Thuốc Pantagi 40mg có thành phần chính là pantoprazole, được dùng trong điều trị và phòng ngừa viêm loét dạ dày. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng cần thận trọng ở một số đối tượng bệnh nhân, nhất là sử dụng trong thời gian dài.
1. Thuốc Pantagi có tác dụng gì?
Thuốc Pantagi 40mg là sản phẩm của Công ty Cổ phần Dược phẩm Agimexpharm. Thuốc được kê theo toa và được bào chế dạng viên nén. Được đóng gói theo hộp gồm 3 vỉ x 10 viên, khi uống thuốc sẽ tan trong ruột.
Thành phần chính trong thuốc là hàm lượng Pantoprazole 40mg. Được dùng để điều trị các trường hợp viêm loét dạ dày - tá tràng, trào ngược dạ dày và nhiễm Helicobacter pylori.
Thuốc Pantagi được chỉ định được dùng trong các trường hợp sau:
- Loét dạ dày- tá tràng.
- Trào ngược dạ dày, trào ngược thực quản.
- Loét đường tiêu hóa
- Hội chứng Zollinger-Ellison, tăng tiết bệnh lý
- Phòng ngừa loét dạ dày
Dược lực học
Hoạt chất Pantoprazol là dẫn xuất của benzimidazol, có tác dụng ức chế sự bài tiết acid hydrocloric ở trong thành dạ dày bằng một tác động chuyên biệt trên bơm proton ở tế bào thành.
Pantoprazol được chuyển đổi thành dạng có hoạt tính trong các tiểu quản ở tế bào thành, làm ức chế enzym H+, K+ -ATPase. Điều này phụ thuộc vào liều lượng và sự tác động bài tiết acid. Thông thường các triệu chứng có thể cải thiện sau 2 tuần.
Việc sử dụng thuốc Pantagi có thể gây ra sự giảm acid ở dạ dày, làm tăng gastrin theo tỷ lệ giảm acid.
Dược động học
Hoạt chất Pantoprazol trong thuốc hấp thụ nhanh qua đường uống. Thời gian bán thải khoảng 1 giờ sau uống và sinh khả dụng khoảng 77%.
Tỷ lệ gắn kết của pantoprazol với huyết tương rất cao (khoảng 98%) và được chuyển hóa qua hệ thống cytochrom P450. Các chất chuyển hóa chủ yếu được bài tiết qua nước tiểu (80%) và qua phân (20%). Desmethyl-pantoprazol là sulphat liên hợp - sản phẩm chính của chuyển hóa, thường sẽ bán thải sau 1,5 giờ.
2. Cách sử dụng và liều dùng của thuốc Pantagi 40mg
Uống thuốc vào buổi sáng, 1 viên kèm cốc nước to, không nghiền hoặc nhai nhỏ viên thuốc. Nếu điều trị phối hợp diệt Helicobacter pylori, cần uống viên thứ 2 trước bữa tối.
- Trào ngược dạ dày - thực quản: liều dùng 20-40mg trên 1 lần trong ngày kéo dài 4 tuần.
- Loét đường tiêu hóa: liều dùng 40 mg trên 1 lần trong ngày. Điều trị từ 2-4 tuần với loét tá tràng và 4-8 tuần với loét dạ dày lành tính.
- Diệt Helicobacter pylori: Điều trị phối hợp Pantoprazol 40mg/2 lần/ngày kết hợp với clarithromycin 500mg/2 lần/ngày và amoxicillin 1 g/2 lần/ngày hoặc metronidazol 400mg/ 2 lần/ngày trong 1 tuần.
- Phòng ngừa loét do thuốc kháng viêm không steroid: liều dùng 20mg/ngày.
- Hội chứng Zollinger - Elliso: liều dùng đầu 80mg/ngày- 240mg/ngày. Với liều dùng trên 80mg/ngày nên chia làm 2 lần uống.
- Bệnh nhân suy gan: liều dùng tối đa 20mg/ngày hoặc 40mg/ngày sử dụng cách ngày.
- Bệnh nhân suy thận: 40mg/ngày.
3. Tác dụng phụ thuốc Pantagi 40mg
Hàm lượng pantoprazol dung nạp tốt khi điều trị ngắn hạn và dài hạn. Dưới đây là một số tác dụng phụ khi dùng thuốc Pantagi 40mg:
- Thường gặp: đau cơ - khớp, mệt mỏi, nhức đầu, nổi mày đay, ban da.
- Ít gặp: ngứa, chóng mặt, suy nhược cơ thể, tăng enzym trong han.
- Hiếm gặp: Khó chịu, phản vệ, phù ngoại biên và toát mồ hôi, Mọc mụn trứng cá, rụng tóc, phù mạch, ban dát sần, viêm da, viêm miệng, rối loạn đường tiêu hóa, ợ hơi, mất ngủ, ngủ gà, ảo giác, ù tai, run, nhìn mờ, sợ ánh sáng,...
Với những tác dụng phụ này, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc. Cần sử dụng liều lượng đúng cách theo bác sĩ kê đơn.
4. Tương tác thuốc Pantagi 40mg
- Thuốc Pantagi có thể làm giảm độ hấp thụ của thuốc khác khi sử dụng cùng, độ hấp thụ phụ thuộc chủ yếu vào pH.
- Pantoprazol được chuyển hóa ở gan nhờ hệ enzym cytochrom P450. Tuy nhiên không loại trừ trường hợp Pantagi tương tác với thuốc khác chuyển hóa cùng hệ enzym cytochrom P450. Song chưa có thử nghiệm nào thấy sự tương tác đáng kể nói trên như thuốc tránh thai, phenytoin, cafein, diclofenac, ethanol, metoprolol, warfarin,...
- Ngoài ra, cũng không thấy có tương tác với thuốc kháng acid trong điều trị đau dạ dày, các kháng sinh dùng phối hợp (clarithromycin, metronidazol, amoxicillin) trong điều trị diệt Helicobacter pylori.
Nên liệt kê các loại thuốc đang sử dụng cho bác sĩ để tránh việc tương tác không mong muốn giữa các thuốc.
5. Những lưu ý khi sử dụng thuốc
- Sử dụng liều cao và thời gian dài trên 1 năm, kết hợp sử dụng thuốc ức chế bơm proton có thể gây ra: gãy xương hông, xương sống, xương cổ tay, thường xảy ra ở người lớn.
- Theo các kết quả nghiên cứu cho thấy, các thuốc ức chế bơm proton có thể tăng nguy cơ gãy xương lên đến 10-40%. Vì thế, những bệnh nhân có nguy cơ loãng xương cần được thăm khám và hướng dẫn theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, nên bổ sung vitamin D và calci cho cơ thế.
- Việc điều trị với các thuốc ức chế bơm proton trong 3 tháng - 1 năm đã có báo cao hạ magnesi huyết nặng. Các triệu chứng xảy ra như: mê sảng, co cứng, choáng váng, loạn nhịp tim, mệt mỏi,...Trường hợp này cần khi bổ sung magie và ngưng dùng các thuốc ức chế bơm proton. Ngoài ra cần đo nồng độ magnesi trước khi bắt đầu điều trị.
- Đã có những báo cáo về việc tăng nhẹ và ALT huyết thanh khi sử dụng thuốc theo đường uống.
- Điều trị hàng ngày có thể làm giảm acid dịch vị hoặc chứng thiếu toan dịch vị.
- Chưa có bằng chứng đảm bảo hiệu quả khi dùng cho trẻ dưới 18 tuổi.
- Phụ nữ đang mang thai không nên dùng pantoprazol ngoài trừ trường hợp thật cần thiết.
- Khi đang nuôi con bằng sữa mẹ mà dùng thuốc thì nên ngưng cho con bú để tránh những tiềm ẩn cho trẻ.
- Thuốc Pantagi có thể gây ra tác dụng phụ như choáng váng và rối loạn thị giác... Thận trọng khi lái xe, vận hành máy móc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.