Brimonidine còn được biết đến với tên gọi khác là Brimonidine Tartrate, thuộc nhóm thuốc dùng để điều trị các bệnh liên quan đến mắt, tai mũi họng. Người bệnh có thể theo dõi bài viết dưới đây để biết Brimonidine là thuốc gì?
1. Thuốc Brimonidine có tác dụng gì?
Thuốc Brimonidine hoạt động bằng cách làm giảm sản xuất dịch và giảm áp lực bên trong mắt. Được chỉ định sử dụng để hạ nhãn áp ở những bệnh nhân bị tăng nhãn áp góc mở.
Có thể sử dụng Brimonidine kết hợp với các thuốc hạ áp khác để giảm nhãn áp khi bệnh nhân không đáp ứng phác đồ trị liệu bằng các loại thuốc điều trị khác.
Công dụng điều trị của thuốc Brimonidine còn phụ thuộc vào dạng bào chế của thuốc. Cụ thể:
- Thuốc Brimonidine tartrate dạng gel dùng trong điều trị bệnh Rosacea với biểu hiện chứng đỏ bừng mặt ở người trưởng thành.
- Thuốc nhỏ mắt Brimonidine tartrate 0,025 % dùng để điều trị tắc nghẽn kết mạc.
Thuốc Brimonidine có các dạng bào chế sau:
- Dung dịch thuốc nhỏ mắt: Gồm có lọ với dung tích là 5 ml brimonidine tartrate 0.2 % hoặc lọ 7,5ml brimonidine tartrate 0,025 %.
- Hỗn dịch thuốc nhỏ mắt với dung dịch lọ 5ml brimonidine tartrate 0,2 %.
- Gel dùng ngoài 3 mg/ g.
Chống chỉ định của thuốc Brimonidine với các trường hợp:
- Quá mẫn với hoạt chất Brimonidine tartrate hoặc với bất kỳ thành nào trong thuốc.
- Bệnh nhân đang điều trị bệnh bằng thuốc ức chế mono-amine oxidase (MAOI) hoặc sử dụng thuốc chống trầm cảm ảnh hưởng đến sự dẫn truyền noradrenergic, chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm ba vòng và mianserin.
- Thuốc brimonidine tartrate dưới dạng thuốc nhỏ mắt không nên dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi và chống chỉ định cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi.
2. Liều lượng và cách dùng
2.1. Cách dùng
Với thuốc dạng dung dịch, sử dụng để nhỏ mắt, trước khi dùng người bệnh cần phải rửa sạch tay. Đầu tiên ngửa đầu ra sau, dùng tay kéo nhẹ mí dưới xuống. Nhỏ Brimonidine nhẹ nhàng rồi nhắm mắt lại, để yên trong vòng 1-2 phút để thuốc ngấm vào trong. Có thể thấm lượng thuốc trào ra quanh mắt bằngkhăn sạch và cẩn thận không để khăn chạm vào mắt. Sau đó là rửa sạch tay.
Lưu ý:
- Người bệnh cần giữ lọ thuốc kín, không để các loại vi khuẩn gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Khi nhỏ thuốc, không để đầu nhỏ của chai thuốc chạm vào mắt.
- Trong trường hợp người bệnh sử dụng nhiều loại thuốc nhỏ mắt khác nhau thì nên tách khoảng thời gian, không dùng đồng thời cùng lúc để tránh gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn.
- Nếu thuốc nhỏ mắt Brimonidine thay đổi màu hoặc dung dịch trở nên đục thì ngưng sử dụng.
2.2. Liều lượng
Liều đối với người lớn:
- Trong điều trị hạ nhãn áp: Liều sử dụng khuyến cáo là nhỏ 1 giọt Brimonidine Tartrate vào mắt mỗi, ngày dùng 3 lần, cách nhau khoảng 8 giờ.
- Trong điều trị tắc nghẽn kết mạc: Sử dụng dịch nhỏ mắt brimonidine tartrate 0,025%, nhỏ 1 giọt vào mắt bị ảnh hưởng sau mỗi 6-8 giờ hằng ngày, sử dụng tối đa 4 lần/ ngày.
- Trong điều trị triệu chứng ban đỏ mặt của bệnh Rosacea: Dùng thuốc bôi dạng gel, dùng mỗi lần bôi khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng. Liều tối đa được khuyến nghị hàng ngày là 1 g gel, thoa thuốc 1 lần/ ngày.
- Thời gian đầu điều trị chỉ nên điều trị với 1 lượng nhỏ gel trong ít nhất 1 tuần. Sau đó có thể tăng dần lượng gel tùy thuộc vào khả năng dung nạp và đáp ứng của bệnh nhân.
Với trẻ em: Chưa xác định được tính an toàn và hiệu quả của Brimonidine tartrate ở trẻ em. Đối với trẻ em từ 2 tuổi trở lên, đặc biệt là trẻ em từ 2 đến 7 tuổi và cân nặng dưới 20kg cần phải điều trị bằng thuốc thì hết sức thận trọng và theo dõi chặt chẽ do tác dụng phụ gây ra như ngủ gà...có thể xảy ra với tỷ lệ cao và mức độ nghiêm trọng.
3. Tác dụng phụ của thuốc
Khi sử dụng thuốc Brimonidine dưới dạng dung dịch nhỏ mắt thì người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ khá phổ biến như: Viêm kết mạc dị ứng, xung huyết kết mạc và ngứa mắt. Hoặc phản ứng ít gặp khác như: Cảm giác nóng rát, viêm nang kết mạc, tăng huyết áp, phản ứng dị ứng ở mắt, khô miệng và rối loạn thị giác.
Với người bệnh sử dụng thuốc nhỏ mắt Brimonidine 0,1-0,2% thì có thể gặp các phản ứng phụ hiếm gặp như: Rối loạn tiêu hóa, rối loạn vị giác, phản ứng dị ứng, suy nhược, xuất huyết kết mạc, viêm kết mạc mí mắt, mờ mắt, viêm phế quản, phù kết mạc, viêm kết mạc, đục thủy tinh thể, ho, chóng mặt, khó thở, chảy nước mắt, khô mắt, ngứa mắt, đau mắt, phù mí mắt, đỏ da mí mắt, mệt mỏi, hội chứng cúm, viêm kết mạc nang, cảm giác có dị vật, đau đầu, tăng cholesterol máu, hạ huyết áp, nhiễm trùng, mất ngủ, viêm giác mạc, giảm thị lực, rối loạn mí mắt, viêm họng, sợ ánh viêm loét giác mạc, chảy nước mắt, đục thủy tinh thể, bong thủy tinh thể và rối loạn thủy tinh thể.
Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp phải các phản ứng nghiêm trọng hơn khi dùng thuốc Brimonidine như:
- Nhịp tim chậm hoặc không đều;
- Thở nông, cảm giác như muốn xỉu;
- Tim đập nhanh hoặc đập trống ngực;
- Đau mắt hoặc tăng chảy nước mắt;
- Ngứa ran ở bàn tay hoặc bàn chân.
Nếu gặp phải các triệu chứng này, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc Brimonidine và thông báo cho bác sĩ để có hướng xử trí phù hợp.
4. Thận trọng
- Brimonidine có thể ảnh hưởng đến huyết áp người bệnh. Do đó phải thận trọng khi dùng thuốc ở người bệnh có tiền sử bệnh tim mạch hoặc đang gặp vấn đề về tim mạch.
- Chưa có đủ dữ liệu chứng minh thành phần Brimonidine Tartrate an toàn tuyệt đối khi sử dụng với người suy gan, suy thận. Bởi vậy cần phải thận trọng khi dùng ở những đối tượng này.
- Cần thận trọng sử dụng thuốc Brimonidine cho người mắc bệnh trầm cảm, suy não, suy mạch vành, hiện tượng Raynaud, người hạ huyết áp tư thế đứng và viêm tắc nghẽn mạch máu
- Đối với trẻ em: Chưa xác định được mức độ an toàn cũng như hiệu quả của thuốc, một số phản ứng đã được báo cáo như: Ngừng thở, nhịp tim chậm, co giật, chứng xanh tím, trầm cảm, khó thở, xúc cảm bất thường, tăng huyết áp, giảm nhiệt, giảm trương lực ở các bệnh nhi dùng brimonidine tartrate 0,2%. Do đó, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng.
- Đối với phụ nữ có thai: Chưa có thử nghiệm trên người nhưng đã có nghiên cứu trên động vật cho thấy Brimonidine không ảnh hưởng tới sinh sản hoặc gây độc với thai. Tuy vậy các mẹ bầu cần cẩn trọng khi dùng thuốc và tốt nhất nên có ý kiến chỉ định của bác sĩ.
- Phụ nữ cho con bú: Hiện chưa thể chắc chắn rằng thuốc Brimonidine có thể bài tiết qua sữa mẹ hay không nên. Tốt nhất trong quá trình sử dụng thuốc thì người bệnh không nên cho trẻ bú.
5. Tương tác thuốc
Brimonidine có thể gây ra sự tương tác với các thuốc hoặc hợp chất gây ức chế thần kinh trung ương như rượu, barbiturat, thuốc phiện, thuốc an thần và thuốc gây mê.
Brimonidine Tartrate nằm trong nhóm thuốc thuộc nhóm chủ vận alpha-adrenergic, nên cũng có thể làm giãn mạch và huyết áp. Do đó, cần thận trọng khi phối hợp Brimonidine Tartrate với các thuốc chẹn beta-adrenergic, thuốc chống cao huyết áp, glycosid trợ tim.
Để tránh tình trạng tương tác, trước khi được kê đơn Brimonidine thì người bệnh nên thông báo với bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng, kể cả thực phẩm chức năng. Bác sĩ sẽ căn cứ vào đó để kê đơn Brimonidine phù hợp.
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Brimonidine, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc Brimonidine điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.