Công dụng thuốc Ceftaroline

Thuốc Ceftaroline được bào chế dưới dạng bột pha tiêm, có thành phần chính là Ceftaroline. Thuốc được sử dụng trong điều trị nhiễm khuẩn da và viêm phổi.

1. Công dụng thuốc Ceftaroline?

Thuốc Ceftaroline bào chế dạng bột pha tiêm, có các dạng hàm lượng là 400mg, 600mg. Ceftaroline là thuốc kháng sinh cephalosporin thế hệ 5, có phổ kháng khuẩn rộng bao gồm cả các chủng vi khuẩn gram âm và gram dương. Cơ chế tác dụng của thuốc là ức chế các enzyme tổng hợp thành tế bào vi khuẩn.

Chỉ định sử dụng thuốc Ceftaroline:

2. Hướng dẫn cách dùng thuốc Ceftaroline

2.1. Cách dùng

Đường tiêm truyền.

  • Pha tiêm: Bột pha tiêm hòa với 20ml nước cất vô khuẩn hoặc natri clorid 0,9% hoặc dextrose 5%. Pha trong khoảng 2 phút, lắc nhẹ để bột hòa tan hoàn toàn;
  • Pha loãng dung dịch: Pha loãng thêm khoảng 50 - 250ml trước khi truyền tĩnh mạch. Dung dịch tiêm truyền thích hợp là: Dextrose 5%, Dextrose 2.5%, Sodium Chloride 0,9%, Sodium Chloride 0.45%, Ringer Lactate.

Lưu ý:

  • Với liều 400mg: Nồng độ sau khi pha loãng là khoảng 8mg/ml;
  • Với liều 600mg: Nồng độ sau khi pha loãng khoảng 12mg/ml;
  • Nồng độ dung dịch tiêm truyền không vượt quá 12mg/ml.

2.2. Liều dùng

  • Người lớn: Liều khuyến cáo là 600mg dùng mỗi 12 giờ bằng cách truyền tĩnh mạch IV từ 5 - 60 phút ở bệnh nhân từ 18 tuổi trở lên. Thời gian điều trị tùy theo mức độ nghiêm trọng, tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân. Cụ thể:
    • Nhiễm khuẩn da và cấu trúc da cấp tính: Dùng liều 600mg, 12 giờ/lần, truyền 5 - 60 phút, điều trị trong 5 - 14 ngày;
    • Viêm phổi cộng đồng: Dùng liều 600mg, 12 giờ/lần, truyền 5 - 60 phút, điều trị trong 5 - 7 ngày;
  • Trẻ em: Liều khuyến cáo căn cứ vào độ tuổi và cân nặng của trẻ. Thông thường, thuốc Ceftaroline được dùng 8 giờ/lần bằng cách truyền tĩnh mạch trong 5 - 60 phút. Thời gian điều trị tùy theo mức độ nghiêm trọng, tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân. Cụ thể:
    • Trẻ 2 tháng - dưới 2 tuổi: Dùng liều 8mg/kg mỗi 8 giờ, truyền 5 - 60 phút, điều trị trong 5 - 14 ngày;
    • Trẻ 2 tuổi - dưới 18 tuổi (dưới 33kg): Dùng liều 12mg/kg mỗi 8 giờ, truyền 5 - 60 phút, điều trị trong 5 - 14 ngày;
    • Trẻ 2 tuổi - dưới 18 tuổi (trên 33kg): Dùng liều 400mg mỗi 8 giờ hoặc 600m mỗi 12 giờ, truyền 5 - 60 phút, điều trị trong 5 - 14 ngày;
  • Bệnh nhân suy thận: Không cần điều chỉnh liều đối với người bệnh có độ thanh thải creatinin (ClCr) > 50ml/phút. Liều dùng sẽ được điều chỉnh với người bệnh có ClCr ≤ 50ml/phút. Cụ thể:
    • ClCr > 50ml/phút: Không cần điều chỉnh liều dùng;
    • 30 < ClCr ≤ 50ml/phút: Dùng liều 400mg IV, truyền 5 - 60 phút sau 12 giờ;
    • 15 ≤ ClCr ≤ 30ml/phút: Dùng liều 300mg IV, truyền 5 - 60 phút sau 12 giờ;
    • Bệnh thận giai đoạn cuối, chạy thận nhân tạo (ClCr < 15ml/phút): Dùng liều 200mg IV, truyền 5 - 60 phút sau 12 giờ. Thuốc Ceftaroline nên được dùng ngay sau khi chạy thận nhân tạo.

Quá liều: Sử dụng thuốc Ceftaroline quá liều đã xảy ra ở một số bệnh nhân suy thận. Các triệu chứng bao gồm co giật, run rẩy, bệnh lý não, dễ kích thích thần kinh cơ. Cần theo dõi cẩn thận đối với những trường hợp bệnh nhân dùng thuốc quá liều cấp, có biện pháp điều trị hỗ trợ thích hợp. Ở người bệnh bị suy thận, có thể cho thẩm tách máu hoặc màng bụng nhằm loại bỏ thuốc nhanh.

3. Tác dụng phụ của thuốc Ceftaroline

Nói chung, thuốc Ceftaroline được dung nạp tốt, chỉ có khoảng 5% người bệnh gặp tác dụng phụ. Trong quá trình điều trị bằng thuốc Ceftaroline, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Tại chỗ: Kích ứng tại vị trí tiêm, viêm tắc tĩnh mạch;
  • Da: Ngứa da, ngoại ban, ban dát sần, ban đỏ đa dạng, hoại tử da nhiễm độc, hội chứng Stevens - Johnson;
  • Máu: Giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu, tăng bạch cầu ưa eosin, giảm bạch cầu trung tính, phản ứng Coombs dương tính, tăng lympho bào, mất bạch cầu hạt, thiếu máu tán huyết;
  • Thần kinh: Loạn vị giác, loạn cảm; ở bệnh nhân suy thận điều trị không đúng liều có thể bị co giật, run, bệnh não, kích thích thần kinh - cơ;
  • Tiêu hóa: Đau bụng, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy, viêm đại tràng màng giả;
  • Gan: Tăng transaminase, tăng phosphatase kiềm;
  • Tiết niệu - sinh dục: Giảm tốc độ lọc tiểu cầu thận, tăng creatinin và ure huyết tương, có nguy cơ bội nhiễm Enterococci và Candida;
  • Toàn thân: Chóng mặt, sốt, đau đầu, phù Quincke, phản ứng phản vệ.

Người bệnh nên thông báo cho bác sĩ về các tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Ceftaroline. Với các phản ứng nhẹ, việc ngừng thuốc thường sẽ giúp loại bỏ hết triệu chứng. Với trường hợp mẫn cảm nặng hoặc phản ứng dị ứng, bệnh nhân cần được điều trị hỗ trợ (giữ thoáng khí, thở oxygen, dùng epinephrin, dùng thuốc kháng histamin, corticoid,...)

4. Lưu ý khi dùng thuốc Ceftaroline

Chống chỉ định dùng thuốc Ceftaroline cho các đối tượng sau: Người bị mẫn cảm với thành phần của thuốc hoặc với thuốc cephalosporin khác, bệnh nhân có tiền sử sốc phản vệ với các penicillin.

Cần thận trọng khi dùng thuốc Ceftaroline cho các trường hợp sau:

  • Trước khi bắt đầu điều trị bằng thuốc Ceftaroline, nên điều tra kỹ về tiền sử dị ứng của bệnh nhân với cephalosporin, penicillin hay các thuốc khác. Vì có phản ứng chéo giữa penicillin với cephalosporin nên cần thận trọng khi dùng thuốc này cho bệnh nhân có phản ứng mẫn cảm với penicillin;
  • Dùng thuốc Ceftaroline có thể dẫn tới tăng sinh các vi sinh vật không nhạy cảm, đặc biệt là Enterococci, Enterobacter, Candida, Staphylococcus aureus hoặc Pseudomonas. Việc sử dụng thuốc kéo dài có thể gây bội nhiễm nấm hoặc vi khuẩn C. difficile, kèm tiêu chảy và viêm đại tràng màng giả. Nên theo dõi bệnh nhân sử dụng thuốc Ceftaroline, nếu có bội nhiễm hoặc nhiễm khuẩn quá mức thì cần có phương án điều trị thích hợp;
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Ceftaroline ở người lái xe hoặc vận hành máy móc vì thuốc có thể gây co giật, run,...;
  • Do chưa có đầy đủ nghiên cứu về việc sử dụng thuốc Ceftaroline ở phụ nữ mang thai nên chỉ dùng thuốc ở nhóm đối tượng này khi thực sự cần thiết;
  • Hiện chưa rõ thuốc Ceftaroline có tiết qua sữa mẹ hay không nên cần thận trọng khi dùng thuốc ở người mẹ đang cho con bú.

5. Tương tác của thuốc Ceftaroline

Nếu dùng đồng thời thuốc Ceftaroline với một số loại thuốc/thực phẩm chức năng có thể nảy sinh phản ứng tương tác, điển hình như:

  • Khi sử dụng đồng thời thuốc Ceftaroline với aminoglycosid hoặc thuốc lợi tiểu mạnh như furosemid có thể làm tăng nguy cơ gây độc cho thận. Nên kiểm tra chức năng thận định kỳ, đặc biệt khi dùng thuốc kết hợp với liều cao aminoglycosid hoặc điều trị kéo dài;
  • Nghiên cứu cho thấy việc sử dụng kết hợp thuốc Ceftaroline với Carbapenems sẽ làm tăng tác dụng hiệp đồng chống lại E.coli sinh ESBL;
  • Nghiên cứu cho thấy việc sử dụng kết hợp thuốc Ceftaroline với Aminoglycosid làm tăng tác dụng hiệp đồng chống lại E. coli, K. Pneumoniae, Enterobacter cloacae dạng Ampoc-de-pseudomonas và Pseudomonas aeruginosa.

Khi sử dụng thuốc Ceftaroline, người bệnh nên tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ về cách dùng, liều dùng thuốc. Để tránh tương tác thuốc bất lợi, bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ về các loại thuốc mình đang dùng, tiền sử bệnh lý của bản thân để có sự điều chỉnh phù hợp nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe