Đau lưng là triệu chứng rất hay gặp không chỉ ở người lớn tuổi và ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Vì đây không phải là tình trạng cấp tính hoặc nguy hiểm đến tính mạng nên nhiều người thường chủ quan không đi khám và điều trị. Phần lớn nguyên nhân gây đau lưng ở người trẻ là do liên quan đến nghề nghiệp hoặc thói quen sinh hoạt, nhất là sau khi làm việc nặng.
1. Vì sao làm việc nặng gây đau lưng ?
Cột sống đóng vai trò như một bộ khung nâng đỡ cơ thể và kết nối các chi để vận động, trong đó đoạn cột sống thắt lưng là nơi chịu sức nặng của nửa trên cơ thể, có vai trò kháng lại trọng lực để giữ cơ thể ở tư thế thẳng đứng. Vì vậy, đây là vùng được cấu tạo chắc khỏe và hệ thống dây chằng dày đặc. Nhờ có tầm vận động rộng của vùng thắt lưng mà cơ thể có thể thực hiện được rất nhiều động tác đa dạng như cúi, ngửa, nghiêng, xoay.
Đau thắt lưng có thể xảy ra từ từ hoặc đột ngột sau chấn thương, một sự vận động mạnh quá sức hoặc một vận động sai tư thế. Nguyên nhân đầu tiên khiến bạn bị đau lưng sau khi làm việc nặng là do bị giãn dây chằng vùng thắt lưng. Cụ thể, khi bạn vận động mạnh hoặc sai tư thế, nhất là khi bê vác hoặc kéo những đồ nặng vượt quá sức mình sẽ khiến gây căng dãn quá mức ở các dây chằng vùng lưng. Việc này sau đó làm chúng bị co rút đột ngột gây ra các cơn đau. Vì vậy, nếu gặp đau lưng sau khi làm việc nặng thì không chỉ gây ra cảm giác lưng căng cứng mà toàn bộ vùng thắt lưng còn dễ bị đau từ âm ỉ đến dữ dội. Đặc biệt, cảm giác đau đớn sẽ tăng thêm nhiều lần khi cúi gập người, nghiêng hay xoay vặn thắt lưng, gây ra rất nhiều khó khăn trong việc vận động và sinh hoạt hàng ngày.
Nguyên nhân thứ hai gây đau lưng đến từ một số bệnh lý vùng cột sống loãng xương, thoái hóa đốt sống hoặc thoát vị đĩa đệm,... Việc vận động liên tục hoặc mang vác vật nặng thường xuyên như là một áp lực nặng nề đè lên cột sống của bạn trong suốt một thời gian dài, từ đó gây tổn thương nghiêm trọng các cấu trúc cột sống, phá hủy không hồi phục các bộ phận ở vùng này và làm tăng nguy cơ thoái hóa đốt sống cũng như dẫn đến những cơn đau lưng. Không chỉ các đốt sống, các đĩa đệm cũng phải chịu tổn thương nặng nề do bị đè nén khi vận động mạnh dẫn đến đĩa đệm bị mòn dần, mất đi tính đàn hồi vốn có, rách đĩa đệm hoặc gây thoát vị đĩa đệm. Lúc này, lưng của bạn sẽ dễ đau khi cử động và các vận động của xương khớp cũng như cột sống sẽ không còn linh hoạt dẻo dai.
2. Hậu quả của việc đau lưng
Mặc dù đa phần các cơn đau ở lưng thường ít gây nguy hiểm đến tính mạng song lại gây ảnh hưởng rất lớn đến sự vận động, đi lại, sinh hoạt và cuộc sống của người bệnh. Mỗi khi các cơn đau khởi phát, mọi hoạt động hàng đều trở nên bị hạn chế từ đi lại, làm việc, bê vác đến sinh hoạt, khiến người bệnh luôn trong tình trạng mệt mỏi, đau đớn, khó chịu.
Nếu đau lưng diễn ra vào ban ngày làm cản trở hoạt động, sinh hoạt và làm việc thì những cơn đau xuất hiện vào ban đêm sẽ gây khó chịu, khó ngủ, mất ngủ cho người bệnh, nếu tình trạng này kéo dài lâu sẽ dẫn đến tinh thần mệt mỏi, mất tập trung, giảm trí nhớ. Nó còn gây ảnh hưởng lâu dài đến tinh thần, một số nghiên cứu đã chỉ ra nguy cơ trầm cảm cao gấp 4 lần ở người thường xuyên bị đau lưng so với lần người bình thường.
Ngoài ra, đời sống tình dục của nhiều cặp vợ chồng cũng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi các cơn đau lưng. Vì hầu hết các tư thế quan hệ tình dục thường đều phải vận dùng đến cột sống thắt lưng, cho nên nếu chẳng may một trong hai hoặc cả hai bị đau lưng thì sẽ làm hạn chế các hoạt động này, không chỉ không đem lại sự thoải mái mà còn làm đau lưng tăng lên. Mặc khác, nếu cố gắng quan hệ sẽ tác động lớn đến vùng cột sống đang bị đau khiến đau lưng ngày càng trở nên nặng nề hơn. Lúc này, việc quan hệ của hai vợ chồng sẽ bị né tránh, từ đó dễ dẫn đến sự ức chế tinh thần cũng như nguy cơ giảm sự gắn kết và gần gũi giữa cả hai.
3. Làm gì khi bị đau lưng?
Trong trường hợp người bệnh chỉ đau lưng nhẹ chỉ cần nằm nghỉ ngơi, kết hợp cùng thuốc giảm đau thông thường hoặc vật lý trị liệu thì tình trạng đau vùng thắt lưng sẽ được thuyên giảm. Nếu trường hợp tình trạng đau lưng không đỡ hoặc có kèm các biến dạng cột sống, đau lưng cấp tính không thể đi đứng, vận động thì cần đến bệnh viện ngay để được khám và điều trị kịp thời. Người bệnh sẽ được thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết cũng như thực hiện các chẩn đoán hình ảnh để đánh giá tình trạng tổn thương và giúp tìm ra nguyên nhân đau lưng. Tuy nhiên, dù là đau nhẹ hay nặng thì vấn đề quan trọng vẫn là phục hồi lại chức năng vận động của vùng thắt lưng, vừa giúp cơ thể hoạt động bình thường vừa giúp đề phòng đau thắt lưng cấp hoặc đau tái phát.
4. Dự phòng các cơn đau lưng
Việc quan trọng là người bệnh cần đảm bảo việc vận động, làm việc sinh hoạt của mình phải vừa phải, hợp lý và khoa học để hạn chế nguy cơ dẫn đến đau lưng, hoặc nặng hơn là chấn thương vùng lưng.
Đầu tiên, dù làm bất cứ động tác gì cũng phải cố gắng giữ lưng thẳng cũng như không thực hiện các động tác với quá tầm. Một số người có thể chỉ một lần sai tư thế cũng đã gây đau, và tình trạng này rất dễ bị tái phát nếu người bệnh không chú ý tư thế khi vận động của mình. Tuy nhiên, có những người làm nhiều lần mới đủ tích tụ gây đau, chính điều này lại gây nguy hiểm vì khiến người bệnh chủ quan, để đến khi đau thì tư thế đã bị lệch nhiều, khó sửa chữa. Phản ứng đau ban đầu là phản ứng tự vệ, báo động cho người bệnh về một tình trạng thắt lưng đang bị vận động sai, tuy nhiên nếu không quan tâm, chỉnh sửa mà tiếp tục làm việc nặng hoặc sai tư thế sai thì sẽ gây ra bệnh lý và các triệu chứng đau cũng sẽ thường xuyên lặp lại hơn.
Khi có dấu hiệu đau lưng, người bệnh cần tự điều chỉnh lại các động tác, việc sinh hoạt, làm việc và những tư thế sai của mình, cũng như phối hợp nghỉ ngơi hồi phục cơ thể. Tuy nhiên, nếu thấy không hết đau thì cần đến bệnh viện để tìm nguyên nhân gây bệnh hoặc lúc này đau đã trở thành đau mạn tính và các tổn thương đã không thể hồi phục lại được.
Điều quan trọng nữa cần chú ý để giảm nguy cơ đau lưng là không thực hiện các động tác đột ngột và quá sức. Trong lao động và sinh hoạt hằng ngày, con người thường xuyên phải thực hiện các động tác mạnh như xoay người, khuân vác, kéo... Tuy nhiên, nếu đột ngột khiêng nặng, với cao hoặc xoay người sẽ dẫn đến giãn dây chằng cột sống, trượt đốt sống hoặc đĩa đệm, tổn thương đốt sống gây đau thắt lưng, thoái hóa đốt sống và thoát vị đĩa đệm. Vì vậy, để hạn chế tình trạng này, trước khi thực hiện động tác nào cũng cần có sự chuẩn bị phù hợp để hạn chế tác động lên vùng thắt lưng cũng như chú ý phân bố lực hợp lý. Ví dụ một sai lầm rất phổ biến là khi khiêng một vật nặng, người ta thường cúi xuống toàn bộ cột sống và nhấc vật nặng lên một cách đột ngột. Thay vào đó hãy ngồi thấp xuống trước khi khiêng, điều chỉnh cho lưng thẳng, rồi mới nhấc vật nặng lên một cách từ từ. Không chỉ khiêng vật nặng, một tư thế cũng hay gây đau lưng là với quá cao. Hãy chú ý nên sử dụng một chiếc ghế để đủ tầm cao mà không phải với quá mức.
Tóm lại, đau lưng là tình trạng phổ biến trong cuộc sống hàng ngày, mặc dù ít nguy hiểm tính mạng nhưng lại gây ảnh hưởng rất nhiều đến vận động, làm việc và sinh hoạt cho người bị đau lưng. Để hạn chế tình trạng này, mọi người cần chú ý vận động vừa sức, thực hiện các tư thế đúng, nghỉ ngơi hợp lý cũng như đi khám sức khỏe nếu tình trạng đau lưng trở nên nặng nề.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.