Có nhiều biện pháp ngừa thai với mức độ hiệu quả khác nhau, trong đó được xem hiệu quả nhất có thể là thuốc tránh thai đường uống. Sản phẩm ngừa thai hiệu quả được chị em sử dụng khá phổ biến hiện nay là một kết hợp giữa Ethinyl Estradiol và Desogestrel có tên gọi là thuốc Regulon.
1. Regulon là thuốc gì?
Regulon là sản phẩm của Công ty Gedeon Richter PLc, thành phần bao gồm 2 hoạt chất là Ethinyl Estradiol hàm lượng 0.03mg và Desogestrel hàm lượng 0.15mg.
Regulon được dùng hằng ngày với mục đích chính là tránh thai, mỗi vỉ thuốc bao gồm 21 viên và mỗi hộp có 1 vỉ hoặc 3 vỉ. Regulon bào chế viên nén bao phim màu trắng, hình tròn, hai mặt lồi, đường kính 6mm, được in chữ P8 trên một mặt và chữ RG ở mặt còn lại.
2. Chỉ định, chống chỉ định của thuốc Regulon
Thuốc Regulon được chỉ định với mục đích ngừa thai. Tuy nhiên, sản phẩm này lại có chống chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau:
- Người đã xác định hoặc nghi ngờ mang thai;
- Bệnh nhân tăng huyết áp mức độ trung bình đến nặng;
- Tăng lipoprotein máu;
- Hiện mắc hoặc tiền sử huyết khối động mạch (như nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch máu não);
- Người có yếu tố nguy cơ hình thành huyết khối động tĩnh mạch;
- Tiền sử bản thân hoặc gia đình có huyết khối gây tắc mạch;
- Người có biến chứng mạch máu do đái tháo đường;
- Bệnh nhân mắc hoặc có tiền sử bệnh gan trầm trọng, vàng da ứ mật hoặc viêm gan, tiền sử vàng da thai kỳ, vàng da do dùng steroid, hội chứng Rotor và hội chứng Dubin-Johnson, u tế bào gan và rối loạn chuyển hóa porphyrin;
- Sỏi mật;
- Chẩn đoán xác định hoặc nghi ngờ có khối u phụ thuộc estrogen, tăng sản nội mạc tử cung, xuất huyết âm đạo chưa rõ nguyên nhân;
- Tiền sử hoặc đang mắc hội chứng Lupus ban đỏ hệ thống;
- Tiền sử thai kỳ hoặc trước đó dùng Steroid bị ngứa trầm trọng, nhiễm herpes sinh dục, chứng xơ cứng tai;
- Mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào có trong thuốc Regulon.
3. Hướng dẫn sử dụng thuốc Regulon
Người dùng hãy bắt đầu dùng thuốc Regulon vào ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt, duy trì uống mỗi ngày 1 viên Regulon liên tục trong 21 ngày (tốt nhất là cùng một thời điểm mỗi ngày). Sau đó là 7 ngày liên tục không dùng thuốc và thường trong thời gian này người dùng sẽ bị hành kinh.
Tiếp tục liệu trình với vỉ thuốc Regulon mới tương tự, bắt đầu vào ngày thứ 8 (sau 7 ngày không dùng thuốc của vỉ thuốc trước) ngay cả khi người dùng vẫn còn hành kinh. Lưu ý người dùng phải liên tục lặp lại phác đồ như trên cho đến khi vẫn còn nhu cầu tránh thai.
3.1. Dùng thuốc Regulon lần đầu tiên
Người mới lần đầu dùng thuốc Regulon cần bắt đầu uống viên đầu tiên vào ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt. Một số trường hợp có thể bắt đầu dùng Regulon từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 5 của chu kỳ kinh nguyệt nhưng lúc này phải kết hợp với một biện pháp ngừa thai an toàn trong 7 ngày đầu của chu kỳ dùng thuốc. Sau ngày thứ 5 của chu kỳ kinh, người dùng nên đợi đến chu kỳ tiếp theo mới bắt đầu dùng thuốc Regulon theo hướng dẫn như trên.
3.2. Dùng thuốc Regulon sau sinh
Nếu người mẹ không nuôi con bằng sữa mẹ thì có thể bắt đầu dùng thuốc Regulon vào ngày thứ 21 sau sinh và không cần dùng thêm biện pháp ngừa thai khác.
Trường hợp đã quan hệ tình dục sau sinh thì nên hoãn dùng thuốc Regulon cho đến kỳ hành kinh đầu tiên. Nếu bắt đầu dùng thuốc Regulon muộn hơn 21 ngày sau khi sinh, người dùng cần áp dụng thêm một biện pháp ngừa thai khác trong 7 ngày đầu tiên.
3.3. Dùng thuốc Regulon sau sảy hoặc nạo thai
Sau khi sảy thai hoặc nạo thai, người dùng có thể bắt đầu dùng thuốc Regulon ngay và không cần áp dụng thêm biện pháp tránh thai khác.
3.4. Đổi từ một loại thuốc ngừa thai khác sang Regulon
Trường hợp đổi từ loại thuốc ngừa thai 21 hoặc 22 ngày sang thuốc Regulon: Người dùng phải uống hết tất cả các viên của vỉ thuốc cũ, sau đó tiếp tục dùng viên đầu tiên của vỉ Regulon, đồng nghĩa không có khoảng nghỉ giữa 2 loại viên tránh thai này. Khi đó có thể không cần dùng thêm một biện pháp ngừa thai khác.
Trường hợp đổi từ loại thuốc ngừa thai 28 ngày sang thuốc Regulon: Người dùng uống viên đầu tiên của vỉ Regulon sau khi đã dùng hết toàn bộ thuốc của viên ngừa thai cũ, không có khoảng nghỉ giữa 2 loại thuốc. Bệnh nhân không cần đợi đến khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt mới và cũng không cần dùng thêm biện pháp ngừa thai khác cho trường hợp này.
Trường hợp đổi từ loại thuốc ngừa thai chỉ chứa progesterone sang thuốc Regulon: Người dùng bắt đầu dùng thuốc Regulon vào ngày hành kinh đầu tiên và không cần thiết dùng thêm bất kỳ phương pháp ngừa thai nào khác. Nếu người dùng không bị hành kinh khi thuốc ngừa thai chỉ chứa progesterone có thể bắt đầu dùng Regulon vào bất kỳ ngày nào của chu kỳ kinh, tuy nhiên phải áp dụng thêm một biện pháp ngừa thai khác trong 7 ngày đầu tiên.
3.5. Quá liều Regulon và cách xử trí
Không ghi nhận bất kỳ tác dụng bất lợi trầm trọng nào của thuốc Regulon khi dùng quá liều, do đó cũng không cần điều trị. Tuy nhiên nếu người dùng uống quá liều Regulon khi cần thiết có thể rửa dạ dày và điều trị triệu chứng vì chưa có thuốc giải độc đặc hiệu.
Nếu người dùng gặp tình trạng nôn ói và tiêu chảy sau khi dùng Regulon, sự hấp thu thuốc có thể suy giảm. Nếu tình trạng này hết trong vòng 12 giờ, người dùng uống thêm viên Regulon khác từ vỉ dự phòng, sau đó uống phần còn lại như hướng dẫn. Nếu nôn ói kéo dài hơn 12 giờ, người dùng phải áp dụng thêm một hình thức ngừa thai khác trong suốt thời gian có rối loạn tiêu hóa và duy trì ít nhất 7 ngày sau đó.
3.6. Quên liều Regulon và cách xử trí
Nếu quên uống thuốc Regulon vào thời điểm quy định, người dùng phải uống bổ sung trong vòng 12 giờ, sau đó quay lại lịch trình dùng thuốc thường lệ. Trường hợp này không cần dùng thêm các biện pháp ngừa thai khác.
Nếu người dùng quên uống một hoặc nhiều viên sau hơn 12 giờ, tác dụng ngừa thai của thuốc Regulon có thể suy giảm. Người dùng nên uống viên Regulon đã quên cuối cùng, ngay cả khi phải uống 2 viên trong một ngày, sau đó quay lại lịch dùng thuốc thường lệ. Trường hợp này đòi hỏi người dùng phải áp dụng thêm biện pháp ngừa thai khác trong 7 ngày kế tiếp.
4. Tác dụng phụ của thuốc Regulon
Khi sử dụng thuốc ngừa thai Regulon, người dùng có nguy cơ gặp một số tác dụng không mong muốn:
- Hiếm gặp các biến cố liên quan giữa việc dùng thuốc Regulon và nguy cơ huyết khối thuyên tắc động tĩnh mạch, bao gồm nhồi máu cơ tim, đột quỵ, huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc thuyên tắc phổi;
- Rất hiếm khi thuốc Regulon có thể kích hoạt phản ứng trong bệnh lupus ban đỏ hệ thống;
- Xuất huyết âm đạo không theo chu kỳ kinh, vô kinh sau khi dùng thuốc Regulon;
- Regulon có thể làm thay đổi tiết dịch cổ tử cung, tăng kích thước u xơ cơ tử cung hoặc làm trầm trọng thêm chứng lạc nội mạc tử cung;
- Regulon làm tăng nguy cơ nhiễm nấm âm đạo (như nấm Candida);
- Căng, đau, tăng kích thước hoặc tiết dịch bất thường ở vú;
- Hồng ban nút, nổi mẩn hoặc nám mặt;
- Đau đầu, đau nửa đầu, thay đổi tính cách hoặc trầm cảm;
- Ứ nước gây phù, thay đổi cân nặng hoặc giảm dung nạp glucose;
5. Thận trọng khi dùng thuốc Regulon
Trước khi sử dụng các thuốc uống tránh thai như Regulon, người dùng nên tiến hành kiểm tra sức khỏe tổng quát và khám phụ khoa, bao gồm đo huyết áp, xét nghiệm máu, khám vú và làm phết âm đạo, sau đó có thể lặp lại định kỳ trong thời gian ngừa thai bằng thuốc.
