Progesteron là một hormon sinh dục có vai trò quan trọng trong duy trì chu kỳ kinh nguyệt và mang thai của người phụ nữ được sản xuất chủ yếu ở buồng trứng. Thuốc Triclofem là một sản phẩm tổng hợp chứa thành phần có cấu trúc giống hormon này. Hoạt chất chính trong Triclofem được dùng trong điều trị một số bệnh lý và cũng sử dụng cho một số mục đích khác.
1. Thuốc Triclofem có tác dụng gì?
Thuốc Triclofem có tác dụng gì? Triclofem là biệt dược của Medroxyprogesteron acetat (17 alpha-acetoxyprogesteron), một progestogen tổng hợp có cấu trúc giống progesterone tự nhiên nhưng có tác dụng mạnh hơn. Thuốc có dạng hỗn dịch tiêm mỗi lọ 1 ml, hộp 20 lọ, hàm lượng Medroxyprogesteron acetat trong mỗi ml Triclofem là 150mg.
Medroxyprogesteron acetat trong thuốc Triclofem có tác dụng tránh thai nhờ vào khả năng ức chế nang trứng chín và sự phóng noãn của buồng trứng. Ngoài ra, thuốc còn ức chế sự tăng sinh của nội mạc tử cung, làm thay đổi độ nhớt của dịch tiết cổ tử cung gây cản trở đến sự xâm nhập của tinh trùng vào buồng tử cung.
Dùng liều thấp liên tục progesteron kết hợp với estrogen để điều trị giảm bớt các triệu chứng mãn kinh có thể loại bỏ phần lớn hiện tượng chảy máu âm đạo và các tác dụng xấu của progesterone lên lipid huyết (như tăng LDL, hạ HDL).
Tác dụng lên các tế bào ung thư phụ thuộc estrogen, liên quan tới khả năng ức chế tổng hợp các thụ thể estrogen, khiến cho các tế bào này không cảm thụ được với estrogen, từ đó sẽ ngừng phát triển. Khi sử dụng ở liều cao, thuốc còn có tác dụng trực tiếp lên tế bào ung thư.
2. Chỉ định thuốc Triclofem trong trường hợp nào?
Nhờ các tác dụng trên mà Medroxyprogesteron acetat thường được sử dụng trong các trường hợp sau:
- Tránh thai
- Điều trị hỗ trợ hoặc điều trị giai đoạn cuối một số khối u ác tính phụ thuộc hormon (như ung thư nội mạc tử cung, ung thư vú không thể phẫu thuật được, ung thư thận tử cung di căn khi phẫu thuật và xạ trị đơn thuần hoặc kết hợp với phẫu thuật đã thất bại).
- Điều trị triệu chứng của lạc nội mạc tử cung (một tình trạng mà các tế bào của nội mạc tử cung không nằm trong tử cung và gây ra các triệu chứng chẳng hạn: đau tức vùng chậu, chảy máu kinh nguyệt nặng, thống kinh, xuất huyết bất thường,...)
- Dùng trong liệu pháp thay thế hormon sau mãn kinh để dự phòng tăng sản nội mạc tử cung do estrogen.
Ngoài ra, một số trường hợp khác cần có tác dụng lâu dài của progestogen như đa kinh, chảy máu tử cung bất thường do mất cân bằng hormone, vô kinh thứ phát. Tuy nhiên, với dạng thuốc tiêm và hàm lượng hoạt chất như trong Triclofem, thuốc được sử dụng để làm biện pháp tránh thai là chính.
- Tránh thai dài hạn.
- Tránh thai ngắn hạn trong các trường hợp (bạn tình là nam giới sau thắt ống dẫn tinh cần thời gian để ống dẫn tinh phát huy hiệu lực, phụ nữ đang chủng ngừa Rubella, phụ nữ đang chờ triệt sản.
3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Triclofem
- Triclofem được tiêm trong 5 ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt bình thường hoặc 5 ngày đầu tiên sau khi sinh (trì hoãn đến 6 tuần nếu đang cho con bú), với liều 1 lọ/lần.
- Tiêm liều tiếp theo trong vòng 12 đến 13 tuần. Thuốc có thể ngăn rụng trứng và tránh thai trong 12 tuần (+/- 5 ngày), tuy nhiên có thể làm trì hoãn khả năng rụng trứng đến một năm.
- Để đảm bảo tránh thai liên tục, lịch dùng ban đầu có thể thay đổi khi chuyển từ một phương pháp tránh thai khác.
- Kinh nguyệt có thể ngừng hoàn toàn trong khoảng một năm khi sử dụng Triclofem và có lại khi bạn ngừng sử dụng thuốc.
4. Chống chỉ định thuốc Triclofem
Thuốc Triclofem có chống chỉ định trên những đối tượng dưới đây:
- Người bệnh bị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc tiêm này
- Đang hoặc từng bị viêm tĩnh mạch huyết khối, huyết khối gây tắc mạch hoặc suy tim, đột quỵ
- Bệnh gan
- Chảy máu âm đạo khi chưa tìm ra được nguyên nhân
- Suy thai không hoàn toàn
- Rối loạn chuyển hóa porphyrin.
- Có hoặc nghi mắc u ác tính ở cơ quan sinh dục hoặc vú.
- Phụ nữ đang có bầu
Cần lưu ý: Không dùng thuốc Triclofem để thử thai. Thuốc được sử dụng cho người lớn, đối với trẻ từ 12 đến 18 tuổi chỉ nên sử dụng khi các phương pháp khác không thể sử dụng nữa. Tiêm thuốc Triclofem trong thời gian dài có thể gây mất mật độ khoáng xương (BMD). Do đó, hãy hỏi bác sĩ về vấn đề bổ sung vitamin D, Canxi, hoặc các xét nghiệm cần thiết để theo dõi sức khỏe.
Thận trọng khi sử dụng thuốc tiêm này cho người có tiền sử đái tháo đường, trầm cảm, hoặc các bệnh nặng lên do giữ nước.
5. Tác dụng phụ của thuốc Triclofem
Tác dụng không mong muốn thường gặp khi sử dụng thuốc Triclofem như sau
- Tăng cân.
- Giảm HDL và tăng LDL.
- Trầm cảm, giảm chức năng tình dục.
- Chứng to vú đàn ông.
- Buồn nôn, đau bụng, chán ăn.
- Vô kinh, vô sinh (kéo dài tới 18 tháng sau ngưng thuốc), kinh nguyệt không đều và chảy máu bất thường giữa chu kỳ kinh (hay gặp trong 3 tháng đầu).
Một số tác dụng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra khi sử dụng thuốc. Theo đó, khi gặp bất kỳ dấu hiệu nào sau đây, người bệnh hãy báo ngay cho bác sĩ:
- Thay đổi tinh thần, tâm trạng (trầm cảm nặng hơn hoặc trầm cảm mới phát);
- Sưng mắt cá chân hoặc bàn chân, đau xương;
- Chảy máu âm đạo bất thường (như ra máu liên tục, ra máu lượng nhiều đột ngột);
- Buồn nôn, nôn dai dẳng;
- Đau bụng, đau dạ dày hoặc đau vùng chậu dữ dội;
- Suy nhược, mệt mỏi bất thường;
- Nước tiểu sẫm màu, vàng mắt, vàng da, co giật.
Trên đây không bao gồm danh sách tất cả các tác dụng phụ của thuốc. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bất thường xảy ra trong quá trình sử dụng thuốc hoặc cần biết thêm thông tin về cách sử dụng thuốc hãy liên hệ với bác sĩ có chuyên môn để được hỗ trợ.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.