Rabeprazol là hoạt chất thường được sử dụng để điều trị các vấn đề ở dạ dày và thực quản (như trào ngược axit, viêm loét). Thuốc Rabeprazol 20 có tác dụng làm giảm lượng axit trong dạ dày, giảm các triệu chứng như ợ nóng, khó nuốt, hỗ trợ chữa lành tổn thương do axit trong dạ dày và thực quản...
1. Thuốc Rabeprazol 20 là thuốc gì?
Thuốc Rabeprazol 20 là thuốc kê đơn được bào chế dưới dạng viên nén. Đây là sản phẩm của Công ty cổ phần dược phẩm Cửu Long, thuốc lưu hành trên thị trường với số đăng ký VD-24151-16. Thành phần chính của thuốc Rabeprazol 20 là Rabeprazol natri, hàm lượng 20mg và hệ thống các tá dược: cellulose vi tinh thể, tinh bột tiền hồ hóa, croscarmellose sodium, povidon K30, natri hydrocarbonat, magnesi stearat, eudragit L100, PEG 6000, titan dioxyd, talc, màu vàng oxyd sắt... vừa đủ 1 viên.
Rabeprazol thuộc về nhóm hợp chất kháng tiết (thuốc ức chế bơm proton), thuốc ngăn chặn tiết acid dạ dày bằng cách ức chế bơm H +/K +/ ATPase ở bề mặt tiết của tế bào thành dạ dày, từ đó phong bế bước cuối cùng của quá trình tiết acid dạ dày.
2. Thuốc Rabeprazol 20 công dụng là gì?
Thuốc Rabeprazol 20 được chỉ định sử dụng trong điều trị các bệnh lý như:
- Trào ngược dạ dày - thực quản;
- Loét dạ dày tá tràng;
- Hội chứng Zollinger – Ellison;
- Hỗ trợ trong điều trị Helicobacter pylori.
3. Liều lượng và cách dùng thuốc Rabeprazol 20
Thuốc Rabeprazol 20 có thể dùng trước hoặc sau bữa ăn đều được, thông thường thuốc được sử dụng mỗi ngày, 1 lần vào trước bữa ăn buổi sáng. Các loại thuốc kháng acid có thể uống đồng thời với thuốc Rabeprazol 20. Khi uống thuốc Rabeprazol 20 phải nuốt cả viên, không được bẻ, nhai hoặc làm vỡ viên thuốc.
- Liều lượng thuốc Rabeprazol 20 dùng để điều trị bệnh trào ngược dạ dày - thực quản: uống 1 viên thuốc Rabeprazol 20/lần/ngày, sử dụng trong vòng 4 – 8 tuần.
- Điều trị duy trì:
- Nếu bệnh nhân có kèm loét thực quản, có thể tiếp tục 1 viên thuốc Rabeprazol 20/lần/ngày, dùng thuốc trong 8 tuần.
- Nếu bệnh nhân không kèm loét thực quản, có thể thêm 1 viên thuốc Rabeprazol 20/lần/ngày, dùng thuốc trong 4 tuần nếu cần thiết.
- Điều trị loét dạ dày - tá tràng: uống 1 viên thuốc Rabeprazol 20/ngày, duy trì liều thuốc này trong 4-8 tuần đối với loét tá tràng và 6-8 tuần đối với loét dạ dày.
- Điều trị Helicobacter pylori: dùng kết hợp thuốc Rabeprazol 20 với 2 loại thuốc kháng khuẩn theo phác đồ sau:
- Phác đồ 1: 20 mg Rabeprazol (1 viên thuốc Rabeprazol 20) kết hợp với 500 mg Clarithromycin và 1g Amoxicilin, 2 lần / ngày.
- Phác đồ 2: 20 mg Rabeprazol (1 viên thuốc Rabeprazol 20) kết hợp với 250 mg Clarithromycin và 400 mg Metronidazol, 2 lần / ngày.
- Điều trị hội chứng Zollinger – Ellison: liều khởi đầu 3 viên thuốc Rabeprazol 20/lần/ngày, sau đó điều chỉnh liều thuốc Rabeprazol 20 duy trì theo đáp ứng của người bệnh hoặc theo sự hướng dẫn của thầy thuốc.
4. Chống chỉ định của thuốc Rabeprazol 20
Chống chỉ định sử dụng thuốc Rabeprazol 20 cho bệnh nhân quá mẫn với Rabeprazol, các benzimidazol hoặc với bất kỳ thành phần nào của chế phẩm.
5. Thận trọng khi sử dụng thuốc Rabeprazol 20
Thận trọng khi sử dụng thuốc Rabeprazol 20 trong những trường hợp sau đây:
- Trước khi dùng thuốc Rabeprazol 20 cũng như các thuốc khác trong nhóm ức chế bơm proton cho người loét dạ dày cần phải loại trừ khả năng bệnh nhân mắc ung thư dạ dày vì thuốc có thể che lấp triệu chứng hoặc làm chậm chẩn đoán ung thư.
- Thời kỳ mang thai: Chưa có nghiên cứu đầy đủ khi dùng thuốc Rabeprazol 20 cho người trong thời kỳ mang thai. Chưa thấy nguy cơ gây quái thai trên động vật khi dùng thuốc Rabeprazol 20.
- Thời kỳ cho con bú: Chưa biết thuốc Rabeprazol 20 có bài tiết vào sữa người hay không, do đó nên cân nhắc ngừng cho con bú hay ngừng thuốc Rabeprazol 20, tùy theo lợi ích của thuốc đối với người mẹ.
6. Tương tác thuốc của thuốc Rabeprazol 20
Thuốc Rabeprazol 20 được chuyển hóa qua hệ thống cytochrom P450 ở gan, chủ yếu là isoenzym CYP2C19, một phần nhỏ chuyển hóa qua CYP3A34, tuy nhiên thuốc Rabeprazol 20 không gây ức chế hoặc cảm ứng hoạt tính enzyme này. Không thấy có tương tác có ý nghĩa lâm sàng nào đáng chú ý của thuốc Rabeprazol 20 đối với các thuốc thông thường như Diazepam, Phenytoin, Theophylin, Warfarin.
Đã có báo cáo thấy rằng chỉ số INR và thời gian Prothrombin tăng ở bệnh nhân dùng thuốc ức chế bơm proton, bao gồm Rabeparzol khi dùng cùng với Warfarin. Tăng INR và thời gian Prothrombin có thể dẫn đến hiện tượng chảy máu bất thường, thậm chí là tử vong.
Rabeprazol gây ức chế bền vững sự tiết acid dạ dày do đó khi dùng thuốc Rabeprazol 20 có thể xảy ra tương tác với các thuốc phụ thuộc vào độ pH dạ dày để hấp thụ. Ví dụ việc dùng chung với thuốc Rabeprazol 20/ngày/lần dẫn đến làm giảm khoảng 30% sinh khả dụng của Ketoconazol, Itraconazol.
Không khuyến cáo dùng đồng thời Atazanavir với các thuốc ức chế bơm proton như thuốc Rabeprazol 20. Thuốc ức chế bơm proton có thể sẽ làm giảm đáng kể nồng độ Atazanavir trong huyết tương, làm giảm hiệu quả điều trị của thuốc này.
7. Tác dụng của thuốc Rabeprazol 20
Trong quá trình sử dụng thuốc Rabeprazol 20, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ sau đây:
- Tác dụng phụ thường gặp của thuốc Rabeprazol 20: nhức đầu, chóng mặt, nổi ban da, ngứa ngáy, chóng mặt, mệt mỏi, táo bón, buồn nôn/nôn, đầy hơi, đau bụng, đau khớp, đau cơ, nổi mề đay, khô miệng;
- Tác dụng phụ hiếm gặp của thuốc Rabeprazol 20: Hồi hộp, buồn nôn, đau vùng hạ vị, cảm giác khó tiêu, choáng váng, buồn ngủ, yếu chi, giảm cảm giác, giảm sức cầm nắm, yếu cử động lưỡi và nhức đầu nhẹ.
Thuốc Rabeprazol 20 là thuốc kê có thành phần chính của thuốc Rabeprazol 20 là Rabeprazol natri. Thuốc được bác sĩ chỉ định điều trị một số bệnh lý đường tiêu hóa. Để đảm bảo hiệu quả điều trị, người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.