Trong thời gian dùng thuốc Regulon nếu xuất hiện những biểu hiện sau đây, thì phải ngừng thuốc ngay lập tức, đồng thời áp dụng một biện pháp ngừa thai không hormon và tham vấn bác sĩ:
- Rối loạn đông máu, chảy máu;
- Tiền sử hoặc có triệu chứng suy tim, suy thận;
- Co giật hoặc có tiền sử động kinh;
- Tiền sử hoặc có triệu chứng đau nửa đầu;
- Tiền sử sỏi mật;
- Có các yếu tố nguy cơ về khối u phụ thuộc estrogen, bệnh phụ khoa nhạy cảm với estrogen như u xơ cơ tử cung và lạc nội mạc tử cung;
- Đái tháo đường;
- Tiền sử hoặc có biểu hiện trầm cảm nặng;
- Thiếu máu hồng cầu hình liềm;
- Nếu kết quả xét nghiệm chức năng gan bất thường, người dùng cần ngừng dùng thuốc Regulon.
Khi có những triệu chứng gợi ý có huyết khối thuyên tắc mạch, người dùng cần ngưng sử dụng thuốc Regulon ngay lập tức và tham vấn ý kiến bác sĩ điều trị:
- Đau ngực, lan xuống cánh tay trái;
- Suy hô hấp, khó thở đột ngột;
- Đau đầu kéo dài bất thường, đặc biệt là mới đau lần đầu hoặc đau nặng hơn bình thường, hoặc kèm theo những triệu chứng như mất thị lực đột ngột một phần hoặc hoàn toàn, song thị, mất ngôn ngữ, chóng mặt, choáng váng nặng, ngất kèm theo (hoặc không) cơn động kinh cục bộ, yếu kèm tê ảnh hưởng đến một bên hoặc toàn thân, rối loạn vận động;
- Nguy cơ hình thành huyết khối tăng lên khi người dùng hút thuốc, do đó không hút thuốc trong thời gian tránh thai bằng thuốc Regulon, đặc biệt ở người trên 35 tuổi.
Hiệu quả ngừa thai của thuốc Regulon có thể giảm nếu sau khi uống thuốc vài tháng thì xuất hiện hiện tượng xuất huyết âm đạo không đều, dạng lấm tấm hoặc xuất huyết ngoài chu kỳ kinh. Nếu vẫn không hành kinh vào lúc kết thúc chu kỳ dùng thuốc Regulon thứ 2 hoặc vẫn chưa hết rối loạn kinh nguyệt, người dùng nên ngưng dùng Regulon và xác định loại trừ khả năng mang thai trước khi tiếp tục dùng các thuốc uống ngừa thai.
Nghiên cứu dịch tễ học cho thấy việc dùng thuốc ngừa thai (như thuốc Regulon) trong giai đoạn đầu thai kỳ không làm tăng nguy cơ của các dị tật bẩm sinh và cũng không gây quái thai.
Thuốc Regulon có thể làm giảm bài tiết sữa và thay đổi thành phần sữa, ngoài ra Regulon cũng đi vào sữa mẹ vì thế không nên dùng thuốc cho đối tượng này.
6. Tương tác thuốc của Regulon
Một số thuốc có thể cản trở tác dụng của thuốc Regulon, bao gồm giảm hiệu quả tránh thai hoặc gây xuất huyết ngoài chu kỳ kinh. Các thuốc này bao gồm:
- Thuốc điều trị động kinh như Primidon, Phenytoin, Barbiturat, Hydantoin, Carbamazepin, Topiramate...;
- Thuốc điều trị lao như Rifampicin, Rifabutin, Isoniazid;
- Thuốc chống viêm như Dexamethason hay Phenylbutazon;
- Thuốc điều trị HIV (bao gồm Ritonavir, Nelfinavir, Nevirapine, Efavirenz) hoặc các kháng sinh (như Ampicillin, Chloramphenicol, Neomycin, Nitrofurantoin, Penicillin V, Sulfonamid, Tetracyclin);
- Thuốc trị nấm như Griseofulvin, Fluconazol, Itraconazol và Ketoconazol;
- Thuốc trị tăng áp phổi (Bosentan);
- Thuốc trị rối loạn giấc ngủ, giảm lo lắng hoặc đau nửa đầu.
Ngược lại, thuốc Regulon có thể ảnh hưởng đến tác dụng của các thuốc, bao gồm:
- Cyclosporin;
- Theophylin;
- Metoprolol;
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng;
- Thuốc chống đông máu đường uống;
- Các loại Vitamin;
- Glucocorticoid;
- Một số hoạt chất nhóm benzodiazepin như Diazepam, Lorazepam, Alprazolam, Clorazepate, Flurazepam, Halazepam, Prazepam, Temazepam;
Sử dụng thuốc Regulon cùng với Troleandomycin (một loại kháng sinh) có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến một số bệnh lý tại gan.
Thuốc tránh thai đường uống như Regulon có thể làm giảm dung nạp glucose và tăng nhu cầu sử dụng Insulin hoặc thuốc uống điều trị đái tháo đường.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.