Phẫu thuật viêm ruột thừa (mổ mở): Chỉ định khi nào?

Mổ viêm ruột thừa giúp bệnh nhân tránh được những biến chứng nghiêm trọng của viêm ruột thừa như vỡ ruột thừa, gây nhiễm trùng lan tỏa trong khoang bụng và hình thành các túi mủ. Có hai phương pháp phẫu thuật chính để điều trị viêm ruột thừa: mổ mở và mổ nội soi. Mổ mở là phương pháp truyền thống và đã được áp dụng rộng rãi đối với đa số bệnh nhân.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Sơ lược về viêm ruột thừa

Mổ viêm ruột thừa là biện pháp điều trị quan trọng khi ruột thừa bị viêm. Ruột thừa là một phần nhỏ của hệ tiêu hóa, dạng ống hẹp và dài vài centimet, nối với manh tràng ở vùng bụng dưới bên phải. Tình trạng viêm ruột thừa xảy ra khi có sự tắc nghẽn tại ruột thừa, có thể do sỏi phân, ký sinh trùng, sỏi mật hoặc u ruột thừa. Tắc nghẽn làm tăng áp lực bên trong ruột thừa, giảm lưu lượng máu đến mô, từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển nhanh chóng, gây viêm, sưng và tích tụ mủ.

Các triệu chứng điển hình của bệnh viêm ruột thừa bao gồm đau bụng, sốt và các rối loạn tiêu hóa. Việc chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào các phương pháp khám lâm sàng, xét nghiệm máu, siêu âm ổ bụng, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ hay nội soi ổ bụng.

Nếu không được điều trị kịp thời, ruột thừa có thể vỡ làm giải phóng vi khuẩn vào ổ bụng và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như viêm phúc mạc ruột thừa, hình thành áp xe hoặc đám quánh ruột thừa. 


Tình trạng viêm ruột thừa cần phải tiến hành mổ viêm ruột thừa.
Tình trạng viêm ruột thừa cần phải tiến hành mổ viêm ruột thừa.

Mổ viêm ruột thừa thường được áp dụng như phương pháp điều trị chính để loại bỏ ruột thừa bị viêm. Trước khi tiến hành hẫu thuật viêm ruột thừa, bệnh nhân có thể được điều trị bằng kháng sinh để phòng ngừa nhiễm trùng. Có hai hình thức phẫu thuật chính: mổ nội soi và mổ hở.  

Trong trường hợp ruột thừa đã bị vỡ và hình thành áp xe xung quanh, việc đặt ống dẫn lưu qua thành bụng vào ổ áp xe để thoát mủ là bước cần thiết trước khi thực hiện phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa. Điều này giúp kiểm soát tình trạng nhiễm trùng trước khi phẫu thuật.  

Đối với những bệnh nhân chỉ xuất hiện một số triệu chứng nhẹ và không cần thiết phải phẫu thuật viêm ruột thừa ngay, việc điều trị bằng kháng sinh để theo dõi diễn biến bệnh là phương án được áp dụng. Tuy nhiên, phương pháp này có thể không hoàn toàn loại bỏ được nguy cơ tái phát của viêm ruột thừa.

2. Khi nào cần phải mổ viêm ruột thừa?

Cần thực hiện phẫu thuật cắt ruột thừa khi phát hiện tình trạng viêm, sưng và đau ở ruột thừa kèm theo nhiễm trùng. Tình trạng này cần được xử lý gấp vì ruột thừa có nguy cơ vỡ ra và gây ra nhiễm trùng lan tỏa trong ổ bụng. Trong khoảng 48 đến 72 giờ sau khi người bệnh bắt đầu cảm thấy các triệu chứng đầu tiên, ruột thừa viêm sẽ có nguy cơ vỡ. Vì vậy bệnh nhân cần can thiệp phẫu thuật viêm ruột thừa sớm để tránh các biến chứng nghiêm trọng. 


Sau khi xem xét tình trạng bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định có nên thực hiện mổ viêm ruột thừa hay không.
Sau khi xem xét tình trạng bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định có nên thực hiện mổ viêm ruột thừa hay không.

3. Mổ viêm ruột thừa có nguy hiểm không

Phẫu thuật cắt ruột thừa được đánh giá là thủ thuật tương đối đơn giản và an toàn. Tuy nhiên, như mọi cuộc phẫu thuật, phương pháp này cũng có thể dẫn đến một số biến chứng như chảy máu kéo dài cùng các dấu hiệu như buồn nôn, đau bụng quặn, đầy hơi hoặc đi cầu phân đen; nhiễm trùng biểu hiện qua sốt, sưng đỏ và chảy máu hoặc có dịch tiết mùi hôi từ vết mổ; tổn thương các cơ quan trong khoang bụng; tắc ruột hoặc viêm phúc mạc do sự rò rỉ từ mỏm cắt ruột thừa gây nhiễm trùng khoang phúc mạc.

Dù có nguy cơ nhưng tỉ lệ xuất hiện rủi ro vẫn thấp hơn so với tình trạng để viêm ruột thừa không được điều trị. Nếu ruột thừa bị vỡ hoặc hình thành áp xe, mủ có thể tràn vào ổ bụng, phức tạp hoá quá trình điều trị và có thể đe dọa đến tính mạng. Do đó, việc can thiệp phẫu thuật kịp thời là cần thiết để ngăn chặn các biến chứng nghiêm trọng.

4. Các phương pháp phẫu thuật viêm ruột thừa

Các phương pháp mổ viêm ruột thừa bao gồm hai loại chính:

  • Mổ mở viêm ruột thừa: Đây là phương pháp truyền thống, bác sĩ thực hiện một đường rạch dài từ 5 - 10 cm trên bụng để cắt bỏ ruột thừa bị viêm.
  • Mổ nội soi viêm ruột thừa: Phương pháp này sử dụng các vết rạch nhỏ trên bụng, qua đó các thiết bị nội soi và ống quang video được đưa vào để thực hiện cắt bỏ ruột thừa.  

Mổ nội soi với những ưu điểm giúp mang lại nhiều lợi ích như thời gian hồi phục nhanh hơn, ít đau và để lại sẹo nhỏ, phù hợp với những bệnh nhân cao tuổi hoặc bị béo phì. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng thích hợp để áp dụng phương pháp này và đôi khi cần phải thực hiện mổ mở.

Thời gian nằm viện sau phẫu thuật tùy thuộc vào phương pháp: khoảng 2 - 3 ngày cho mổ nội soi và có thể lâu hơn đối với mổ mở. Biến chứng có thể xảy ra sau phẫu thuật bao gồm nhiễm trùng (chiếm 2 - 4% các ca phẫu thuật), tạo cục máu đông và các vấn đề tim mạch hoặc hô hấp.


Ruột thừa được loại bỏ bằng phương pháp nội soi.
Ruột thừa được loại bỏ bằng phương pháp nội soi.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể sẽ được chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau. Chế độ ăn uống ban đầu nên là thực phẩm lỏng và chỉ chuyển sang thức ăn thường khi hệ tiêu hóa đã hồi phục hoàn toàn. Trong tuần đầu tiên sau mổ, bệnh nhân nên hạn chế vận động mạnh và không nên nâng vật nặng. Vết mổ sẽ liền sẹo trong vòng 4 - 6 tuần và sẽ nhạt dần theo thời gian.

5. Chi tiết về phương pháp mổ viêm ruột thừa (mổ hở)

Mổ viêm ruột thừa theo phuơng thức mổ hở là kỹ thuật phẫu thuật truyền thống để điều trị tình trạng viêm ruột thừa. Quá trình này bao gồm việc cắt bỏ ruột thừa bị viêm qua một vết rạch lớn trên vùng bụng dưới bên phải của bệnh nhân. Đây cũng là phương pháp được sử dụng để kiểm tra các cấu trúc bên trong của khoang bụng khi cần thiết.

Các chỉ định cho mổ hở được khuyến nghị trong những trường hợp người bệnh không thể mổ nội soi bao gồm:

  • Tình trạng ruột thừa đã vỡ và nhiễm trùng đã lan rộng ra ngoài khu vực ruột thừa hoặc đã hình thành áp xe.
  • Bệnh nhân có tiền sử phẫu thuật mở bụng trước đó.

Quy trình mổ mở viêm ruột thừa diễn ra như sau:

  • Bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân.
  • Bác sĩ thực hiện một vết rạch dài từ 5 - 10 cm ở vùng bụng dưới bên phải.
  • Xác định vị trí của ruột thừa, bác sĩ sử dụng các dụng cụ phẫu thuật để cắt bỏ ruột thừa và các mô xung quanh bị tổn thương.
  • Sau khi cắt bỏ, bác sĩ sẽ kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo không có tổn thương nào ở các mô lân cận.
  • Cuối cùng, vết mổ sẽ được khâu lại và băng lại bằng băng vô trùng để ngăn chặn nhiễm trùng. 

Vị trí vết mổ viêm ruột thừa nằm ở bên phải.
Vị trí vết mổ viêm ruột thừa nằm ở bên phải.

Mổ viêm ruột thừa theo phương thức mổ hở thường kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ nếu không xuất hiện biến chứng. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân cần dành thời gian nghỉ ngơi và được theo dõi tại bệnh viện ít nhất một tuần trước khi được phép xuất viện. Trong những ngày đầu sau mổ, người bệnh có thể trải qua các triệu chứng như đau và mệt mỏi, tuy nhiên, những triệu chứng này sẽ dần thuyên giảm.

Nếu bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu bất thường như sưng, đau tăng tại vết mổ; nôn mửa liên tục; rỉ mủ tại vết mổ, có màu đỏ hoặc nóng; sốt cao, cần thông báo ngay cho bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời.

Khi đã được chẩn đoán chính xác bệnh nhân đã bị viêm ruột thừa, việc phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa càng sớm càng tốt là phương pháp điều trị hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ biến chứng. Bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ dẫn của bác sĩ trước, trong và sau khi phẫu thuật để đảm bảo quá trình điều trị diễn ra thuận lợi và hạn chế tối đa các rủi ro.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe