Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ nội trú Lê Thanh Tuấn - Bác sĩ Ngoại tiêu hóa - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Chấn thương vùng bụng là cấp cứu thường gặp, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới chấn thương vùng bụng là do tai nạn giao thông, tai nạn tlao động. Người bệnh có thể tổn thương từng cơ quan hoặc gặp phải đa chấn thương trong chấn thương bụng vì vậy việc điều trị, xử trí cần phải tiến hành nhanh chóng để tránh những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.
1. Chấn thương bụng là gì?
Chấn thương bụng là các tổn thương tại vùng bụng bao gồm chấn thương bụng kín và vết thương thấu bụng.
1.1 Chấn thương bụng kín
Hiện nay đa phần các tổn thương tại vùng bụng đều là chấn thương bụng kín với nguyên nhân chủ yếu là do tai nạn giao thông, tai nạn trong sinh hoạt hoặc tai nạn lao động. Thông thường các chấn thương vùng bụng thường bao gồm các chấn thương tạng đơn lẻ theo thứ tự thường gặp là lá lách, gan, sau phúc mạc, ruột non, thận, bàng quang, ruột già, cơ hoành, tụy hoặc cũng có thể là các đa chấn thương hai hoặc nhiều tạng khác nhau.
Cơ chế tổn thương của các chấn thương vùng bụng như sau:
- Do sự tăng giảm tốc độ đột ngột khiến các tạng khác nhau di chuyển với tốc độ khác nhau dẫn đến rách ro bị chằng kéo, đặc biệt là ở những nơi tiếp giáp với các vị trí cố định.
- Khi xảy ra tai nạn, các tạng bị chèn ép dẫn đến tổn thương, đặc biệt là các tạng đặc như gan, lách hoặc thận.
- Áp lực trong khoang bụng gia tăng đột ngột có thể gây vỡ các tạng rỗng tuân theo định luật Boyle.
1.2 Vết thương thấu bụng
Đối với các vết thương thấu bụng hiện nay thường là do các vật sắc nhọn như dao, kéo gây ra còn trong thời chiến, nguyên nhân hình thành các tổn thương này chủ yếu là do hỏa khí gây ra.
2. Các chấn thương vùng bụng được chẩn đoán như thế nào?
Để việc điều trị các chấn thương bụng, bác sĩ chuyên khoa thường tập trung xử lý những vấn đề chính là làm sao để chẩn đoán nhanh nhất tình trạng tổn thương của người bệnh cũng như đưa ra được phương án điều trị thích hợp nhất đối với từng người bệnh.
Thông thường, để chẩn đoán tình trạng chấn thương bụng của người bệnh, bác sĩ sẽ thăm khám cho bệnh nhân, sau đó chỉ định bệnh nhân thực hiện những điều cụ thể như sau:
- Xét nghiệm máu: Phân tích tế bào máu, nhóm máu, chức năng đông máu
- Chụp X-quang: Giúp chẩn đoán gãy xương, tổn thương tạng rỗng, chấn thương cơ hoành, cột sống...
- Chọc dò ổ bụng, chọc rửa ổ bụng
- Siêu âm bụng: Là phương pháp hiệu quả để nhận biết các đường nứt vỡ gan, thận và ổ bụng có dịch. Tuy nhiên siêu âm ổ bụng không thể nhận biết được một số tổn thương như vỡ tạng rỗng
- CT Scanner: Chỉ thực hiện khi tình trạng huyết động học ổn định
- Nội soi ổ bụng: Chỉ thực hiện đối với các vết thương thấu bụng, vết thương bụng kín có chỉ định can thiệp ngoại khoa. Thực hiện nội soi ổ bụng với điều kiện tình trạng huyết động học ổn định.
3. Điều trị xử trí các chấn thương vùng bụng
3.1 Xử trí chung
Nguyên tắc điều trị chung đối với các chấn thương bụng là xử lý các tình huống cấp cứu, đối với bệnh nhân mất quá nhiều máu thì phải chống sốc tích cực và truyền máu để bổ sung lượng máu đã mất.
Nếu bệnh nhân được chẩn đoán có chảy máu trong thì nhanh chóng tiến hành phẫu thuật để xử trí. Xử lý viêm phúc mạc khi người bệnh bị thủng tạng rỗng và tiến hành xử lý các tổn thương ngoài ổ bụng
3.2 Xử trí một số chấn thương vùng bụng thường gặp
- Tổn thương gan, mật: Các tổn thương thường gặp trong chấn thương vùng bụng là vỡ, dập nát gan, tụ máu, vỡ túi mật, chảy máu đường mật... Đối với gan các bác sĩ chuyên khoa sẽ cố gắng hết sức bảo tồn được tối đa gan và chỉ cắt bỏ các phần bị dập nát không thể cứu vãn được. Còn đối với các tổn thương đường mật tùy từng trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định cắt bỏ hoặc khâu phục hồi có dẫn lưu túi mật.
- Tổn thương lách: Trong chấn thương vùng bụng, vỡ lách là chấn thương thường gặp nhất. Để điều trị chấn thương này, bác sĩ sẽ chỉ định cắt bỏ một phần hoặc hoàn toàn lách hoặc khâu bảo tồn đối với những vết rách nhỏ và vị trí khâu thuận lợi.
- Đối với chấn thương tạng đặc như gan lách, tuỳ trường hợp bác sĩ có thể chỉ định làm tắc mạch tới vị trí tổn thương gan lách, qua đó có thể cầm maú được vị trí tổn thương
- Tổn thương tụy: Đây là tổn thương hiếm gặp chỉ chiếm từ 1-3% trong các ca chấn thương vùng bụng. Tuy nhiên nếu bệnh nhân bị tổn thương tụy thì chứng tỏ lực tác động vào vùng bụng rất lớn vì tụy là cơ quan nằm sâu bên trong. Để điều trị các tổn thương tụy, bác sĩ sẽ dựa vào mức độ tổn thương để đưa ra pháp đồ điều trị. Đối với các tổn thương nhẹ thì có thể điều trị bảo tồn bằng cách cầm máu và khâu phục hồi chỗ tổn thương. Các tổn thương nặng hơn có thể sẽ phải thực hiện phẫu thuật cắt đuôi và thân tụy hoặc thậm chí là cắt lá tụy.
- Vỡ tá tràng: Đây được đánh giá là tổn thương nặng, khó chẩn đoán dễ bị bỏ sót trong phẫu thuật và nguy cơ tử vong cao. Việc điều trị khâu bảo toàn tá tràng có nhiều khó khăn vì chỉ khâu đơn thuần thì không đảm bảo, đường khâu có thể bị bục ra. Vì vậy trong quá trình khâu tá tràng cần phải kèm theo một số thủ thuật như khâu tá tràng đồng thời nối vị tràng hoặc dẫn lưu dạ dày hoặc cắt dạ dày.
- Vỡ dạ dày, ruột non: Đối với các tổn thương đơn giản thì tiến hành khâu vết rách, còn những tổn thương phức tạp thì tiến hành cắt một phần dạ dày hoặc ruột non bị tổn thương.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.