Thuốc Proxybon là thuốc thuộc nhóm hạ sốt, giảm đau, chống viêm không steroid. Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén có thành phần chính là Acetaminophen và Tramadol được dùng để điều trị các trường hợp bệnh lý do đau mức độ vừa và nặng. Đây là thuốc được sử dụng rộng rãi trên lâm sàng bởi cho hiệu quả giảm đau nhanh, tức thì. Để sử dụng thuốc hiệu quả bạn nên được tư vấn bởi các bác sĩ/ dược sĩ có chuyên môn.
1.Thuốc Proxybon là gì?
Thuốc Proxybon là thuốc giảm đau trung ương có thành phần chính là Paracetamol và Tramadol. Tramadol có trong thuốc được dùng ở dạng racemic, có khả năng hấp thu chậm nhưng lại có thời gian bán thải dài hơn so với paracetamol, ở tramadol là 6-7 giờ và paracetamol là 2-3 giờ.
Khả năng hấp thu của paracetamol sau khi uống xảy ra rất nhanh, gần như hấp thu hoàn toàn ở ruột non. Nồng độ đỉnh trong huyết tương của paracetamol chỉ trong 1 giờ và không bị ảnh hưởng khi uống cùng tramadol.
Thức ăn không làm thay đổi tác dụng hay nồng độ đạt đỉnh của thuốc do đó mà bạn uống thuốc Proxybon không cần phụ thuộc vào bữa ăn.
Không dùng Proxybon cho phụ nữ cho con bú vì tính an toàn trên đối tượng này chưa được nghiên cứu. Thận trọng khi dùng thuốc cho bệnh nhân suy gan, suy thận nặng.
2. Liều dùng và cách dùng Proxybon
Thuốc Proxybon được dùng bằng đường uống. Liều dùng khuyến cáo của thuốc như sau:
- Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: liều dùng tối đa từ 1 -2 viên, cách nhau 4 -6 giờ và không quá 8 viên/ngày.
- Trẻ em dưới 12 tuổi: chưa có nghiên cứu về tính an toàn ở độ tuổi này, vì vậy không khuyến cáo dùng thuốc ở độ tuổi này.
Trên lâm sàng khi người bệnh dùng quá liều thuốc Proxybon sẽ có biểu hiện sau:
- Ngộ độc thuốc: nôn, bồn nôn, da xanh tái, người mệt mỏi, rũ rượi, nặng hơn có thể là suy hô hấp, ngừng tuần hoàn, hôn mê, co giật.
- Tổn thương gan khi dùng paracetamol liều cao, thường xuất hiện sau 48- 72 giờ sau khi dùng thuốc.
- Kích thích đường tiêu hoá: chán ăn, nôn, buồn nôn, toát mồ hôi, da nhợt nhạt.
Trường hợp bạn dùng quá liều thuốc hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi và xử trí kịp thời.
3. Tương tác thuốc Proxybon
- Thuốc ức chế MAO và ức chế tái hấp thu serotonin: khi dùng đồng thời với các thuốc ức chế MAO hay thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ: co giật và hội chứng serotonin.
- Với carbamazepine: khi dùng đồng thời sẽ làm tăng đáng kể sự chuyển hóa tramadol. Tác dụng giảm đau của tramadol trong thuốc sẽ bị giảm so với các bệnh nhân uống carbamazepine.
- Với quinidine: Khi uống cùng với tramadol sẽ làm tăng hàm lượng của tramadol.
- Với thuốc chống đông: cần đánh giá định kỳ thời gian đông máu định kỳ.
- Với các thuốc: fluoxetine, paroxetine và amitriptyline có thể làm hạn chế chuyển hóa tramadol.
Hãy thông báo cho bác sĩ của bạn về tiền sử các bệnh lý đã mắc, thuốc đang sử dụng kể cả kê đơn và không kê đơn để bác sĩ có tư vấn và chỉ định thích hợp cho bạn.
4. Tác dụng phụ thuốc Proxybon
Thuốc hay gặp phải các tác dụng phụ trên hệ thần kinh trung ương và hệ tiêu hoá như: chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn, buồn ngủ.
Một số tác dụng phụ ít gặp hơn nhưng cũng có thể xảy ra bạn nên chú ý:
- Suy nhược cơ thể, người mệt mỏi, rối loạn cảm xúc.
- Đau đầu.
- Rối loạn tiêu hoá: tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, khó tiêu, đầy hơi.
- Mất ngủ, bồn chồn, lo lắng, dễ bị kích động.
- Ngứa, phát ban, tăng tiết mồ hôi.
- Đau tức ngực.
- Có thể tăng huyết áp hoặc hạ huyết áp đột ngột.
- Mất thăng bằng, đau nửa đầu.
- Xuất huyết tiêu hoá.
- Rối loạn tiền đình.
- Trầm cảm, hay quên.
- Rối loạn thị giác.
Tóm lại, thuốc Proxybon là thuốc hạ sốt, giảm đau, chống viêm không steroid điều trị các chứng do đau gây ra. Tuy nhiên, người bệnh nên dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn để tránh các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.