Thuốc Meshanon thuộc nhóm thuốc giãn cơ và tăng trương lực cơ, chỉ định điều trị các trường hợp nhược cơ cơ năng và táo bón do rối loạn vận động đường ruột. Vậy thuốc Meshanon sử dụng như thế nào?
1. Thuốc Meshanon là thuốc gì?
Thuốc Meshanon có chứa thành phần chính Pyridostigmine bromide, hàm lượng 60mg và các tá dược khác vừa đủ do nhà sản xuất cung cấp. Thuốc bào chế ở dạng viên nén, quy cách đóng gói hộp 3 vỉ, mỗi vỉ có 10 viên.
2. Thuốc Meshanon có tác dụng gì?
Thuốc Meshanon được chỉ định điều trị trong các trường hợp dưới đây:
- Điều trị bệnh nhược cơ cơ năng
- Hỗ trợ điều trị tình trạng táo bón ở bệnh nhân rối loạn vận động ruột do bệnh Parkinson.
Mặt khác, thuốc Meshanon chống chỉ định trong các trường hợp bệnh nhân như sau:
- Dị ứng với hoạt chất Pyridostigmine bromide hay các tá dược khác có trong thành phần của thuốc.
- Tắc nghẽn cơ học đường tiết niệu hoặc đường tiêu hóa.
3. Liều lượng và cách dùng thuốc Meshanon
Thuốc Meshanon bào chế ở dạng viên nén, dùng bằng đường uống. Thuốc nên uống lúc sáng ngủ dậy hoặc trong bữa ăn hay khoảng 30 – 45 phút trước khi ăn. Thuốc nên uống với nước lọc hoặc nước sôi để nguội, không uống cùng với các thức uống khác có chứa cồn. Trường hợp bệnh nhân khó nuốt, có thể bẻ đôi viên thuốc để uống.
Dưới đây là liều dùng khuyến cáo của thuốc Meshanon:
Điều trị nhược cơ năng:
- Người lớn: Dùng với liều 1 – 3 viên/lần, dùng từ 2 – 4 lần/ngày, mỗi liều cách nhau ít nhất 4 giờ. Tác dụng của 1 lần dùng thuốc thường kéo dài 3 đến 4 giờ vào ban ngày và cho tác dụng kéo dài hơn 6 giờ khi dùng thuốc khi đi ngủ.
- Trẻ em: dùng liều từ 5 – 10 mg/ngày, có thể nghiền nhỏ viên thuốc, dùng 30 – 45 phút trước khi ăn.
Giảm táo bón nặng ở bệnh nhân rối loạn vận động ruột do bệnh Parkinson:
- Dùng liều 60mg/lần, dùng 3 lần mỗi ngày.
Khi người bệnh dùng quá liều thuốc Meshanon, thường xảy ra các triệu chứng như đau quặn bụng, tăng nhu động ruột, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, tăng tiết nước bọt, co đồng tử, yếu cơ, hạ huyết áp, ngừng tim. Khi phát hiện các dấu hiệu quá liều trên, người bệnh nên ngừng thuốc ngay lập tức, đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời cấp cứu. Có thể kiểm soát bằng thuốc Atropin với liều dùng 2mg, tiêm tĩnh mạch, sau đó tiêm bắp, cứ 2 – 4 giờ một lần, tùy theo chỉ định của bác sĩ, tránh quá liều thuốc Atropin.
4. Tác dụng phụ của thuốc Meshanon
Bác sĩ luôn xem xét giữa lợi ích mà thuốc Meshanon đem lại cho bệnh nhân và nguy cơ có thể xảy ra các tác dụng phụ để chỉ định dùng thuốc thích hợp. Người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để tránh xảy ra các tác dụng không mong muốn. Thuốc Meshanon nói chung được dung nạp tốt, tuy nhiên, trong trường hợp bệnh nhân dùng thuốc có xảy ra bất kỳ dấu hiệu bất thường nào nghi ngờ có liên quan đến thuốc, hãy thông báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ.
Một số tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc như sau:
Thường gặp:
- Tăng tiết mồ hôi, chán ăn, nhịp tim chậm, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, tăng nhu động ruột, đau bụng, tiết nước bọt, viêm mũi, liệt cơ, co giật.
Ít gặp:
- Chóng mặt, tăng huyết áp, hạ huyết áp, mất ngủ.
Hiếm gặp:
- Ngoại ban, rụng tóc.
5. Tương tác thuốc Meshanon
Báo với bác sĩ về tất cả các loại thuốc bạn đang sử dụng như thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, thực phẩm chức năng, thảo dược...để tránh các phản ứng tương tác xảy ra khi dùng kết hợp thuốc trong quá trình điều trị.
Một số thuốc có thể xảy ra tương tác với thuốc Meshanon khi dùng phối hợp như sau:
- Thuốc ức chế miễn dịch: Nhu cầu thuốc Meshanon có thể giảm khi phối hợp với các thuốc steroid, thuốc ức chế miễn dịch mặc dù nồng độ đỉnh trong huyết tương và AUC của thuốc có thể giảm khi dùng corticosteroid liều cao.
- Thuốc Methylcellulose và các thuốc chứa methyl cellulose trong thành phần tá dược có thể ức chế sự hấp thụ hoàn toàn của thuốc.
- Thuốc kháng Muscarin: Thuốc Atropin và hyoscin đối kháng tác dụng với thuốc Meshanon. Những thuốc này có thể làm giảm nhu động dạ dày – ruột, ảnh hưởng đến quá trình hấp thu thuốc.
- Thuốc giãn cơ: Khi dùng phối hợp với thuốc Meshanon có tác dụng đối kháng với thuốc giãn cơ không khử cực, đồng thời có thể làm kéo dài tác dụng của một số thuốc giãn cơ khử cực khác như Suxamethonium.
- Kháng sinh Aminoglycosid, thuốc gây mê cục bộ và toàn thân, thuốc điều trị loạn nhịp và các thuốc khác tương tác với sự dẫn truyền thần kinh cơ có thể tương tác với thuốc Meshanon.
6. Một số lưu ý khi dùng thuốc Meshanon
- Cần dùng thận trọng thuốc Meshanon ở người bệnh động kinh, hen phế quản, nhịp tim chậm, mới tắc mạch vành, cường đối giao cảm, cường tuyến giáp, loạn nhịp tim hoặc loét dạ dày.
- Tránh dùng liều cao ở những người mắc chứng ruột kết to hoặc giảm nhu động dạ dày – ruột.
- Một số trường hợp người bệnh dùng thuốc kéo dài tác dụng hơn muối của Neostigmin, có thể gây các cơn tăng tiết acetylcholin.
- Khi sử dụng thuốc Meshanon để điều trị bệnh nhược cơ, cần nhớ rằng, với cùng một liều thuốc kháng Cholinesterase, có thể có những đáp ứng khác nhau ở những nhóm cơ riêng biệt như gây yếu ở nhóm cơ này trong khi đó lại làm tăng lực cơ ở nhóm cơ khác.
- Cần phải theo dõi chức năng hô hấp của bệnh nhân khi muốn tăng liều thuốc nhằm đảm bảo tốt chức năng hô hấp.
- Thuốc Meshanon qua được nhau thai và bài tiết vào sữa mẹ, vì vậy nên thận trọng khi dùng thuốc này cho phụ nữ mang thai và cho con bú.
- Sử dụng thuốc có tác dụng chống tiết Cholin hoặc tác dụng giống như Atropin phải hết sức cẩn thận, khi người bệnh cũng được điều trị bằng thuốc Meshanon vì các triệu chứng quá liều có thể bị che lấp, bởi thuốc Meshanon, hoặc ngược lại, các triệu chứng khi dùng thuốc này có thể bị che lấp bởi Atropin và các thuốc tương tự Atropin.
Trên đây là thông tin về công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Meshanon. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, bạn cần dùng thuốc Meshanon theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.