Thuốc Baclofus là thuốc giãn cơ có tác dụng trên thần kinh trung ương. Thuốc được chỉ định dùng trong những trường hợp co cứng cơ, điều trị tình trạng nấc. Cùng tìm hiểu về những thông tin của thuốc qua bài viết dưới đây.
1. Thuốc Baclofus công dụng gì?
Thuốc Baclofus có thành phần chính là Baclofen 10 mg, được bào chế dưới dạng viên nén. Baclofen là thuốc thuộc nhóm thuốc giãn cơ. Baclofen có cấu tạo hóa học liên quan đến acid gamma-aminobutyric (GABA), một chất dẫn truyền thần kinh trong não. GABA là chất do một số dây thần kinh tiết ra, có tác dụng làm giảm hoạt động điện của các dây thần kinh khác.
Giống như GABA, khi sử dụng thuốc Baclofen cho tác dụng phong bế các dây thần kinh trong việc hình thành tổ chức lưới của não, các dây thần kinh này có tác dụng kiểm soát các cơ.
Baclofen cũng có tác dụng hoạt hóa một chất dẫn truyền thần kinh ức chế, từ đó ngăn chặn được các kích thích gây ra nấc. Đây là một trong những thuốc được dùng cho thấy hiệu quả nhất trong việc điều trị các trường hợp nấc mạn do nhiều nguyên nhân khác nhau như do các bệnh lý ở dạ dày - thực quản, tổn thương ở thân não hoặc tình trạng nấc vô căn, kể cả những trường hợp nấc không đáp ứng với nhiều loại thuốc khác.
Thuốc giãn cơ Baclofus có tác dụng ngăn chặn hoạt động thần kinh trong tủy sống. Baclofen giúp giảm co thắt cơ và cứng khớp do chấn thương sọ não, tuỷ sống...
2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Baclofus
Chỉ định
Thuốc Baclofus được chỉ định trong những trường hợp sau:
- Co thắt trong: Xơ cứng bì rải rác; tổn thương tuỷ sống khác như u tủy sống, rỗng tủy sống, viêm tủy ngang, bệnh thần kinh vận động, chấn thương tuỷ sống; đột quỵ não; liệt vận động do não; viêm màng não; chấn thương đầu.
Chống chỉ định:
- Người bệnh bị mẫn cảm với baclofen hoặc với bất kỳ tá dược nào khác.
- Người bệnh đang bị loét dạ dày.
3. Liều lượng và cách dùng thuốc Baclofus
3.1 Cách dùng
Baclofus được dùng bằng đường uống chia nhiều lần (3 lần/ngày) trong hoặc sau bữa ăn. Khi đang dùng thuốc bạn cần lưu ý tránh ngừng thuốc đột ngột do nguy cơ gây triệu chứng cai thuốc.
3.2 Liều dùng
Đối với người lớn: Trong 3 ngày đầu uống 5 mg x 3 lần/ngày; 3 ngày kế tiếp uống 10 mg x 3 lần/ngày; 3 ngày sau uống 15 mg x 3 lần/ngày; 3 ngày tiếp uống với liều 20mg x 3 lần/ngày. Tối đa không dùng quá 100 mg/ngày.
Trẻ em: Liều thông thường từ 0,75 - 2 mg/kg/ngày.
- Đối với trẻ từ 12 tháng - 2 tuổi dùng với liều từ 10 - 20 mg/ngày.
- Trẻ em từ 2 - 6 tuổi từ 20 - 30 mg/ngày.
- Trẻ em: 6 - 10 tuổi: 30 - 60 mg/ngày.
- Trẻ trên 10 tuổi tối đa dùng 2,5 mg/kg/ngày.
Người suy thận: Vì phần lớn thuốc Baclofen được bài tiết chủ yếu trong nước tiểu dưới dạng không thay đổi, do đó có thể cần phải giảm liều thuốc uống ở bệnh nhân suy thận.
Người cao tuổi: Liều ban đầu nên bắt đầu thấp hơn, liều duy trì cũng giống liều dùng cho người lớn.
3.3 Quá liều
- Quá liều: Khi dùng thuốc quá liều có thể gây ra mất phản xạ, nôn, ngủ gà, giảm trương lực cơ, tiết nước bọt nhiều, rối loạn điều tiết thị giác, hôn mê, ức chế hô hấp, cơn động kinh. Các biểu hiện khác cũng có thể xảy ra như ngủ gà, chóng mặt, choáng váng, ức chế hệ hô hấp, mất ý thức tiến triển dẫn tới hôn mê.
- Cách xử lý khi quá liều: Trong quá trình điều trị quá liều baclofen cần loại bỏ ngay thuốc khỏi đường tiêu hoá bằng cách gây nôn, rửa dạ dày và duy trì hô hấp đầy đủ. Điều trị các triệu chứng khác kèm theo nếu có.
4. Tác dụng phụ khi dùng thuốc Baclofus
Khi dùng thuốc Baclofus bạn có thể gặp phải một số tác dụng không mong muốn bao gồm:
- Thường gặp: Ngủ gà, chóng mặt, cảm giác choáng váng, rối loạn tâm thần, mất ngủ, mất điều hoà, giảm trương lực, cảm giác mệt mỏi, lú lẫn, nhức đầu, đau cơ, giảm huyết áp, yếu cơ, ban, buồn nôn, táo bón, đa niệu.
- Ít gặp: Đau tức ngực, khó thở, tiểu khó hay đái dầm, bí tiểu, đái ra máu, liệt dương, không có khả năng xuất tinh, đánh trống ngực, ngất; phản ứng cai thuốc đã xảy ra khi ngừng thuốc đột ngột.
- Hiếm gặp: Hạ thân nhiệt, có cảm giác sảng khoái, ảo giác, trầm cảm, ù tai, co giật, dị cảm, miệng khô, thay đổi vị giác, tiêu chảy, rung giật nhãn cầu, run, rối loạn thị giác, tăng ra mồ hôi, ức chế hô hấp hoặc tim mạch, thay đổi nồng độ glucose huyết, thay đổi xét nghiệm chức năng gan, tăng co cứng.
Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào khi dùng thuốc thì cần báo với bác sĩ để được tư vấn và điều trị phù hợp.
5. Những điều cần lưu ý khi dùng thuốc Baclofus
Trong quá trình dùng thuốc Baclofus thì người bệnh cần lưu ý những vấn đề sau đây:
- Cần theo dõi đều đặn các dấu hiệu lâm sàng và điện não đồ của bệnh nhân khi điều trị bằng thuốc baclofen. Sự ức chế hệ thần kinh trung ương có thể tăng thêm khi dùng thuốc baclofen đồng thời với các thuốc ức chế thần kinh trung ương khác, kể cả rượu.
- Bệnh nhân đang bị viêm dạ dày - tá tràng phải dùng thuốc baclofen uống thuốc một cách thận trọng.
- Bệnh nhân đang có dấu hiệu các chứng loạn tâm thần, tâm thần phân liệt hoặc lú lẫn phải được điều trị bằng thuốc này một cách thận trọng và cần phải giám sát chặt chẽ vì các bệnh này có thể nặng thêm.
- Thận trọng hết sức khi điều trị đối với trẻ em: Chưa thể xác định sự an toàn của liệu pháp dùng Baclofen đường uống ở trẻ em dưới 12 hoặc 4 tuổi.
- Không được tự ý ngưng dùng thuốc đột ngột vì có thể gây ra hội chứng cai thuốc.
- Lưu ý khi dùng với phụ nữ có thai: Không có những nghiên cứu đầy đủ và có kiểm chứng về việc sử dụng thuốc baclofen ở phụ nữ mang thai, chỉ được sử dụng thuốc này khi nhận thấy lợi ích mang lại lớn hơn hẳn so với nguy cơ có thể xảy ra đối với thai nhi.
- Lưu ý khi dùng với phụ nữ cho con bú: Baclofen được phân bố trong sữa người sau khi uống. Phụ nữ đang dùng baclofen thì không nên cho con bú.
- Lưu ý đối với khi lái xe và vận hành máy móc: Baclofen gây các tác dụng phụ như chóng mặt, an thần, buồn ngủ và suy giảm thị lực có thể làm giảm phản ứng của bệnh nhân. Do đó, bệnh nhân gặp các phản ứng bất lợi này được khuyến cáo không nên lái xe hoặc sử dụng máy móc.
- Tương tác thuốc: Thuốc có thể tương tác với rượu, các thuốc ức chế thần kinh trung ương, thuốc chống trầm cảm, thuốc hạ áp. Thuốc độc thận như Fentanyl, Lithium, Levodopa, carbidopa làm tăng nguy cơ độc trên thận.
Tóm lại, thuốc Baclofus là thuốc kê đơn, nên chỉ được dùng khi có chỉ định của bác sĩ. Khi dùng người bệnh cần được theo dõi bởi bác sĩ. Tránh việc thay đổi liều dùng, cách dùng hay tự ý ngưng dùng thuốc vì có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.