Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Võ Thị Thùy Trang - Bác sĩ Nội soi tiêu hóa, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nội soi tiêu hóa.
Gan là một cơ quan có kích thước tương đối lớn nằm trong ổ bụng, phía dưới các xương sườn ở bên phải. Chức năng gan là bài tiết các men tiêu hóa thức ăn, chuyển hóa và loại bỏ ra khỏi cơ thể các chất độc hại. Chính vì thế, cần lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị bệnh gan cũng như việc dùng thuốc khi cơ thể đang có bệnh gan, sao cho vừa hết bệnh nhưng vừa không làm tổn thương lá gan của mình.
1. Vai trò của gan đối với cơ thể
Một trong những chức năng chính của gan là chuyển hóa hầu hết các chất được phép vào cơ thể bằng đường tiêu hóa, bao gồm các loại thực phẩm, thuốc, thảo dược và các chất bổ sung. Quá trình này thường diễn ra một cách hiệu quả và không gây ra bất kỳ tác hại nào cho cơ thể. Trước khi các loại thuốc mới được lưu hành trong cộng đồng, chúng đều đã được thử nghiệm rộng rãi ở một nhóm người nghiên cứu chấp thuận cho sử dụng.
Trong giai đoạn này, các xét nghiệm đánh giá chức năng gan cũng như tổn thương gan đều được thực hiện cẩn thận, nhằm đảm bảo gan không bị tổn thương. Vì lý do này, phần lớn các loại thuốc hiện có sẵn được kết luận là an toàn đối với người bệnh.
Tuy nhiên, đối với những người có bệnh gan như xơ gan, viêm gan, việc sử dụng thuốc nói riêng và dung nạp các chất vào cơ thể nói chung, cần phải cân nhắc nguy cơ gây hại đến lá gan. Trong một số trường hợp, những người đã mắc bệnh gan có thể tăng nguy cơ bị tổn thương gan khi sử dụng một số loại thuốc.
Đồng thời, các loại thuốc đã được biết là có khả năng ảnh hưởng đến gan sẽ có cảnh báo đặc biệt khi dùng trên những người mắc bệnh gan. Một số loại thuốc được dùng vì có công dụng điều trị bệnh gan như các thuốc trị xơ gan cũng chỉ được sử dụng khi có bằng chứng về lợi ích và chỉ định rõ ràng, bởi sự sử dụng không kiểm soát sẽ chuyển sang nguy cơ gây hại cho gan.
2. Triệu chứng của tổn thương gan
Trong hầu hết các trường hợp tổn thương gan đáng kể, các bất thường trên cận lâm sàng có thể được phát hiện trong những lần khám sức khỏe bình thường, ngay trước khi các triệu chứng xuất hiện. Đó là các xét nghiệm phát hiện suy giảm chức năng gan như: rối loạn đông máu, giảm đạm máu... và tổn thương tế bào gan như tăng men gan.
Khi vai trò của gan bị trì trệ đáng kể, như trong bệnh lý xơ gan mất bù, người bệnh đi khám khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng của bệnh nhưng đã muộn. Các triệu chứng điển hình của bệnh gan có thể bao gồm buồn nôn, chán ăn, khó chịu ở phần góc trên bên phải của bụng, ngứa toàn thân, nước tiểu sẫm màu, vàng mắt, vàng da. Thậm chí, nhiều người không có triệu chứng nào như trên cho đến khi rơi vào biến chứng tổn thương gan cấp tính như hôn mê gan.
Nếu người bệnh đang được sử dụng các loại thuốc có nguy cơ ảnh hưởng hưởng đến gan, bạn nên khám sức khỏe định kỳ ngay cả khi cơ thể hoàn toàn không có triệu chứng để có thể phát hiện ra các tác dụng phụ của thuốc và có cách điều chỉnh phù hợp.
3. Chẩn đoán các trường hợp tổn thương gan
Tổn thương gan do bất kỳ nguyên nhân nào thường được phát hiện sớm nhất bằng cách làm xét nghiệm máu.
Thông thường, không cần theo dõi các xét nghiệm gan khi bắt đầu dùng một loại thuốc nhất định. Tuy nhiên, nếu bác sĩ cần chỉ định dùng một loại thuốc mà có nguy cơ gây tổn thương gan, xét nghiệm phổ biến nhất được sử dụng để theo dõi bệnh gan là xét nghiệm men gan, bao gồm các xét nghiệm AST (aspartate aminotransferase), ALT (alanine aminotransferase), AP (kiềm phosphatase) và bilirubin.
Nếu kết quả của các xét nghiệm này vượt mức giới hạn trên một cách không đáng kể, tổn thương gan lúc này có thể chưa rõ ràng. Nói chung, các bác sĩ chẩn đoán có tổn thương gan do thuốc nghiêm trọng khi nồng độ AST và ALT tăng gấp 3 đến 5 lần so với khoảng giới hạn bình thường. Ngược lại, người bệnh vẫn tiếp tục được điều trị và chẩn đoán tổn thương gan sẽ liên tục được theo dõi.
4. Các loại thuốc phổ biến có thể gây tổn thương gan
Loại thuốc được sử dụng rộng rãi nhất và cũng biết đến nhiều nhất là có thể gây hại cho gan là acetaminophen (paracetamol). Thuốc này có sẵn tại tủ thuốc của mỗi gia đình mà không cần toa bác sĩ. Đây là thành phần không thể thiếu trong đơn thuốc cảm lạnh và cúm được bán trong các nhà thuốc.
Thực tế acetaminophen khi được sử dụng theo chỉ dẫn, cực kỳ an toàn ngay cả đối với những người bị bệnh gan như xơ gan giai đoạn cuối. Tuy nhiên, nếu uống quá nhiều acetaminophen cùng một lúc hoặc dùng liều cao acetaminophen liên tục trong vài ngày có thể gây tổn thương cho gan. Theo đó, những người khỏe mạnh không nên dùng quá 1.000 mg acetaminophen mỗi liều và không nên dùng quá 3.000mg trong một ngày (tức là tối đa 1.000 mg mỗi 8 giờ).
Ngoài ra, ngay cả những người khỏe mạnh cũng nên tránh dùng 3.000mg acetaminophen mỗi ngày trong hơn 3 đến 5 ngày. Bệnh nhân mắc bệnh gan như viêm gan, xơ gan còn bù thì nên hạn chế lượng acetaminophen hàng ngày xuống mức còn 2.000mg mỗi ngày, hoặc thậm chí ít hơn nếu có bệnh gan nặng như xơ gan mất bù. Ngay cả khi bạn không có bệnh gan, hãy luôn sử dụng lượng acetaminophen nhỏ nhất cần thiết để kiểm soát cơn đau.
Điều quan trọng là bạn phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của tất cả các loại thuốc kê đơn và không kê đơn mà bạn dùng. Thông thường acetaminophen có thể có trong một số loại thuốc phổ biến nên rất có thể bạn đã dùng một liều acetaminophen vượt quá giới hạn an toàn trong mỗi lần dùng hay mỗi ngày trong thời gian dài.
Ngoài ra, những người uống đồ uống có cồn thường xuyên sẽ có nguy cơ bị tổn thương gan nghiêm trọng cao hơn do acetaminophen. Nguyên nhân là do chất cồn sẽ làm thay đổi chu trình gan chuyển hóa các chất. Do đó, khi dùng acetaminophen, nhất là liều cao, khi có sử dụng rượu sẽ dẫn đến sự tích tụ thuốc trong gan và làm tổn thương các tế bào gan. Vậy nên, những người uống rượu thường xuyên thì không nên chỉ định dùng acetaminophen hoặc chỉ dùng với liều lượng nhỏ nhất có thể.
Một nhóm thuốc phổ biến khác có thể ảnh hưởng đến các xét nghiệm gan là các loại thuốc giảm cholesterol, thường được biết đến với tên là statin hồi. Những loại thuốc này đã được sử dụng phổ quát ở hàng triệu người mắc bệnh lý tim mạch, bệnh đái tháo đường hay tăng nồng độ lipid trong máu.
Mặc dù nhóm thuốc này có rất ít bằng chứng về tổn thương gan, ngay cả khi được sử dụng ở những người bị bệnh gan nhẹ, một số bệnh nhân có biểu hiện tăng men gan nhẹ thoáng qua khi bắt đầu dùng thuốc. Trong phần lớn các trường hợp, nồng độ của men gan dù tăng nhưng thường dưới 3 lần so với mức cơ bản và mức độ trở lại bình thường mặc dù vẫn tiếp tục sử dụng statin. Chính vì thế, bác sĩ cần cân nhắc lợi ích là nguy cơ khi dùng thuốc, đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Ngoài những nhóm thuốc được tiêu thụ nhằm có vai trò điều trị, các chất bổ sung và thảo dược, mặc dù có xuất xứ từ tự nhiên, vẫn có thể gây độc cho gan. Việc chuyển hóa và phân phối các chất này không được nguyên cứu cẩn thận đầy đủ như sản xuất thuốc theo toa. Đồng thời, các sản phẩm này đôi khi vẫn được sử dụng dù không có bằng chứng về hiệu quả nào. Vậy nên, trong bối cảnh này, cần cân nhắc lựa chọn các loại thuốc, dinh dưỡng bổ sung, nhất là khi có bệnh gan như xơ gan.
5. Cách sử dụng thuốc ở người bị bệnh gan
Với những thuốc đã được chứng minh là không gây nguy hại gì cho gan, mọi người, dù có mắc bệnh gan nhẹ, vẫn có thể dùng thuốc theo toa và thuốc không kê đơn phổ biến ở liều khuyến cáo.
Ngược lại, khi bị bệnh gan nhẹ như viêm gan C hoặc gan nhiễm mỡ, xơ gan còn bù, việc bắt đầu sử dụng một loại thuốc nhất định vẫn có thể gây độc cho gan. Vì lý do đó, bất cứ khi nào có chỉ định dùng thuốc, bạn cần cảnh bảo bác sĩ về tiền căn bệnh gan, xơ gan của bản thân, nhằm phòng tránh các thuốc có thể ảnh hưởng đến gan.
Ở những người mắc các loại bệnh gan nặng hơn như xơ gan thì phải cẩn thận hơn về các loại và liều lượng thuốc họ dùng. Mặc dù khả năng chuyển hóa khi sử dụng thuốc đúng cách của gan vẫn được bảo tồn ngay cả khi có bệnh gan nặng, một số loại thuốc không nên sử dụng hoặc nên dùng với liều giảm thấp hơn khi dùng cho bệnh nhân xơ gan tiến triển.
6. Khuyến cáo để giảm thiểu nguy cơ tổn thương gan do thuốc
- Luôn luôn lập ra một danh sách tất cả các loại thuốc theo toa và không kê toa mà bạn đang dùng, bao gồm cả các loại thảo mộc, vitamin và chất bổ sung. Người bệnh luôn mang theo danh sách này mỗi khi khám bệnh.
- Càng dùng ít thuốc càng tốt. Điều này bao gồm các loại thảo mộc, bổ sung, thuốc theo toa và không kê toa. Nếu bạn có từ hai bác sĩ kê đơn thuốc, hãy chắc chắn rằng tất cả các tên thuốc đều được cập nhật trong danh sách thuốc đang uống hiện tại.
- Khi sử dụng thuốc không kê đơn, hãy nhớ đọc nhãn hiệu cẩn thận và không bao giờ vượt quá liều lượng khuyến cáo. Tránh dùng liều tối đa được đề nghị trong một thời gian dài mà không tham khảo ý kiến bác sĩ.
- Nếu bạn đang dùng cùng lúc nhiều loại thuốc, hãy chắc chắn rằng các thành phần không giống nhau. Nếu không, bạn có thể có nguy cơ vô tình dùng quá liều thuốc.
- Nếu bạn luôn uống một lượng rượu đáng kể mỗi ngày, hãy tránh hoặc hạn chế sử dụng acetaminophen. Nếu dùng thì không bao giờ được dùng liều tối đa.
- Nếu bạn bị bệnh gan như viêm gan, xơ gan, hãy chắc chắn rằng bác sĩ của bạn biết về chẩn đoán này cũng như mức độ độ nghiêm trọng của bệnh gan.
- Nếu bạn bị bệnh gan tiến triển như xơ gan nặng mất bù, nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa gan trước khi bắt đầu dùng bất kỳ một loại thuốc mới, kể cả các sản phẩm bổ sung thay thực phẩm chức năng.
Trên đây là các lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị bệnh gan. Một lá gan khỏe là một nền tảng để cơ thể khỏe. Để giữ sức khỏe lâu dài, cũng như quá trình chuyển hóa mọi chất trong cơ thể luôn được ổn định, việc sử dụng thuốc nên cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, về chỉ định, công dụng và liều lượng, nhất là khi bạn có tổn thương gan trước đó như viêm gan hay xơ gan.
Để sớm phát hiện ra các tác dụng phụ của thuốc đến gan, bạn nên thường xuyên khám sức khỏe định kỳ. Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có các Gói khám sức khỏe định kỳ đa dạng, giúp người bệnh sớm phát hiện ra các vấn đề sức khỏe không chỉ ở gan mà còn ở các bộ phận khác của cơ thể:
Gói khám sức khỏe tổng quát tiêu chuẩn
Gói khám sức khỏe tổng quát toàn diện
Gói khám sức khỏe tổng quát đặc biệt
Gói khám sức khỏe tổng quát VIP
Gói khám sức khỏe tổng quát Kim cương
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: drugabuse.com, gi.org, webmd.com, goodrx.com