Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Văn Hùng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Huyết áp là một trong những thông số đơn giản nhất để đánh giá tình trạng sức khỏe con người. Huyết áp thấp sẽ khiến chúng ta xây xẩm, choáng váng hay thậm chí làm thiếu máu não, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
1. Khi nào gọi là tụt huyết áp?
Huyết áp ổn định sẽ phản ánh thể tích tuần hoàn trong cơ thể được lưu thông ổn định, máu đều đặn được tim bơm đến cung cấp cho các cơ quan. Nếu huyết áp đột ngột tăng cao hay hạ thấp bất thường đều khiến cho cơ thể khó chịu và đôi khi dẫn đến những bệnh lý nguy hiểm.
Tụt huyết áp là khi đo thấy chỉ số huyết áp tâm thu thấp hơn 90 mmHg và huyết áp tâm trương thấp hơn 60 mmHg.
Dấu hiệu của huyết áp giảm đột ngột là người bệnh sẽ có cảm giác choáng váng, hoa mắt, chóng mặt, hồi hộp, tim đập nhanh; nặng hơn có thể là lơ mơ, lú lẫn, ngất xỉu và mất ý thức. Huyết áp giảm đột ngột làm cho não và các cơ quan khác trong cơ thể không nhận được lượng máu cung cấp đủ oxy và các chất dinh dưỡng, có thể gây thiếu máu não và chết não, nguy hiểm đến tính mạng.
Chính vì vậy, khi đo huyết áp thấy huyết áp thấp dưới 90/60 mmHg thì phải có cách sơ cứu người bệnh nhanh chóng và đúng cách, trong trường hợp tình trạng bệnh nhân chuyển biến xấu cần nhanh chóng đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp kịp thời.
Trắc nghiệm: Huyết áp của bạn có đang thực sự tốt?
Huyết áp cao hay thấp đều ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe con người. Để biết tình trạng huyết áp của bạn có thực sự tốt không, hãy làm bài trắc nghiệm sau đây để đánh giá.2. Nguyên nhân gây ra tụt huyết áp
Huyết áp của chúng ta là một con số phản ánh tình trạng sinh lý động học của cơ thể nên không phải luôn ổn định hay giữ cùng một chỉ số mà sẽ thay đổi tùy theo hoạt động, cảm xúc hoặc tình trạng sức khỏe của chúng ta tại thời điểm đó.
Đối với tụt huyết áp, một trong các nguyên nhân thường gặp là do tác dụng phụ của các loại thuốc điều trị cao huyết áp, nhất là nhóm thuốc lợi tiểu. Vai trò của thuốc lợi tiểu là tăng cường thải nước ra ngoài cơ thể bằng con đường thải nước qua thận. Từ đó, thể tích dịch trong hệ thống tuần hoàn cũng giảm dần, làm giảm áp lực trong lòng mạch; từ đó sẽ giúp giảm huyết áp. Tuy nhiên, nếu dùng thuốc quá liều, bệnh nhân đi tiểu quá nhiều, tình trạng hao hụt nước trong lòng mạch quá mức sẽ gây tụt huyết áp. Ngoài ra, các nhóm thuốc dãn mạch trong điều trị tăng huyết áp cũng có thể gây tụt huyết áp nếu điều trị liều cao, phối hợp nhiều nhóm thuốc.
Huyết áp cũng sẽ hạ thấp khi thể tích dịch tuần hoàn thuyên giảm. Đó là khi chúng ta bị mất nước do đổ mồ hôi quá nhiều, do tiêu chảy cấp, nôn ói hay do chảy máu ồ ạt. Người khỏe mạnh cũng có thể bị tụt huyết áp đột ngột sau khi tắm nước nóng, tắm hơi, xông hơi. Người lớn tuổi hay người bị biến chứng thần kinh ngoại biên do đái tháo đường nhiều năm dễ bị hạ huyết áp tư thế đứng, gây xây xẩm, chóng mặt khi chuyển tư thế đột ngột, đang nằm hoặc ngồi bỗng đột nhiên đứng dậy.
Một số trường hợp tụt huyết áp ít gặp hơn là do suy tim nặng, do nhịp tim quá nhanh hay do sốc nhiễm trùng, sốc phản vệ.
3. Xử lý khi tụt huyết áp như thế nào?
Khi thấy có dấu hiệu của tụt huyết áp thì việc cần làm ngay là đặt bệnh nhân nằm hay ngồi xuống. Chọn nơi yên tĩnh để nghỉ ngơi, tránh ồn ào hay kích động sẽ khiến tình trạng trở nên nặng nề hơn. Bên cạnh đó, cho người bệnh uống một cốc nước ấm, như trà ấm hay nước gừng, sau đó đo lại huyết áp sẽ thấy hồi phục được phần nào.
Nếu đang điều trị thuốc tăng huyết áp thì cần ngưng thuốc ngay và tái khám lại sớm. Lúc này, cần báo bác sĩ chỉ số huyết áp đo được và dấu hiệu khi ấy để điều chỉnh thuốc cho hợp lý hơn.
Trong trường hợp có huyết áp tụt kèm nôn ói hay tiêu lỏng nhiều lần, nhất là người già và trẻ nhỏ, cần bồi hoàn lại lượng nước kèm điện giải đã mất đi bằng cách uống các dung dịch oresol, sữa, nước canh rau, nước cháo... Nếu tụt huyết áp kèm theo có chấn thương hay chảy máu thì phải cầm máu ban đầu và đến bệnh viện ngay để được xử trí cấp cứu.
Riêng đối với người có cơ địa huyết áp thấp nên ăn mặn hơn người bình thường; ăn nhiều chất dinh dưỡng, đủ bữa, đa dạng các loại vitamin. Nên uống nhiều nước, giúp tăng thể tích máu và tránh sử dụng đồ uống có cồn. Ngoài ra cần sinh hoạt điều độ, ngủ đủ giấc, tránh làm việc quá sức hay thay đổi tư thế đột ngột. Nằm ngủ nên gối đầu thấp, chân cao. Nếu phải đi đứng nhiều, nên mang vớ áp lực để tránh máu dồn ứ ở chân mà trở về tim thuận lợi hơn. Ngoài ra, cần giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, tránh xúc động quá mạnh như sợ hãi, lo lắng, buồn nản có thể càng làm huyết áp hạ thêm.
Cuối cùng, một điều quan trọng cần lưu ý nhất là thường xuyên theo dõi huyết áp tại nhà của chính mình và người thân, để biết được tình trạng sức khỏe và có cách can thiệp kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Thăm khám tại bệnh viện về tình trạng huyết áp của mình là cách để đánh giá mức huyết áp là cao, thấp hay bình thường một cách chính xác nhất. Gói Sàng lọc tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec - bệnh viện uy tín hàng đầu trong lĩnh vực khám, sàng lọc, phát hiện bệnh về tim mạch - sẽ giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch cho khách hàng toàn diện và hiệu quả.
Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Văn Hùng đã có 30 năm kinh nghiệm về khám và điều trị các bệnh lý nội khoa, đặc biệt về chuyên khoa Nội tim mạch: động mạch vành, suy tim, van tim, rối loạn nhịp tim...Thạc sĩ, Bác sĩ Hùng từng giữ chức Phó Trưởng khoa Nội Tim mạch và Trưởng Đơn vị Tim mạch Can thiệp tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng và hiện đang làm việc tại Khoa Khám bệnh và Nội khoa, Nội Tim mạch, Tim mạch Can thiệp tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.