Thuốc Tetraspan 6% thuộc nhóm thuốc dung dịch điều chỉnh nước điện giải và cân bằng acid-base, được dùng để điều trị giảm thể tích tuần hoàn, phòng hạ huyết áp. Thuốc Tetraspan 6% là loại thuốc được sử dụng dưới sự chỉ định của bác sĩ.
1. Thuốc Tetraspan 6% là thuốc gì?
Thuốc Tetraspan 6% có thành phần chính là hoạt chất Poly starch 6% và các tá dược khác vừa đủ. Thuốc được điều chế dưới dạng dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch, đóng gói thành chai 500ml, hộp 10 chai 500ml, túi 250ml, túi 500ml, hộp 20 túi 250ml, hộp 20 túi 500ml.
2. Công dụng thuốc Tetraspan 6%
2.1. Công dụng - chỉ định thuốc Tetraspan 6%
Thuốc Tetraspan 6% được chỉ định sử dụng cho những trường hợp sau:
- Người bị mất máu trước khi phẫu thuật, người bệnh bị giảm thể tích tuần hoàn sau hậu phẫu, người bị chấn thương nặng hoặc xuất huyết dẫn đến tình trạng bị mất máu quá nhiều và có nguy cơ sốc do giảm thể tích máu lưu thông trong cơ thể, người bệnh bị nhiễm trùng, ...
- Giúp phòng ngừa tình trạng huyết áp bị tụt khi thực hiện 1 số thủ thuật như gây tê ngoài màng cứng, hoặc dẫn đến hôn mê trên toàn cơ thể
- Ngoài ra, thuốc còn có thể sử dụng để pha loãng máu và được xem như là một cách để thực hiện tuần hoàn ngoài cơ thể.
2.2. Chống chỉ định thuốc Tetraspan 6%
Thuốc Tetraspan 6% chống chỉ định sử dụng cho các trường hợp sau:
- Người bị dị ứng, mẫn cảm với hoạt chất Poly starch hoặc bất cứ thành phần nào có trong dung dịch tiêm truyền này
- Người bị chứng rối loạn đông máu ở mức độ nghiêm trọng thì không dùng để tiêm truyền
- Không được sử dụng thuốc cho những người bị ứ nước trong cơ thể, người bị suy tim ứ máu hoặc người bị suy giảm chức năng thận
- Người bị chảy máu nội sọ
- Người bị suy thận kèm tiểu ít, khó hoặc đang sử dụng liệu pháp thay thế thận
- Người bị tăng nồng độ Kali, Natri hay clo huyết cũng không được sử dụng dung dịch này để tiêm truyền.
3. Cách sử dụng và liều dùng thuốc Tetraspan 6%
Cách dùng: Thuốc được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm truyền nên được sử dụng thông qua đường tiêm truyền tĩnh mạch. Trước khi sử dụng cần loại bỏ hết khí khi sử dụng chai/ túi nhựa có khoảng không bên trong để làm giảm đi nguy cơ tắc mạch. Để loại bỏ hết không khí ra khỏi chai nhựa và túi nhựa, người dùng nên dùng bộ dây có van không khí hoặc kim có lọc khí.
Liều dùng:
Thể tích truyền tối đa:
- Với những người bị giảm đi thể tích máu có đáp ứng bù dịch: Thể tích truyền tối đa hàng ngày tối đa 50ml/kg, tương đương với 3500ml thuốc cho người có cân nặng 70kg.
- Với trường hợp không theo dõi được tình trạng huyết động thì cần phải giới hạn liều 30ml/kg.
Tốc độ truyền tối đa:
- Với người bệnh bị sốc cấp tính: Có thể truyền tối đa 20ml/giờ hoặc 1,2g HES/kg/giờ
- Với người bệnh bị đe dọa tính mạng: Có thể tiêm truyền dưới áp lực 500ml
- Với trẻ em: Hiện nay chưa được nghiên cứu đầy đủ liều dùng cho đối tượng này. Vì thế, khi dùng thuốc này cho trẻ em cần thực hiện theo đúng hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế.
Lưu ý: Trong quá trình tiêm truyền, cần phải theo dõi liên tục lượng huyết động và ngừng ngay khi đạt mục tiêu huyết động phù hợp.
Trong trường hợp quá liều: Khi sử dụng quá liều, rủi ro lớn nhất có thể xảy ra là thể tích máu cao. Với trường hợp này, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc ngay lập tức và cân nhắc sử dụng thuốc lợi tiểu.
4. Tác dụng phụ của thuốc Tetraspan 6%
Trong quá trình sử dụng, ngoài công dụng chính mà thuốc Tetraspan 6% mang lại, người dùng còn có thể gặp phải một số triệu chứng khác như:
- Các phản ứng quá mẫn nhẹ như: Mẩn ngứa, nổi mề đay, đỏ vùng mặt, cổ
- Sau khi truyền dung dịch, người bệnh có thể bị tụt huyết áp, hoa mắt, chóng mặt, choáng váng
- Một số triệu chứng nặng hơn như: Ngừng hô hấp và ngừng tim.
Cách xử trí: Trong quá trình truyền dung dịch mà người bệnh nhận thấy bất kỳ biểu hiện nào khác thường thì cần phải báo lại ngay với bác sĩ để có thể được hỗ trợ kịp thời và chính xác nhất, nhằm hạn chế tối đa các hậu quả không may gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người bệnh.
5. Tương tác thuốc Tetraspan 6%
Khi sử dụng, người dùng cần ghi nhớ một số phản ứng tương tác giữa thuốc Tetraspan 6% với các loại thuốc khác như:
- Khuyến cáo người dùng không nên pha trộn Tetraspan với các loại thuốc khác hoặc dung dịch tiêm truyền khác nhằm tránh khả năng phản ứng, tương tác với nhau gây ra những tác động không tốt, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng.
6. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Tetraspan 6%
Trong quá trình sử dụng thuốc Tetraspan 6%, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Đây là dung dịch chỉ được sử dụng thông qua đường tiêm truyền tĩnh mạch, người dùng tuyệt đối không được uống.
- Người bệnh không được sử dụng dung dịch này khi đang sử dụng dung dịch tiêm truyền khác.
- Tránh tình trạng tăng thể tích dịch quá mức do quá liều hoặc tốc độ truyền quá nhanh, liều dùng cần phải được điều chỉnh cẩn thận, đặc biệt là với những người có vấn đề về phổi và tim tuần hoàn.
- Cần ngưng sử dụng thuốc ngay khi bệnh nhân có các dấu hiệu bị rối loạn đông máu.
- Không khuyến cáo sử dụng thuốc cho những người bệnh tiến hành phẫu thuật tim hở cần đạt tuần hoàn ngoài cơ thể do có nguy cơ chảy máu không kiểm soát.
- Với những người bị mất nước nặng thì cần truyền các dung dịch điện giải trước.
- Chỉ nên sử dụng thuốc cho phụ nữ đang mang thai khi đã cân nhắc được lợi ích và rủi ro cho thai nhi, đặc biệt là người đang mang thai 3 tháng đầu tiên.
- Với những người đang nuôi con bú, cần cân nhắc tạm thời ngưng sử dụng thuốc trong khoảng thời gian này.
Hy vọng với những thông tin trên sẽ giúp cho người đọc có thêm được kiến thức về công dụng thuốc Tetraspan 6% trong việc điều trị giảm thể tích tuần hoàn, phòng hạ huyết áp. Lưu ý, Tetraspan 6% là loại thuốc được sử dụng dưới sự chỉ định của bác sĩ, người bệnh tuyệt đối không được tự ý dùng khi chưa thăm khám và chẩn đoán.