Công dụng thuốc Mirtaz 30

Thuốc Mirtaz 30 được chỉ định trong điều trị triệu chứng trầm cảm... Cùng tìm hiểu về công dụng, các lưu ý khi sử dụng thuốc Mirtaz 30 qua bài viết dưới đây.

1. Công dụng của thuốc Mirtaz 30

Mirtaz 30 là thuốc gì?”. Theo đó, thuốc Mirtaz 30 chứa hoạt chất Mirtazapin được bào chế dưới dạng viên nén bao phim.

Thuốc Mirtaz 30 được chỉ định trong điều trị triệu chứng trầm cảm.

2. Cơ chế tác dụng của thuốc

Hoạt chất Mirtazapin là thuốc chống trầm cảm được dùng trong điều trị các giai đoạn trầm cảm, sự hiện diện của các triệu chứng như ức chế tâm thần vận đồng, u sầu, rối loạn giấc ngủ (thức sớm) và giảm cân sẽ tăng cơ may có đáp ứng tích cực. Các triệu chứng khác như ý nghĩ tự tử, mất sự quan tâm và thay đổi khí sắc. Nhìn chung thuốc có tác dụng sau 1 – 2 tuần điều trị.

Mirtazapin thuộc nhóm thuốc đối kháng alpha – 2 trung gian tiền synap, tác dụng làm tăng dẫn truyền thần kinh qua trung gian serotonin trung ương và noradrenergic. Tác dụng tăng cường dẫn truyền thần kinh trung gian qua serotonin thông qua thụ thể 5 – HT1 đặc hiệu. Cả hai dạng đồng phân của Mirtazapin được cho là có tác dụng chống trầm cảm, trong đó đồng phân R (-) chẹn thụ thể 5 – HT3 và đồng phân S (+) chẹn thụ thể Alpha – 2. Hoạt tính kháng Histamin H1 của Mirtazapin liên quan đến tính an thần của thuốc, thực tế Mirtazapin không có hoạt tính kháng cholinergic và ở liều điều trị thuốc không có tác dụng lên hệ tim mạch.

3. Liều dùng của thuốc Mirtaz 30

Thuốc Mirtaz 30 thuộc nhóm thuốc kê đơn, vì vậy liều thuốc sử dụng cần được chỉ định bởi bác sĩ điều trị.

Hoạt chất Mirtazapin có thời gian bán thải dài (20 – 40 giờ), vì vậy thuốc phù hợp với liều dùng 1 lần/ngày. Thuốc nên được uống một liều duy nhất vào buổi tối trước khi đi ngủ. Trong một số trường hợp Mirtaz 30 cũng có thể được chia làm 2 lần uống (1 lần vào buổi sáng và 1 lần vào buổi tối). Đối với người bệnh trầm cảm cần được điều trị trong thời gian ít nhất 6 tháng nhằm đảm bảo không còn các triệu chứng.

Một số khuyến cáo về liều thuốc Mirtaz 30 như sau:

  • Người trưởng thành: Liều thuốc khuyến cáo hàng ngày từ 15mg – 45mg, liều thuốc khởi đầu từ 15 – 30mg/ngày. Mirtaz 30 bắt đầu phát huy tác dụng toàn thân sau 1 – 2 tuần điều trị. Điều trị đầy đủ bằng thuốc sẽ đem đến phản ứng tích cực sau 2 – 4 tuần. Trường hợp không đáp ứng đầy đủ, liều thuốc có thể tăng lên liều tối đa. Trường hợp người bệnh không đáp ứng trong 2 – 4 tuần điều trị nên xem xét đến việc ngưng dùng thuốc;
  • Người cao tuổi: Liều thuốc khuyến cáo như người trưởng thành. Ở người bệnh cao tuổi việc hiệu chỉnh liều thuốc nên được giám sát bởi bác sĩ để đảm bảo độ an toàn và khả năng đáp ứng tốt;
  • Trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi: Khuyến cáo không sử dụng thuốc Mirtaz 30 ở trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi;
  • Người bệnh suy thận: Độ thanh thải của Mirtazapin ở người bệnh suy thận vừa đến nặng có thể giảm, vì vậy cần thận trọng khi kê toa ở những người bệnh này;
  • Người bệnh suy gan: Độ thanh thải của Mirtazapin ở người bệnh suy gan có thể giảm. Vì vậy cần thận trọng khi kê toa ở những người bệnh này, đặc biệt là người bệnh suy gan nặng.

4. Tác dụng phụ của thuốc Mirtaz 30

Thuốc Mirtaz 30 có thể gây ra một số tác dụng phụ như sau:

  • Tăng cân, tăng cảm giác ngon miệng;
  • An thần, buồn ngủ. Các tác dụng phụ này thường xảy ra trong ít tuần điều trị;
  • Tác dụng phụ hiếm gặp: Cơn hưng cảm, hạ huyết áp tư thế, run rẩy, cơn co giật, rung cơ, phù và kèm theo tăng cân, ức chế tủy xương cấp (giảm bạch cầu hạt, tăng bạch cầu ái toan, thiếu máu bất sản, mất bạch cầu hạt), phát ban, tăng hoạt tính transaminaz huyết thanh.

Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ nếu gặp phải tác dụng không mong muốn trong thời gian điều trị bằng thuốc Mirtaz 30.

5. Chống chỉ định của thuốc Mirtaz 30

Chống chỉ định sử dụng thuốc Mirtaz 30 trong những trường hợp sau:

  • Người bệnh mẫn cảm với Mirtazapin hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc;
  • Người bệnh sử dụng đồng thời Mirtazapin với Oxidase (MAO) – chất ức chế Monoamin.

6. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Mirtaz 30

Trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi: Mirtaz 30 không nên được sử dụng trong điều trị trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi. Hành vi liên quan đến tự tử (bao gồm ý nghĩ tự tử, cố gắng tự tử), sự thù địch (hành vi chống đối, tức giận, gây hấn) đã xuất hiện trong các nghiên cứu lâm sàng khi điều trị bằng thuốc chống trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi.

Tự tử, có ý định tự tử hoặc triệu chứng lâm sàng trở nên xấu đi: Trầm cảm liên quan chặt chẽ với nguy cơ tự gây hại và tự tử. Nguy cơ này vẫn còn tiềm ẩn cho đến khi mức độ bệnh thuyên giảm. Trong vài tuần đầu điều trị bằng Mirtaz 30, mức độ cải thiện bệnh chưa xuất hiện, vì vậy người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ triệu chứng lâm sàng nếu không nguy cơ tự tử có thể tăng lên trong giai đoạn đầu. Người bệnh cần được cảnh báo về sự cần thiết cho bất kỳ triệu chứng tự tử.

Bệnh về tủy xương thường gây giảm bạch cầu hạt, mất bạch cầu hạt đã được báo cáo trong quá trình điều trị với Mirtazapin. Trong một số trường hợp có thể gây tử vong. Vì vậy bác sĩ cần cảnh giác với các triệu chứng như đau họng, sốt, viêm miệng hoặc các dấu hiệu nhiễm trùng khác...

Vàng da: Ngưng sử dụng thuốc nếu xảy ra tình trạng vàng da.

Mặc dù Mirtazapin không gây nghiện nhưng kinh nghiệm trên lâm sàng cho thấy ngưng thuốc đột ngột sau một thời gian dài điều trị có thể dẫn đến triệu chứng cai thuốc. Các triệu chứng bao gồm kích động, chóng mặt, lo ấu, buồn nôn và đau đầu là thường gặp nhất.

Thận trọng khi sử dụng thuốc Mirtaz 30 và cần giám sát thường xuyên ở những người bệnh sau:

  • Người bệnh động kinh, hội chứng não hữu cơ;
  • Người bệnh suy gan: Sau khi dùng liều Mirtazapin 15mg duy nhất, độ thanh thải của Mirtazapin giảm khoảng 35% ở người bệnh suy gan nhẹ đến trung bình so với người bệnh có chức năng gan bình thường. Nồng độ của thuốc trong huyết tương tăng lên khoảng 55%;
  • Người bệnh suy thận: Sau khi dùng liều Mirtazapin 15mg duy nhất, độ thanh thải của Mirtazapin giảm khoảng 30% và 50% ở người bệnh suy thận mức độ nhẹ, nặng;
  • Người mắc bệnh tim mạch như đau thắt ngực, rối loạn dẫn truyền và nhồi máu cơ tim;
  • Người bệnh hạ huyết áp;
  • Người mắc bệnh đái tháo đường: Thuốc chống trầm cảm có thể làm thay đổi sự kiểm soát đường huyết ở người bệnh đái tháo đường;
  • Người bệnh rối loạn tiểu tiện như phì đại tuyến tiền liệt;
  • Người bệnh glaucoma cấp tính, tăng áp lực trong mắt.

7. Tương tác thuốc

Tương tác dược lực học:

  • Không sử dụng đồng thời thuốc Mirtaz 30 với thuốc ức chế men MAO hoặc trong vòng 2 tuần sau khi ngưng điều trị với thuốc ức chế men MAO;
  • Mirtaz 30 có thể làm tăng tính an thần của thuốc chống loạn thần, thuốc kháng histamin H1, Benzodiazepin, thuốc phiện;
  • Mirtaz 30 có thể làm tăng tác dụng giảm đau thần kinh trung ương của rượu. Vì vậy người bệnh cần được tư vấn tránh dùng đồ uống có cồn;
  • Warfarin: Theo dõi INR trong trường hợp điều trị đồng thời Warfarin và Mirtazapin.

Tương tác dược động học:

  • Phenytoin, Carbamazepine làm tăng tốc độ thải trừ của Mirtazapin, từ đó làm giảm nồng độ trong huyết tương của thuốc Mirtaz 30;
  • Nồng độ đỉnh trong huyết tương của thuốc Mirtaz 30 tăng lên khi dùng đồng thời với thuốc ức chế mạnh CYP3A4 như Ketoconazol;
  • Nồng độ trong huyết tương của Mirtazapin tăng hơn 50% khi dùng chung với Cimetidine;

Tương tác thuốc xảy ra làm tăng nguy cơ gặp tác dụng và giảm tác dụng điều trị của Mirtaz 30, vì vậy để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong điều trị người bệnh cần thông báo cho bác sĩ các loại thuốc, thực phẩm đang sử dụng trước khi dùng thuốc Mirtaz 30.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Mirtaz 30, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Mirtaz 30 là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua và điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe