Thuốc Clobetasone là thuốc kê đơn, điều trị viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc, hăm tã... Để đảm bảo hiệu quả sử dụng thuốc Clobetasone, người bệnh ngoài việc cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa và cần tham khảo thêm nội dung thông tin về những công dụng thuốc Clobetasone trong bài viết dưới đây.
1. Thuốc Clobetasone công dụng là gì?
1.1. Thuốc Clobetasone là thuốc gì?
Thuốc Clobetasone thuộc nhóm Corticosteroid.Thuốc có nhiều dạng bào chế như dạng kem, dạng mỡ, dạng gel, dạng bọt, dạng dung dịch bôi: 0,05% trong tuýp, ống vỏ nhôm hoặc vỏ nhựa hàm lượng 15, 30, 45, 60 g (hoặc ml).
- Thành phần chính: Clobetasone butyrate 0,05%
- Tá dược dạng kem bôi (thông dụng nhất): Glycerol, Glycerol monostearate, Beeswax substitute 6621, Cetostearyl alcohol, Arlacel 165, Dimeticone 20, Chlorocresol, Citricacid monohydrate, Sodium citrate, Nước tinh khiết.
Thuốc Clobetasone khuyến cáo sử dụng cho người trưởng thành và trẻ em kể cả trẻ sơ sinh (tuỳ theo dạng bào chế).
1.2. Thuốc Clobetasone có tác dụng gì?
Thuốc Clobetasone được bác sĩ kê đơn sử dụng trong những trường hợp:
Điều trị tại chỗ ngắn ngày (dưới 2 tuần) cho người lớn, người già, trẻ em và trẻ sơ sinh đối với các biểu hiện ngứa, viêm do các bệnh da vừa hoặc nặng đáp ứng với corticosteroid, bao gồm cả các bệnh da vùng đầu, eczema kháng corticosteroid tác dụng yếu điển hình như:
- Viêm da do cơ địa (còn được gọi là chàm);
- Viêm da tiếp xúc nguyên nhân do dị ứng hay kích ứng;
- Viêm da tiết bã nhờn;
- Hăm da ở trẻ em do dùng tã lót;
- Viêm tai phía ngoài;
- Viêm da do tiếp xúc với ánh sáng trực tiếp;
- Phản ứng do côn trùng cắn;
- Sẩn ngứa nổi cục;
Thuốc có thể được sử dụng như liệu pháp duy trì giữa các đợt điều trị bằng steroid tại chỗ với hiệu lực mạnh hơn.
Chống chỉ định:
- Bệnh nhân quá mẫn với hoạt chất chính Clobetasone butyrate, với corticosteroid khác hoặc với bất kỳ tá dược nào có trong sản phẩm.
- Các bệnh nhiễm trùng da chưa được điều trị (ví dụ: thủy đậu, Herpes simplex).
- Bệnh nhân bị bệnh trứng cá và trứng cá đỏ rosacea.
- Tình trạng ngứa nhưng không viêm.
- Mụn thịt trên da.
- Không dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi (với dạng kem bôi).
- Viêm da quanh miệng.
- Không dùng Clobetasone đơn độc để điều trị bệnh vảy nến diện rộng.
- Không được dùng bôi ở mặt, nách, háng hoặc dùng bôi trong âm đạo. Tổn thương da do virus, nấm.
- Nhiễm khuẩn chủ yếu ở vùng da đầu.
- Da bị nhiễm virus, nấm, hoặc lao da.
2. Cách sử dụng của thuốc Clobetasone
2.1. Cách dùng thuốc Clobetasone
- Thuốc được dùng bôi tại chỗ. Dạng kem đặc biệt thích hợp cho các bề mặt da ẩm ướt hoặc đang rỉ dịch.
- Chỉ dùng theo đường bôi được khuyến cáo không được dùng theo đường nào khác.
- Rửa tay sạch với xà phòng trước và sau khi bôi
2.2. Liều dùng của thuốc Clobetasone
- Bôi một lớp mỏng thuốc mỡ, kem, gel, hoặc bọt Clobetasone và xoa nhẹ lên vùng da bị bệnh, ngày 2 lần vào buổi sáng và chiều tối cho đến khi tình trạng da được cải thiện, sau đó giảm dần tần suất thoa hoặc chuyển sang phương pháp điều trị bằng thuốc có hiệu lực thấp hơn.
- Sau mỗi lần dùng thuốc, giữ cho thuốc có đủ thời gian hấp thu vào da trước khi dùng.
- Nếu bị bệnh ở da đầu, nên ưu tiên dùng dạng thuốc bọt. Lộn ngược ống thuốc, bóp nhẹ để thuốc vào chỗ bị bệnh. Không nên dùng tay lấy thuốc, vì thuốc bọt sẽ chảy ra ngay khi tiếp xúc với da ấm. Vén tóc ra khỏi vùng bị bệnh để bôi thuốc đúng vào vùng cần điều trị. Sau đó, xoa nhẹ vào vùng da đầu có thuốc, cho đến khi hết. Cũng dùng ngày 2 lần, sáng và chiều tối. Bôi thuốc xong, nên để hở, chỉ băng kín lại nếu có chỉ định của thầy thuốc.
- Thuốc tác dụng rất mạnh, vì vậy chỉ bôi một lượng vừa đủ lên chỗ bị bệnh, không nên dùng quá 2 g một lần. Nếu chỗ bị bệnh quá lớn, cũng không được dùng quá 50 g mỗi tuần và không được dùng quá 2 tuần.
- Khi dùng clobetasone để điều trị bệnh da liễu ở trẻ em, cần hết sức thận trọng và điều trị thường không quá 7 ngày.
- Bệnh nhân lớn tuổi, suy gan, suy thận: Nên sử dụng lượng thuốc thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất mang lại hiệu quả lâm sàng.
- Khi đã thấy bệnh khỏi, nên ngừng thuốc. Liệu pháp điều trị bằng corticosteroid tại chỗ nên được ngừng dần dần và tiếp tục duy trì bằng thuốc làm mềm da.
- Nếu dùng thuốc được 2 tuần mà không thấy có đáp ứng, phải ngừng thuốc và xem lại việc chẩn đoán.
- Dạng kem có chất làm dịu (emollient cream), trong điều trị bệnh vảy nến từng mảng vừa hoặc nặng, nếu dùng trên diện tích từ 5 – 10% diện tích cơ thể, có thể dùng đến 4 tuần. Nhưng từ tuần thứ 3, phải theo dõi thường xuyên sự ức chế trục dưới đồi – tuyến yên – thượng thận.
- Do clobetasol propionat có nhiều dạng thuốc bôi khác nhau, mỗi dạng lại có thể có những đặc điểm riêng tùy theo nhà sản xuất, nên cần đọc kỹ và làm theo đúng như tờ hướng dẫn sử dụng thuốc đính kèm với mỗi sản phẩm thuốc.
Xử lý khi quên liều: Bôi ngay khi nhớ ra, nhưng mỗi lần bôi chỉ thoa thuốc với một lượng mỏng, không bôi quá dày, chỉ bôi thuốc với số lần tối đa theo như bác sĩ chỉ định.
Xử trí khi quá liều: Quá liều cấp tính rất ít khi xảy ra, tuy nhiên, trong trường hợp dùng quá liều mãn tính hoặc lạm dụng thuốc, cường thượng thận có thể xảy ra. Trong trường hợp quá liều, nên giảm Clobetasone dần dần bằng cách giảm tần suất sử dụng hoặc ngừng thuốc và bằng cách thay thế một corticosteroid có hiệu lực thấp hơn vì nguy cơ thiếu glucocorticosteroid.
3. Lưu ý khi dùng thuốc Clobetasone
- Không dùng thuốc Clobetasone khi đã quá hạn sử dụng, thuốc đổi màu, có mùi lạ, tuýp thuốc bị hở, mất nắp.
- Cần thận trọng và cân nhắc kỹ khi sử dụng Clobetasone cho những bệnh nhân đã có tiền sử quá mẫn hay phản ứng khi dùng các thuốc corticosteroid bôi tại chỗ khác. Lưu ý phản ứng quá mẫn tại chỗ có thể tương tự với các triệu chứng của bệnh viêm da bệnh nhân đang điều trị.
- Các biểu hiện của tình trạng ức chế trục dưới đồi-tuyến yên-thượng thận và của hội chứng Cushing (mặt đỏ tròn, vết rạn da đỏ, cục mỡ giữa vai, xương yếu, cơ bắp yếu, mụn trứng cá và làn da mỏng manh chữa lành kém) có thể dẫn đến thiếu glucocorticosteroid ở một số bệnh nhân do khả năng tăng hấp thu toàn thân của thuốc nhóm steroid dùng tại chỗ. Khi phát hiện thấy một trong các biểu hiện trên, cần giảm số lần sử dụng hoặc thay thế bằng thuốc corticosteroid hiệu lực thấp hơn. Việc ngừng điều trị đột ngột có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt glucocorticosteroid ở một số bệnh nhân.
- Các yếu tố nguy cơ làm gia tăng tác dụng phụ toàn thân của Clobetasone bao gồm: Hiệu lực và dạng công thức bào chế thuốc dùng tại chỗ; Thời gian da tiếp xúc với thuốc; Sử dụng thuốc bôi trên một diện tích bề mặt rộng; Sử dụng tại các vùng da bị băng kín như trên vùng da bị hăm tại các nếp gấp cổ, bẹn của trẻ nhỏ; Sử dụng ở các vùng da mỏng ví dụ như da mặt; Sử dụng trên vùng da bị rạn hoặc các tình trạng khác khi hàng rào bảo vệ da có thể bị tổn thương; Tăng hydrat hóa ở lớp sừng của da;
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể hấp thụ lượng thuốc Clobetasone bôi tại chỗ nhiều hơn so với người lớn, do đó dễ bị các tác dụng không mong muốn toàn thân hơn. Bởi vậy đối tượng trẻ nhỏ và trẻ em < 12 tuổi nên tránh điều trị bằng corticosteroid tại chỗ liên tục trong thời gian dài, vì dễ xảy ra tình trạng ức chế tuyến thượng thận.
- Vùng da bị băng kín có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn do điều kiện ấm, ẩm tại các nếp gấp da hoặc khi da bị băng kín sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự nhiễm khuẩn xảy ra, nên cần làm sạch da trước khi băng kín.
- Không nên sử dụng thuốc trong thời gian dài trên vùng da mặt, vì vùng này dễ bị teo da.
- Sử dụng thuốc trên mí mắt: Nếu bôi lên mí mắt, lưu ý cẩn trọng để đảm bảo rằng thuốc không vào mắt, người bệnh có nguy cơ bị tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể do tiếp xúc nhiều lần.
- Rối loạn thị giác: có thể xảy ra khi sử dụng thuốc corticosteroid toàn thân và tại chỗ. Nếu trong quá trình sử dụng thuốc Clobetasone bệnh nhân có các triệu chứng như nhìn mờ hoặc các rối loạn thị giác khác, cần đi khám bác sĩ nhãn khoa để đánh giá các nguyên nhân có thể xảy ra, bao gồm đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp hoặc các bệnh hiếm gặp như bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch (Central serous chorioretinopathy) đã từng được báo cáo sau khi sử dụng corticosteroid toàn thân và tại chỗ.
- Nhiễm khuẩn kèm theo: Điều trị bằng kháng sinh thích hợp nên được sử dụng khi các tổn thương viêm đang điều trị bằng Clobetasone bị nhiễm trùng. Cần phải ngừng điều trị và sử dụng kháng sinh thích hợp.
- Loét chân mãn tính: Clobetasone bôi da đôi khi được sử dụng để điều trị viêm da quanh vết loét mãn tính ở chân. Tuy nhiên, việc sử dụng này có thể đi kèm với sự xuất hiện nhiều hơn các phản ứng quá mẫn tại chỗ và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Lưu ý với phụ nữ có thai: Cân nhắc sử dụng clobetasone trong thời kỳ mang thai, nếu lợi ích mang lại cho người mẹ lớn hơn nguy cơ cho thai nhi. Nên sử dụng lượng thuốc thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất mang lại hiệu quả lâm sàng.
- Nếu cần phải sử dụng trong thời kỳ cho con bú, không nên bôi clobetasone vào bầu vú để tránh trẻ sơ sinh vô tình nuốt phải.
4. Tác dụng phụ của thuốc Clobetasone
Thường gặp:
- Tại chỗ: Bỏng rát, đau nhói như bị côn trùng đốt.
Ít gặp:
- Ngứa, ban da, khô da, viêm nang lông, nhiễm khuấn hoặc nhiễm nấm.
- Nhiễm khuẩn cơ hội, phát ban toàn thân, quá mẫn, ức chế trục thượng thận tuyến yên-tuyến yên (HPA).
- Viêm da tiếp xúc dị ứng, teo da, thay đổi sắc tố, nổi mày đay
- Nóng rát tại vùng da tiếp xúc, phát ban, ngứa, ban đỏ, rậm lông.
5. Tương tác thuốc Clobetasone
- Dùng đồng thời thuốc bôi Clobetasone và các thuốc corticosteroid khác (dùng đường uống, tiêm hoặc xịt mũi) rất dễ làm tăng nguy cơ quá liều glucocorticoid dẫn đến tình trạng ức chế trục dưới đồi – tuyến yên – thượng thận.
- Dùng đồng thời Clobetasone kem bôi da với các thuốc ức chế CYP3A4 (ví dụ: itraconazole, ritonavir) đã cho thấy các thuốc này gây ức chế chuyển hóa của Clobetasone dẫn đến tăng tiếp xúc toàn thân. Mức độ của tương tác này phụ thuộc vào đường dùng, liều dùng của Clobetasone và hiệu lực của chất ức chế CYP3A4.
- Clobetasone làm tăng tác dụng của thuốc defarasirox.
- Telaprevir khi dùng chung làm tăng tác dụng của Clobetasone.
- Clobetasone làm giảm tác dụng của corticorelin, aldesleukin, telaprevir, hyaluronidase.
Thuốc Clobetasone là thuốc kê đơn, điều trị viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc, hăm tã... Để đảm bảo hiệu quả sử dụng thuốc Clobetasone, người bệnh ngoài việc cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.