Xét nghiệm mật độ xương là gì? Ai nên kiểm tra mật độ xương?

Xét nghiệm mật độ xương được áp dụng để xác định tình trạng loãng xương - bệnh lý xảy ra do tình trạng giảm mật độ chất khoáng trong xương, khiến xương trở nên yếu và dễ gãy. Kiểm tra và phát hiện sớm bệnh loãng xương sẽ giúp phòng ngừa nguy cơ chấn thương, ngay cả khi chỉ chịu tác động nhẹ.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Lê Dương Tiến - Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

1. Phương pháp đo mật độ xương là gì?

Phương pháp đo mật độ xương còn được gọi là kiểm tra mật độ khoáng xương, được sử dụng để chẩn đoán bệnh loãng xương. Trong đó, DEXA (Dual Energy X-ray Absorptiometry) scan là phương pháp đo loãng xương phổ biến nhất hiện nay.  

Tia X sẽ được sử dụng trong phương pháp này để đo lường hàm lượng canxi và các khoáng chất khác có trong xương ở các vùng như gót chân, cột sống, hông, tay hoặc cổ tay. Xương có mật độ cao cho thấy sức khỏe tốt và nguy cơ gãy xương sẽ thấp hơn.

Phương pháp đo hấp phụ tia X năng lượng kép (DXA) được sử dụng để đo khối lượng xương (BMD) tại các vị trí chính như xương vùng khớp háng hoặc cột sống thắt lưng. Điều này giúp chẩn đoán, đánh giá mức độ loãng xương, dự đoán nguy cơ gãy xương và theo dõi quá trình điều trị.

Ngoài ra, các phương pháp như DXA và siêu âm cũng được áp dụng để đo khối lượng xương ở ngoại vi (như gót chân, ngón tay,...) nhằm tầm soát tình trạng loãng xương trong cộng đồng. 

Đi khám và đo mật độ xương để phát hiện và đánh giá mức độ loãng xương.
Đi khám và đo mật độ xương để phát hiện và đánh giá mức độ loãng xương.

2. Vì sao cần xét nghiệm mật độ xương?

Đo mật độ xương là phương pháp hiệu quả nhất để phát hiện bệnh loãng xương - một bệnh lý về xương khớp rất nguy hiểm cần điều trị sớm hơn. Đồng thời, xét nghiệm mật độ xương cũng giúp giảm thiểu nguy cơ chấn thương, ngăn bệnh diễn biến xấu và cải thiện sức khỏe tổng thể. Cụ thể, mục tiêu của đo mật độ xương là:

  • Đánh giá tình trạng xương khớp thông qua mật độ xương.
  • Phát hiện sớm bệnh loãng xương và giảm khối lượng xương.
  • Tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình điều trị bệnh loãng xương.
  • Cải thiện sức khỏe xương khớp và ngăn bệnh trở nên trầm trọng.

3. Hiểu rõ hơn về phương pháp DEXA scan

Máy DEXA được chia thành hai loại: máy DEXA trung tâm và máy DEXA ngoại biên.

Phương pháp này yêu cầu người bệnh phải tiếp xúc với một lượng phóng xạ (nhưng nhỏ hơn liều tia X trong một lần chụp X-quang ngực).

4. Cách chẩn đoán thông qua kết quả của DEXA scan

Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về đo mật độ xương, kết quả từ xét nghiệm mật độ xương DEXA scan được thể hiện bằng chỉ số T-score. Chỉ số này giúp so sánh mật độ xương của người bệnh với giá trị mật độ xương trung bình.

  • T-score dưới -2,5 (tức là -2,5 độ lệch chuẩn so với giá trị trung bình) sẽ được chẩn đoán là loãng xương.
  • Nếu T-score dưới -2,5 và có gãy xương, tình trạng này sẽ được chẩn đoán loãng xương nặng.

5. Các đối tượng cần xét nghiệm mật độ xương

Những đối tượng cần đo mật độ xương bao gồm:

  • Những người phát triển thể chất kém từ khi còn nhỏ, đặc biệt là người có chỉ số khối cơ thể (BMI) dưới 19.
  • Người bị còi xương hoặc suy dinh dưỡng.
  • Người có chế độ ăn thiếu proteincanxi hoặc tỷ lệ canxi/phốt-pho không hợp lý.
  • Những người thiếu vitamin D hoặc không hấp thụ được vitamin D.
  • Các yếu tố này có thể dẫn đến khối lượng khoáng chất của xương thấp khi đến tuổi trưởng thành và đây là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng nhất gây ra bệnh loãng xương. 
Người suy dinh dưỡng nên thực hiện xét nghiệm mật độ xương để tránh tình trạng loãng xương.
Người suy dinh dưỡng nên thực hiện xét nghiệm mật độ xương để tránh tình trạng loãng xương.

Ngoài ra, còn có các yếu tố khác như:

  • Gia đình có tiền sử về cha, mẹ bị gãy xương hoặc bệnh loãng xương
  • Công việc, bệnh tật khiến người bệnh ít hoạt động thể lực, hoạt động ngoài trời hoặc bất động quá lâu.
  • Thói quen sử dụng nhiều rượu, bia, cà phê, thuốc lá…làm gia tăng quá trình thải canxi qua thận và hạn chế sự hấp thụ canxi trong hệ tiêu hóa.
  • Mắc một số bệnh lý như: Suy giảm chức năng tuyến sinh dục ở cả nam và nữ (suy buồng trứng sớm, mãn kinh sớm, cắt bỏ buồng trứng, suy giảm chức năng tinh hoàn,...), bệnh nội tiết như: cường giáp, cường cận giáp, cường tuyến vỏ thượng thận, các bệnh mạn tính của đường tiêu hóa gây hạn chế hấp thu canxi, vitamin D, protein,... ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa canxi và sự hình thành xương.  
  • Ngoài ra, bệnh suy thận mạn tính hoặc điều trị bằng chạy thận nhân tạo lâu dài cũng dẫn đến mất canxi qua đường tiết niệu. Bên cạnh đó còn có các bệnh xương khớp mạn tính, đặc biệt là viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp.
  • Sử dụng thuốc trong thời gian dài như thuốc chống động kinh (Dihydan), thuốc điều trị đái tháo đường (Insulin), thuốc chống đông (Heparin) và nhóm thuốc kháng viêm Corticosteroid (vừa làm giảm trực tiếp quá trình hình thành xương, vừa giảm khả năng hấp thu canxi ở ruột, tăng đào thải canxi qua thận và đẩy mạnh quá trình hủy xương).  
  • Người cao tuổi có nguy cơ mắc bệnh loãng xương.
  • Phụ nữ trong giai đoạn sau mãn kinh cũng dễ mắc bệnh loãng xương. 
Phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ loãng xương.
Phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ loãng xương.

6. Theo dõi, quản lý loãng xương

  • Để đảm bảo việc tuân thủ điều trị, người bệnh loãng xương cần phải được theo dõi chặt chẽ và điều trị kéo dài. Nếu không tuân thủ, điều trị sẽ không mang lại hiệu quả.
  • Mỗi 2 năm, người bệnh nên thực hiện đo khối lượng xương bằng phương pháp xét nghiệm mật độ xương DXA để theo dõi và đánh giá hiệu quả của việc điều trị.
  • Tùy thuộc vào mức độ loãng xương, thời gian điều trị có thể kéo dài từ 3 đến 5 năm. Sau khi hết thời gian này, người bệnh loãng xương sẽ cần được bác sĩ đánh giá lại tình trạng sức khỏe và từ đó sẽ có những chỉ định điều trị tiếp theo. 

Nguồn tham khảo: Acog.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe