Công dụng thuốc Zebacef 300mg

Thuốc Zebacef 300mg có thành phần chính Cefdinir. Zebacef thường được khuyến cáo sử dụng để điều trị các tình trạng nhiễm khuẩn ở cả trẻ em trên 12 tuổi và người lớn như: viêm phổi, viêm phế quản mạn, viêm xoang, viêm họng, viêm amidan... Người dùng thuốc cần đọc kỹ các hướng dẫn sử dụng và tuân thủ chặt chẽ theo những chỉ định mà bác sĩ đưa ra để đảm bảo đạt hiệu quả điều trị cao.

1. Công dụng của thuốc Zebacef 300mg

Thành phần Cefdinir trong Zebacef là một kháng sinh bán tổng hợp phổ rộng. Zebacef thuộc nhóm Cephalosporin thế hệ thứ 3. Thuốc hoạt động bằng cách ức chế tổng hợp vách tế bào vi khuẩn.

Nhờ khả năng bền với một số enzym Beta-lactamase, Cefinir nhạy cảm với nhiều chủng đã kháng Penicilin và một vài Cephalosporin. Thành phần này có khổ tác dụng trên cả vi khuẩn gram (-) và (+) hiếu khí.

Thuốc có tác dụng trong các trường hợp nhiễm khuẩn với các mức độ khác nhau từ nhẹ đến vừa.

  • Trị bệnh viêm phổi mắc phải cộng đồng và đợt cấp của viêm phế quản mạn.
  • Điều trị viêm họng, viêm amidan.
  • Bệnh lậu không biến chứng
  • Điều trị nhiễm khuẩn trong sản, phụ khoa
  • Nhiễm khuẩn da và tổ chức mô mềm
  • Dự phòng nhiễm khuẩn sau phẫu thuật
  • Nhiễm khuẩn tiết niệu, sinh dục

Mặc dù, thuốc đạt hiệu quả trong nhiều trường hợp nhiễm khuẩn, tuy nhiên Zebacef chống chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Người bệnh mẫn cảm với thành phần Cefdinir hoặc bất cứ tá dược nào trong thuốc.
  • Bệnh nhân dị ứng với kháng sinh nhóm Beta-lactam.
  • Thận trọng sử dụng thuốc đối với trẻ em dưới 12 tuổi

2. Cách dùng và liều dùng của thuốc Zebacef 300mg

2.1. Cách dùng

Thuốc Zebacef 300mg được bào chế dưới dạng viên nén nên người bệnh được khuyến cáo dùng bằng đường uống. Khi uống thuốc nên uống với một cốc nước lọc hoặc nước đun sôi để nguội. Không dùng thuốc với nước trái cây hoặc đồ uống có cồn để tránh ảnh hưởng đến dược tính của thuốc.

2.2. Liều dùng

Với mỗi mục đích điều trị bệnh khác nhau, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều lượng khác. Cụ thể:

  • Điều trị viêm phổi cộng đồng ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 viên. Thời gian giữa 2 lần uống cách nhau 12 giờ. Đợt điều trị kéo dài 10 ngày.
  • Điều trị viêm phế quản mạn tính, viêm xoang cấp tính, viêm amidan: 2 viên/lần/ngày trong 10 ngày. Bác sĩ có thể kê đơn liều dùng 1 viên mỗi 12 giờ trong 5 - 10 ngày.
  • Điều trị nhiễm khuẩn da và mô mềm không biến chứng: 1 viên mỗi 12 giờ, trong 10 ngày

Thuốc Zebacef 300mg không cần điều chỉnh liều dùng đối với bệnh nhân suy gan và người cao tuổi. Tuy nhiên, bệnh nhân suy thận có độ thanh thải Creatinin < 30 ml/phút uống liều 1 viên/lần/ngày. Người bệnh chạy thận nhân tạo: Khởi đầu là 1 viên mỗi 48 giờ, liều tiếp theo là 1 viên vào lúc kết thúc của mỗi buổi chạy thận.

Sử dụng thiếu liều Zebacef ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của thuốc. Tình trạng này có thể khiến thuốc giảm cơ chế hoạt động dẫn đến không điều trị một cách dứt điểm triệu chứng bệnh.

Nếu bệnh nhân quên dùng 1 liều thuốc Zebacef, hãy sử dụng ngay khi nhớ ra. Trong trường hợp sắp đến liều dùng kế tiếp, người bệnh hãy bỏ qua và dùng liều sau đúng như dự kiến.

Hiện nay, chưa ghi nhận trường hợp quá liều thuốc. Tuy nhiên, người bệnh cũng không nên chủ quan mà cần tuân thủ liều dùng của bác sĩ để tránh trường hợp ngộ độc kháng sinh nhóm Beta-lactam. Trong quá trình dùng thuốc, nếu bạn gặp các triệu chứng như: buồn nôn, nôn, đau thượng vị, tiêu chảy và co giật... nghi ngờ do quá liều, cần thông báo với bác sĩ để được xử trí kịp thời.

3. Tác dụng phụ của Zebacef 300mg

Mặc dù đã cân nhắc kỹ lưỡng những lợi ích cũng như rủi ro mà Zebacef 300mg đem lại cho người bệnh, tuy nhiên thuốc vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn.

Các tác dụng phụ thông thường có xu hướng tự biến mất sau khoảng vài ngày hoặc vài tuần. Trong khi đó, những phản ứng nghiêm trọng có thể phát triển phát triển và đe dọa đến sức khỏe của người dùng. Với các tác dụng phụ nghiêm trọng, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh điều trị để cải thiện tình hình.

  • Các tác dụng phụ thường gặp như: Tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng, nhức đầu, viêm âm đạo, viêm âm đạo do Monilia ở phụ nữ...
  • Phản ứng phụ ít gặp hơn: Phân khác thường, khó tiêu, táo bón, khô miệng, đầy hơi, nôn mửa, chán ăn, viêm đại tràng màng giả, chóng mặt, mất ngủ, ngủ mơ màng.

4. Tương tác thuốc Zebacef 300mg

Tương tác thuốc có thể làm gia tăng tác dụng phụ của Zebacef 300mg hoặc giảm hiệu quả điều trị bệnh. Để tránh tình trạng này, người bệnh nên lập một danh sách những thuốc đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem và tư vấn. Một số thuốc có thể gây tương tác với thuốc Zebacef như:

  • Sự kết hợp giữa Cefdinir với các thuốc kháng acid chứa nhôm hoặc Magnesi, chế phẩm bổ sung sắt và các thực phẩm tăng cường với sắt sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc Zebacef. Do đó, không nên kết hợp các loại thuốc này với nhau. Trường hợp bắt buộc phải uống chung thì nên giãn cách thời gian uống ít nhất 2 giờ.
  • Dùng chung Zebacef với Probenecid sẽ làm tăng AUC, tăng Cmax, kéo dài thời gian bán thải.
  • Dương tính giả với Ketone trong nước tiểu khi xét nghiệm sử dụng Nitroprussid, nhưng không phải với những người sử dụng nitroferricyanid.

5. Thận trọng khi sử dụng Zebacef 300mg

  • Sử dụng Cefdinir kéo dài có thể làm phát triển quá mức vi khuẩn Clostridium difficile
  • Thận trọng trong trường hợp có tiền sử viêm đại tràng, suy chức năng thận ở người cao tuổi, tiền sử dị ứng với Penicilin.
  • Không sử dụng chung với bất kỳ chế phẩm nào khác có chứa Cefdinir.
  • Đối với phụ nữ mang thai chỉ sử dụng thuốc khi thực sự cần thiết. Trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng cần cân nhắc lợi ích lớn hơn những rủi ro mà thuốc đem lại.
  • Phụ nữ đang con bú nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng nhằm tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi và em bé.
  • Những người thường xuyên lái xe và vận hành máy móc nên thận trọng khi sử dụng Zebacef. Bởi thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ như đau đầu, chóng mặt...

Trên đây là các thông tin hữu ích về dòng thuốc Zebacef 300mg cũng như công dụng của thuốc. Hy vọng đã giúp bạn đọc sử dụng thuốc an toàn và đạt hiệu quả cao.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe