Sỏi túi mật là một tình trạng các thành phần có trong dịch mật tích tụ và hình thành các hạt rắn trong túi mật. Hiểu rõ về tiến trình và các biến chứng của sỏi túi mật không chỉ giúp chẩn đoán kịp thời mà còn là yếu tố then chốt trong việc lên kế hoạch điều trị hiệu quả, nhằm ngăn chặn các tác động lâu dài đến sức khỏe.
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng ThS.BS Vũ Văn Quân - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp - Khoa Ngoại tổng hợp & Gây mê, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
1. Tổng quan về sỏi túi mật
Sỏi túi mật là những tinh thể rắn hình thành từ việc các chất trong dịch mật kết tinh. Đây là một bệnh lý tiêu hóa phổ biến. Đa số người mắc bệnh sỏi túi mật sẽ không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào trong nhiều năm.
Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân đã có sỏi túi mật trên 10 năm, khoảng một phần ba trong số họ sẽ bắt đầu cảm thấy các triệu chứng khi sỏi gây tắc nghẽn đường mật. Tình trạng này khiến dịch mật không lưu thông được, làm tăng áp lực trong túi mật và gây ra các biểu hiện như đau bụng và đôi khi đi kèm với vàng da, sốt cao và nôn mửa.
2. Tiến triển và một số biến chứng sỏi túi mật
Đa số bệnh nhân bị sỏi túi mật không gặp bất kỳ triệu chứng lâm sàng nào. Tuy nhiên, mỗi năm có khoảng 1-2% bệnh nhân sỏi túi mật không triệu chứng bắt đầu xuất hiện triệu chứng hoặc các biến chứng. Một khi đã có các triệu chứng như cơn đau quặn mật, những cơn đau này thường có xu hướng tái phát.
Trong trường hợp sỏi túi mật không gây ra triệu chứng thì không được coi là nguy hiểm. Nhưng nếu sỏi gây ra các triệu chứng, điều này báo hiệu nguy cơ tiềm ẩn biến chứng và cần được quan tâm.
2.1 Biến chứng sỏi túi mật thường gặp
2.1.1 Viêm túi mật cấp
Đây là biến chứng thường gặp ở những người mắc bệnh sỏi túi mật. Đặc điểm của viêm túi mật cấp là tình trạng viêm nhiễm ở thành túi mật, đặc biệt là ở những người có sỏi mật kích thước lớn, bởi sỏi lớn có nguy cơ bị mắc kẹt trong túi mật cao hơn.
Triệu chứng điển hình của viêm túi mật cấp bao gồm sốt và đau dai dẳng ở vùng bụng trên bên phải, cảm giác đau tăng khi sờ nắn, thở sâu hoặc ho. Tình trạng bạch cầu tăng cao trong máu cho thấy sự hiện diện của viêm nhiễm hoặc nhiễm trùng.
Mặc dù viêm túi mật ít khi gây ra các biến chứng nghiêm trọng (như thủng hoặc vỡ túi mật) và quá trình điều trị cũng không gặp nhiều khó khăn, nhưng nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này hoàn toàn có thể trở nên phức tạp hơn, dẫn đến hoại tử hoặc thủng túi mật.
Khi túi mật bị thủng, dịch mật có thể rò rỉ vào các cơ quan lân cận như phúc mạc, gây ra thấm mật phúc mạc, nghiêm trọng hơn là viêm phúc mạc mật và sốc nhiễm trùng đường mật, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.
2.1.2 Viêm túi mật mạn tính
Là tình trạng viêm túi mật bị tái phát nhiều lần trong một thời gian dài. Đặc trưng của viêm túi mật mạn tính là sự dày lên và xơ hóa của thành túi mật, dẫn đến mất chức năng cô đặc và dự trữ dịch mật.
2.1.3 Hội chứng Mirizzi
Đây là một biến chứng hiếm gặp của bệnh sỏi túi mật, xảy ra khi một viên sỏi ở ống túi mật hoặc cổ túi mật lấn áp vào đường mật kế cận.
Việc này có thể dẫn đến việc tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ ống gan chung, gây tắc mật. Triệu chứng phổ biến bao gồm vàng da và nhiễm khuẩn đường mật tái phát nhiều lần. Ở giai đoạn muộn của hội chứng này, viên sỏi có thể gây mòn cổ túi mật, tạo ra một lỗ rò giữa túi mật và ống mật chủ.
2.1.4 Sỏi mật ruột
Tình trạng này xuất hiện khi túi mật có dấu hiệu thủng, cho phép các viên sỏi di chuyển vào ruột non. Nếu viên sỏi này có kích thước lớn có thể bị kẹt tại van ileocecal (cơ vòng tại điểm giao giữa ruột non và ruột già, còn được gọi là van hồi - manh tràng). Khi đó, chất thải và các chất khác trong ruột có thể tích tụ thành viên sỏi mới ngay tại tổn thương đó. Tình trạng viên sỏi có kích thước lớn và gây tắc ruột sẽ được gọi là tắc ruột do sỏi. Nhìn chung, tắc ruột dù bất kỳ nguyên nhân nào, luôn là tình trạng cấp cứu y tế nghiêm trọng trong lĩnh vực ngoại khoa tiêu hóa.
2.2 Các biến chứng do sỏi túi mật làm tắc nghẽn đường mật
Sỏi mật có thể di chuyển từ túi mật vào đường mật. Trong trường hợp sỏi không gây tắc đường mật, bệnh nhân thường không thấy bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, khi sỏi gây tắc nghẽn đường mật, tình trạng này có thể dẫn đến cơn đau quặn mật rất dữ dội và gây ra các biến chứng nghiêm trọng như:
- Vàng da tắc mật: Khi sỏi mật gây tắc nghẽn ống mật, dòng chảy của mật vào tá tràng bị cản trở, dẫn đến việc các sắc tố mật không thể được giải phóng vào đường ruột. Điều này làm tăng nồng độ bilirubin trong máu, đặc biệt là bilirubin liên hợp. Nếu không được điều trị kịp thời, mức bilirubin cao liên tục có thể thấm vào các mô thần kinh, gây ra ngộ độc. Các triệu chứng lâm sàng của tình trạng này bao gồm đau bụng mật, vàng da, nước tiểu sẫm màu, phân nhạt màu và cảm giác ngứa trên da.
- Nhiễm trùng đường mật: Đây là tình trạng dịch mật trong ống dẫn mật bị nhiễm khuẩn, thường là do vi khuẩn. Nhiễm trùng đường mật thường hình thành khi dòng chảy của mật bị tắc nghẽn hoặc giảm do sỏi mật. Khi bị nhiễm trùng, bệnh nhân có thể trải qua các triệu chứng như sốt cao, rét run và trong một số trường hợp nặng, nhiễm trùng có thể lan rộng thành nhiễm trùng huyết, đe dọa tính mạng của người bệnh.
- Viêm tuỵ cấp: Tình trạng xảy ra khi sỏi mật di chuyển đến và mắc kẹt tại bóng Vater - nơi gặp nhau của ống mật chủ và ống tụy chính trước khi đổ vào tá tràng. Khi sỏi tắc nghẽn tại đây, tình trạng này không chỉ gây ra tắc mật mà còn chặn luôn ống tụy chính. Bình thường, các enzyme tụy, bao gồm nhiều loại enzyme tiêu hóa có khả năng phân giải đa số loại thức ăn, được sản xuất ở dạng không hoạt hóa và chỉ được kích hoạt khi vào tá tràng. Tuy nhiên, do sự tắc nghẽn này, các enzyme này không thể đổ vào tá tràng và thay vào đó bị hoạt hóa ngay trong ống tụy chính. Điều này dẫn đến việc các enzyme tiêu hóa chính nhu mô tụy, gây ra viêm tụy cấp tính. Tình trạng này có thể diễn tiến thành các biến chứng nghiêm trọng như suy đa tạng và thậm chí là tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.
- Ung thư túi mật: Tình trạng này thường phát triển từ những người có tiền sử mắc bệnh sỏi mật kéo dài và viêm túi mật mạn tính. Trong hầu hết các trường hợp, giai đoạn đầu của ung thư túi mật thường không xuất hiện triệu chứng rõ ràng cho đến khi bệnh đã phát triển. Do đó, bệnh thường được phát hiện một cách ngẫu nhiên, thông thường là sau khi thực hiện phẫu thuật cắt bỏ túi mật.
Để phòng tránh các biến chứng nghiêm trọng từ sỏi túi mật, việc phát hiện và điều trị sớm là rất quan trọng. Nhằm đảm bảo sức khỏe toàn diện cho khách hàng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã triển khai các Gói Sàng lọc Gan mật. Các gói này được thiết kế với nhiều mức độ chuyên sâu khác nhau, phù hợp với nhu cầu cụ thể của từng người bệnh, giúp đánh giá chức năng gan và mật một cách toàn diện. Các xét nghiệm trong gói sàng lọc này nhằm phát hiện sớm các vấn đề liên quan đến gan và mật, từ đó bác sĩ có thể tư vấn các phương án điều trị phù hợp nhất.
Kết quả sàng lọc tại Vinmec được đảm bảo về độ chính xác cao nhất nhờ đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm cùng với trang thiết bị công nghệ hiện đại và chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp, bài bản.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.