Loạn sản phát triển khớp háng là một vấn đề xảy ra trong quá trình hình thành khớp háng của trẻ. Đôi khi, tình trạng này bắt đầu trước khi trẻ được sinh ra hay xảy ra sau khi sinh, thậm chí lúc trẻ lớn lên. Loạn sản khớp háng tiến triển có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai khớp háng hai bên. Hầu hết, trẻ sơ sinh được điều trị loạn sản khớp háng đều có cơ hội phát triển chức năng vận động như những trẻ khỏe mạnh thông thường.
1. Loạn sản phát triển khớp háng ở trẻ em là gì?
Loạn sản phát triển khớp háng hay còn gọi “trật khớp háng bẩm sinh” là một vấn đề sức khỏe của khớp háng khi cấu trúc khớp không được hình thành như bình thường, hệ quả là không thể hoạt động như bình thường. Loạn sản phát triển khớp háng có thể xuất hiện từ khi sinh ra, phổ biến ở trẻ gái hơn trẻ trai.
Trong giải phẫu khớp háng bình thường, chỏm của xương đùi vừa khít với ổ cối khớp háng. Ở trẻ bị loạn sản khớp háng, ổ cối trở nên nông hơn. Kết quả là đầu xương đùi có thể bị trượt vào trong gây ra trật khớp. Định nghĩa này là khi chỏm xương đùi bị dịch chuyển một phần hoặc hoàn toàn ra khỏi ổ cối của khớp háng.
2. Nguyên nhân gây ra loạn sản khớp háng ở trẻ em?
Sự kết hợp của nhiều yếu tố có thể dẫn đến loạn sản khớp háng ở trẻ em, trong đó có thể là một phần di truyền. Tuy nhiên, loạn sản khớp háng cũng có thể do yếu tố môi trường, chẳng hạn như:
- Phản ứng của thai nhi với các hormone trong thời kỳ mang thai.
- Tử cung co thắt khiến thai nhi khó di chuyển.
- Sinh thai ngôi mông.
Ngoài ra, những trẻ có các yếu tố nguy cơ sau đây cũng làm tăng khả năng loạn sản khớp háng:
- Trẻ sinh ra là con đầu lòng có nguy cơ cao hơn vì tử cung nhỏ và hạn chế để em bé di chuyển khi chuyển dạ. Điều này có thể ảnh hưởng đến cách phát triển của hông.
- Tiền sử gia đình bị loạn sản khớp háng hoặc dây chằng rất mềm.
- Vị trí của em bé trong tử cung, đặc biệt là tư thế ngôi mông.
- Các vấn đề chỉnh hình khác, chẳng hạn như bàn chân khoèo.
- Giới tính nữ, bệnh phổ biến ở trẻ gái hơn trẻ trai.
3. Các triệu chứng của loạn sản khớp háng ở trẻ em là gì?
Sau đây là các triệu chứng phổ biến nhất của loạn sản khớp háng tiến triển, mặc dù đôi khi các triệu chứng có thể xảy ra khác nhau ở từng bé, nhưng chủ yếu bao gồm:
- Chân ngắn hơn ở bên hông bị trật khớp.
- Chân bên hông bị trật khớp có thể quay ra ngoài.
- Các nếp gấp ở da đùi hoặc mông có thể không đồng đều.
- Khoảng trống giữa hai chân có thể trông rộng hơn bình thường.
4. Loạn sản phát triển khớp háng được chẩn đoán ở trẻ em như thế nào?
Loạn sản phát triển khớp háng có thể ghi nhận nếu trẻ được thăm khám sơ sinh tổng quát sau khi chào đời và trước khi về nhà.
Các bác sĩ phát hiện loạn sản khớp háng bằng cách khám cấu trúc và chức năng khớp háng hai bên của trẻ, kết hợp với tiền sử thai sản cũng như tiền sử gia đình.
Nếu có bất kỳ một yếu tố nghi ngờ, trẻ cần được chỉ định thêm các xét nghiệm sau:
- Chụp X-quang: Phương pháp này để trình bày hình ảnh của các mô bên trong, xương và các cơ quan.
- Siêu âm khớp háng: Công cụ này sử dụng sóng âm tần số cao và máy tính để tạo ra hình ảnh của các mạch máu, mô và cơ quan. Với các nghiên cứu về sau, siêu âm ngày càng có vai trò trong tầm soát loạn sản phát triển khớp háng, có thể thay thế cho chụp X quang và giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm bức xạ cho trẻ.
5. Loạn sản phát triển khớp háng ở trẻ em được điều trị như thế nào?
Việc điều trị loạn sản khớp háng sẽ tùy thuộc vào các triệu chứng, độ tuổi và sức khỏe chung của trẻ, nhưng quan trọng nhất là sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bất thường khớp háng.
Mục tiêu của việc điều trị là đưa đầu xương đùi vào lại trong ổ khớp để khớp háng phát triển bình thường. Các lựa chọn điều trị khác nhau đối với từng trẻ sơ sinh, có thể bao gồm:
- Đeo nẹp hoặc dây nịt đặc biệt: Dây nịt Pavlik thường được sử dụng nhất. Đối tượng được áp dụng là trẻ sơ sinh đến 6 tháng tuổi để giữ hông cố định, đồng thời cho phép chân di chuyển một chút. Bác sĩ sẽ đeo dây nịt vào cho trẻ và kiểm tra định kỳ độ vừa vặn của nó mỗi lần thăm khám.
- Bó bột: Nếu trẻ vẫn bị loạn sản khớp háng tiến triển, bó bột có thể hữu ích. Đây là lựa chọn điều trị bảo tồn tiếp theo bên cạnh đeo nẹp.
- Phẫu thuật: Nếu các phương pháp bảo tồn nêu trên không hiệu quả hoặc nếu loạn sản khớp háng được chẩn đoán muộn, khi trẻ đã 6 tháng đến 2 tuổi thì có thể cần phẫu thuật để điều chỉnh lại khớp háng. Trẻ vẫn có thể cần phải bó bột đến 6 tháng sau khi phẫu thuật để giữ phần hông tại chỗ khi lành lại. Sau khi bó bột được tháo ra, trẻ có thể tiếp tục cần một nẹp đặc biệt hoặc các bài tập vật lý trị liệu để tăng cường các cơ xung quanh hông và chân.
Do đó, thời điểm phát hiện loạn sản khớp háng bẩm sinh có ảnh hưởng rất lớn đến việc lựa chọn phương pháp điều trị cũng như tiên lượng của trẻ về sau. Trường hợp được phát hiện sớm, nhiều trẻ sơ sinh sẽ cho đáp ứng rất tốt với dây nịt Pavlik, nếu cần, có thể bó bột. Trong khi đó, một số em bé có thể cần một hoặc nhiều cuộc phẫu thuật chỉnh hình khi phát hiện muộn và khớp háng vẫn có thể bị trật lại. Nếu loạn sản khớp háng tiến triển không được chẩn đoán lẫn điều trị, trẻ có thể bị khác biệt về chiều dài chân và dáng đi giống vịt. Sau này khi lớn lên, trẻ có thể bị đau hoặc viêm khớp háng, thoái hóa khớp sớm và bất động.
Tóm lại, loạn sản khớp háng tiến triển ở trẻ em có thể hình thành từ lúc sinh, bất thường trong cấu trúc của khớp gây ảnh hưởng rất lớn tới chức năng khớp háng về sau. Điều trị gồm có bảo tồn cố định tại chỗ hay phẫu thuật. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần phát hiện sớm và điều chỉnh kịp thời bằng cách tầm soát dị tật sơ sinh nói chung hay loạn sản khớp háng bẩm sinh nói riêng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.