Giảm đau là ưu tiên hàng đầu của bệnh nhân viêm khớp dạng thấp. Thuốc chống trầm cảm có thể được sử dụng như một thuốc bổ trợ để tăng cường hiệu quả giảm đau, an thần và chống trầm cảm. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc chống trầm cảm trong điều trị viêm khớp dạng thấp vẫn còn gây tranh cãi vì các bằng chứng khoa học trái ngược nhau.
1. Thuốc chống trầm cảm là gì?
Nhóm ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) như citalopram (Celexa), Escitalopram (Lexapro), Fluoxetine (Prozac), Paroxetine (Paxil) và Sertraline (Zoloft) là loại thuốc chống trầm cảm được sử dụng phổ biến nhất. Cơ chế hoạt động của SSRI là thay đổi nồng độ các chất trung gian hóa học trong não bộ như serotonin và dopamine, qua đó thay đổi cách giao tiếp giữa các tế bào thần kinh. Những loại thuốc này rất hiệu quả trong việc kiểm soát các triệu chứng trầm cảm và giảm bớt lo âu.
Mặc dù các thuốc chống trầm cảm không phải là các thuốc giảm đau nhưng một số loại lại mang lại tác dụng này. Thuốc chống trầm cảm ba vòng (như Amitriptyline và Nortriptyline) và thuốc ức chế tái hấp thu serotonin norepinephrine có chọn lọc (như Duloxetine và venlafaxine) đều có thể vừa điều trị trầm cảm vừa điều trị chứng đau mãn tính.
Các loại thuốc này hoạt động như một chất điều hòa thần kinh, ức chế các tín hiệu đau bằng cách điều chỉnh số lượng chất trung gian hóa học (như serotonin và norepinephrine) dẫn truyền giữa các dây thần kinh.
2. Ảnh hưởng của thuốc chống trầm cảm tới viêm khớp dạng thấp
Hơn 1⁄2 người bệnh viêm khớp dạng thấp cho biết họ ngủ không ngon, một tỷ lệ cao hơn 2 lần so với dân số chung. Tình trạng ngủ không đủ giấc có thể làm trầm trọng thêm chứng đau, trầm cảm và ngược lại. Thuốc chống trầm cảm ba vòng như Amitriptyline và Trazodone được sử dụng để cải thiện giấc ngủ người bệnh
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là người bệnh viêm khớp dạng thấp phải trao đổi với bác sĩ cơ xương khớp về các triệu chứng của bản thân, qua đó bác sĩ sẽ xem xét và giới thiệu đến khám chuyên khoa tâm thần để kiểm tra triệu chứng trầm cảm. Cuối cùng, các bác sĩ chuyên khoa tâm thần sẽ xác định dấu hiệu của người bệnh có phù hợp với thuốc chống trầm cảm hay phải cần đến các phương pháp điều trị khác.
Theo ý kiến của một số chuyên gia, một số bệnh nhân viêm khớp dạng thấp không mắc chứng trầm cảm mà chỉ mất tinh thần và do đó sẽ không đáp ứng với thuốc chống trầm cảm. Khi đó điều người bệnh cần chỉ là sự hỗ trợ cần thiết và thời gian thích ứng.
3. Thuốc chống trầm cảm có tác dụng phụ
Một số bác sĩ cơ xương khớp có thể tự kê đơn thuốc chống trầm cảm, một số khác sẽ giới thiệu bệnh nhân của họ đến khám với các bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Các tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm phụ thuộc vào loại thuốc đang dùng nhưng nhìn chung tác dụng phụ hay gặp bao gồm:
- Buồn ngủ quá mức hoặc mất ngủ
- Buồn nôn;
- Khô miệng;
- Chóng mặt;
- Đau đầu;
- Tiêu chảy hoặc táo bón;
- Rối loạn tình dục như giảm ham muốn hoặc khó đạt cực khoái;
- Lo lắng hoặc kích động quá mức.
Thuốc chống trầm cảm ba vòng có xu hướng gây ra nhiều tác dụng phụ hơn so với nhóm SSRI hay SNRI. Trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc mới nào, điều quan trọng là người bệnh phải thảo luận với bác sĩ về các tác dụng phụ hoặc tương tác thuốc có thể xảy ra.
Lưu ý rằng người bệnh không nên phụ thuộc vào thuốc để giải quyết chứng trầm cảm của mình. Bên cạnh thuốc còn có các phương pháp khác có thể giúp ích cho sức khỏe tâm thần của bệnh nhân. Đối với trường hợp đã bị viêm khớp dạng thấp từ trước, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu các tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm khiến tình trạng đau nhức khớp ngày càng trở nên trầm trọng hơn.
4. Điều trị viêm khớp dạng thấp và chứng trầm cảm
Bước đầu tiên trong điều trị viêm khớp dạng thấp chính là kiểm soát các cơn đau khớp, đặc biệt khi các triệu chứng này có thể là nguyên nhân gây ra chứng trầm cảm. Nhiều người bệnh viêm khớp dạng thấp cho biết có mối liên hệ giữa các triệu chứng đó với nhau.
Các dấu hiệu viêm khớp bùng phát có thể khiến người bệnh lo lắng và trầm cảm. Ở chiều ngược lại, nếu người bệnh trải qua một ngày thực sự tồi tệ, khiến họ lo lắng và các triệu chứng trầm cảm xuất hiện có thể khiến biểu hiện viêm khớp rõ ràng hơn. Đây là một vòng xoắn bệnh lý hay gặp.
Nếu người bệnh viêm khớp dạng thấp kiểm soát được cơn đau thì tâm trạng của họ cũng sẽ được cải thiện. Do đó, một điều rất quan trọng trong điều trị viêm khớp dạng thấp là người bệnh phải tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và sử dụng thuốc để kiểm soát cơn đau.
4.1. Thảo luận với bác sĩ
Người bệnh hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ về các vấn đề khác nhau, không chỉ liên quan đến bệnh viêm khớp dạng thấp. Bác sĩ có thể giải quyết các vấn đề sức khỏe và tâm trạng của người bệnh hoặc giới thiệu các đến các chuyên gia về điều trị trầm cảm.
Các bác sĩ tâm thần có thể kê đơn thuốc chống trầm cảm nếu phù hợp với tình trạng của bệnh nhân. Người bệnh cần cho bác sĩ biết các dấu hiệu bất thường và sẵn sàng với các biện pháp điều trị chứng trầm cảm.
4.2. Tăng cường vận động
Tập thể dục là một biện pháp có thể làm dịu các cơn đau khớp và đồng thời cải thiện tâm trạng. Một số nghiên cứu chứng minh khả năng trầm cảm sẽ thấp hơn ở người bệnh viêm khớp dạng thấp có thói quen tập thể dục.
Tuy nhiên, người bệnh hãy cẩn thận trong việc lựa chọn bài tập phù hợp, đặc biệt khi có những triệu chứng của viêm khớp dạng thấp. Các bài tập kéo dài và ít tác động là một lựa chọn phù hợp như đi bộ, đạp xe đạp hoặc bơi lội.
4.3. Tham gia cộng đồng người bệnh
Một số người bệnh nhận thấy rằng mạng xã hội có thể giúp họ liên lạc với những người khác đang trải qua những điều tương tự. Tham gia vào các trang mạng xã hội là một cách để người bệnh theo dõi, trao đổi với những người mắc bệnh tương tự bản thân. Điều này giúp họ cảm thấy bản thân không phải là người bị viêm khớp cạnh thấp và có triệu chứng trầm cảm duy nhất, từ đó cảm thấy được an ủi và phần nào hỗ trợ cải thiện tâm trạng. Đây được xem là một cách quản lý các biểu hiệu về tâm thần của bệnh nhân viêm khớp dạng thấp trên khắp thế giới.
Đối với những người không thể sử dụng mạng xã hội, họ có thể tham gia vào các hội nhóm để trao đổi trực tiếp hoặc nói chuyện qua điện thoại. Điều này mang lại hiệu quả tương tự, giúp người bệnh cảm thấy tốt hơn và được tiếp thêm sức mạnh trong quá trình điều trị viêm khớp dạng thấp.
4.4. Viết nhật ký
Nhiều người bệnh có thể hình thành thói quen viết nhật ký. Biện pháp này giúp người bệnh tự viết về cảm xúc của bản thân, từ đó giúp giảm bớt lo lắng và kiểm soát chứng trầm cảm.
Bên cạnh đó, một số hình thức diễn đạt khác cũng có thể mang lại hiệu quả như chơi nhạc cụ hay ca hát.
4.5. Trao đổi với chuyên gia tâm lý
Các nghiên cứu chỉ ra rằng nói chuyện với nhà trị liệu, nhà tâm lý học hoặc cố vấn có thể giúp ích cho người bệnh trầm cảm mức độ nhẹ đến trung bình. Đặc biệt, liệu pháp nhận thức hành vi có thể thúc đẩy tâm trạng khi nó tập trung vào việc thay đổi cách suy nghĩ và hành động của bệnh nhân trầm cảm. Gặp gỡ các chuyên gia sức khỏe tâm thần còn có thể giúp bệnh nhân nâng cao lòng tự tôn và lòng tự trọng.
4.6. Thay đổi chế độ ăn
Người bệnh trầm cảm do viêm khớp dạng thấp cần tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng. Các món ăn cần hạn chế chất béo và tăng cường thêm trái cây, rau xanh. Bên cạnh đó cần bổ sung các loại thực phẩm có giàu axit béo omega-3, như cá hồi và các loại cá béo khác. Loại axit béo này có khả năng chống lại chứng viêm gây đau nhức khớp và dẫn đến chứng trầm cảm.
Bệnh nhân không cần phải thay đổi hoàn toàn thói quen ăn uống của mình trong một sớm một chiều. Thay vào đó có thể bắt đầu thay thế dần dần bữa ăn bằng các loại thực phẩm lành mạnh, phù hợp hơn như thay thế ngũ cốc nguyên hạt cho các sản phẩm tinh chế.
4.7. Các biện pháp khác
Xem xét các liệu pháp thay thế có thể kiểm soát cơn đau và triệu chứng trầm cảm như châm cứu, xoa bóp hoặc thiền định...
Dù lựa chọn biện pháp điều trị nào, điều quan trọng là đừng bỏ qua sức khỏe tâm thần, đặc biệt là khi đang cảm thấy thất vọng. Trầm cảm có thể điều trị được, vì vậy hãy đảm bảo áp dụng các biện pháp kiểm soát cảm xúc để quay lại đúng hướng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd, pubmed