Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trịnh Lê Hồng Minh - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Khớp gối là một khớp động quan trọng của cơ thể, gánh chịu toàn bộ lực của toàn bộ cơ thể. Chính vì vậy, có rất nhiều bệnh lý có thể gây ảnh hưởng tới khớp gối. Siêu âm khớp gối là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh quan trọng mà lại đơn giản, dễ sử dụng, không xâm lấn, chi phi thấp giúp đánh giá được tình trạng một số bệnh lý của khớp gối.
1. Siêu âm khớp gối là gì?
Siêu âm khớp là phương pháp sử dụng sóng siêu âm có tần số cao để thăm khám khớp và phần mềm quanh khớp, khi sóng siêu âm đi qua sẽ thu lại hình ảnh tương ứng với mô trên máy, từ đó giúp bác sĩ chẩn đoán được tình trạng bình thường hay bệnh lý.
Siêu âm khớp gối được chỉ định rộng rãi nhằm thăm khám trong các trường hợp như tràn dịch khớp, viêm khớp, chấn thương...
1.1 Ưu điểm của phương pháp siêu âm khớp gối
Ưu điểm của phương pháp này là dễ thực hiện, không xâm lấn, không gây ảnh hưởng tới cơ thể, không có chống chỉ định, chi phí thấp và có thể thực hiện thăm khám lại nhiều lần để đánh giá kết quả điều trị.
1.2 Nhược điểm của phương pháp siêu âm khớp gối
Siêu âm khớp gối không đánh giá được các thành phần sâu bên trong khớp như dây chằng chéo, sụn chêm, sụn khớp...Nên khi nghi ngờ có bệnh lý của các cơ quan này thì cần kết hợp với chụp x quang và chụp MRI để đánh giá tổn thương.
Siêu âm khớp gối là biện pháp tiếp cận sớm nhất khi bệnh nhân có những dấu hiệu bất thường tại khớp gối, không những giúp chẩn đoán bệnh, mà một số trường hợp nghi ngờ thì bác sĩ sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán chính xác bệnh. Ngoài ra, siêu âm được dùng để hỗ trợ điều trị tràn dịch khớp gối, khi hút dịch dưới sự hướng dẫn của siêu âm để tránh tai biến.
2. Vai trò siêu âm khớp gối trong chẩn đoán bệnh lý khớp gối
Khi siêu âm khớp gối, bác sĩ siêu âm sẽ chia vùng cần khảo sát thành 4 vùng gồm: Ngăn trước(dựa vào xương bánh chè thì ngăn này chia thành ngăn trên bánh chè và dưới bánh chè), ngăn sau, ngăn trong và ngăn ngoài.
Khi chia các vùng như vậy thì đặc điểm giải phẫu của mỗi vùng khác nhau, giúp đánh giá bệnh lý cụ thể của từng vùng quanh khớp gối.
2.1 Ngăn trên bánh chè
Giải phẫu:
Vùng này ngay trên xương bánh chè gồm có gân cơ tứ đầu đùi, bao hoạt dịch trên xương bánh chè nằm giữa gân cơ tứ đầu đùi và xương đùi, tiếp đến và tổ chức mỡ sau túi hoạt dịch.
Bệnh lý:
- Khi siêu âm cần để đầu dò theo mặt cắt dọc theo xương đùi ngày trên xương bánh chè.
- Khi siêu âm vùng này có thể thấy được tình trạng viêm gân cơ tứ đầu đùi (trên siêu âm thấy gân cơ tứ đầu đùi không đồng nhất, doppler có thể thấy tăng sinh mạch);
- Tổn thương rách cơ tứ đầu đùi có thể gặp sau chấn thương( thấy hình ảnh gân cơ tứ đầu đùi không liên tục, có thể xuất hiện dịch quanh gân cơ tứ đầu đùi).
- Ngoài ra, còn có thể thấy tình trạng tràn dịch khớp gối thông qua việc đo túi hoạt dịch trên xương bánh chè. Bình thường túi hoạt dịch này <3mm, khi tăng lên cần khảo sát thêm các vùng để đánh giá tình trạng tràn dịch khớp gối.
2.2 Ngăn dưới bánh chè
Vùng này khi siêu âm từ bờ dưới xương bánh chè tới lồi củ của xương chày thấy được dây chằng bánh chè. Khảo sát chủ yếu là bệnh lý của dây chằng bánh chè. Bệnh lý giãn dây chằng bánh chè thì trên siêu âm thấy hình ảnh tăng sinh mạch máu, khảo sát những ảnh hưởng của vận động gối lên dây chằng bánh chè.
2.3 Ngăn trong
Giải phẫu:
Thấy được cấu trúc sụn chêm nhưng khó đánh giá, dây chằng trong nối từ mỏm trên lồi cầu trong xương đùi qua sụn chêm và bám vào mặt trong đầu trên của xương chày; gân chân ngỗng bao gồm gân của 3 gân cơ gộp lại; bao hoạt dịch giữa gân chân ngỗng và xương chày.
Bệnh lý:
- Tổn thương dây chằng và gân cơ hay gặp ở những người thường xuyên chơi thể thao.
- Viêm bao hoạt dịch giữa gân chân ngỗng và xương chày: Siêu âm thấy khối dịch tại vị trí này co giãn và có thể thay đổi hình thái.
- Nang cạnh sụn chêm: Trên siêu âm thấy khối dịch chắc, khi ấn không thay đổi hình thái.
- Thoái hóa sụn chêm: Thấy hình ảnh các gai xương gập góc vào nhau và nhô lên, sụn chêm bị đẩy ra khỏi khớp do tình trạng hẹp khe khớp.
- Rách sụn chêm trong: Hình ảnh các nang cạnh sụn chêm nằm ở mặt sau trong của khớp, khi gập gối sẽ gây cho bệnh nhân đau nhiều hơn do dịch trong khớp đi qua chỗ rách của sụn chêm ra ngoài.
2.4 Ngăn ngoài
Giải phẫu: Tại vùng này thấy dây chằng bên ngoài bắt đầu từ mỏm trên của lồi cầu ngoài đi xuống hợp với đầu xa của cơ nhị đầu đùi bám vào chỏm của xương mác; dải chậu chày.
Bệnh lý:
- Hội chứng dải chậu chày thường gặp ở những vận động viên chạy bộ, đạp xe hay leo núi: Trên siêu âm có thể thấy viêm của túi hoạt dịch nằm giữa dải chậu chày và lồi cầu ngoài xương đùi.
- Giãn dây chằng bên ngoài: Siêu âm thấy tăng đường kính, phản hồi âm không đồng nhất, mất cấu trúc sợi của dây chằng.
- Rách sụn chêm ngoài: Thấy nang dịch khớp chày mác trên khám từ mặt sau.
2.5 Ngăn sau
Giải phẫu: Trên mặt cắt dọc và ngang qua khoeo sẽ thấy các cấu trúc mạch máu gồm động và tĩnh mạch khoeo, đầu cơ bụng chân, thần kinh chày.
Bệnh lý:
- Kén dịch Baker: Rất thường gặp ở gối nguyên nhân do thoái hoá khớp gối. Trên siêu âm thấy hình ảnh như là một nang đơn giản với dịch trong hoặc có những mảnh mô ở bên trong kén dịch này, dịch từ trong khớp đi vào nang dịch theo một chiều, làm cho nang to dần gây chèn ép các cấu trúc xung quanh. Gây ra đau và khó cử động gập khớp gối.
- Nang ngoài khớp: Nang dịch có thể siêu âm thấy nhưng không phải kén baker.
- Phình động mạch khoeo: Trên siêu âm thấy bất thường mạch máu khoeo, kích thước bất thường.
Siêu âm khớp gối có thể phát hiện được bệnh lý phần mềm quanh khớp và tình trạng thoái hóa khớp gối thông qua các hình ảnh thu được. Tuy nhiên, để có kết quả siêu âm chính xác nhất cần có bác sĩ siêu âm giàu kinh nghiệm và máy móc đạt chuẩn. Vì vậy, nên lựa chọn cơ sở thăm khám phù hợp để có thể chẩn đoán chính xác bệnh lý.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.