Viêm tụy cấp là căn bệnh thường gặp với triệu chứng điển hình là xuất hiện những cơn đau dữ dội. Vậy giảm đau trong viêm tụy cấp bằng cách nào hiệu quả nhất?
1. Sơ lược về triệu chứng đau trong viêm tụy cấp
Viêm tụy cấp là căn bệnh khá thường gặp, phổ biến ở nam giới hơn nữ giới, thường ở người trong độ tuổi 30 - 60. Những yếu tố nguy cơ gây bệnh chủ yếu là do lạm dụng rượu bia, tăng calci máu, sỏi mật, tăng triglyceride máu, do thuốc,... Tùy thuộc nguyên nhân mà bệnh viêm tụy cấp có tỷ lệ tử vong từ 1 - 35%. Nhóm nguyên nhân do sỏi mật có tỷ lệ tử vong cao hơn so với các nguyên nhân khác. Hầu hết những trường hợp tử vong ở bệnh nhân viêm tụy cấp là do suy đa tạng, hoại tử tụy nhiễm trùng.
Triệu chứng điển hình của viêm tụy cấp là:
- Đau bụng trên dữ dội, cơn đau lan ra sau lưng;
- Sốt, mạch nhanh;
- Buồn nôn, ói mửa, tức bụng, chướng bụng, ăn uống kém.
Đau là triệu chứng điển hình của bệnh viêm tụy cấp. Bệnh biểu hiện ra bên ngoài với triệu chứng đau âm ỉ vùng thượng vị, cơn đau có thể thoáng qua hoặc dữ dội kéo dài. Cơn đau thường xảy ra đột ngột, sau đó tăng dần sau ăn. Những cơn đau do viêm tụy cấp rất nguy hiểm vì nó tác động tới những cơ quan duy trì chức năng sống như thận, gan,... nên có khả năng gây tử vong cao nếu không được xử lý kịp thời.
2. Biện pháp giảm đau trong viêm tụy cấp
2.1 Cách xử lý tại nhà ngay sau khi phát hiện bệnh
Theo các bác sĩ, khi bệnh nhân bị nôn ói, hãy để cho người bệnh nôn sạch. Không nên giữ ngực hay giữ cổ của bệnh nhân để giữ lại chất nôn. Bởi ở người bệnh viêm tụy cấp thì việc nôn có tác dụng làm giảm bớt áp lực dạ dày, hỗ trợ giảm đau hiệu quả. Đồng thời, nôn cũng làm giảm lượng thức ăn trong dạ dày - tá tràng, giảm sự kích thích sản sinh thêm men tụy trong các cơn đau.
Bên cạnh đó, nên đặt bệnh nhân ở trên giường trong tư thế nằm đầu ngang, không đặt trong tư thế đầu cao hơn người. Bởi trong trường hợp người bệnh bị tụt huyết áp thì não sẽ không đủ máu tới nuôi dưỡng, có thể dẫn tới hôn mê.
Đồng thời, không nên xoa bụng, đè tay lên bụng hoặc đặc bất kỳ vật gì lên bụng của người bệnh để tránh kích thích vào tụy, gây xuất huyết tụy, làm tăng nguy cơ tử vong. Hãy để bệnh nhân tự tìm được tư thế giảm đau phù hợp, giảm tác động tiêu cực tới hệ tim mạch. Bởi việc tác động lên thành bụng dù nhẹ hay nặng cũng có thể gây kích thích ở vùng đang bị tổn thương.
2.2 Sử dụng thuốc giảm đau trong viêm tụy cấp
Việc xử lý viêm tụy cấp đầu tiên là dùng thuốc giảm đau, bù dịch kết hợp với chống sốc cho bệnh nhân. Những loại thuốc giảm đau thường được chỉ định là: Paracetamol, thuốc giảm đau nhóm opioid, thuốc chống viêm không steroid, thuốc giảm đau tác dụng lên thần kinh trung ương. Tùy từng tình trạng đau của người bệnh mà sẽ có chỉ định dùng thuốc phù hợp.
Nếu bệnh viêm tụy cấp gây ra những cơn đau dữ dội thì bệnh nhân có thể cần sử dụng opioid tĩnh mạch như hydromorphone hoặc fentanyl để giảm đau hiệu quả.
Bên cạnh đó, bệnh nhân thường được chỉ định sử dụng các thuốc giảm bài tiết của tụy (Atropin, Sandostatin,...), chống độc nhiễm trùng, hồi sức chống sốc, hô hấp, tuần hoàn, nội tiết, điện giải, nuôi dưỡng đường tĩnh mạch (nhịn ăn) và theo dõi sát tình hình diễn biến của bệnh.
2.3 Can thiệp phẫu thuật
Bệnh nhân viêm tụy cấp có thể cần phẫu thuật nếu bệnh tiến triển nặng dần, có biểu hiện đe dọa hoại tử tổ chức tụy với những biểu hiện như:
- Cơn đau không giảm, tăng phản ứng cơ thành bụng;
- Tăng tình trạng nhiễm độc;
- Xét nghiệm Amylase máu và nước tiểu không giảm đi, thậm chí càng tăng hơn dù đã điều trị nội khoa tích cực;
- Amylase máu và nước tiểu giảm nhưng tình trạng nhiễm độc tăng và phản ứng thành bụng tăng - biểu hiện cho thấy tế bào tụy bị hoại tử trầm trọng trên diện rộng;
- Viêm tụy cấp do bệnh lý đường mật như tắc mật;
- Có nghi ngờ viêm túi mật hoại tử, thủng dạ dày - tá tràng, tắc ruột;
- Viêm tụy cấp có biến chứng hoại tử xuất huyết hoặc áp xe tụy.
Giảm đau trong viêm tụy cấp cần điều trị tích cực. Nếu người bệnh không đỡ đau sau khi dùng thuốc, nên có biện pháp can thiệp phù hợp. Bệnh nhân trong quá trình điều trị viêm tụy cấp cần tuân thủ tuyệt đối mọi hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.