Nội soi ổ bụng diễn ra thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương - Bác sĩ nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Nội soi ổ bụng được thực hiện khi cần quan sát các cơ quan bên trong ổ bụng. Phẫu thuật này diễn ra nhanh chóng, ít tổn thương, ít đau đớn, thời gian phục hồi nhanh nên thường được áp dụng phổ biến.

1. Nội soi ổ bụng là gì?

Nội soi ổ bụng là phương pháp chẩn đoán hình ảnh thông qua phẫu thuật ít xâm lấn. Nội soi ổ bụng có thể kết hợp để điều trị nhiều bệnh lý liên quan. Có những trường hợp bệnh lý không thể xác định được chính xác tình trạng, vị trí tổn thương, nguyên nhân tổn thương ngay cả khi đã chụp X - quang, siêu âm, buộc phải quan sát trực tiếp. Khi đó, nội soi ổ bụng được thực hiện nhằm mục đích hỗ trợ chẩn đoán các vấn đề của tạng trong vùng bụng và vùng chậu. Đặc biệt, nội soi ổ bụng được thực hiện nhiều trong phụ khoa.

Các bác sĩ sẽ sử dụng một ống kim loại có gắn máy quay phim mà đèn chiếu sáng luồn vào trong cơ thể bệnh nhân để quan sát toàn bộ vùng ổ bụng, từ đó có thể đưa ra chẩn đoán và phương hướng điều trị cụ thể.

2. Quy trình thực hiện nội soi ổ bụng như thế nào?


Hình ảnh nội soi ổ bụng
Hình ảnh nội soi ổ bụng

Trước khi tiến hành nội soi ổ bụng, bệnh nhân sẽ được tiến hành gây mê. Với các trường hợp thực hiện thủ thuật nhỏ như thắt ống dẫn trứng, bệnh nhân có thể chỉ cần gây mê dưới màng cứng. Nhưng hầu như, bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân, mất cảm giác trong quá trình phẫu thuật.

Quy trình nội soi ổ bụng bao gồm:

  • Bác sĩ sẽ rạch một vết nhỏ trên thành bụng, ngay dưới rốn bệnh nhân. Vết rạch nhỏ dưới 1,5 inch. Sau đó, bác sĩ đưa khí carbon dioxide vào bên trong khoang bụng bệnh nhân thông qua một cây kim tiêm để vùng bụng phình lên, giúp dễ dàng quan sát các cơ quan bên trong;
  • Bác sĩ sử dụng ống trocar chọc quá vết rạch trước đó để tạo đường cho ống nội soi đi vào trong cơ thể bệnh nhân;
  • Ống nội soi được gắn một thiết bị quan sát và một thiết bị chiếu sáng chuyên dụng. Hình ảnh thu được thông qua camera sẽ được truyền lên một màn hình bên ngoài. Dựa vào hình ảnh thu được, các bác sĩ có thể nắm bắt được tình trạng, mức độ tổn thương, vị trí tổn thương và đưa ra phương án điều trị;
  • Nếu phát hiện các tổn thương có thể xử lý được, các bác sĩ sẽ kết hợp phẫu thuật giải quyết bệnh. Khi đó, bác sĩ sẽ rạch thêm một vài vết rạch nhỏ trên bụng bệnh nhân để đưa dụng cụ phẫu thuật vào bên trong.

3. Nội soi ổ bụng có đau không?

Trước khi thực hiện nội soi ổ bụng, bệnh nhân đã được gây mê toàn thân, do đó bệnh nhân sẽ ngủ trong quá trình thực hiện và không cảm thấy đau đớn. Sau khi hết tác dụng của thuốc mê, bệnh nhân tỉnh lại có thể cảm thấy mệt mỏi và có một chút đau nhưng mức độ đau hoàn toàn nằm trong ngưỡng có thể chịu đựng được. Cảm giác đau cũng sẽ nhanh chóng biến mất, bệnh nhân sẽ hồi phục nhanh chóng.

Phẫu thuật nội soi ổ bụng được đánh giá là rất an toàn và ít đau đớn hẳn so với các phương pháp khác. Vết rạch trên thành bụng rất nhỏ, nhiều bệnh nhân thậm chí còn không cảm thấy đau tại vết mổ. Vết rạch nhỏ nên da sẽ mau lành, khả năng viêm, nhiễm trùng vết mổ cũng rất thấp. Tuy nhiên, người bệnh cũng không nên chủ quan, cần vệ sinh vết mổ sạch sẽ, giữ cho vết mổ khô ráo và kiêng khem một số thực phẩm có thể ảnh hưởng đến vết mổ.

Sau khi tháo chỉ hoặc chỉ tự tiêu, vết mổ sẽ để lại một vết sẹo rất nhỏ trên da, thậm chí gần như không nhìn thấy sẹo. Phẫu thuật nội soi ổ bụng vừa ít đau đớn, vừa tăng tính an toàn, thời gian thực hiện nhanh chóng, hồi phục nhanh, lại mang tính thẩm mỹ nên thường xuyên được sử dụng.

4. Những điều cần lưu ý khi thực hiện nội soi ổ bụng


Bệnh nhân trước khi thực hiện nội soi ổ bụng cần nhịn ăn ít nhất 8 tiếng đồng hồ
Bệnh nhân trước khi thực hiện nội soi ổ bụng cần nhịn ăn ít nhất 8 tiếng đồng hồ

4.1. Nội soi ổ bụng có cần nhịn ăn không?

Bệnh nhân trước khi thực hiện nội soi ổ bụng cần nhịn ăn ít nhất 8 tiếng đồng hồ. Trong thời gian này, nếu bệnh nhân sử dụng bất cứ loại thuốc nào cần phải có sự đồng ý của bác sĩ điều trị.

4.2. Các vấn đề sau khi nội soi ổ bụng

Sau khi nội soi ổ bụng, do tác dụng của thuốc gây mê, các loại khí sử dụng trong quá trình nội soi... mà bệnh nhân có thể gặp phải một số triệu chứng như:

  • Người mệt mỏi
  • Choáng váng, chóng mặt
  • Đau, sưng tại vết mổ
  • Đau vai, đau lưng

Tuy nhiên, bệnh nhân cũng không cần quá lo lắng vì các triệu chứng này sẽ không kéo dài, thường sẽ biến mất sau khoảng 1 - 2 ngày.

Thời gian bình phục của mỗi người sau phẫu thuật là khác nhau, tùy thuộc vào thể trạng của mỗi người và mức độ phức tạp của từng loại phẫu thuật.

Sau khi phẫu thuật nội soi ổ bụng, bệnh nhân nên đứng dậy và đi lại để tránh bị dính ruột và dễ trung tiện. Bệnh nhân chỉ được ăn cháo loãng, sau khi đi trung tiện mới có thể ăn uống bình thường.

Sau khi xuất viện trở về nhà, bệnh nhân nên nghỉ ngơi và tiến hành vận động nhẹ nhàng, tránh các hoạt động thể lực nặng. Nếu thấy vết mổ hoặc sức khỏe bản thân có dấu hiệu bất thường thì cần đến bệnh viện kiểm tra càng sớm càng tốt.

4.3. Các biến chứng sau nội soi ổ bụng

Hầu hết các ca phẫu thuật nội soi ổ bụng đều không để lại biến chứng đáng kể nào. Một vài trường hợp có thể bị bầm tím hoặc rỉ máu tại vết mổ. Một vài biến chứng nguy hiểm hơn nhưng cũng rất ít gặp có thể xảy ra như:

  • Nhiễm trùng vết mổ
  • Biến chứng do gây mê, do đặt ống thở...
  • Tổn thương cấu trúc ổ bụng
  • Viêm tắc tĩnh mạch

Thực hiện phẫu thuật nội soi ổ bụng và các loại phẫu thuật khác nói chung nên được tiến hành tại các bệnh viện uy tín để làm giảm thấp nhất khả năng biến chứng có thể xảy ra. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec quy tụ đội ngũ y bác sĩ giỏi chuyên môn, tay nghề từ khắp trong và ngoài nước; hệ thống trang thiết bị được chú trọng đầu tư, đạt chuẩn quốc tế, nhờ vậy sẽ đảm bảo cho các phẫu thuật diễn ra tốt nhất có thể.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe