Thuốc Olopatadine là một chất đối kháng thụ thể histamine H1 và được sử dụng trong điều trị viêm kết mạc, viêm mũi dị ứng. Bài viết sẽ cung cấp thông tin về tác dụng, liều dùng và những lưu ý khi sử dụng thuốc Olopatadine.
1. Thuốc Olopatadine là thuốc gì?
Olopatadine hydrochloride là một chất đối kháng thụ thể histamine H1 tương đối chọn lọc, có khả năng ức chế sự giải phóng histamine từ các tế bào mast và các tác động do histamine gây ra trên các tế bào biểu mô kết mạc. Thuốc Olopatadine được sử dụng trong điều trị viêm mũi dị ứng theo mùa, phòng ngừa và điều trị các triệu chứng và dấu hiệu ở mắt của bệnh viêm kết mạc dị ứng. Thuốc Olopatadine được bào chế dưới dạng dung dịch nhỏ mắt hoặc bình xịt mũi với nhiều hàm lượng khác nhau. Bệnh nhân nên đọc kỹ nhãn sản phẩm để đảm bảo mua đúng loại thuốc.
Không sử dụng thuốc Olopatadine trong trường hợp bệnh nhân dị ứng với Olopatadine hoặc Benzalkonium chloride.
2. Liều dùng và cách dùng của thuốc Olopatadine
Đối với dạng xịt mũi để điều trị viêm mũi dị ứng theo mùa
- Người lớn: Đối với dạng xịt 0,6%, bệnh nhân được khuyến cáo xịt 2 lần vào mỗi lỗ mũi.
- Trẻ em 6-11 tuổi nên xịt 1 lần vào mỗi lỗ mũi.
Đối với dạng nhỏ mắt để điều trị viêm kết mạc dị ứng
- Người lớn: Đối với thuốc nhỏ mắt Olopatadine 0,1%, khuyến cáo nhỏ 1 giọt vào (các) mắt bị ảnh hưởng cách nhau 6-8 giờ. Còn đối với dạng dung dịch 0,2%, bệnh nhân nên nhỏ 1 giọt vào (các) mắt bị ảnh hưởng một lần mỗi ngày.
- Trẻ em ≥ 3 tuổi: Khuyến cáo sử dụng liều như người lớn.
Trường hợp quá liều thuốc Olopatadine
Triệu chứng khi quá liều thuốc Olopatadine là buồn ngủ ở người lớn. Ở trẻ em thì ban đầu là kích động và bồn chồn, sau đó là buồn ngủ. Cách xử trí trong trường hợp quá liều thuốc Olopatadine là điều trị triệu chứng hoặc hỗ trợ.
3. Tác dụng không mong muốn của thuốc Olopatadine
Bệnh nhân sử dụng thuốc Olopatadine có thể gặp phải các tác dụng không mong muốn bao gồm:
Thường gặp
- Đối với thuốc nhỏ mắt: Nhức đầu, mệt mỏi, rối loạn tiêu hoá, đau mắt, kích ứng mắt, khô mắt hoặc cảm giác dị vật trong mắt, khô mũi.
- Đối với thuốc xịt mũi: Miệng có vị đắng, chảy máu cam, đau đầu, mệt mỏi, buồn ngủ, tăng cân, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, đau họng, chảy dịch mũi, ho hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu.
Ít gặp
- Đối với thuốc nhỏ mắt: Viêm mũi, chóng mặt, rối loạn biểu mô giác mạc, viêm giác mạc, chảy nước mắt, mờ mắt, giảm thị lực, sợ ánh sáng, co thắt mi, khó chịu ở mắt, tăng tiết nước mắt, ban đỏ mí mắt, rối loạn mí mắt, phù nề mí mắt, tăng nhãn áp, viêm da tiếp xúc, cảm giác nóng rát và khô da.
- Đối với thuốc xịt mũi: Khô miệng, giảm thính giác, hạ huyết áp, viêm mũi họng, bệnh cúm.
Không xác định tần suất
Đối với thuốc nhỏ mắt: Quá mẫn, sưng mặt. Buồn ngủ. Phù giác mạc, phù mắt, sưng mắt, viêm kết mạc, giãn đồng tử, rối loạn thị giác, đóng vảy mí mắt. Khó thở, viêm xoang. Suy nhược, khó chịu. Buồn nôn, nôn mửa. Viêm da, ban đỏ.
4. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Olopatadine
- Thuốc nhỏ mắt Olopatadine không dành cho bệnh nhân kích ứng liên quan đến kính áp tròng
- Mặc dù thuốc Olopatadine được dùng tại chỗ nhưng vẫn có một lượng nhỏ được hấp thu và vào tuần hoàn chung. Bệnh nhân cần ngưng dùng thuốc ngay nếu có các dấu hiệu phản ứng phản vệ hoặc quá mẫn.
- Olopatadine chứa benzalkonium chloride và có thể gây kích ứng mắt cũng như viêm giác mạc, viêm loét giác mạc nhiễm độc nên cần theo dõi chặt chẽ khi sử dụng thường xuyên, kéo dài ở bệnh nhân khô mắt hoặc giác mạc bị tổn thương.
- Thuốc nhỏ mũi không nên dùng cho bệnh nhân bị bệnh về mũi khác
- Thuốc Olopatadine cần được dùng thận trọng ở phụ nữ mang thai và cho con bú.
- Không nên đeo kính áp tròng nếu bệnh nhân bị đỏ mắt. Tháo kính áp tròng trước khi dùng Olopatadine và đặt chúng trở lại sau 10 phút, vì benzalkonium chloride có thể được hấp thụ bởi kính áp tròng mềm.
- Nếu bệnh nhân đang dùng nhiều loại thuốc nhỏ mắt, hãy dùng các thuốc cách nhau ít nhất 5 phút. Dạng thuốc mỡ tra mắt sẽ được dùng cuối cùng.
- Thuốc Olopatadine có thể làm giảm khả năng tham gia vào các hoạt động đòi hỏi sự tỉnh táo và phối hợp vận động (ví dụ: lái xe hoặc vận hành máy móc).
- Bảo quản thuốc đúng cách, không để đầu của chai nhỏ mắt tiếp xúc với mắt, mí mắt hoặc các cấu trúc xung quanh. Xử lý không đúng cách có thể làm dung dịch thuốc bị nhiễm vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng mắt.
- Ảnh hưởng trên thần kinh trung ương: Bệnh nhân có thể bị buồn ngủ khi dùng thuốc Olopatadine dạng xịt mũi. Sử dụng đồng thời thuốc xịt mũi với rượu hoặc các chất ức chế thần kinh trung ương khác cũng có thể dẫn đến suy nhược thần kinh trung ương nghiêm trọng.
- Bệnh nhân có nguy cơ chảy máu cam, loét mũi và thậm chí là thủng vách ngăn mũi khi dùng thuốc xịt mũi. Do đó, nên kiểm tra mũi trước khi bắt đầu điều trị bằng thuốc Olopatadine cũng như thăm khám định kỳ để đảm bảo không mắc các bệnh về mũi.
Trên đây là các thông tin tổng quan về thuốc Olopatadine. Nếu bệnh nhân có thắc mắc hoặc cần thêm thông tin về thuốc, hãy liên hệ bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn cụ thể.
Nguồn tham khảo: drugs.com