Tìm hiểu về tác dụng và cách dùng thuốc Effexor

Thuốc Effexor được bào chế dưới dạng viên nang, có thành phần chính là Venlafaxine. Loại thuốc này được sử dụng trong điều trị bệnh trầm cảm, lo âu và hoảng loạn.

1. Công dụng của thuốc Effexor

Thuốc Effexor có các dạng bào chế là: Thuốc Efexor XR 37.5mg, thuốc Efexor XR 75mg. Effexor có thành phần chính là Venlafaxine. Đây là 1 chất ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine. Cơ chế hoạt động của nó là khôi phục lại sự cân bằng của một số chất như serotonin và norepinephrine trong não ở những bệnh nhân bị trầm cảm.

Chỉ định sử dụng thuốc Effexor:

Thuốc được dùng để điều trị rối loạn trầm cảm, lo âu, hoảng loạn và rối loạn lo âu xã hội (ám ảnh xã hội). Nó giúp cải thiện tâm trạng và mức năng lượng của bạn, khôi phục lại sự hứng thú với cuộc sống hằng ngày. Đồng thời, thuốc cũng có thể làm giảm sợ hãi, lo lắng và những cơn hoảng loạn.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Effexor

2.1 Cách dùng

Người bệnh nên nuốt nguyên viên thuốc với nước, không nghiền nát, nhai hoặc hòa tan thuốc vì làm như vậy sẽ giải phóng tất cả thuốc cùng lúc, làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Thuốc thường được dùng 1 lần/ngày với thức ăn, uống vào buổi sáng hoặc buổi tối. Người bệnh nên cố gắng uống thuốc vào cùng một thời điểm mỗi ngày.

Khi dùng thuốc Effexor, bệnh nhân sẽ cần thực hiện kiểm tra huyết áp thường xuyên. Đồng thời, có thể mất tới 4 tuần trước khi các triệu chứng lo âu, trầm cảm được cải thiện. Người bệnh nên tiếp tục dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ kể cả khi các triệu chứng chưa được cải thiện. Bệnh nhân cũng không được ngừng thuốc Effexor XR đột ngột. Cần làm theo hướng dẫn chi tiết của bác sĩ về việc giảm liều dùng thuốc.

2.2 Liều dùng

Liều dùng thông thường cho người bệnh trầm cảm:

Liều khởi phát nhanh:

  • Liều khởi đầu: Dùng liều 37,5mg, uống 1 lần/ngày hoặc liều 25mg, uống 3 lần/ngày;
  • Liều duy trì: Người bệnh có thể gia tăng liều lên đến 75mg/ngày trong khoảng tối thiểu 4 ngày;
  • Liều tối đa cho bệnh nhân trầm cảm trung bình: 225mg/ngày;
  • Liều tối đa cho người bệnh trầm cảm nặng: 375mg/ngày.
  • Liều hàng ngày có thể chia thành 2 - 3 liều/ngày.

Liều mở rộng:

  • Liều khởi đầu: Dùng liều 75mg, uống 1 lần/ngày;
  • Liều duy trì: Người bệnh có thể gia tăng liều lên đến 75mg/ngày trong khoảng tối thiểu 4 ngày;
  • Liều tối đa cho bệnh nhân bị trầm cảm trung bình: 225mg/ngày;
  • Liều tối đa cho người mắc bệnh trầm cảm trầm cảm nặng: 375mg/ngày.

Liều dùng cho người bệnh bị rối loạn lo âu lan tỏa hoặc rối loạn lo âu xã hội:

  • Liều khởi đầu: Dùng liều 75mg, uống 1 lần/ngày;
  • Liều duy trì: Người bệnh có thể tăng 75mg mỗi ngày trong thời gian trên 4 ngày;
  • Liều tối đa: 225mg/ngày.

Liều dùng thông thường cho người mắc chứng hoảng loạn:

  • Liều khởi đầu: Dùng liều 37,5mg, uống 1 lần/ngày;
  • Liều duy trì: Người bệnh có thể gia tăng liều lên đến 75mg/ngày trong khoảng tối thiểu 4 ngày;.
  • Liều tối đa: 225mg/ngày.

Quá liều: Khi sử dụng thuốc Effexor quá liều, người bệnh thường có triệu chứng buồn ngủ nghiêm trọng, co giật, nhịp tim nhanh hoặc không đều,... Nên nhanh chóng đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay.

