Hậu quả viêm đại tràng mãn tính

Viêm đại tràng mãn tính thường gặp ở những người trưởng thành, người cao tuổi chiếm phần lớn. Câu hỏi được rất nhiều người quan tâm là liệu viêm đại tràng mãn tính có nguy hiểm không? Hãy tham khảo bài viết dưới đây để có thể giải đáp được câu hỏi trên.

1. Viêm đại tràng mãn tính là gì?

Viêm đại tràng kéo dài dẫn đến mãn tính gây nên tình trạng viêm đại tràng mãn tính. Tổn thương thường ở mức độ năng, khu trú hoặc lan tỏa đến niêm mạc đại tràng.

Ở Việt Nam, viêm đại tràng mãn tính là bệnh thường gặp của đường tiêu hóa, có khoảng 20% dân số mắc viêm đại tràng mãn tính, tỉ lệ này không ngừng tăng lên.

2. Nguyên nhân viêm đại tràng mãn tính

Nguyên nhân viêm đại tràng lan tỏa

  • Do nhiễm khuẩn
    • Lỵ, trực khuẩn: Shiga, Flexner, ...
    • Salmonella
    • Escherichia coli ,liên cầu, tụ cầu và một số vi khuẩn khác
    • Thương hàn
  • Do ký sinh trùng
    • Amip: chiếm phần lớn nguyên nhân gây bệnh
    • Một số yếu tố gây bệnh đang còn tranh luận như: giun tóc, Lamblia, Chilomastix mesnili, Balantidium coli, Trichomonas intestinalis
  • Do nhiễm độc
    • Thủy ngân, asen, chì, vàng, thạch tín.
    • Ngộ độc thức ăn.
  • Có thể chưa rõ nguyên nhân

Nguyên nhân viêm đại tràng cục bộ

  • Bệnh Crohn đại tràng, viêm manh tràng, viêm đại tràng sigma.
  • Chế độ ăn uống không khoa học
  • Rối loạn vi khuẩn trong đường ruột.

Chế độ ăn uống không khoa học có thể gây viêm đại tràng mãn tính
Chế độ ăn uống không khoa học có thể gây viêm đại tràng mãn tính

3. Triệu chứng viêm đại tràng mãn tính

Triệu chứng viêm đại tràng mạn tính hay gặp nhất là đau bụng. Đặc điểm: đau âm ỉ ở phần dưới rốn (bụng dưới, hạ vị), có thể đau bụng dọc theo khung đại tràng ở một vị trí nhất định.

Đau bụng thường xuất hiện sau khi ăn, có thể buồn đi ngoài, sau khi đại tiện sẽ hết đau.Trong viêm đại tràng mạn, bụng nhiều hơi, đau, vì vậy, trung tiện nhiều và sau khi trung tiện sẽ cảm thấy đỡ đau hơn. Nhiều trường hợp, ban đêm đau bụng nhiều hơn, đặc biệt là lạnh.

Rối loạn tiêu hóa cũng thường xuyên xảy ra như miệng đắng, chán ăn, ăn không tiêu kéo dài; phân nát, không thành khuôn, đi đại tiện nhiều lần, đôi khi phân lại rắn gây táo bón. Bụng hơi trướng, bệnh nhân sẽ cảm thấy căng tức, khó chịu.

4. Hậu quả viêm đại tràng mãn tính

Bệnh nhân tuổi càng cao, bệnh càng tái phát nhiều lần thì nguy cơ dẫn tới những biến chứng nguy hiểm càng cao. Một số hậu quả của viêm đại tràng mãn tính:

  • Xuất huyết ồ ạt: Tình trạng viêm tái phát nhiều lần thành mãn tính nên niêm mạc đại tràng tổn thương không được phục hồi sẽ rất yếu, viêm nhiễm nghiêm trọng. Do vậy, khi sử dụng các chất kích thích như rượu bia,... hay ăn thực phẩm kém vệ sinh hoặc sử dụng kháng sinh quá mức,... sẽ gây đại tràng nhiễm độc hoặc xuất huyết ồ ạt.
  • Thủng đại tràng: Sau các đợt viêm tái phát nhiều lần phải điều trị kháng sinh làm tiêu diệt các vi khuẩn đường ruột có lợi, lớp lông nhung yếu, trơ trọi. Vì thế mà các vết viêm cũ hay tái phát ăn sâu vào lớp mỏng của thành đại tràng, tiếp tục phát triển đâm sâu và đến một lúc nào đó sẽ gây thủng đại tràng. Nếu không được cấp cứu chữa trị kịp thời thì rất nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng.
  • Giãn đại tràng cấp tính: Chức năng tiêu hóa của đại tràng suy giảm do viêm đại tràng mãn tính, không chỉ ở một vài tổn thương nhất định mà có thể toàn bộ cấu trúc bị giãn, dẫn đến tình trạng loét và thủng đại tràng rất nguy hiểm. Biến chứng giãn đại tràng cấp tính có thể kiến bệnh nhân xuất hiện những cơn đau bụng dữ dội, rơi vào trạng thái hôn mê, không được cấp cứu điều trị kịp thời thì tỉ lệ tử vong sẽ rất cao.
  • Ung thư đại tràng: là một biến chứng rất nguy hiểm, tỷ lệ biến chứng này ở nước ta chiếm tỉ lệ khá lớn. Khi viêm loét niêm mạc đại tràng kéo dài, tái phát liên tục, khiến tế bào biểu mô niêm mạc có nguy cơ dị sản, loạn sản, các tế bào lành tình chuyển thành tế bào ác tính, sau đó phát triển sang ung thư đại tràng. Quá trình này khoảng 8 năm.

5. Chẩn đoán và điều trị viêm đại tràng mãn tính

Chẩn đoán

Lâm sàng:

  • Ấn thấy căng ở đại tràng sigma hoặc manh tràng, óc ách, gõ vẫn trong.
  • Bụng hơi chướng hay vẫn bình thường, không đau hoặc hơi đau.
  • Có thể thấy máu, mũi hoặc mủ ra theo ngón tay để thăm trực tràng, loại trừ một số khối u
  • Một số trường hợp mệt mỏi, suy nhược.

Cận lâm sàng:

  • Xét nghiệm phân
    • Bệnh phẩm: máu, mủ, chất nhầy, albumin hòa tan
    • Albumin hòa tan: có giá trị chẩn đoán cao, phản ánh tình trạng viêm của niêm mạc đại tràng.
  • Nội soi
    • Có thể thực hiện soi trực tràng thông thường hoặc soi đại tràng bằng ống soi mềm.
    • Trên thành của niêm mạc đại tràng có thể thấy máu, mủ
    • Niêm mạc của đại tràng đỏ, xung huyết, dễ chảy máu hay có những ổ loét rõ rệt.
    • Qua nội soi, có thể làm luôn sinh thiết niêm mạc đại tràng hoặc lấy bệnh phẩm trực tiếp ở chỗ loét để tìm vi khuẩn, và ký sinh trùng khác xác định nguyên nhân gây bệnh.
  • Chụp X Quang khung đại tràng
    • Phương pháp này ít sử dụng do độ chính xác không cao
    • Chụp X- quang có thể thấy co bóp của đại tràng bị rối loạn, sự chuyển vận trong đại tràng tăng lên; hình ảnh chồng đĩa; các bờ đại tràng thẳng hoặc hình răng cưa, hình mác; Khẩu kính đại tràng hẹp lại, mất các rãnh ngang; Không rõ các mặt đại tràng, hình ruột bánh mì; Trường hợp viêm đại tràng nặng, các biểu hiện X quang rõ rệt hơn: các bờ mờ, hình mác hình ảnh đường viền kép, niêm mạc hình vân và nhất là hình tổ ong giả polyp.

X Quang khung đại tràng có thể giúp bác sĩ chẩn đoán viêm đại tràng mãn tính
X Quang khung đại tràng có thể giúp bác sĩ chẩn đoán viêm đại tràng mãn tính

Điều trị

Để điều trị viêm đại tràng mãn tính có hiệu quả tốt thì đầu tiên phải xác định được nguyên nhân, trên cơ sở đó sẽ dựa vào phác đồ để điều trị có hiệu quả (điều trị nội khoa), nếu do polyp sẽ điều trị ngoại khoa (cắt bỏ).

Điều trị viêm đại tràng mãn tính cần đảm bảo là kết hợp điều trị nội khoa và toàn diện, thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống, làm việc phù hợp.

Điều trị nguyên nhân: Salmonella, Shigella, các ký sinh trùng khác hay những nguyên nhân tự miễn khác,...

Điều trị triệu chứng

  • Chống tiêu chảy: kaolin, than thực vật.
  • Chống táo bón: dầu paraffin.
  • Giảm đau, chống co bóp đại tràng: atropin, belladon, barbitiric, papaverin.
  • Kiêng các thức ăn có nhiều cellulose, các thức ăn lên men
  • Tăng cường vận động và thể dục, giảm tình trạng lo âu căng thẳng, stress.

Để không mắc bệnh viêm đại tràng mãn tính, trước tiên không để mắc bệnh viêm đường ruột, nhất là viêm ruột cấp tính. Do đó cần đảm bảo có chế độ ăn uống hợp lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như:

  • Thực hiện ăn chín uống sôi, không uống sữa bò tươi chưa tiệt trùng. Hàng ngày nên ăn nhiều rau, trái cây, chất xơ. Khi bị tiêu chảy cần tránh hẳn chất chứa nhiều cellulose để thành ruột không bị “cọ xát”. Có thể ăn trái cây xay nhừ như: chuối, táo, dưa hấu... Hạn chế các đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ
  • Tránh dùng kháng sinh kéo dài làm tăng nguy cơ xuất huyết.
  • Điều trị tích cực khi bị lao phổi.
  • Năng vận động cơ thể.

Viêm đại tràng mãn tính có thể gây ra các hậu quả hết sức nguy hiểm. Nếu bạn thấy mình có những biểu hiện bất thường nào hãy đến cơ sở y tế sớm nhất để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe