Thuốc Nefopam hydrochloride hay còn gọi tắt là Nefopam, một loại thuốc giảm đau và hạ sốt nhưng không có tác dụng lên hệ thần kinh trung ương.
1. Công dụng thuốc Nefopam
Thuốc Nefopam thuộc nhóm thuốc giảm đau và hạ sốt, có thành phần chính là hoạt chất Nefopam hydrochloride. Hoạt chất này có tác dụng giảm đau mạnh và tác dụng nhanh.
Nefopam thuộc nhóm thuốc giảm đau và hạ sốt khác là do không có tác dụng giảm đau đối với hệ thần trung ương như Codeine, Morphine, Pentazocine và Propoxyphen. Nefopam cũng không có tác dụng ức chế hô hấp.
Thuốc Nefopam được bào chế dưới nhiều dạng và hàm lượng khác nhau như viên nén 30mg, viên nang cứng 30mg và dung dịch tiêm 20mg/2ml. Nefopam đường uống được dùng để làm giảm các cơn đau cấp tính và mãn tính từ mức độ nhẹ đến trung bình bao gồm: Đau răng, đau đầu, đau bụng kinh, đau cơ, đau do co thắt cơ, đau do ung thư hoặc đau sau chấn thương, hậu phẫu. Đối với Nefopam dạng tiêm, chỉ được dùng để điều trị các cơn đau cấp tính.
2. Liều dùng và cách sử dụng thuốc Nefopam
Cách dùng Nefopam như sau:
- Đường uống: Uống thuốc cùng với bữa ăn hoặc không.
- Đường tiêm: Pha Nefopam với các dung dịch tiêm truyền thường sử dụng như natri clorid hoặc glucose đẳng trương. Không pha Nefopam cùng với các thuốc tiêm khác trong cùng một bơm kim tiêm.
Liều dùng Nefopam ở người lớn cụ thể như sau:
- Đường uống: 30 - 90mg/lần, dùng 3 lần/ngày. Liều khởi đầu khuyến cáo là 60mg/lần và dùng 3 lần/ngày.
- Đường tiêm: Tiêm bắp sâu 20mg/lần mỗi 6 giờ nếu cần, tối đa là 120mg/ngày. Tiêm truyền tĩnh mạch chậm 20mg/lần mỗi 4 giờ nếu cần, tối đa là 120mg/ngày. Sau khi tiêm, người bệnh cần được nằm nghỉ từ 15 - 20 phút để theo dõi và tránh một số tác dụng phụ như chóng mặt, buồn nôn, đổ mồ hôi.
- Người cao tuổi: Giảm liều Nefopam do thuốc chuyển hóa chậm, liều khởi đầu khuyến cáo là 30mg/lần, 3 lần/ngày.
- Người bị suy thận giai đoạn cuối: Giảm liều do có thể bị tăng nồng độ đỉnh trong huyết thanh.
Sử dụng Nefopam quá liều có thể gây tăng tuần hoàn, nhịp tim nhanh, kích động, ảo giác, co giật và hôn mê. Khi đó, người bệnh cần được thực hiện các biện pháp hỗ trợ thông thường và loại bỏ thuốc nhanh chóng bằng cách gây nôn hoặc rửa dạ dày. Than hoạt tính có thể làm giảm sự hấp thu của thuốc. Cần chú ý kiểm soát cơn ảo giác, co giật của người bệnh và các triệu chứng tim mạch.
3. Tác dụng phụ của thuốc Nefopam
Thuốc Nefopam có thể gây một số tác dụng phụ không mong muốn với tần suất như sau:
- Thường gặp: Khô miệng, buồn nôn, nôn, chóng mặt, buồn ngủ, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, đổ mồ hôi, bí tiểu.
- Hiếm gặp: Khó chịu, phản ứng quá mẫn, dễ bị kích động, ảo giác, bồn chồn, các triệu chứng của lệ thuộc hoặc lạm dụng thuốc.
4. Một số lưu ý khi dùng thuốc Nefopam
- Không được dùng thuốc Nefopam ở người bị quá mẫn với thành phần của thuốc, người có tiền sử rối loạn co giật, thuốc uống ở trẻ dưới 12 tuổi và thuốc tiêm ở trẻ dưới 15 tuổi, người cao tuổi, bị rối loạn niệu - tiền liệt tuyến và có nguy cơ bí tiểu, người có nguy cơ glôcôm góc đóng, người bị nhồi máu cơ tim, đang dùng thuốc ức chế monoamine oxidase và có nguy cơ lệ thuộc thuốc với Nefopam, người đang dùng thuốc khác có chứa Nefopam.
- Người bệnh có nguy cơ gặp hội chứng cai thuốc khi ngưng điều trị bằng Nefopam mà trước đó đã điều trị với Morphine.
- Thường xuyên đánh giá nguy cơ và lợi ích khi điều trị bằng Nefopam để cân bằng.
- Người bị suy gan, suy thận, bệnh tim mạch cần thận trọng khi dùng Nefopam vì thuốc làm nhanh nhịp tim. Đặc biệt, không dùng thuốc để điều trị nhồi máu cơ tim khi không có kinh nghiệm điều trị.
- Phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con cho bú không nên dùng Nefopam vì nghiên cứu về tính hiệu quả và an toàn của thuốc trên nhóm đối tượng này còn hạn chế.
- Tránh lái xe, điều khiển máy móc khi dùng thuốc Nefopam vì thuốc có thể gây chóng mặt, buồn ngủ.
- Thuốc Nefopam tương tác với các thuốc: Tăng tác động lên thần kinh trung ương khi uống cùng với rượu; không dùng cùng với thuốc ức chế Monoamine oxidase; tăng tác dụng không mong muốn khi dùng đồng thời với các thuốc kháng Muscarin hoặc thần kinh giao cảm; tăng nguy cơ động kinh khi dùng cùng với thuốc chống trầm cảm 3 vòng; tăng tác dụng ức chế thần kinh trung ương khi dùng cùng với các loại thuốc an thần.
- Để đảm bảo Nefopam không ảnh hưởng đến các loại thuốc đã và đang dùng khác, người bệnh nên thông báo cho bác sĩ các loại đang sử dụng, bao gồm thuốc kê đơn và không kê đơn, các loại thảo dược và thực phẩm chức năng.
Công dụng của thuốc Nefopam là làm giảm đau đối với một số cơn đau cấp tính và mãn tính từ mức nhẹ đến trung bình của đau răng, đau đầu, đau bụng kinh, đau cơ,...
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.