Cách chữa khi bị viêm gân bánh chè

Viêm gân bánh chè là biến chứng hay gặp ở chấn thương gối hoặc phổ biến ở những người mắc bệnh lý xương khớp mạn tính. Cách chữa khi bị viêm gân bánh chè sẽ tùy thuộc vào mức độ tổn thương cũng như sức khỏe của người bệnh.

1. Tổng quan về viêm gân bánh chè

Viêm gân bánh chè là tình trạng gân xương bánh chè bị sưng đau do viêm nhiễm. Tuy nhiên bệnh lý này khác với hội chứng đau khớp gối và cần chẩn đoán phân biệt.

Nguyên nhân dẫn đến viêm xương gân bánh chè thường là chạy nhảy, va chạm đầu gối liên tục trong các hoạt động thể thao như bóng rổ, bóng chuyền, bóng đá, khi vận động khởi động không kỹ.... Điều này có thể gây ra các vết rách nhỏ ở gân, dẫn đến viêm gân. Ngoài ra tình trạng thừa cân béo phì khiến xương bánh chè bị nâng lên, mất cân bằng cơ và hông, chân lệch trục khiến chân, đầu gối, bàn chân không thẳng hàng.

Bệnh nhân bị viêm gân bánh chè thường có cảm giác, tê cứng, khó cử động và đau tập trung ở vị trí trước gối. Cơn đau có dấu hiệu tăng dần, âm ỉ, đau kinh khủng. Cơn đau tăng khi vận động gấp duỗi gối như khi leo cầu thang, ngồi xổm. Đau có tính chất chu kỳ, từ đau liên tục đến đau mạnh, giảm dần rồi lại tăng. Do tình trạng đau trước gối nên viêm gân xương bánh chè dễ bị nhầm lẫn với các tổn thương khác như: Tổn thương dây chằng, tổn thương sụn chêm, thoái hóa khớp...

Để chẩn đoán những tổn thương ở khớp đầu gối, bác sĩ có thể khám lâm sàng và kết hợp các xét nghiệm hình ảnh như: chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI), siêu âm khớp gối...

Viêm gân bánh chè
Viêm gân bánh chè là tình trạng gân xương bánh chè bị sưng đau do viêm nhiễm

2. Các biến chứng thường gặp của viêm gân bánh chè

Tùy mức độ và thói quen hàng ngày, viêm gân bánh chè có thể khỏi tự nhiên hoặc tiến triển thành mãn tính. Nếu người bệnh chủ quan, viêm gân bánh chè có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm mà bệnh nhân cần lưu ý như:

  • Đứt gân bánh chè: khi nhảy lên cảm giác đau tăng đột ngột, mất hoàn toàn chức năng vận động của cơ;
  • Yếu cơ chân;
  • Rách gân;
  • Đau khớp gối;
  • Đau đầu gối mãn tính.

3. Cách chữa viêm gân bánh chè

Để chữa viêm gân bánh chè, các bác sĩ sẽ chỉ định một số biện pháp như:

  • Nghỉ ngơi, giảm căng thẳng (không nhất thiết nghỉ hoàn toàn, chỉ nghỉ phù hợp với thời gian đau);
  • Luyện tập cơ tứ đầu đùi kết hợp chườm đá (nhất là sau khi tập thể dục 10-20 phút);
  • Chuyển đổi bộ môn tập luyện: Chuyển từ các môn thể thao va chạm sang các môn không gây va chạm như bơi lội, tập máy thể dục hình elip. Các bài tập kéo căng cơ hông, cơ bắp chân, cơ gân kheo cũng có thể hữu ích cho quá trình điều trị;
  • Điều trị bằng thuốc: Sử dụng các thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) như: Ibuprofen, Naproxen... giúp giảm sưng đau. Tuy nhiên bệnh nhân bị loét dạ dày nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng để tránh tác dụng phụ;
  • Để giảm bớt gánh nặng cho gân bánh chè, người bệnh có thể phải dùng nạng để đi lại hoặc dùng nẹp gối để cho khớp gối nghỉ ngơi;
  • Phục hồi chức năng bằng vật lý trị liệu: Sử dụng siêu âm, sóng ngắn, laser, xoa bóp và tăng vận động cơ, kéo dài cơ cũng mang đến hiệu quả tốt;
  • Viêm gân bánh chè cách điều trị bằng phẫu thuật: Rất hiếm khi áp dụng. Chỉ chỉ định trong trường hợp có biến chứng đứt gân hoặc điều trị nội khoa kéo dài không có kết quả, tình trạng đau vẫn kéo dài và cản trở hoạt động thể thao.
viêm gân bánh chè
Có nhiều cách chữa khi bị viêm gân bánh chè

4. Làm sao để hạn chế diễn tiến của viêm gân bánh chè?

Để hạn chế viêm gân bánh chè diễn tiến nặng hơn gây khó khăn cho việc sinh hoạt và vận động thể chất, bệnh nhân có thể áp dụng một số thói quen sau:

  • Không chơi thể thao khi có dấu hiệu đau gối;
  • Tránh các hoạt động mạnh gây đau, chuyển qua các môn thể thao ít gây áp lực lên gân bánh chè hơn;
  • Nếu đau đầu gối khi chơi thể thao nên nghỉ ngơi, giảm đau gối, chườm đá;
  • Tăng cường các bài tập tăng cường sức mạnh cơ tứ đầu, cơ cẳng chân;
  • Mang loại giày dép phù hợp giúp phân bố đều trọng lượng cơ thể;
  • Dùng thuốc như chỉ định của bác sĩ (nếu có).

Việc điều trị viêm gân bánh chè có thể lâu dài hoặc phức tạp tùy vào mức độ tổn thương gân. Nếu thấy các triệu chứng đau không thuyên giảm và có xu hướng nặng hơn, ảnh hưởng đến đi lại hoặc sưng đỏ thì bệnh nhân cần đến khám và tư vấn với bác sĩ thì hiệu quả điều trị về sau sẽ cao hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

13.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan