Omicap 20 có hoạt chất chính là Omeprazole với hàm lượng 20mg. Sản phẩm này được sử dụng để điều trị các bệnh lý dạ dày tá tràng. Vậy bệnh nhân cần sử dụng sản phẩm này như thế nào và thuốc Omicap - 20 uống trước hay sau ăn sẽ tốt hơn?
1. Omicap 20 là thuốc gì?
Trước khi giải đáp thắc mắc thuốc Omicap 20 uống trước hay sau ăn, chúng ta cần tìm hiểu sơ lược về sản phẩm này. Omicap có hoạt chất chính là Omeprazole hàm lượng 20mg, thuộc nhóm ức chế bơm Proton và do đó có tác dụng giảm tiết acid dạ dày. Omicap 20 là thuốc kê đơn ETC, được được sản xuất bởi Micro Labs Limited.
Hoạt chất Omeprazol trong thuốc Omicap 20 ức chế quá trình bài tiết dịch acid của dạ dày thông qua ức chế có hồi phục enzym H+-K+-ATPase (hay còn được gọi là các bơm proton) trên bề mặt tế bào viền của dạ dày. Omeprazol không tác động lên các thụ thể khác như thụ thể Acetylcholin hay Histamin. Tác dụng tối đa của Omicap đạt được sau uống thuốc khoảng 4 ngày, phụ thuộc vào liều dùng và có thể ức chế tiết acid cơ bản lẫn khi dạ dày bị kích thích do bất kỳ tác nhân nào.
2. Chỉ định, chống chỉ định của thuốc Omicap 20
Để biết được thuốc Omicap uống trước hay sau ăn, người bệnh cần biết sản phẩm này được bác sĩ chỉ định trong những trường hợp nào. Theo đó, Omicap được chỉ định điều trị các bệnh lý sau:
- Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) hay loét dạ dày tá tràng;
- Kết hợp với các thuốc kháng trong phác đồ điều trị Helicobacter pylori;
- Dự phòng loét dạ dày tá tràng tái phát ở bệnh nhân nhiễm Helicobacter pylori.
- Dự phòng và điều trị loét dạ dày ở bệnh nhân cần sử dụng NSAID kéo dài;
- Điều trị kéo dài sau thời gian điều trị xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày tá tràng bằng Omeprazole đường tĩnh mạch;
- Điều trị hội chứng Zollinger Ellison.
Tuy nhiên, bệnh nhân không sử dụng Omicap khi có những chống chỉ định như sau:
- Tiền sử quá mẫn với Omeprazole, Esomeprazole hay phân nhóm Benzimidazole;
- Dị ứng các tá dược trong công thức.
3. Thuốc Omicap 20 uống trước hay sau ăn?
Theo nhà sản xuất, Omicap 20 sử dụng theo đường uống từ 1-2 lần/ngày tùy theo chỉ định cụ thể của bác sĩ. Về việc thuốc Omicap uống trước hay sau ăn, sản phẩm này được khuyến cáo uống khi bụng đói và cần uống cách xa bữa ăn, tốt nhất là buổi sáng trước ăn hoặc buổi tối trước khi đi ngủ. Khi uống bệnh nhân nên nuốt nguyên vẹn viên thuốc Omicap cùng với một ít nước, tuyệt đối không nhai, nghiền hoặc làm vỡ.
4. Liều dùng của thuốc Omicap 20
- Loét dạ dày tá tràng, viêm thực quản và chứng trào ngược axit dạ dày thực quản (GERD): 1 viên Omicap 20 x 1 lần/ngày;
- Điều trị loét dạ dày tá tràng nghiêm trọng: 2 viên Omicap 20 x 1 lần/ngày;
- Điều trị loét tá tràng do Helicobacter pylori: 1 - 2 viên Omicap 20 mỗi ngày, chia làm 1 - 2 lần uống. Phác đồ điều trị HP cần kết hợp cùng với một số loại kháng sinh nhạy cảm như Clarithromycin hay Amoxicillin;
- Hội chứng Zollinger-Ellison: 3 viên Omicap 20 x 1 lần/ngày;
- Điều trị và ngăn ngừa loét dạ dày tá tràng do thuốc NSAIDs: 1 viên Omicap 20 x 1 lần/ngày;
- Thời gian điều trị của Omicap được khuyến cáo là 4-8 tuần, sau đó có thể điều chỉnh liều lượng và thời gian dùng thuốc phù hợp với từng bệnh nhân cụ thể;
- Không cần chỉnh liều thuốc Omicap ở người già hay bệnh nhân suy gan/suy thận.
5. Tác dụng phụ của thuốc Omicap 20
Một số tác dụng phụ thường gặp khi uống thuốc Omicap 20 bao gồm:
- Đau đầu;
- Buồn nôn, nôn ói;
- Đầy hơi, tiêu chảy hoặc táo bón;
- Nghẹt mũi, hắt hơi, đau họng, đặc biệt hay xảy ra ở trẻ em).
Tác dụng phụ của Omicap với tần suất ít gặp hơn:
- Rối loạn giấc ngủ, mất ngủ;
- Phù nề bàn chân và mắt cá chân;
- Chóng mặt, dị cả;
- Tăng men gan;
- Viêm da, ngứa, phát ban da và nổi mề đay.
Một số phản ứng dị ứng nghiêm trọng có thể xảy ra khi sử dụng Omicap 20, tuy nhiên tần suất rất hiếm gặp. Do đó bệnh nhân hãy liên hệ với bác sĩ nếu có bất kỳ biểu hiện nghiêm trọng nào dưới đây:
- Phù nề môi, lưỡi và cổ họng;
- Sốt, khò khè;
- Đỏ da kèm mụn nước hoặc bong tróc;
- Phồng rộp da nghiêm trọng, dẫn đến chảy máu môi, mắt, miệng, mũi và bộ phận sinh dục (liên quan đến Hội chứng Stevens-Johnson hoặc hoại tử biểu bì nhiễm độc);
- Co giật;
- Loạn nhịp tim, cảm giác bồn chồn, chuột rút hoặc co thắt cơ;
- Ngất xỉu hoặc khó nuốt.
6. Một số thận trọng khi dùng thuốc Omicap 20
- Sau khi đã được giải đáp thắc mắc thuốc Omicap 20 uống trước hay sau ăn, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu một số thận trọng khi dùng sản phẩm này.
- Những bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo (như giảm cân nghiêm trọng ngoài ý muốn, nôn ói nhiều lần, khó nuốt, nôn máu hoặc đi ngoài phân đen) và được xác định có loét dạ dày cần phải loại trừ khả năng u ác tính vì việc dùng Omicap có thể làm che lấp các triệu chứng ác tính và dẫn đến chậm trễ trong chẩn đoán.
- Sử dụng đồng thời Atazanavir với các thuốc ức chế bơm proton như Omicap không được khuyến cáo.
- Giống như các thuốc ức chế tiết acid khác, Omicap có thể làm ức chế quá trình hấp thu vitamin B12. Tình trạng này phải được cân nhắc ở bệnh nhân có giảm dự trữ hoặc có những yếu tố nguy cơ dẫn đến giảm hấp thu vitamin B12.
- Omicap ức chế enzym CYP2C19, do đó có khả năng tương tác với các thuốc chuyển hóa qua hệ enzym này nên cần phải xem xét cẩn thận. Trong đó cần lưu ý tương tác giữa Omicap với Clopidogrel (thuốc ức chế tập tiểu cầu), do đó để đảm bảo an toàn và hiệu quả không khuyến cáo bệnh nhân sử dụng đồng thời 2 thuốc này.
- Nồng độ magie máu giảm nghiêm trọng đã được báo cáo ở những bệnh nhân dùng thuốc ức chế bơm proton như Omicap trong thời gian ít nhất 3 tháng và xảy ra đối với hầu hết trường hợp điều trị trên 1 năm. Các triệu chứng nghiêm trọng của tình trạng giảm magie máu bao gồm mệt mỏi, mê sảng, hội chứng tetany, co giật, chóng mặt, rối loạn nhịp thất.
- Đối với bệnh nhân cần sử dụng lâu dài Omicap 20 hoặc những bệnh nhân dùng thuốc ức chế bơm proton với Digoxin và các thuốc có thể làm giảm magie máu khác (như thuốc lợi tiểu), bác sĩ cần xem xét khả năng xét nghiệm nồng độ magie trong máu trước khi điều trị và định kỳ kiểm tra trong quá trình dùng thuốc.
- Các thuốc ức chế bơm proton như Omicap 20, đặc biệt khi dùng liều cao và thời gian dài (trên 1 năm), có nguy cơ tổn thương hông, cổ tay và xương cột sống, chủ yếu ở người cao tuổi hoặc kèm theo các yếu tố nguy cơ. Bệnh nhân có nguy cơ loãng xương cần được theo dõi và điều trị theo các hướng dẫn hiện tại, bao gồm sử dụng vitamin D và bổ sung Calci với liều lượng thích hợp.
- Omicap 20 và các PPI khác có liên quan đến một số ít các trường hợp lupus ban đỏ bán cấp. Nếu có tổn thương, đặc biệt là các vùng da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, và nếu kèm theo đau khớp, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến bác sĩ để xem xét việc dừng sử dụng Omicap.
- Thuốc Omicap 20 có thể gây đau đầu và choáng váng, do đó nên thận trọng khi lái xe và vận hành máy móc sau khi uống thuốc.
- Thời kỳ mang thai: Chỉ dùng Omicap 20 khi lợi ích cho mẹ vượt trội hẳn so với nguy cơ cho thai.
- Phụ nữ trong thời kỳ cho con bú cần phải ngừng cho bú nếu có chỉ định điều trị bằng Omicap 20.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.