Trứng là một loại thực phẩm tốt cho sức khỏe với nhiều vitamin và các nguyên tố vi lượng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp như bệnh sỏi mật, tiêu chảy,... thì trứng có thể gây hại cho cơ thể. Vậy người bệnh mạch vành có ăn trứng được không? Hãy cùng tìm hiểu vấn đề này trong bài viết dưới đây.
1. Giá trị dinh dưỡng của trứng
Người bệnh tim có ăn trứng được không luôn là một chủ đề gây tranh cãi. Trứng là một loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, cung cấp nguồn protein, lipid, vitamin, chất khoáng, các men và hormon phong phú nên thường được khuyến cáo thêm vào chế độ ăn hằng ngày.
Tỉ lệ các chất dinh dưỡng trong trứng rất cân đối, thành phần trứng gồm lòng đỏ và lòng trắng. Các chất dinh dưỡng tập trung chủ yếu ở lòng đỏ trứng với 13,6% đạm, 29,8% béo và 1,6% chất khoáng. Lòng trắng chứa chủ yếu là nước, có 10,3% protein, lipid, hàm lượng vitamin và khoáng chất rất thấp.
Protein của trứng là nguồn cung cấp các acid amin cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là sự phát triển cân nặng và chiều cao của trẻ. Protein của trứng chứa các acid amin tốt và hoàn thiện nhất. Protein của lòng đỏ trứng chủ yếu thuộc loại đơn giản và nằm ở trạng thái hoà tan. Trong khi đó, lòng trắng chứa chủ yếu là Albumin và cũng có thành phần acid amin tương đối hoàn thiện.
Thêm vào đó, trứng chứa nguồn chất béo rất quý là Lecithin, Lecithin thường ít có ở các thực phẩm khác. Lecithin tham gia vào thành phần cấu tạo tế bào và dịch thể của não. Theo các nghiên cứu, Lecithin có tác dụng điều hòa Cholesterol, ngăn chặn sự tích lũy Cholesterol, thúc đẩy thải trừ Cholesterol ra khỏi cơ thể.
Trứng chứa lượng Cholesterol cao (600mg Cholesterol/100g trứng gà), chính vì vậy nên nhiều bệnh nhân thắc mắc bệnh mạch vành có ăn trứng được không. Tuy nhiên, trứng cũng có tương quan thuận lợi giữa Lecithin và Cholesterol, do đó Lecithin sẽ điều hòa Cholesterol ngăn ngừa xơ vữa động mạch, đồng thời đào thải Cholesterol ra khỏi cơ thể.
Ngoài ra, trứng là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất tốt cho cơ thể như sắt, kẽm, đồng, mangan, I-ốt, vitamin A, vitamin D, vitamin K,... Đặc biệt, trong trứng có chứa Biotin (vitamin B8) tham gia vào chu trình sản xuất năng lượng.
2. Điều gì xảy ra khi ăn quá nhiều trứng?
Người bình thường, khỏe mạnh hoặc mắc bệnh tim có ăn trứng được không? Mặc dù là nguồn dinh dưỡng quý giá, tuy nhiên khi ăn nhiều trứng có thể gây ra các tác hại:
- Tăng nguy cơ đột quỵ, suy tim, thậm chí dẫn tới tử vong: Một quả trứng có thể chứa tới 200mg Cholesterol nên khi ăn quá nhiều sẽ làm tăng Cholesterol máu gây xơ vữa động mạch.
- Tăng nguy cơ xơ gan: Các dưỡng chất trong trứng có thể kích thích tăng men gan, hocmon, tích tụ trong gan gây xơ gan.
- Tăng nguy cơ béo phì: Ăn quá nhiều trứng, lượng protein dồi dào, hấp thu quá mức làm tăng lượng mỡ trong cơ thể dẫn tới tăng cân không kiểm soát, béo phì ở trẻ nhỏ.
- Cao huyết áp: Đặc biệt là ở người trung niên do lượng Cholesterol tồn động gây tắc mạch máu, làm tăng huyết áp.
3. Bệnh mạch vành có ăn trứng được không?
Trứng là thực phẩm giàu dinh dưỡng và dễ chế biến, các chất dinh dưỡng ở tỉ lệ thích hợp, cân đối. Trứng có thể sử dụng cho người già, trẻ em. Với người bệnh tăng huyết áp hoặc Cholesterol máu cao vẫn có thể ăn trứng với tần suất hợp lý vì những kết quả nghiên cứu của các chuyên gia dinh dưỡng đến từ Hoa Kỳ đã khẳng định sử dụng trứng không làm tăng Cholesterol máu và tăng huyết áp. Tần suất sử dụng trứng ở người có tăng huyết áp và mỡ máu cao khoảng 2 – 3 lần/tuần.
Ngoài ra, người bệnh tim mạch nên lựa chọn phương pháp chế biến trứng lành mạnh như ăn trứng với bánh mì sandwich, salad, trứng ốp lết, trứng luộc. Hạn chế trứng chiên vì có thể làm tăng lượng chất béo đưa vào cơ thể và tăng các biến chứng tim mạch.
4. Người bệnh mạch vành nên ăn gì?
Để ngăn ngừa bệnh mạch vành diễn biến nghiêm trọng và hạn chế biến chứng tim mạch, người bệnh cần thực hiện chế độ ăn lành mạnh với:
- Trái cây tươi và rau quả: Tăng cường ăn các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật có thể cải thiện bệnh tim và giúp ngăn ngừa cơn đau tim, ngừng tim đột ngột. Trái cây và rau quả chứa nhiều vitamin và khoáng chất, chất xơ, góp phần vào sức khỏe của hệ tim mạch. Thêm vào đó, những thực phẩm này chứa năng lượng thấp (ít calo), nên có thể giúp bạn duy trì cân nặng hợp lý. Trái cây và rau củ chứa nhiều chất xơ, vì vậy chúng giúp giảm mức Cholesterol và bảo vệ tim mạch. Tuy nhiên, cần tránh những loại trái cây đóng gói trong xi-rô, chứa nhiều đường và có lượng calo cao hơn.
- Các loại ngũ cốc: Ăn ngũ cốc nguyên hạt cũng có thể góp phần vào sức khỏe tim mạch và giảm tác động tiêu cực của bệnh mạch vành. Tương tự trái cây và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi và là nguồn cung cấp chất xơ tốt cho cơ thể. Do đó, chúng góp phần điều chỉnh lượng cholesterol trong máu và huyết áp. Các lựa chọn tốt bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, ngũ cốc giàu chất xơ, gạo lức, yến mạch,... Tuy nhiên, cần tránh các loại ngũ cốc như bánh mì trắng, bánh quy, mì trứng, bánh mì ngô, bánh quế đông lạnh, bánh rán, bánh quy, ...
- Chất béo lành mạnh: Bao gồm các loại chất béo không bão hòa một nối đôi và chất béo không bão hòa nhiều nối đôi. Chúng được tìm thấy trong dầu ô liu, dầu hạt cải, các loại hạ, bơ thực vật giảm cholesterol. Bạn cũng nên tìm các sản phẩm sữa không béo hoặc ít béo như sữa chua, kem chua và pho mát.
- Thịt nạc: Các lựa chọn lành mạnh bao gồm các loại cá giàu axit béo omega-3, giúp giảm mức cholesterol và chất béo trung tính như cá hồi, cá trích và các loại cá nước lạnh khác. Các nguồn protein lành mạnh khác bao gồm đậu Hà Lan và đậu lăng, đậu nành, gia cầm không da, ...
Tóm lại, trứng là thực phẩm giàu dinh dưỡng, các chất dinh dưỡng ở tỉ lệ thích hợp, cân đối. Với người bị bệnh tim mạch như bệnh mạch vành, tăng huyết áp hoặc Cholesterol máu cao vẫn có thể ăn trứng với tần suất 2 – 3 lần/tuần. Nên lựa chọn phương pháp chế biến trứng lành mạnh như ăn với bánh mì sandwich, salad, ốp lết hay luộc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.