Lá lách to: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị

Lá lách là một trong những cơ quan giữ nhiều chức năng trọng yếu của cơ thể, giúp sản sinh ra các tế bào máu, lưu trữ máu mà còn tạo ra các kháng thể có khả năng chống lại virus tấn công hệ miễn dịch. Tình trạng lá lách to cho biết cơ thể đang mắc phải nhiễm trùng, hoặc một số vấn đề sức khỏe khác. Việc chẩn đoán và điều trị sớm là cần thiết để ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

1. Lá lách to là gì?

Lá lách là cơ quan nằm bên dưới lồng xương sườn phía trên bên trái của bụng và hướng về phía sau lưng. Nó thuộc một phần của hệ thống bạch huyết và hoạt động giống như một mạng lưới dẫn lưu giúp cơ thể chống lại sự nhiễm trùng.

Bên trong lá lách là các tế bào bạch cầu có nhiệm vụ tiêu diệt các loại vi khuẩn, mô chết cùng với các dị vật, sau đó loại bỏ chúng ra khỏi máu thông qua dòng máu chảy qua chúng. Ngoài ra, lá lách cũng có vai trò vô cùng thiết yếu trong việc duy trì các tế bào máu, hồng cầu và tiểu cầu khỏe mạnh. Cơ quan này cũng tham gia vào quá trình lọc máu, giúp loại bỏ những tế bào máu bất thường.

Thông thường, một lá lách sẽ có kích cỡ bằng với nắm tay của bạn. Nếu chỉ qua thăm khám lâm sàng thì bác sĩ rất khó có thể cảm nhận được nó. Khi cơ thể gặp phải một số vấn đề về sức khỏe, chúng có thể khiến cho lá lách bị sưng to lên và kích thước cũng tăng gấp nhiều lần so với bình thường.

Không phải lúc nào lá lách to cũng là dấu hiệu nhận biết của một vấn đề y tế, tuy nhiên, điều này đã chứng tỏ lá lách đang phải hoạt động quá tải. Khi lá lách hoạt động quá mức trong việc phá hủy và loại bỏ các tế bào máu, tình trạng này được gọi là cường lách. Vấn đề này có thể bắt nguồn từ nhiều lý do khác nhau, bao gồm các rối loạn về máu hoặc sản sinh ra quá nhiều tiểu cầu trong cơ thể.


Khi lá lách phải hoạt động quá mức sẽ dẫn đến tình trạng cường lách
Khi lá lách phải hoạt động quá mức sẽ dẫn đến tình trạng cường lách

2. Nguyên nhân gây ra lá lách to

Lá lách to có thể gây ra bởi nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm: Xơ gan, nhiễm trùng, các bệnh về gan, bệnh máu đặc trưng bởi các tế bào máu bất thường, một số vấn đề về hệ thống bạch huyết hoặc các điều kiện khác.

Dưới đây là những nguyên nhân chính dẫn đến lá lách to, bao gồm:

2.1 Nhiễm trùng

  • Nhiễm ký sinh trùng, như bệnh toxoplasmosis
  • Nhiễm vi rút, như bạch cầu đơn nhân
  • Nhiễm trùng do vi khuẩn, ví dụ như nhiễm trùng van tim (viêm nội tâm mạc)

2.2 Ung thư

  • Ung thư mô bạch huyết, như bệnh Hodgkin; hoặc ung thư hạch
  • Bệnh bạch cầu là một loại ung thư ác tính, trong đó các tế bào máu bình thường bị thay thế bởi các tế bào bạch cầu.

2.3 Một số nguyên nhân khác

  • Chấn thương, ví dụ như bị chấn thương khi tham gia vào môn thể thao đối kháng
  • Các bệnh viêm, bao gồm lupus, sarcoidosis, hoặc viêm khớp dạng thấp
  • Xuất hiện nang chứa đầy các chất lỏng
  • Ung thư đã di căn đến lá lách khiến lách bị to ra
  • Có áp xe lớn, chứa mủ do nhiễm vi khuẩn
  • Bệnh tăng tích trữ Glycogen, hoặc các bệnh truyền nhiễm như thoái hóa tinh bột (amyloidosis) và Gaucher.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến lá lách to
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến lá lách to

3. Triệu chứng của lá lách to

Do các triệu chứng của lá lách to thường không có biểu hiện cụ thể nên hầu hết người bệnh đều không thể cảm nhận được chúng. Tình trạng này chỉ có thể được phát hiện thông qua thăm khám sức khỏe tổng quát. Dưới đây là những triệu chứng điển hình nhất của lá lách to, bao gồm:

  • Không thể ăn nhiều
  • Cảm thấy khó chịu, đầy hoặc đau ở phía bên trái của bụng; cơn đau có thể lan sang vai trái.

Bên cạnh đó, lá lách to cũng có thể phát triển các dấu hiệu và triệu chứng khác liên quan đến một số căn bệnh tiềm ẩn, bao gồm:

  • Mệt mỏi
  • Nhiễm trùng thường xuyên
  • Giảm cân
  • Dễ bị chảy máu
  • Thiếu máu
  • Vàng da.

4. Yếu tố làm tăng nguy cơ bị lách to

Dưới đây là một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị lách to, bao gồm:

  • Những người mắc bệnh Niemann-Pick, bệnh Gaucher, hoặc một số rối loạn chuyển hóa di truyền khác
  • Trẻ nhỏ hoặc thanh niên mắc nhiễm trùng, như mononucleosis
  • Những đối tượng thường xuyên đi công tác hoặc du lịch đến các vùng có dịch sốt rét.

Sốt rét làm tăng nguy cơ bị lách to
Sốt rét làm tăng nguy cơ bị lách to

5. Chẩn đoán lá lách to

Bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân trả lời một số câu hỏi và thực hiện khám lâm sàng để chẩn đoán tình trạng lá lách to.

Lá lách có thể được kiểm tra thông qua chạm tay thông thường. Đôi khi, các xét nghiệm chẩn đoán là cần thiết để xác định rõ nguyên nhân gây ra sưng lá lách. Những xét nghiệm này bao gồm xét nghiệm máu, chụp cắt lớp vi tính (CT), MRI hoặc siêu âm. Trong một số trường hợp nhất định, các phương pháp chẩn đoán khác cũng có thể được thực hiện.

6. Các phương pháp điều trị lác lách to

Lá lách có thể bị vỡ nếu có tác động mạnh từ bên ngoài vào, chẳng hạn như các môn thể thao đối kháng. Khi lá lách bị vỡ sẽ khiến cơ thể lâm vào tình trạng mất nhiều máu, thậm chí đe dọa nghiêm trọng tới tính mạng của người bệnh. Do đó, việc điều trị sớm cho các nguyên nhân dẫn đến bệnh lách to là điều vô cùng cấp bách, giúp ngăn chặn nguy cơ cắt bỏ lá lách. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, lá lách to có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe tổng thể.

Trong một số trường hợp nhất định, bệnh nhân có thể cần phải thực hiện phẫu thuật cắt bỏ lá lách thông qua phương pháp nội soi thay vì phẫu thuật mở.


Lách to thường được điều trị bằng phương pháp nội soi
Lách to thường được điều trị bằng phương pháp nội soi

Đối với phương pháp nội soi, phẫu thuật sẽ được tiến hành với các vết mổ nhỏ, cho phép bác sĩ quan sát, kiểm tra và cắt bỏ lá lách một cách dễ dàng.

Khi lá lách bị cắt bỏ, cơ thể sẽ gặp khó khăn lớn trong việc thực hiện chức năng loại bỏ vi khuẩn, do đó bệnh nhân dễ mắc phải các căn bệnh nhiễm trùng. Lúc này, việc sử dụng thuốc hoặc tiêm phòng vắc-xin là điều cần thiết để ngăn ngừa sự nhiễm trùng.

7. Các phương pháp giúp kiểm soát diễn tiến của lá lách to

Để kiểm soát được diễn biến của bệnh lách to, bạn nên thực hiện một số phương pháp sau đây:

  • Hạn chế hoặc không tham gia vào các môn thể thao đối kháng, chẳng hạn như khúc côn cầu, hoặc bóng bầu dục.
  • Thắt dây an toàn khi lái xe nhằm ngăn ngừa nguy cơ gây tổn thương lá lách do tai nạn
  • Tiêm chủng vắc-xin định kỳ để phòng ngừa các căn bệnh nhiễm trùng, chẳng hạn như vắc-xin cúm, ho gà, bạch hầu, uốn ván.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ để theo dõi diễn biến của bệnh
  • Thay đổi lối sống lành mạnh hơn bằng cách ăn uống hợp lý giúp tăng cường sức đề kháng và hạn chế sử dụng chất kích thích như rượu, bia.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

XEM THÊM

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe