dùng thuốc đều đặn hàng ngày, khi ngưng thuốc dẫn đến huyết áp tăng cao đột ngột, thành mạch yếu hơn và dễ dàng bị vỡ, đây chính là nguyên nhân gây tình trạng xuất huyết và các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.
Ngoài ra, đột ngột dừng thuốc điều trị thì mức huyết áp sẽ tăng trở lại như trước khi điều trị, thậm chí còn tăng cao hơn mà cơ thể chưa thích nghi kịp, có thể gây ra những biến chứng của bệnh tăng huyết áp.
Các biến chứng bao gồm:
- Nhồi máu cơ tim: Tăng huyết áp là nguyên nhân hình thành mảng xơ vữa, nếu những mảng xơ vữa này bị nứt, vỡ trong lòng động mạch vành sẽ hình thành huyết khối, làm tắc động mạch vành gây tình trạng nhồi máu cơ tim. Đây là tình trạng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong do hoại tử cơ tim nếu không được điều trị kịp thời.
- Suy tim: Tăng huyết áp lâu ngày làm cơ tim phì đại, gây phì đại thất trái do tăng áp lực máu ngoại vi, tim trái phải tăng co bóp để đẩy máu vào động mạch chủ, điều này nếu không được điều trị sẽ dẫn tới suy tim trái rồi suy tim toàn bộ.
- Xuất huyết não: Khi ngừng thuốc trị tăng huyết áp đột ngột, huyết áp có thể tăng lên quá cao cơ thể không kịp thích nghi, mạch máu não không chịu nổi áp lực cao có thể bị vỡ, gây ra tình trạng xuất huyết não, làm cho người bệnh bị liệt nửa người, liệt hoàn toàn, nặng thì có thể tử vong, tùy vùng xuất huyết lớn hay nhỏ và tùy vào vị trí vùng xuất huyết. Xuất huyết não là tình trạng nguy hiểm mà nguyên nhân chủ yếu là do bệnh tăng huyết áp, do vậy đừng tự ý ngưng dùng thuốc.
- Thiếu máu não hay nhồi máu não: Tăng huyết áp làm hẹp động mạch cảnh, động mạch não, làm máu bơm lên não không đủ khiến bệnh nhân thấy chóng mặt, hoa mắt, có khi bất tỉnh. Nặng thì gây ra liệt nửa người do không đủ máu nuôi dưỡng cho não, không chỉ vậy có thể gây hình thành huyết khối làm tắc mạch máu não gây chết một vùng não.
- Xuất huyết ngoại vi: Gây ra tình trạng như chảy máu mũi, chảy máu răng miệng... tình trạng này gây ra do sự vỡ mạch máu ngoại vi bởi áp lực máu lên thành động mạch lớn làm thành mạch suy yếu.
- Một số hậu quả khác: Ngừng thuốc huyết áp đột ngột khiến huyết áp tăng trở lại còn là nguyên nhân gây các biến chứng về thận gây hẹp động mạch thận, suy thận; mắt như biến chứng võng mạc, xuất huyết võng mạc và biến chứng mạch ngoại vi...
Do vậy, để tránh những hậu quả nghiêm trọng này, biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất là người bệnh không được tự ý ngừng điều trị, tuân thủ đúng việc sử dụng thuốc là biện pháp bảo vệ chính bạn. Khi nào dừng uống thuốc huyết áp hay cần chỉnh liều thuốc phụ thuộc vào bác sĩ điều trị chỉ định. Bạn nên thăm khám thường xuyên để biết tình trạng bệnh của mình giúp cho việc kiểm soát bệnh và dùng thuốc chính xác hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.