Thuốc Phenobarbital 0,1 g thường được kê đơn sử dụng để điều trị các tình trạng như động kinh, mất ngủ, co giật do sốt cao ở trẻ em,... Trước và trong suốt quá trình sử dụng thuốc Phenobarbital, bệnh nhân cần tuân thủ theo mọi hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo không gặp phải bất kỳ tác dụng phụ ngoại ý nào.
1. Phenobarbital 0,1 g là thuốc gì?
Phenobarbital 0,1 g thuộc nhóm thuốc hướng tâm thần, được sử dụng cho những trường hợp có cơn động kinh, rối loạn giấc ngủ hoặc cơn co uốn ván,... Hiện nay, thuốc Phenobarbital 0,1 g được sản xuất bởi Công ty cổ phần Dược phẩm TW Vidipha – Việt Nam dưới dạng viên nén, mỗi chai bao gồm 300 viên.
Trong mỗi viên nén Phenobarbital có chứa thành phần hoạt chất chính là Phenobarbital hàm lượng 0,1 g. Ngoài ra, nhà sản xuất còn bổ sung thêm một số dược chất khác giúp tăng cường tác dụng điều trị của Phenobarbital.
2. Thuốc Phenobarbital 0,1 g có tác dụng gì?
2.1 Công dụng của hoạt chất Phenobarbital
Phenobarbital được biết đến là thuốc chống co giật nằm trong nhóm Barbiturat. Hoạt chất Phenobarbital có công dụng bắt chước hoặc tăng cường khả năng ức chế Synap của các GABA ở não bộ. Ngoài ra, Phenobarbital cũng có thể làm giảm lượng oxygen ở não trong thời gian gây mê thông qua nguyên lý ức chế sự hoạt động của các neuron thần kinh. Vì vậy, Phenobarbital thường được sử dụng trong dự phòng tình trạng nhồi máu não cho bệnh nhân bị thiếu máu não cục bộ hoặc tổn thương sọ não.
Nhìn chung, Phenobarbital có thể ức chế hệ thần kinh trung ương ở bất kỳ cấp độ nào, từ an thần cho đến gây mê. Mặt khác, hoạt chất này chỉ có tác dụng ức chế tạm thời những đáp ứng đơn synap tại hệ thần kinh trung ương.
Hiện nay, Phenobarbital thường được sử dụng chủ yếu để phòng chống cơn co giật, đôi khi dùng để điều trị cho các triệu chứng của hội chứng cai rượu.
Ngoài ra, Phenobarbital còn có tác dụng hạn chế tối đa tình trạng tăng ngưỡng động kinh hoặc xuất hiện cơn động kinh lan tỏa. Do đó, Phenobarbital được bác sĩ chỉ định sử dụng để khắc phục những triệu chứng của cơn động kinh toàn bộ hoặc cục bộ.
Tác dụng kiểm soát và làm giảm thiểu cơn động kinh của Phenobarbital giúp bệnh nhân thực hiện được nhiều hơn những hoạt động sinh hoạt thường ngày, đồng thời giảm giảm đáng kể nguy cơ mất ý thức và co giật thường xuyên gây nguy hiểm tính mạng. Bệnh nhân cũng có thể dùng Phenobarbital dưới 2 tuần để cải thiện giấc ngủ trong giai đoạn lo âu.
2.2 Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Phenobarbital 0,1 g
Trong thời điểm hiện tại, thuốc Phenobarbital 0,1 g thường được bác sĩ kê đơn sử dụng để điều trị các tình trạng sức khỏe sau:
- Điều trị cơn động kinh (không bao gồm cơn nhỏ): Động kinh toàn bộ, động kinh cục bộ hoặc động kinh giật cơ.
- Dự phòng nguy cơ co giật do sốt cao tái phát ở trẻ em.
- Điều trị tình trạng vàng da ở trẻ sơ sinh.
- Điều trị chứng tăng bilirubin huyết không liên hợp bẩm sinh/ không tan huyết bẩm sinh.
- Điều trị chứng ứ mật mãn tính ở gan.
Tuy nhiên, cần tránh tự ý dùng thuốc Phenobarbital 0,1 g cho những đối tượng bệnh nhân dưới đây khi chưa có chỉ định của bác sĩ:
- Người có tiền sử dị ứng hoặc phản ứng quá mẫn với hoạt chất Phenobarbital hay bất kỳ dược chất nào có trong công thức thuốc.
- Chống chỉ định thuốc Phenobarbital 0,1 g cho bệnh nhân bị khó thở, suy hô hấp nặng hoặc tắc nghẽn đường thở.
- Không dùng Phenobarbital cho người mắc chứng rối loạn chuyển hóa Porphyrin.
- Không dùng thuốc Phenobarbital 0,1 g cho bệnh nhân bị suy gan nặng.
- Chống chỉ định tương đối thuốc Phenobarbital cho thai phụ và bà mẹ nuôi con bú.
3. Thuốc Phenobarbital 0,1 g được sử dụng như thế nào?
Thuốc Phenobarbital được bào chế dưới dạng viên nén dùng bằng đường uống. Bệnh nhân có thể tham khảo liều dùng thuốc được khuyến cáo chung dưới đây:
Liều cho người lớn:
- Chống cơn co giật: Uống từ 60 – 250mg/ ngày, có thể dùng 1 lần hoặc chia nhỏ liều.
- Liều an thần: Uống từ 30 – 120mg/ ngày, chia liều thành 2 – 3 lần/ ngày, uống vào ban ngày.
- Liều gây ngủ: Uống từ 100 – 320mg/ ngày trước khi đi ngủ, tránh dùng quá 2 tuần để điều trị mất ngủ.
- Liều chống tăng bilirubin huyết: Uống từ 30 – 60mg/ ngày, dùng 3 lần/ ngày.
Liều cho trẻ em:
- Liều chống cơn co giật: Uống từ 1 – 6mg/ kg thể trọng/ ngày, có thể uống 1 lần hoặc chia thuốc thành từng liều nhỏ dùng trong ngày.
- Liều an thần: Uống 2mg/ kg thể trọng × 3 lần/ ngày.
- Liều trước khi phẫu thuật: Uống từ 1 – 3mg/ kg thể trọng.
- Liều chống tăng bilirubin huyết: Uống từ 5 – 10mg/ kg thể trọng/ ngày đối với trẻ sơ sinh và từ 1 – 4mg/ kg thể trọng × 3 lần/ ngày đối với trẻ tới 12 tuổi.
Trong suốt quá trình sử dụng thuốc Phenobarbital 0,1 g, bệnh nhân cần tuân thủ theo đúng liều lượng đã được bác sĩ chỉ định. Tránh tự ý tăng/ giảm liều hay kéo dài thời gian dùng thuốc Phenobarbital khi chưa được bác sĩ chấp thuận.
4. Thuốc Phenobarbital 0,1 g gây ra các tác dụng phụ gì?
Trong một số trường hợp nhất định, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ ngoại ý khi dùng thuốc Phenobarbital 0,1 g, bao gồm:
- Phản ứng thường gặp: Buồn ngủ, rung giật nhãn cầu, máu ngoại vi có hồng cầu khổng lồ, lo hãi, mất điều hòa vận động, lú lẫn, nổi mẩn ngứa, phát ban trên da hoặc nổi mày đay.
- Phản ứng ít gặp: Nhuyễn xương, còi xương, đau khớp, loạn dưỡng đau cơ, hội chứng Lyell và rối loạn chuyển hóa Porphyrin.
- Phản ứng hiếm gặp: Thiếu hụt acid folic dẫn đến thiếu máu hồng cầu khổng lồ.
Hãy báo cho bác sĩ sớm nhất có thể nếu bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng nào được đề cập ở trên. Việc phát hiện và xử lý sớm các phản ứng phụ liên quan đến thuốc Phenobarbital 0,1 g sẽ giúp bệnh nhân ngăn ngừa các nguy cơ sức khỏe khác.
5. Một số điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Phenobarbital 0,1 g
Trong suốt quá trình điều trị với thuốc Phenobarbital, người bệnh cần thận trọng một số điều dưới đây:
- Tránh tự ý ngừng Phenobarbital đột ngột vì điều này có thể dẫn đến cơn động kinh liên tục.
- Uống Phenobarbital đều đặn mỗi ngày. Đối với người lớn sau khi dùng Phenobarbital 6 tháng có thể giảm liều nếu cơn động kinh không còn và nên ngừng thuốc sau 2 năm. Ở trẻ em, chỉ nên giảm liều và ngừng thuốc Phenobarbital nếu sau 3 tháng cơn động kinh không cải thiện.
- Cần giảm liều Phenobarbital khi dùng cho bệnh nhân bị suy gan, suy thận, nghiện rượu hoặc người cao tuổi.
- Tuyệt đối không uống bia rượu, các đồ uống có cồn hoặc chất kích thích trong suốt thời gian sử dụng thuốc Phenobarbital.
- Đối với bệnh nhi khi dùng Phenobarbital có thể bổ sung thêm Vitamin D2 nhằm dự phòng nguy cơ bị còi xương.
- Đối với trẻ sơ sinh khi có người mẹ uống Phenobarbital sẽ mắc hội chứng chảy máu trong vòng 24 giờ sau khi sinh ra. Do đó, người mẹ cần phải sử dụng thuốc dự phòng Vitamin K trong vòng 30 ngày trước khi sinh và cho trẻ uống ngay sau khi sinh.
- Không khuyến cáo sử dụng Phenobarbital khi đang nuôi con bú.
- Nguy cơ dị tật bẩm sinh khi dùng thuốc Phenobarbital 0,1 g trong thời gian mang thai có thể tăng lên gấp 2 – 3 lần bình thường. Vì vậy, phụ nữ có thai chỉ nên dùng Phenobarbital khi có chỉ định của bác sĩ và mặt lợi ích phải lớn hơn nhiều so với rủi ro.
6. Thuốc Phenobarbital 0,1 g tương tác với các loại thuốc nào?
Cần tránh phối hợp Phenobarbital cùng với các chất hoặc thuốc sau:
- Rượu làm tăng tác dụng an thần của hoạt chất Phenobarbital.
- Tăng độc tính huyết học của chất Methotrexate khi dùng cùng lúc với Phenobarbital.
- Thay đổi bất thường nồng độ Phenytoin trong huyết tương khi dùng chung với Phenobarbital.
Ngoài ra, bệnh nhân cần thận trọng khi phối hợp Phenobarbital với các loại thuốc khác sau:
- Thuốc tránh thai đường uống.
- Acid folic.
- Thuốc chống trầm cảm 3 vòng.
- Thuốc chống đông máu đường uống.
- Thuốc chẹn beta.
- Thuốc kháng H1.
- Thuốc trầm cảm.
- Thuốc an thần kinh.
- Thuốc chữa lo âu.
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Phenobarbital 0, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Phenobarbital 0 là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua và điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.