Unfortunately, the content on this page is not available in
English.
Please press continue to read the content in Vietnamese.
Thank you for your understanding!
Tổng quan bệnh Xuất huyết võng mạc
Võng mạc là màng thần kinh lót trong nhất của nhãn cầu, bám dính hắc mạc từ phía trước là vùng Ora serrata đến phía sau quanh bờ dây thần kinh thị, có chức năng chuyển năng lượng ánh sáng thành thị lực rồi gửi thông tin ngược về não qua những dây thần kinh thị giác.
Võng mạc được chia làm 4 lớp:
-
Biểu mô sắc tố: chỉ 1 lớp tế bào nằm sát hắc mạc, những tế bào này chứa sắc tố.
-
Tế bào thị giác: có 2 loại, tế bào chóp giúp nhìn được các vật trong điều kiện đủ ánh sáng và tế bào que giúp nhìn được trong bóng tối.
-
Tế bào 2 cực: làm nhiệm vụ truyền dẫn xung động thần kinh.
-
Tế bào đa cực: truyền xung động thần kinh lên đường thần kinh thị giác, các sợi trục của tế bào này tập trung lại thành dây thần kinh thị giác.
Mạch máu nuôi dưỡng võng mạc gồm có:
-
Động mạch: Võng mạc nuôi dưỡng nhờ 2 hệ thống động mạch. Lớp biểu mô sắc tố và thị giác do hệ thống động mạch hắc mạc nuôi bằng thẩm thấu. Lớp tế bào 2 cực và đa cực do động mạch trung tâm võng mạc nuôi dưỡng.
-
Tĩnh mạch: Các tĩnh mạch trung tâm võng mạc tập trung thành 2 nhánh chui vào đĩa thị theo trục thị thần kinh sau cùng đổ vào tĩnh mạch mắt dưới.
Xuất huyết võng mạc là một trong những biến chứng của một bệnh lý mạch máu võng mạc, xảy ra khi máu không ở trong mạch máu mà thoát ra ngoài võng mạc, gây ảnh hưởng xấu đến chức năng thị lực của mắt như nhìn mờ, đau và đỏ mắt. Tình trạng mờ mắt của bệnh nhân nhiều hay ít phụ thuộc vào số lượng và vị trí xuất huyết.
Xuất huyết võng mạc xảy ra ở một số bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, tắc tĩnh mạch võng mạc,...là một trong những biểu hiện tiên lượng xấu đối với bệnh lý đó và làm ảnh hưởng đến thị giác của mắt.
Nguyên nhân bệnh Xuất huyết võng mạc
Xuất huyết võng mạc xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng phần lớn là do các bệnh lý về mạch máu của võng mạc như cận thị nặng, tăng huyết áp, bệnh tiểu đường, bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già, bệnh Eales, chấn thương mắt…
Vậy xuất huyết võng mạc có nguy hiểm không? Khi bị xuất huyết võng mạc thì khả năng hồi phục chức năng tiếp nhận ánh sáng rất thấp do võng mạc là một tổ chức thần kinh và việc điều trị hiện nay cho kết quả hạn chế. Xuất huyết võng mạc mà không tìm được nguyên nhân gây ra càng làm khó khăn hơn trong điều trị.
Triệu chứng bệnh Xuất huyết võng mạc
Các triệu chứng để nhận biết bệnh nhân bị xuất huyết võng mạc bao gồm:
-
Mắt nhìn mờ, đỏ, đau nhức mắt, ruồi bay, thấy mạng nhện hoặc thấy màu đỏ trong tầm nhìn, nhìn thấy sương mù hoặc bóng tối, ánh sáng lóe lên nhanh chóng trong tầm nhìn ngoại vi
-
Tầm nhìn bị bóp méo
-
Nặng nhất là đột ngột mù.
-
Ngoài ra một số bệnh nhân còn cảm giác đau đầu.
Đối tượng nguy cơ bệnh Xuất huyết võng mạc
Xuất huyết võng mạc là một biến chứng của một số bệnh lý mạch máu võng mạc, do đó đối tượng nguy cơ bị xuất huyết võng mạc gồm:
-
Bệnh nhân bị cận thị nặng: Cận thị xảy ra phổ biến ở lứa tuổi học sinh và giới văn phòng, về lâu tình trạng cận thị nặng hơn và có thể dẫn đến biến chứng xuất huyết võng mạc.
-
Bệnh nhân bị bệnh tiểu đường: ở đối tượng này hiện tượng tắc nghẽn vi mạch máu và rò rỉ mạch máu sẽ làm giảm khả năng vận chuyển oxy trong hồng cầu và dẫn đến tình trạng thiếu máu võng mạc, tổn thương hàng rào máu võng mạc, gây tổn thương võng mạc.
-
Bệnh nhân tăng huyết áp: người bị cao huyết áp dễ bị tổn thương các mạch máu nhỏ ở võng mạc, gây chảy máu trong mắt, phù gai thị, ảnh hưởng đến thị lực của người bệnh.
-
Bệnh nhân bị tắc tĩnh mạch võng mạc: khiến các mạch máu bị vỡ, dẫn đến tình trạng xuất huyết võng mạc.
-
Trẻ sơ sinh: đặc biệt là trẻ sinh non có xuất hiện các mạch máu bất thường phát triển và lan rộng trong võng mạc, mô lót phía sau mắt. Các mạch máu bất thường này dễ vỡ và có thể bị rò rỉ gây xuất huyết võng mạc ở trẻ sơ sinh.
Phòng ngừa bệnh Xuất huyết võng mạc
-
Người có vấn đề về thị lực như nhìn mờ, đỏ mắt, cảm thấy đau nhức mắt cần đến bác sĩ để thăm khám mắt càng sớm càng tốt.
-
Mỗi người khi học tập và làm việc cần có tư thế ngồi đúng cách, làm việc ở nơi đủ ánh sáng, hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử (như điện thoại, máy tính,...), đặc biệt đối với lứa tuổi học sinh và nhân viên văn phòng để tránh bị cận thị hoặc hạn chế tình trạng cận thị nặng.
-
Theo dõi tình trạng thai nhi trong thời kỳ mang thai và theo dõi thường xuyên những trẻ sơ sinh có nguy cơ rối loạn cao về mắt để tránh biến chứng võng mạc ở trẻ sơ sinh.
-
Kiểm tra và kiểm soát tốt huyết áp cho bệnh nhân bị tăng huyết áp bằng cách đo huyết áp thường xuyên, khuyên bệnh nhân ăn giảm muối, tập thể dục 30 phút mỗi ngày với các bài tập vừa sức như đi bộ, tập yoga,...
-
Kiểm soát đường huyết tốt đối với bệnh bị tiểu đường để hạn chế tối đa biến chứng xuất huyết do tiểu đường gây nên
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Xuất huyết võng mạc
Có nhiều biện pháp để chẩn đoán xuất huyết võng mạc, bao gồm:
-
Soi đáy mắt: đây là biện pháp được sử dụng phổ biến nhất để chẩn đoán xuất huyết võng mạc
-
Chụp mạch huỳnh quang: để chụp mạch huỳnh quang cần sử dụng thuốc nhuộm huỳnh quang tiêm vào máu của bệnh nhân trước đó để bác sĩ nhãn khoa có thể nhìn rõ hơn và kiểm tra các mạch máu trong võng mạc.
-
Kiểm tra mắt: kiểm tra chức năng thị lực của mắt như bệnh nhân có nhìn rõ không, trong tầm nhìn thấy có dấu hiệu ruồi bay hay không,...
Các biện pháp điều trị bệnh Xuất huyết võng mạc
Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường tại mắt,nghi ngờ bệnh xuất huyết võng mạc, cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện hoặc các phòng khám chuyên khoa mắt để được các bác sĩ chẩn đoán, xem xét mức độ tổn thương, vị trí xuất huyết võng mạc và đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Xuất huyết võng mạc điều trị bằng các cách sau:
-
Tìm ra nguyên nhân gây xuất huyết võng mạc có ý nghĩa rất quan trọng trong việc điều trị và phòng ngừa xuất huyết tái phát và phòng ngừa cho bên mắt còn lại.
-
Sử dụng các kỹ thuật mới như Laser, vi phẫu mạch máu, thuốc tiêm nội nhãn để điều trị xuất huyết võng mạc. Tùy theo từng trường hợp xuất huyết võng mạc mà sử dụng một trong ba phương pháp trên hoặc sử dụng cả ba phương pháp trên.
-
Bổ sung vitamin A, B, C và E để làm tăng bền vững thành mạch và chữa lành các mạch máu bị tổn thương. Ngoài ra, nên bổ sung các axit béo thiết yếu bao gồm omega-3 từ dầu cá và dầu hạt lanh.
-
Điều trị và kiểm soát tốt các bệnh lý mạch máu võng mạc như đái tháo đường, cao huyết áp để phòng các biến chứng xuất huyết võng mạc do các bệnh này gây nên.
Xem thêm:
- Mắt nhìn mờ đục, đau khi ánh sáng chiếu vào sau khi bóng đập vào mắt có sao không?
- Viêm nội nhãn là bệnh gì?
- U nguyên bào võng mạc
- Phương pháp mới điều trị thoái hóa võng mạc
- Mắt giật theo nhịp kèm hoa mắt là dấu hiệu bệnh gì?
- Nguyên nhân chân dài chân ngắn là gì?
- Nên là gì khi trẻ đau chân do ngã, nhưng chụp X-quang không phát hiện vấn đề?
- Không đẻ ở Vinmec vẫn có thể lưu trữ máu cuống rốn tại Vinmec
- Vỗ rung long đờm cho trẻ sơ sinh
- Mốc phát triển của trẻ 6 tháng tuổi như thế nào?