16 điều có thể làm tổn thương khớp của bạn

Khớp bị tổn thương là tình trạng thường gặp trên lâm sàng, do rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên và ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người bệnh. Tổn thương khớp dẫn đến đau khớp và những bệnh lý nguy hiểm khác, vì vậy cần biết cách hạn chế tình trạng này.

1. Đau khớp

Xương và khớp là những cơ quan chính giữ nhiệm vụ nâng đỡ cơ thể và giúp cho những chuyển động của con người được xảy ra nên rất dễ xảy ra tổn thương đối với xương và khớp. Trong đó, đau khớp có thể xảy ra với bất cứ độ tuổi nào, thông thường thì sẽ tự động khỏi sau một thời gian để cho khớp được nghỉ ngơi. Tuy nhiên, một số trường hợp người bệnh lại có những cơn đau khớp xuất hiện thường xuyên, gây cản trở đối với những vận động thường ngày. Ngoài ra, một số nghiên cứu còn cho thấy rằng đau khớp cũng là dấu hiệu của những bệnh lý xương khớp nặng mà người bệnh không nên bỏ qua.

2. Các tổn thương khớp

Một số yếu tố có thể gây ra tình trạng các khớp bị tổn thương đó là:

2.1. Mang vác quá nặng

Các khớp là nơi liên kết giữa các xương với nhau nên rất nhạy cảm đối với khối lượng nặng. Cứ mỗi pound khối lượng được mang trên cơ thể sẽ gây ra 4 pound áp lực đối với đầu gối của người bệnh. Mang vác vật nặng cũng gây áp lực đối với vùng lưng, hông và cả bàn chân của người bệnh. Điều này sẽ dẫn đến tổn thương khớp và đau khớp. Ngoài ra, vấn đề thừa cân béo phì cũng được xem là mang vác một khối lượng nặng lên cơ thể, khiến các khớp trở nên cứng, đau và sưng, hay còn gọi là viêm khớp.

2.2. Sử dụng điện thoại quá nhiều

Sử dụng điện thoại quá nhiều có thể tổn thương khớp của bạn. Dùng các ngón tay để thực hiện những thao tác trên điện thoại, điển hình là nhắn tin là một thói quen rất phổ biến hiện nay. Các gân của ngón tay sẽ bị kích thích và khiến cho các ngón tay sẽ luôn ở tư thế cuộn tròn. Ngoài ra, khi dùng điện thoại thì cổ, vai cũng phải cúi xuống rất nhiều sẽ gây hại cho những khớp ở vùng này. Nếu cổ của người bệnh cúi xuống đến mức cằm chạm vào ngực thì lúc này cổ sẽ phải chịu một áp lực của 5 cái đầu thay vì thực tế chỉ có 1 cái đầu.

2.3. Mang giày cao gót

Những chiếc giày cao gót trông rất tuyệt vời nhưng giày càng cao thì sẽ càng gây ra nhiều áp lực cho chân. Cơ đùi của người bệnh sẽ phải hoạt động nhiều hơn để giữ cho đầu gối được thẳng khi mang giày cao gót, điều này sẽ khiến cơ căng thẳng và gây đau cho người bệnh. Ngoài ra, khi gót chân phải nhón lên để đi giày cao gót thì lực ở đầu gối cũng phải đi lên theo, dần dần sẽ gia tăng tỷ lệ mắc những bệnh liên quan đến viêm xương khớp. Vì lúc này, lớp đệm bảo vệ giữa các xương bị phá vỡ vì mang giày gót quá nhiều.

2.4. Mang giày sai

Những đôi giày đã cũ, bị mòn thì sẽ không thể nâng đỡ, hỗ trợ bàn chân cũng như mắt cá chân tốt được. Điều này sẽ làm cho đầu gối, hông và lưng của bệnh nhân dễ bị trượt. Bên cạnh đó, việc lựa chọn giày thể thao phù hợp với từng bộ môn thể thao khác nhau cũng rất quan trọng. Ví dụ như chơi bóng rổ thì nên chọn những loại giày thể thao cao cổ để bảo vệ cho vùng mắt cá chân, tuy nhiên độ cao cũng cổ giày cũng nên phù hợp, không nên cao quá vì khi chạy sẽ gây đau cho người sử dụng.

2.5. Thói quen bẻ những ngón tay

Thói quen bẻ ngón tay phát ra tiếng động đó chính là sự vỡ ra của những chất lỏng quanh các khớp ngón tay hoặc từ những dây chằng quanh xương ngón tay. Một số nghiên cứu cho thấy rằng thói quen này dần dần sẽ khiến cho bàn tay của người bệnh bị phồng lên và khả năng cầm nắm cũng sẽ bị suy yếu đi.

16 điều có thể làm tổn thương khớp của bạn
Thói quen bẻ những ngón tay là một trong những hành động có thể gây tổn thương khớp

2.6. Mang, xách một chiếc túi lớn

Có thể là ví, balo hay túi xách quá nặng sẽ gây đau đối với vùng cổ và vai. Trọng lượng nặng đè lên một bên vai sẽ khiến cơ thể bị mất thăng bằng, và những bước đi sẽ mất đi sự vững chắc. Một số người bệnh có thói quen xách đồ 1 bên thì lâu ngày 1 bên cơ thể đó sẽ bị căng cơ, các khớp sẽ mỏi dẫn đến đau khớp.

2.7. Sử dụng sai các cơ khi thực hiện động tác

Khi đặt quá nhiều lực lên những cơ nhỏ thì các khớp sẽ chịu tổn thương rất nhiều. Ví dụ như khi mở một cánh cửa nặng thì thay vì dùng lực dồn vào các ngón tay, người bệnh nên dùng sức của vai để đẩy cửa. Hoặc khi nhấc vật gì đó lên khỏi mặt đất thì nên nâng vật lên bằng cơ chân. Khi cầm một vật thì nên giữ vật trong lòng bàn tay thay vì dùng sức của những ngón tay.

2.8. Ngủ sấp

Mặt dù tư thế ngủ này có thể làm giảm chứng ngáy ngủ nhưng sẽ không tốt đối với những bộ phận khác trong cơ thể. Khi người bệnh nằm sấp, đưa đầu về phía sau thì sẽ đè nén lên cột sống và những cơ, khớp khác trong cơ thể.

2.9. Bỏ qua việc kéo căng

Việc kéo giãn cơ thể thường xuyên sẽ giúp tăng sức cơ và gân của người bệnh, đồng thời sẽ giúp các khớp trở nên linh hoạt, cử động dễ dàng hơn. Đây được xem là chìa khóa để giúp các khớp luôn khỏe mạnh và vững chắc.

2.10. Bỏ qua việc luyện tập sức bền

Khi cơ thể đã bước sang tuổi 40 thì xương sẽ bắt đầu mỏng hơn và dễ bị gãy hơn rất nhiều. Vì vậy, nếu xây dựng cơ bắp với việc tập luyện sức bền thì điều này sẽ làm chậm quá trình mất xương cũng như kích thích việc tăng trưởng xương mới. Vì vậy mà không những cơ bắp được xây dựng mạnh mẽ hơn mà xương cũng sẽ dày hơn, Cùng với đó thì hệ thống khớp cũng sẽ ổn định hơn nên giảm được tình trạng tổn thương khớp.

2.11. Hút thuốc lá

Lý do nên bỏ hút thuốc lá là do chất nicotine từ thuốc lá hút sẽ làm giảm lưu lượng máu đến các xương trong cơ thể và những đĩa đệm ở cột sống. Vì vậy, nicotin sẽ làm hạn chế lượng calci được hấp thụ vào cơ thể để xây dựng xương. Bên cạnh đó, thuốc lá còn phá vỡ estrogen là hormone cần thiết cho xương, làm chậm quá trình làm dày xương. Từ đó, các khớp cũng sẽ yếu đi rất nhiều.

Hút thuốc lá
Hút thuốc lá có thể khiến khớp bị tổn thương do chất nicotine

2.12. Giấc ngủ không đảm bảo

Giấc ngủ không đảm bảo, không ngon giấc sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của các khớp. Một nghiên cứu đã tìm ra được những bệnh nhân với chứng viêm khớp sẽ cảm thấy đau nhiều hơn sau những đêm trằn trọc mất ngủ. Vì vậy, một giả thuyết đã được đưa ra rằng nếu ngủ không ngon giấc thì sẽ có thể gây ra tình trạng viêm trong cơ thể, từ đó cũng ảnh hưởng đến các khớp.

2.13. Tư thế ngã người trên ghế

Cơ thể của con người ở trạng thái tốt nhất khi chúng ta hoạt động với nó chứ không phải chống lại sự hoạt động này. Đó là lý do tại sao tư thế rất quan trọng, khi nằm dài và ngã người trên ghế thì lúc này sẽ vô tình gây ra nhiều áp lực lên các cơ và khớp trong cơ thể, khiến chúng trở nên mệt mỏi hơn. Vì vậy hãy giữ lưng luôn được thằng trong mọi tư thế.

2.14. Lờ đi những cơn đau

Khi tập thể dục, đôi lúc người bệnh có thể nghĩ rằng cần phải tiếp tục luyện tập mạnh hơn cho đến khi kết thúc, hoặc với một phương châm rằng không có đau đớn sẽ không có thành tích. Việc một số cơ bắp có thể bị đau trong trường hợp này là điều tất yếu sẽ xảy ra. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài trong nhiều ngày hoặc cơ bắp có dấu hiệu sưng, đau quá nhiều khi cử động hay chạm vào thì sẽ là một vấn đề sức khỏe cần phải cân nhắc. Đau khớp không phải là một tình trạng bình thường mà cần phải chú ý đến nó nhiều hơn. Nếu nghĩ rằng đang tập luyện quá mức thì hãy giảm bớt những bài tập, và nếu cơn đau không biến mất thì cần đến gặp bác sĩ ngay.

2.15. Dành quá nhiều thời gian cho việc sử dụng máy tính

Điều này thật sự sẽ gây đau cho vùng cổ, khuỷu tay, cổ tay, lưng và vai. Vấn đề không chỉ nằm ở việc tư thế xấu mà nếu để một tư thế quá lâu thì cũng sẽ gây hại cho các khớp vì lúc này cơ hoạt động quá mức, gây áp lực cho cơ thể, đặc biệt là những đĩa đệm ở cột sống. Nếu đang ngồi ở một chiếc ghế thì hãy nâng cánh tay bằng đệm vải để giảm tải trọng lên vai và cổ. Hoặc có thể đứng dậy, di chuyển thư giãn sau mỗi giờ làm việc với máy tính.

Dành quá nhiều thời gian cho việc sử dụng máy tính
Sử dụng máy tính quá nhiều có thể gây tổn thương khớp

2.16. Lặp lại những dáng không tốt

Khi chạy bộ, đạp xe hay chơi tennis, nếu lặp đi lặp lại những chuyển động giống nhau không tốt thì sẽ khiến cơ thể có nhiều áp lực đè lên các khớp, dễ dẫn đến tình trạng chấn thương.

Tổn thương khớp là tình trạng thường gặp, có thể xuất hiện trong nhiều bệnh lý khác nhau và có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây ra tình trạng này. Để bảo vệ các khớp bị tổn thương thì người bệnh cần duy trì những thói quen và lối sống lành mạnh, để hạn chế nguy cơ tổn thương khớp và đau khớp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

183 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan