Trị dứt điểm hội chứng ruột kích thích là điều khó khăn do nhiều yếu tố khác nhau. Hội chứng ruột kích thích gây ra nhiều triệu chứng ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh. Tuy nhiên, bệnh không nguy hiểm tính mạng, vì vậy, nhiều người thắc mắc liệu hội chứng ruột kích thích có tự khỏi không.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Tổng quan hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích (IBS - irritable bowel syndrome) là tình trạng rối loạn chức năng của toàn bộ ống tiêu hóa nhưng các dấu hiệu chính của bệnh thường là các triệu chứng liên quan đến đại tràng.
Người bệnh thường xuyên gặp các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón và đau bụng tái phát kéo dài trên 6 tháng mà không tìm được nguyên nhân tổn thương thực thể nào tại đường tiêu hóa.
Mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng bệnh tác động đáng kể đến chất lượng cuộc sống và gây ra các vấn đề tâm lý cho người bệnh.
Cơ chế dẫn đến hội chứng ruột kích thích gồm:
- Rối loạn chức năng ở ống tiêu hóa do hội chứng ruột kích thích gồm ruột tăng tính nhạy cảm, dễ bị kích thích hơn trước những tác nhân. Bên cạnh đó, tình trạng này còn giảm khả năng chịu áp lực của khối thức ăn ở một số phần ruột, gây rối loạn vận động của ruột: tiêu chảy và đau bụng khi tăng nhu động ruột, táo bón khi nhu động ruột giảm.
- Các yếu tố thần kinh trung ương như: stress, rối loạn tinh thần và các yếu tố tâm lý được xem là những nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện hoặc tái phát bệnh. Điều này giải thích được tại sao tỷ lệ mắc bệnh đang tăng lên trong bối cảnh phát triển kinh tế và xã hội.
- Tỷ lệ mắc hội chứng ruột kích thích ở phụ nữ thường cao gấp đôi so với nam giới do sự biến đổi hormone nội tiết tố gây ra hoặc làm cho các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn. Hầu hết phụ nữ cho biết rằng, các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích thường trở nên nặng hơn vào thời kỳ trước hoặc sau khi có kinh nguyệt.
- Hơn nữa, người mắc loạn khuẩn (do sự phát triển quá mức của vi khuẩn trong đường ruột) hoặc viêm dạ dày ruột cũng có nguy cơ cao mắc hội chứng ruột kích thích hơn người bình thường.
Triệu chứng lâm sàng của hội chứng ruột kích thích bao gồm các biểu hiện rối loạn trên toàn bộ ống tiêu hóa.
- Xuất hiện biểu hiện rối loạn chức năng ống tiêu hóa trên như: Hội chứng trào ngược dạ dày-thực quản, ăn uống khó tiêu và tiêu hóa chậm dẫn đến cảm giác tức bụng.
- Ống tiêu hóa dưới: Các dấu hiệu chính của bệnh là các vấn đề rối loạn ở đại tràng, được phân thành ba loại khác nhau, có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc xen kẽ.
- Táo bón: Người bệnh thường gặp tình trạng táo bón, có thể nhận biết qua các triệu chứng như đi ngoài ít hơn ba lần một tuần, phân cứng và dạng lổn nhổn giống phân dê, thường đi kèm đau bụng và cảm giác chướng bụng.
- Ỉa chảy: Người bệnh thường phải đại tiện nhiều lần trong ngày, phân thường rất lỏng nhưng không có dấu hiệu của máu, số lần đại tiện thường là hơn 3 lần. Đôi khi người bệnh phải đại tiện gấp.
- Đau bụng: Người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng như đau bụng và chướng bụng
- Hơn nữa, những người mắc bệnh kéo dài cũng có khả năng gặp các dấu hiệu khác như đau đầu, khó ngủ và rối loạn tâm lý do lo lắng về bệnh tình.
Các dấu hiệu lâm sàng của trình trạng này thường không thể phát hiện được vì đây là một rối loạn chức năng.
- Xét nghiệm máu không có vấn đề gì
- Xét nghiệm phân và cấy phân không phát hiện vi khuẩn hay nấm.
- Sinh thiết và xét nghiệm mô bệnh học niêm mạc đại tràng cho ra kết quả bình thường.
- Chụp X.Q khung đại tràng cho thấy kết quả bình thường hoặc có một số biểu hiện nhỏ rối loạn co bóp nhu động .
- Nội soi đại-trực tràng: Phương pháp này là công cụ chẩn đoán quan trọng nhất trong chẩn đoán hội chứng ruột kích thích và chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác, kết quả nội soi cho thấy không có bất thường.
Do đó, quá trình chẩn đoán hội chứng ruột kích thích chủ yếu dựa vào các dấu hiệu lâm sàng kết hợp với một số xét nghiệm cận lâm sàng bình thường.
Phương pháp điều trị hội chứng ruột kích thích tập trung chủ yếu vào các triệu chứng lâm sàng và chế độ ăn uống, tập luyện. Vì vậy, nếu người bệnh thắc mắc liệu có trị dứt điểm hội chứng ruột kích thích hay không, thì câu trả lời là không, vì hiện tại chưa có phương pháp điều trị nguyên nhân mà chỉ có thể làm giảm hoặc kiểm soát các triệu chứng của bệnh.
2. Trị dứt điểm hội chứng ruột kích thích có được không?
Nhiều người bệnh muốn biết tình trạng này kéo dài bao lâu và liệu hội chứng ruột kích thích có tự khỏi không? Để trả lời câu hỏi này, người bệnh cần biết liệu trị dứt điểm hội chứng ruột kích thích có được không.
Trị dứt điểm hội chứng ruột kích thích khó làm được nhưng bệnh có thể điều trị để giảm triệu chứng và ngăn chặn tái phát. Bệnh khó điều trị dứt điểm vì một số lý do sau đây:
- Đây là dạng rối loạn chức năng không hẳn là bệnh lý, nguyên nhân gây ra không rõ ràng và chỉ có một số yếu tố liên quan đến các triệu chứng bệnh. Vì vậy, điều trị mà không thể tìm được nguyên nhân sẽ khiến bệnh tái phát.
- Khi phát hiện bệnh, người bệnh luôn cảm thấy lo lắng về tình trạng bệnh lại tái phát nhiều lần, tự hỏi liệu bệnh có phải là tình trạng ác tính không. Điều này dẫn đến tâm lý căng thẳng và trở thành vòng xoáy bệnh lý. Lo lắng càng nhiều thì khả năng bệnh tái phát càng cao và khi bệnh tái phát lại tiếp tục lo lắng nên quá trình điều trị trở nên kéo dài.
- Ngoài phương pháp sử dụng thuốc, người bệnh cần biết và loại bỏ các yếu tố có lợi cho bệnh. Việc thay đổi chế độ ăn và tập luyện để hỗ trợ quá trình điều trị là vô cùng quan trọng để giúp thuyên giảm tình trạng bệnh. Nhưng không phải tất cả những người bị hội chứng ruột kích thích đều có thể kiểm soát được các yếu tố như chế độ ăn uống tránh thực phẩm gây sinh hơi, đồ ăn nhiều dầu mỡ, nước uống có ga, nhiều đường và thực phẩm lâu ngày không bảo quản tốt. Vì vậy mà tình trạng bệnh tái phát nhiều lần.
- Người bệnh nên hạn chế ăn các thực phẩm giàu chất xơ, thư giãn để tránh căng thẳng và lo lắng quá mức nếu bị tiêu chảy.
- Khi chẩn đoán người bệnh mắc hội chứng ruột kích thích, bác sĩ cần thiết lập một kế hoạch điều trị phù hợp và bệnh nhân phải hiểu rằng, trị dứt điểm hội chứng ruột kích thích là không thể mà chỉ có thể kiểm soát. Điều này sẽ giúp bệnh nhân hạn chế lo lắng và tác động tiêu cực ảnh hưởng đến quá trình điều trị.
Trên đây là một số thông tin về vấn đề hội chứng ruột kích thích có tự khỏi không. Tình trạng này có khả năng tái phát cao và quá trình điều trị kéo dài, vì vậy người bệnh cần có sự chuẩn bị trước để an tâm. Ngoài ra, tình trạng này không gây nguy hiểm đến tính mạng, do đó người bệnh cần tránh lo lắng quá mức để không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.