Bệnh tiêu chảy kéo dài ở người lớn và người cao tuổi mặc dù là bệnh khá phổ biến nhưng có thể kèm theo nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, hãy cùng tìm hiểu thêm những thông tin liên quan về bệnh này trong bài viết dưới đây.
1. Nguyên nhân gây tiêu chảy kéo dài ở người lớn và người cao tuổi
Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy ở người lớn và người cao tuổi thường tương tự nhau, nên việc điều trị cũng sẽ khá giống nhau. Tuy nhiên ở người cao tuổi hệ tiêu hóa thường gặp vấn đề suy giảm chức năng gây nên tình trạng kén ăn, ăn không ngon miệng, khó nhai, nuốt, dịch vị ở dạ dày tiết ra giảm cả về tốc độ lẫn số lượng so với người trẻ, đường ruột kém hấp thu hơn hẳn, thức ăn sau khi vào dạ dày được vận chuyển qua đường ruột bị chậm lại, do đó nguy cơ mắc bệnh cao hơn, điều trị cần can thiệp sớm nhằm tránh những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.
Dưới đây là một số nguyên nhân gây bệnh ở người lớn và người cao tuổi thường gặp nhất là:
- Do các chủng vi khuẩn, ký sinh trùng
Thức ăn hoặc nước bị nhiễm các chủng vi khuẩn và ký sinh trùng có thể khiến người bệnh bị tiêu chảy. Đối tượng hay gặp nhất thường là những người đi du lịch từ vùng này sang vùng khác, ăn đồ lạ, quá trình chế biến thức ăn không đảm bảo vệ sinh hoặc uống nguồn nước bị nhiễm bẩn.
- Do bệnh lỵ
Một số triệu chứng hay gặp ở người bệnh mắc lỵ trực khuẩn do tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Shigella bao gồm: đau quặn bụng, đi ngoài phải mót rặn, phân lỏng không thành khuôn, phân có lẫn máu hoặc chất nhầy nhớt, tăng thân nhiệt. Các triệu chứng trên thông thường xuất hiện sau 1 - 3 ngày sau khi người bệnh bị nhiễm vi khuẩn.
Đối với lỵ gây ra do tác nhân là amip thường xuất hiện các triệu chứng sau: Đau bụng và đau khi đi đại tiện, buồn nôn, nôn, ớn lạnh, sốt, phân lỏng không thành khuôn đôi khi có thể kèm theo máu, mủ hoặc chất nhầy. Trường hợp amip đâm xuyên qua thành ruột, có thể gây bệnh ở những cơ quan khác trong cơ thể. Mặc dù sau thời gian điều trị các triệu chứng trên đã hết hoàn toàn nhưng vi khuẩn amip có thể tiếp tục ký sinh ở người bệnh và có thể tái phát bệnh khi hệ thống miễn dịch bị yếu.
Lỵ do vi khuẩn Yersinia Enterocolitica: Tác nhân gây bệnh thường chứa trong nước uống, thức ăn bị ô nhiễm như sữa, rau, thịt gây viêm dạ dày, ruột hoặc viêm hạch mạc treo. Các triệu chứng hay gặp như đau bụng quằn quại, phân lỏng có lẫn có máu, có sốt.
- Do vi khuẩn Salmonella
Do thức ăn bị nhiễm khuẩn, thường là nguyên nhân gây tiêu chảy kéo dài ở người lớn. Hay gặp nhất là vi khuẩn Salmonella. Sau thời gian từ 12 - 36 giờ nhiễm bệnh, người bệnh thường bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như sốt, đau bụng vùng thượng vị hoặc quanh rốn, không mót rặn, đi ngoài nhiều lần, phân có mùi hôi thối, nhiều nước, đôi khi có nhầy, máu, gần giống với phân do hội chứng lỵ. Nếu không điều trị kịp thời, người bệnh có thể bị rối loạn điện giải do mất nước (môi khô, mắt trũng, khát nước), thậm chí có thể tử vong do trụy mạch.
- Do vi khuẩn tả
Bệnh tả là do vi khuẩn Vibrio cholerae gây ra. Vi khuẩn này có khả năng sống lâu trong thực phẩm, đất ẩm hay nước. Dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh là đau bụng, sôi bụng, tiêu chảy liên tục (phân lỏng, sau toàn nước), phân đục như nước vo gạo, người bệnh có thể rơi vào tình trạng mất 5 – 10 lít nước/ngày, nôn mửa ra thức ăn, sau là nước vàng, nước xanh rất đắng, mệt mỏi, chuột rút, không đau bụng, không sốt. Vi khuẩn gây bệnh tả có thể lây lan và gây thành dịch tiêu chảy, đối tượng cảm nhiễm là tất cả mọi người, trong đó trẻ em và người già dễ mắc nhất.
- Do E. Coli
Các chủng vi khuẩn của Escherichia Coli (E. Coli) có thể gây tiêu chảy ở người già với hội chứng lỵ đau quặn, mót rặn và phân lỏng máu mũi. Có 3 chủng E.Coli gây bệnh tiêu chảy phổ biến nhất là E.Coli gây bệnh lý ruột, E.Coli chứa độc tố xâm nhập ruột và E.Coli chứa độc tố gây chảy máu ruột.
Đa số các trường hợp tiêu chảy kéo dài ở người già đều có các triệu chứng tiêu tương tự nhau. Để tìm ra tác nhân gây bệnh, người bệnh thường được chỉ định các xét nghiệm phân.
Người già bị tiêu chảy được điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu nhưng cần chú ý đến hiện tượng kháng kháng sinh của vi khuẩn.
- Do virus
Các loại virus là tác nhân gây tiêu chảy kéo dài ở người cao tuổi thường gặp nhất là rotavirus, norovirus và adenovirus. Trong đó, chủng virus Norovirus rất dễ lây lan là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh dịch tiêu chảy.
- Các nguyên nhân khác
Tình trạng đường ruột không thể dung nạp đường Lactose, đây là loại đường có trong sữa và các sản phẩm từ sữa khác. Một số người già mắc không có khả năng dung nạp đường lactose có thể bị tiêu chảy sau khi ăn các loại thức ăn được chế biến từ sữa. Đặc biệt, ở người già nồng độ enzyme giúp tiêu hóa đường sữa thấp hơn nên tình trạng này càng nặng nề hơn.
Một số bệnh đường tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích, bệnh Crohn, viêm đại tràng và bệnh celiac...
Do tác dụng phụ của một số thuốc như thuốc kháng sinh, thuốc ung thư và thuốc kháng axit có magie.
2. Điều trị bệnh tiêu chảy kéo dài ở người lớn và người cao tuổi
Khi các tác nhân gây bệnh tiêu chảy xâm nhập cơ thể, người bệnh có thể bị mất nước, có thể đe dọa đến tính mạng, đặc biệt là ở người cao tuổi có hệ miễn dịch yếu.
Một số dấu hiệu mất nước cần được nhận biết sớm như khô miệng, khát nước, dấu véo da bụng, mệt mỏi... Trong hầu hết các trường hợp, người lớn bị tiêu chảy kéo dài đều được điều trị tại nhà bằng việc bổ sung lượng nước và điện giải bị thiếu hụt. Cách bù nước hay được áp dụng là:
- Trường hợp mất nước mức độ nhẹ, bồi phụ nước bằng đường uống khi còn uống được, thường dùng Oresol hoặc có thể dùng nước cháo, nước sôi nguội thêm ít muối và đường.
- Còn đối với tình trạng mất nước mức độ nặng, nghĩa là lượng nước mất lớn hơn 5% trọng lượng cơ thể hoặc khi uống không có kết quả thì phải bù nước bằng truyền tĩnh mạch. Thể tích dịch truyền trong 24 giờ sẽ bằng cân nặng cơ thể bị hao hụt và nhu cầu nước bình thường mỗi ngày.
Dịch truyền được chỉ định sử dụng cho trường hợp tiêu chảy ở người lớn chủ yếu là dung dịch mặn, ngọt đẳng trương. Trường hợp mất nước kèm theo tình trạng hạ kali máu phải bù kali.
Sử dụng kháng sinh cho người bệnh tiêu chảy khi có dấu hiệu tổn thương đường ruột (có bạch cầu trong phân) hoặc những bệnh nhân có tổn thương đáp ứng miễn dịch, hoặc khi xác định chắc chắn tác nhân gây bệnh là vi khuẩn.
Chỉ sử dụng các thuốc trị tiêu chảy theo chẩn đoán và điều trị của bác sĩ. Người bệnh không nên tự ý dùng thuốc trị tiêu chảy khi phát hiện dấu hiệu, có thể gây khó khăn cho điều trị khi bệnh trở nên nặng nề.
3. Một số biện pháp phòng ngừa tiêu chảy ở người lớn và người cao tuổi
Tiêu chảy kéo dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người lớn và người già, thậm chí có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Dưới đây là một số biện pháp giúp phòng tránh bệnh tiêu chảy bao gồm:
- Nên ăn chín uống sôi.
- Tạo thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh, hắt hơi, ho, xì mũi, trước và sau khi chuẩn bị thức ăn, và sau khi xử lý thịt chưa nấu chín. Sử dụng xà phòng diệt khuẩn để rửa tay trong thời gian ít nhất 20 giây tiêu diệt vi khuẩn bám trên da tay.
- Tránh sử dụng các chất có cồn như rượu, bia, các chất kích thích.
- Dung dầu thực vật từ các loại đậu thay thế cho mỡ động vật.
- Hạn chế ăn đồ có nhiều gia vị, cay nóng, đồ ăn quá ngọt
- Không ăn nhiều đồ ăn chế biến sẵn ở vỉa hè.
- Hạn chế ăn nhiều thịt trâu, thịt bò.
- Không nên vừa ăn vừa xem tivi có thể gây nghẹn, sặc thức ăn.
- Rửa sạch trái cây trước khi ăn, ngâm nước muối và gọt vỏ.
- Ăn nhiều rau xanh, ngũ cốc, đu đủ, chuối, cam.
- Trong trường hợp phải đi xa, du lịch bạn cần thận trọng khi ăn các đồ ăn lạ.
- Không nên tự ý dùng các thuốc kháng sinh trị tiêu chảy nếu không có chỉ định của bác sĩ, có thể khiến việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn.
- Cần giữ trạng thái tinh thần thoải mái, tránh lo lắng, cáu giận, ảnh hưởng tới sức khỏe đường ruột. Bên cạnh đó, rèn luyện thể chất đều đặn là thói quen tốt giúp cải thiện sức khỏe tổng thể.
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp những thông tin hữu ích liên quan đến bệnh tiêu chảy kéo dài ở người lớn và người già. Người bệnh có thể áp dụng các biện pháp phòng ngừa để tránh mắc bệnh tiêu chảy nhằm bảo vệ sức khỏe an toàn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.