Thuốc Nolpaza 20mg có thành phần chính là Pantoprazol 20mg. Pantoprazol là một thuốc ức chế bơm proton, có tác dụng ức chế dạ dày tiết acid cơ bản và cả khi dạ dày bị kích thích do bất kỳ tác nhân kích thích nào. Vậy công dụng thuốc Nolpaza 20mg là gì?
1. Chỉ định của thuốc Nolpaza 20mg
Nolpaza 20mg được chỉ định trong điều trị bệnh đau dạ dày, loét dạ dày, viêm thực quản,... và một số hội chứng gây khó chịu cho đường tiêu hóa. Cụ thể:
- Dùng kết hợp kháng sinh trong điều trị đau dạ dày do Helicobacter pylori
- Loét dạ dày, loét tá tràng
- Trào ngược dạ dày thực quản
- Hội chứng Zollinger - Ellison
- Các tình trạng tăng tiết Acid khác.
Thuốc Nolpaza 20mg chống chỉ định trên những bệnh nhân quá mẫn với pantoprazol hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc hoặc dẫn xuất benzimidazol khác.
2. Cách dùng thuốc Nolpaza 20mg
Nolpaza 20mg cena nên dùng vào buổi sáng, trước ăn 30 phút, uống nguyên viên, không được nghiền, bẻ hoặc nhai. Với mỗi bệnh lý, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc theo liều lượng khác nhau:
- Hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản: Liều thường dùng: 20-40 mg x 1 lần/ ngày trong 4 tuần, có thể kéo dài đến 8 tuần. Liều duy trì: 20-40 mg mỗi ngày. Trường hợp tái phát: 20 mg/ngày.
- Loét đường tiêu hóa: Liều thường dùng: 40 mg x 1 lần/ngày.
- Điều trị Helicobacter pylori: Dùng phác đồ trị liệu phối hợp bộ ba 1 tuần : Pantoprazol 40 mg x 2 lần/ngày kết hợp với clarithromycin 500 mg x 2 lần/ngày, amoxicillin 1 g x 2 lần/ngày hoặc metronidazol 400 mg x 2 lần/ngày.
- Phòng ngừa loét đường tiêu hoá do dùng thuốc kháng viêm non-steroid: 20 mg/ngày.
- Hội chứng Zollinger - Ellison: Liều khởi đầu: 80 mg/ngày. Có thể dùng liều lên đến 240 mg/ngày. Nếu dùng trên 80 mg/ngày, nên chia làm 2 lần.
3. Tác dụng phụ của thuốc Nolpaza 20mg
Một số tác dụng phụ thường gặp của thuốc Nolpaza 20mg như: mệt mỏi, đau đầu, ban da, mày đay, đau cơ, đau khớp...Tác dụng phụ ít gặp như suy nhược, choáng váng, chóng mặt, ngứa, tăng enzym gan.
4. Thận trọng khi dùng thuốc Nolpaza 20mg
Để sử dụng thuốc an toàn, người bệnh cần lưu ý một số điều sau:
- Sử dụng các thuốc ức chế bơm proton, đặc biệt khi dùng liều cao và trong thời gian dài có thể làm tăng nhẹ nguy cơ gãy xương hông, cổ tay, xương sống, chủ yếu ở người già hoặc người có các yếu tố nguy cơ khác. Các nghiên cứu cho thấy các thuốc ức chế bơm proton làm tăng nguy cơ gãy xương từ 10 đến 40%.
- Bệnh nhân có nguy cơ loãng xương phải được theo dõi và cần bổ sung đầy đủ vitamin D và calci.
- Đã có báo cáo về tình trạng hạ magiê máu nặng trên bệnh nhân điều trị với các thuốc ức chế bơm proton trong ít nhất 3 tháng và hầu hết các trường hợp điều trị khoảng 1 năm. Các triệu chứng của hạ magiê máu nặng như mệt mỏi, co cứng cơ, mê sảng, co giật, choáng váng và loạn nhịp thất nhưng các triệu chứng trên có thể xảy ra âm ỉ. Ở phần lớn các bệnh nhân bị hạ magiê máu, tình trạng bệnh được cải thiện sau khi bổ sung magiê và ngưng dùng thuốc. Nên đo nồng độ magiê máu trước và trong khi điều trị cho những bệnh nhân cần điều trị lâu dài hoặc phải dùng thuốc ức chế bơm proton đồng thời với digoxin hay những thuốc gây hạ magiê máu (ví dụ thuốc lợi tiểu).
- Cần loại trừ khả năng loét đường tiêu hóa ác tính trước khi dùng pantoprazol vì thuốc có thể che lấp triệu chứng bệnh.
- Đã có báo cáo về tăng nhẹ và thoáng qua men ALT (SGPT) huyết thanh khi dùng pantoprazol đường uống.
- Dùng thuốc pantoprazol có thể gây kém hấp thu cyanocobalamin, điều này là do sự giảm acid dịch vị hoặc chứng thiếu toan dịch vị do điều trị bằng thuốc ức chế tiết acid trong thời gian dài.
- Tính an toàn và hiệu quả của pantoprazol trên trẻ em dưới 18 tuổi chưa được thiết lập.
- Phụ nữ mang thai: Chưa có các nghiên cứu đầy đủ về việc dùng pantoprazol trên phụ nữ mang thai. Chỉ dùng thuốc khi thật sự cần thiết.
- Phụ nữ cho con bú: pantoprazol có thể bài tiết vào trong sữa mẹ, do đó ngưng cho con bú hoặc ngưng dùng thuốc trên đối tượng này.
- Một số tác dụng phụ của thuốc như choáng váng và rối loạn thị giác. Thận trọng khi dùng thuốc cho người vận hành máy móc, lái xe.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.