Quên liều: Nếu quên dùng 1 liều thuốc Effexor, người bệnh hãy uống càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu đã gần tới thời điểm dùng liều kế tiếp thì bệnh nhân hãy bỏ qua liều đã quên, sử dụng liều tiếp theo vào thời điểm đã lên kế hoạch. Không được dùng gấp đôi liều quy định.

3. Tác dụng phụ của thuốc Effexor XR

Khi sử dụng thuốc Effexor, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Thường gặp: Tầm nhìn thay đổi, buồn nôn, ói mửa, khô miệng, chóng mặt, tiêu chảy, thay đổi cảm giác thèm ăn hoặc thay đổi cân nặng, lo lắng, đau đầu, cảm giác hồi hộp, mơ khi ngủ, mất ngủ, run rẩy, tim đập nhanh, tăng tiết mồ hôi, mệt mỏi, suy giảm ham muốn tình dục hoặc bất lực;
  • Hiếm gặp, liên hệ ngay bác sĩ nếu có các triệu chứng sau:
    • Mờ mắt, tầm nhìn giảm, đau mắt, sưng mắt, nhìn thấy quầng sáng xung quanh nguồn sáng;
    • Dễ bị bầm tím hoặc chảy máu bất thường ở mũi, miệng, trực tràng, âm đạo, xuất hiện các đốm màu đỏ hoặc tím dưới da;
    • Đau ngực, ho, khó thở;
    • Động kinh (co giật);
    • Nồng độ serotonin trong cơ thể cao với những biểu hiện như sốt, ảo giác, kích động, nhịp tim nhanh, phản xạ quá mức, nôn mửa, buồn nôn, ngất xỉu, tiêu chảy, mất phối hợp;
    • Nồng độ natri trong cơ thể thấp với những triệu chứng như nhầm lẫn, nhức đầu, yếu cơ, nói lớ, nôn mửa, mất phối hợp;
    • Phản ứng hệ thần kinh tự động với triệu chứng sốt cao, cơ cứng, đổ mồ hôi, nhịp tim nhanh hoặc không đều, nhầm lẫn, run rẩy;
    • Thay đổi tâm trạng hoặc hành vi, hoảng loạn, lo lắng, khó ngủ;
    • Cảm thấy bực bội, kích động, bốc đồng, thù nghịch, bồn chồn, hiếu chiến, hiếu động về tinh thần hoặc thể chất, chán nản hơn, có suy nghĩ tự tử hoặc làm tổn thương bản thân;
  • Rất hiếm gặp: Người bệnh nên đi cấp cứu ngay nếu có các phản ứng dị ứng với thuốc như phát ban, nổi mẩn, khó thở, sưng mặt, lưỡi, môi hoặc họng.

Khi gặp các tác dụng phụ của thuốc Effexor, bệnh nhân nên kịp thời thông báo cho bác sĩ để được tư vấn về biện pháp can thiệp, hỗ trợ tốt nhất.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Effexor

Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi dùng thuốc Effexor là:

  • Trước khi dùng thuốc, bệnh nhân nên báo cho bác sĩ nếu bị dị ứng với thành phần thuốc Effexor hoặc bất kỳ dạng dị ứng nào khác. Thuốc có chứa các hoạt chất có thể gây dị ứng cho bệnh nhân;
  • Trước khi dùng thuốc Effexor, bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ biết về tiền sử bệnh lý của bản thân, đặc biệt là các vấn đề về chảy máu, bệnh tăng nhãn áp góc đóng, huyết áp cao, cholesterol cao, các vấn đề về tim mạch như đau tim hoặc suy tim trước đó, bệnh gan, bệnh thận, bệnh tuyến giáp, rối loạn co giật,...;
  • Thuốc Effexor có thể gây chóng mặt, buồn ngủ hoặc làm mờ tầm nhìn. Việc sử dụng rượu hoặc chất kích thích có thể khiến bạn bị chóng mặt, buồn ngủ hơn. Do đó, không nên lái xe hoặc sử dụng máy móc khi bạn cần sự tỉnh táo hoặc cần có tầm nhìn rõ ràng cho tới khi có thể thực hiện những việc này một cách an toàn. Nên tránh đồ uống có cồn trong quá trình dùng thuốc;
  • Người lớn tuổi có thể nhạy cảm hơn với các tác dụng phụ của thuốc Effexor, đặc biệt là chóng mặt khi đứng lên. Đồng thời, người lớn tuổi cũng dễ bị hạ natri máu, đặc biệt nếu họ đang dùng thuốc lợi tiểu. Chóng mặt và hạ natri máu làm tăng nguy cơ té ngã. Ngoài ra, người lớn tuổi cũng có nguy cơ cao bị chảy máu khi dùng thuốc này;
  • Trẻ em có thể nhạy cảm hơn với các tác dụng phụ của thuốc Effexor, đặc biệt là tình trạng chán ăn và sụt cân. Nên theo dõi chiều cao và cân nặng của trẻ trong thời gian dùng thuốc này;
  • Trước khi mang thai, thuốc Effexor chỉ nên sử dụng khi thực sự cần thiết. Nó có thể gây hại cho sức khỏe của thai nhi. Ngoài ra, những trẻ sinh ra từ bà mẹ sử dụng thuốc Effexor trong 3 tháng cuối của thai kỳ có thể có biểu hiện của triệu chứng cai nghiện như khó thở, khó bú, co giật, cứng cơ hoặc quấy khóc liên tục. Nếu thấy trẻ có bất kỳ triệu chứng nào như trên, bạn cần báo ngay cho bác sĩ;
  • Vì các vấn đề về tâm thần nếu không được điều trị (như trầm cảm, lo âu, hoảng loạn) có thể dẫn tới nhiều hệ lụy nguy hiểm nên bệnh nhân không được ngưng dùng thuốc trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Nếu có kế hoạch mang thai hoặc đang mang thai, bạn nên trao đổi với bác sĩ;
  • Thuốc Effexor có thể đi vào sữa mẹ, gây ảnh hưởng tiêu cực với trẻ đang bú. Do đó, bà mẹ đang nuôi con bú nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc.

5. Tương tác thuốc Effexor

Một số tương tác thuốc của Effexor gồm:

  • Thuốc Effexor có tương tác với các loại thuốc có thể gây chảy máu, bầm tím (gồm các thuốc kháng tiểu cầu như clopidogrel, NSAID như ibuprofen, naproxen, thuốc làm loãng máu như dabigatran, warfarin,...;
  • Aspirin có thể làm tăng nguy cơ chảy máu khi sử dụng đồng thời với thuốc Effexor. Tuy nhiên, nếu bác sĩ chỉ định người bệnh dùng aspirin liều thấp để phòng ngừa đau tim hoặc đột quỵ (thường là 81 - 162 mg/ngày), bệnh nhân nên tiếp tục dùng thuốc;
  • Dùng thuốc ức chế MAO đồng thời với thuốc Effexor có thể gây tương tác thuốc nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong. Tránh dùng thuốc ức chế MAO (như isocarboxazid, linezolid, metaxalone, xanh methylene, moclobemide, phenelzine, procarbazine, rasagiline, safinamide, selegiline, tranylcypromine) trong khi điều trị bằng thuốc Effexor. Hầu hết các chất ức chế MAO cũng không nên dùng trong 2 tuần trước và ít nhất 7 ngày sau khi điều trị bằng thuốc Effexor;
  • Nguy cơ serotonin tăng lên nếu người bệnh dùng thuốc Effexor đồng thời với các loại thuốc khác làm tăng serotonin. Ví dụ như một số loại thuốc chống trầm cảm (bao gồm fluoxetine, paroxetine, duloxetine, milnacipran), tryptophan,...;
  • Bệnh nhân nên báo cho bác sĩ nếu đang sử dụng các thuốc có thể gây buồn ngủ như: Thuốc giảm đau opioid hoặc thuốc giảm ho (như codeine, hydrocodone), rượu, thuốc ngủ hoặc thuốc giảm lo âu (như alprazolam, lorazepam, zolpidem), thuốc giãn cơ (như carisoprodol, cyclobenzaprine) hoặc thuốc kháng histamin (như cetirizine, diphenhydramine). Người bệnh nên kiểm tra nhãn các loại thuốc mình đang dùng, ví dụ như thuốc trị dị ứng, ho và cảm lạnh vì chúng có thể chứa các thành phần gây buồn ngủ;
  • Không dùng thuốc có chứa desvenlafaxine trong khi sử dụng thuốc Effexor;
  • Thuốc Effexor có thể ảnh hưởng tới kết quả của một số xét nghiệm (gồm cả xét nghiệm nước tiểu để tìm amphetamine).

Khi sử dụng thuốc Effexor, bệnh nhân nên tuân thủ đúng chỉ định chi tiết của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả điều trị tốt cho chứng trầm cảm, lo âu,... và hạn chế những biến chứng bất lợi.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe