Công dụng của thuốc Bosulif

Bosulif là thuốc kê đơn có hoạt chất chính là Bosutinib với ba mức hàm lượng chính là 100mg, 400mg và 500mg. Đây là thuốc dùng để điều trị bệnh bạch cầu nguyên bào tủy mãn tính. Bài viết sau đây sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn Bosulif là thuốc gì.

1. Thuốc Bosulif chữa bệnh gì?

Hoạt chất bosutinib có trong Bosulif là một chất ức chế tyrosine kinase, đây vốn là một enzym đóng vai trò trong việc kiểm soát và thúc đẩy sự phát triển của tế bào. Thuốc Bosulif có khả năng ngăn chặn hoặc làm chậm sự tăng sinh của các tế bào máu phát triển một cách ngoài tầm kiểm soát, được biết đến là điểm đặc trưng ở bệnh ung thư máu. Qua các kết quả nghiên cứu, thuốc Bosulif được cục quản lý dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép năm 2012 với chỉ định chính là điều trị bệnh bạch cầu dòng tủy mãn tính cho kết quả dương tính với đột biến ở nhiễm sắc thể Philadelphia (viết tắt là Ph + CML), hay còn có tên gọi khác là bệnh bạch cầu nguyên bào tủy mãn tính hay bệnh bạch cầu tủy xương mãn tính. Thuốc thường được sử dụng trong giai đoạn bùng phát, giai đoạn tăng trưởng nhanh hoặc giai đoạn mãn tính của bênh.

2. Liều dùng và cách dùng của thuốc Bosulif

Liều dùng của thuốc Bosulif được khuyến cáo như sau:

  • Đối với bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu dòng tủy mãn tính Ph + CML mới được chẩn đoán, chưa từng trải qua đợt trị liệu nào: 400mg/ngày.
  • Đối với bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu dòng tủy mãn tính Ph + CML đã được điều trị nhưng không đáp ứng với các đợt trị liệu trước: 500mg/ngày.
  • Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định liều tăng dần từ 100mg đến liều tối đa là 600mg, tùy theo tình trạng bệnh của bệnh nhân.

Một số lưu ý về cách dùng thuốc Bosulif:

  • Thuốc phải được uống nguyên vẹn, tuyệt đối không nghiền nát, bẻ đôi, tách vỡ viên. Việc phá vỡ viên gây ảnh hưởng đến khả năng tác dụng của thuốc
  • Uống thuốc Bosulif ngay sau bữa ăn, không uống khi đói.
  • Dùng thuốc Bosulif đúng theo liều lượng và chỉ dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý tăng, giảm hay thay đổi liều dùng.

3. Những tác dụng phụ khi dùng thuốc Bosulif

Trên tim mạch: Thuốc Bosulif có thể làm trầm trọng các vấn đề về tim mạch hoặc gây suy tim. Những dấu hiệu điển hình để nhận biết tình trạng này là sưng ở tay, sưng mắt cá chân, khó thở, tăng cân nặng.

  • Trên hệ máu: Việc sử dụng thuốc Bosulif có thể làm thay đổi số lượng các tế bào máu, cụ thể là làm giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu và giảm hồng cầu. Trong quá trình điều trị, bác sĩ sẽ kiểm soát tình hình bằng cách thường xuyên làm các xét nghiệm công thức máu.
  • Trên hệ xương: Thuốc Bosulif có thể gây ra tình trạng loãng xương, làm gia tăng nguy cơ bị gãy xương ở bệnh nhân đang sử dụng thuốc.
  • Trên hệ tiêu hóa: Bệnh nhân điều trị bằng thuốc Bosulif có thể gặp những vấn đề về đường tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, táo bón, tiêu chảy, nhưng thường gặp nhất là viêm loét và chảy máu đường tiêu hóa, vì vậy bệnh nhân cần uống thuốc sau khi ăn no.
  • Trên hệ thần kinh: Bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng không mong muốn như choáng váng, chóng mặt, giảm sự tỉnh táo, giảm sự tập trung,...Do đó, nếu bệnh nhân đang làm việc lái xe, tàu, làm việc ở độ cao hoặc cần vận hành máy móc nên thận trọng khi sử dụng thuốc.
  • Trên tuyến tụy: Thuốc Bosulif có thể làm trầm trọng các triệu chứng viêm tụy ở bệnh nhân có tiền sử bị viêm tụy
  • Bệnh nhân có tiền sử viêm gan B mãn tính có thể bị bùng phát các dấu hiệu trở lại khi đang điều trị bằng thuốc Bosulif. Ngoài ra các chỉ số về gan và chức năng gan cũng bị ảnh hưởng.
  • Chức năng thận suy giảm cũng là một tác dụng không mong muốn được ghi nhận khi điều trị bằng Bosulif.
  • Thuốc Bosulif có thể gây ra các phản ứng dị ứng như nổi ban ngứa, mề đay, mẩn đỏ trên da. Báo ngay với bác sĩ nếu bạn gặp phải các tình trạng này.

4. Những thuốc nào có thể xảy ra tương tác thuốc với Bosulif

  • Các thuốc ức chế CYP3A4 như ketoconazol, fluconazol, rifampin, clarithromycin có thể làm tăng hoặc giảm tác dụng của Bosulif.
  • Các thuốc điều trị viêm loét dạ dày nhóm ức chế kênh proton (PPI) như omeprazol, esomeprazol, lansoprazol,...có khả năng làm giảm tác dụng của thuốc Bosulif khi sử dụng đồng thời.

Bạn cần thông báo với bác sĩ nếu đang điều trị các bệnh lý khác bằng các thuốc kể trên để nhận được sự tư vấn và điều chỉnh hợp lý nhất.

5. Những điều cần thận trọng khi sử dụng thuốc Bosulif

Đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú: Thuốc Bosulif có khả năng ảnh hưởng xấu đến thai nhi và cũng có khả năng đi qua sữa mẹ nên cần thận trọng giữa lợi ích và nguy cơ khi chỉ định Bosulif cho các đối tượng này.

Đối với trẻ em: Chưa có dữ liệu về độ an toàn khi sử dụng thuốc Bosulif cho trẻ em.

thuốc Bosulif có tương tác với các hoạt chất chiết xuất từ quả bưởi. Cụ thể là bưởi có khả năng làm tăng nồng độ của Bosulif trong cơ thể, dẫn đến tình trạng quá liều hoặc kéo theo nhiều tác dụng phụ. Vì vậy bệnh nhân chú ý tránh dùng chung bưởi với loại thuốc này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe