Khớp vai là một trong những khớp hoạt động nhiều nhất cơ thể và cũng là bộ phận chính giúp thực hiện động tác nâng nhấc cánh tay. Vì thế, việc đau cánh tay không nhấc lên được thường liên quan trực tiếp đến những thương tổn tại vị trí này. Theo y học hiện đại, các tổn thương ở vùng vai – cánh tay được gọi chung là hội chứng chóp xoay vai. Tìm hiểu các thông tin cơ bản sẽ giúp bệnh nhân có thể dự phòng và điều trị hiệu quả.
1. Cấu tạo của chóp xoay vai
Chóp xoay vai là một nhóm các gân cơ xung quanh khớp vai, cấu tạo bởi 4 gân cơ chính gồm cơ dưới gai, cơ trên gai, cơ dưới vai và cơ tròn bé. Bốn gân cơ quan trọng này phối hợp với nhau tạo thành gân chóp xoay và bám trên bề mặt của đầu xương cánh tay. Ngoài ra, các gân cơ vùng vai còn tạo ra các khoang ở giữa chứa các thành phần khác như thần kinh, mạch máu và túi hoạt dịch.
Chóp xoay vai có nhiệm vụ giữ cho đầu xương cánh tay vững chắc khi thực hiện vận động vùng vai – cánh tay. Nếu so sánh vùng vai như một chiếc cầu treo thì chóp xoay vai giống hệ thống cáp dây giúp treo, nâng đỡ đầu xương cánh tay áp vào vùng khớp vai vốn rất nông. Vì thế khi xảy ra các tổn thương ở vị trí này, việc vận động của cánh tay sẽ trở nên hạn chế và thiếu linh hoạt.
2. Hội chứng chóp xoay vai là gì?
Hội chứng chóp xoay vai là nhóm các bệnh lý xảy ra ở vùng chóp xoay vai mà thường gặp nhất là viêm chóp xoay vai, viêm gân vai, viêm khớp vai, rách các gân cơ, chèn ép gân cơ và tổn thương gây hẹp các khoang ở khớp vai.
Hội chứng chóp xoay vai thường gặp ở những bệnh nhân thường xuyên chơi các môn thể thao dùng tay nhiều, thực hiện các động tác giơ tay quá đầu, vận động cánh tay liên tục như: vận động viên thể thao cầu lông, bóng chuyền, tài xế lái xe, thợ may, họa sĩ, diễn viên múa... Nhóm bệnh nhân có độ tuổi từ 40 tuổi trở lên có nguy cơ mắc cao nhất do quá trình thoái hóa của cơ thể trong giai đoạn này.
3. Nguyên nhân của hội chứng chóp xoay vai
- Các tác động bên ngoài: Các động tác cơ học như té ngã, va đập, vận động mạnh, nâng đồ vật nặng, đưa tay quá đầu không chuẩn mực...
- Các yếu tố bên trong: Tình trạng thoái hóa các gân vùng vai làm di lệch, hẹp khe giữa đầu xương cánh tay và đầu ngoài xương vai.
- Tổn thương mạch máu vùng chóp xoay vai.
- Các tổn thương lặp đi lặp lại ở vùng chóp xoay vai.
- Yếu tố di truyền, bệnh nhân lớn tuổi.
- Hạn chế vận động, thường xuyên sử dụng rượu bia, thuốc lá...
- Do các bệnh lý kèm theo như hội chứng chuyển hóa, đái tháo đường, thừa cân béo phì, viêm khớp dạng thấp...
4. Các biểu hiện của hội chứng chóp xoay vai
- Cảm giác đau nhức khó chịu ở vùng vai, tính chất đau thường là đau âm ỉ hoặc đau dai dẳng kéo dài, cảm giác nằm sâu bên trong khoang khớp.
- Các hoạt động vùng cánh tay bị hạn chế và khó khăn biểu hiện chính qua việc đau vai không nhấc tay lên được. Lực cánh tay sẽ yếu dần, ban đầu không thể nâng vác được các vật nặng, về sau việc nâng những vật nhẹ cũng sẽ bị hạn chế.
- Cảm giác đau tăng lên khi vận động mạnh, đau vào lúc sáng sớm khi vừa ngủ dậy hay vào chiều tối, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của bệnh nhân.
- Bệnh nhân không thể nằm nghiêng về phía vai bị đau nhức và đôi khi ngay cả việc nằm ngửa cũng có thể gây đau vùng chóp xoay vai, từ đó gây ra tình trạng mệt mỏi, mất ngủ, chán ăn.
- Vùng vai có dấu hiệu sưng đỏ, phù nề, nóng rát, đôi khi gây đau lên cả cánh tay hoặc lan sang phần cổ vai gáy.
5. Các biện pháp giúp chẩn đoán
Ngoài các biểu hiện ở trên, y học hiện đại ngày nay còn có nhiều phương pháp giúp chẩn đoán tình trạng này, bao gồm:
- Siêu âm khớp vai: Phương pháp dễ áp dụng, rẻ tiền, sẵn có... giúp đánh giá cấu trúc gân cơ vùng vai, phát hiện các hình ảnh mất tính liên tục trong đứt rách gân, hình ảnh tụ dịch quanh khớp...
- X - quang: Giúp chẩn đoán và đánh giá các bệnh lý kèm theo như trật khớp vai, thoái hóa khớp, hẹp khoang dưới mỏm cùng vai, vôi hóa phần mềm xung quanh khớp vai...
- Cộng hưởng từ: Là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán hội chứng chóp xoay vai. Hình ảnh từ máy cộng hưởng từ có thể đánh giá được vị trí, kích thước, độ co rút, teo cơ, những thay đổi ở gân và cơ, tình trạng viêm, rách, đứt gân....
6. Biến chứng của hội chứng chóp xoay vai
Việc phát hiện muộn, không điều trị hoặc điều trị không đúng cách bệnh lý này có thể gây ra những biến chứng sau:
- Đau mạn tính và dai dẳng.
- Đông cứng hay co thắt khớp vai.
- Teo cơ vùng vai – cánh tay.
- Rối loạn chứng năng vùng vai – cánh tay.
7. Các phương pháp điều trị
Với các tổn thương như viêm gân vai, viêm khớp vai đa phần đáp ứng tốt với việc điều trị nội khoa. Những tổn thương khác như đứt, rách gân... hẹp khoang mỏm cùng vai cần cân nhắc điều trị bằng phẫu thuật. Theo một số nghiên cứu, tỷ lệ thành công của điều trị bảo tồn (không phẫu thuật) đối với rách gân dao động từ 33 - 82%.
7.1. Điều trị nội khoa
Điều trị không dùng thuốc
- Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi hoàn toàn, hạn chế các vận động gắng sức, cường độ mạnh, lặp đi lặp lại, tránh những va đập do chấn thương. Trong giai đoạn cấp tính, không nên thực hiện chiếu đèn hay chườm nóng tại chỗ.
- Không sử dụng các chất kích thích, rượu bia hay thuốc lá...
- Thường xuyên luyện tập thể dục, tăng cường sức khỏe, tránh căng thẳng, lo lắng, stress...
- Tập phục hồi chức năng, vật lý trị liệu giúp ổn định khớp vai và các gân chóp xoay vai, tăng khả năng vận động khớp vai cũng như giảm đau và tạo điều kiện để cơ gân vùng vai sớm phục hồi.
Điều trị thuốc
- Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs): Là thuốc lựa chọn đầu tay đối với các bệnh nhân mắc hội chứng chóp xoay vai. Các thuốc NSAIDs có tác dụng giảm đau, chống viêm, giảm phù nề. Khi sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) cần chú ý đến các bệnh lý của bệnh nhân để lựa chọn thuốc điều trị hợp lý.
- Tiêm Corticoid vào vùng vai: Tiêm Corticoid được chỉ định cho các trường hợp tổn thương do viêm gân, vôi hóa trong gân vùng vai. Tiêm trực tiếp vào vùng vai có thể giúp giảm đau nhanh và hiệu quả. Tuy nhiên, không nên tiêm Corticoid tại chỗ trong trường có đứt, rách gân cơ vai do không những không thể phục hồi vận động vùng vai mà còn có nguy cơ làm vết rách trở nên nặng hơn.
- Huyết tương giàu tiểu cầu: Huyết tương giàu tiểu cầu được tách từ chính máu của bệnh nhân giúp cải thiện và phục hồi tổn thương gân cơ vai cũng như tác dụng giúp chống viêm tại chỗ. Khi tiêm huyết tương giàu tiểu cầu, còn có thể giúp bổ sung thêm các yếu tố tăng trưởng tại chỗ trong 7 – 10 ngày. Các yếu tố này có tác dụng kích thích hình thành mạch, biệt hóa tế bào, biểu mô hóa, tăng sinh và hình thành các chất nền ngoại bào.
- Tế bào gốc: Nghiên cứu về tế bào gốc ngày nay đang phát triển nhanh chóng và đã cho thấy có thể hiệu quả đáng kể việc điều trị hội chứng chóp xoay vai trên động vật. Tuy nhiên, các bằng chứng hiện còn chưa nhiều ở người và rất ít các thử nghiệm lâm sàng tồn tại.
7.2. Điều trị ngoại khoa
Điều trị phẫu thuật trong hội chứng chóp xoay vai được chỉ định khi:
- Thất bại trong việc điều trị nội khoa: Các triệu chứng không giảm, trở nên dai dẳng hoặc tồi tệ hơn mặc dù đã điều trị nội khoa tích cực trong ít nhất 4 - 6 tháng.
- Nối các gân bị rách, đứt, lấy vôi hóa vùng khớp vai, khắc phục các tổn thương khác kèm theo như đông cứng khớp vai, hẹp khoang dưới mỏm cùng vai.
Đa số các bệnh nhân mắc hội chứng chóp xoay vai được tiên lượng phục hồi tốt nếu được chẩn đoán kịp thời và điều trị phù hợp, khoảng 75% bệnh nhân không cần phải can thiệp phẫu thuật.
Việc hạn chế vận động hay gặp phải cảm giác khi cử động nhấc cánh tay thường liên quan trực tiếp đến những tổn thương cơ xương khớp tại vùng vai, đặc biệt phải kể đến hội chứng chóp xoay vai. Bệnh nhân và người nhà khi phát hiện bất kỳ những biểu hiện của bệnh lý này, cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán kịp thời, từ đó đưa ra những phương pháp điều trị hiệu quả nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.