Unfortunately, the content on this page is not available in
English.
Please press continue to read the content in Vietnamese.
Thank you for your understanding!
Tổng quan bệnh Đột quỵ não
Đột quỵ não (tai biến mạch máu não) là tình trạng một phần não bộ đột ngột bị tổn thương khi mạch máu nuôi dưỡng phần não đó bị tắc (nhồi máu não) hoặc bị vỡ (xuất huyết não).
Đột quỵ não xảy ra khi mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ làm cho não không nhận đủ oxy. Khi đó một phần não bắt đầu chết đi và gây tổn thương não. Sau khi đột quỵ xảy ra, mỗi phút trôi qua sẽ có gần 2 triệu tế bào não bị chết và làm người bệnh già hơn khoảng 3 tuần tuổi. Chính vì vậy, “thời gian chính là não”. Người bệnh cần được điều trị càng sớm càng tốt và biện pháp điều trị duy nhất đó chính là “tái tưới máu cho não” càng nhanh càng tốt.
Đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây nên tử vong cao và để lại một số di chứng vĩnh viễn cho bệnh nhân. Đặc biệt, đột quỵ có thể xảy đến với tất cả mọi người không kể lứa tuổi hay giới tính (ngày nay có khoảng 25% ca đột quỵ lại xảy ra ở những người trẻ tuổi, tăng gần 50% trong vòng 12 năm qua). Người bệnh bị đột quỵ não có thể bị liệt, hôn mê và thậm chí tử vong. Đột quỵ không những là nguyên nhân gây tử vong thứ ba mà còn gây tàn phế hàng đầu cho người bệnh, là gánh nặng về kinh tế cho gia đình và xã hội. Theo số liệu của Hội Đột quỵ Thế giới, cứ 6 người sẽ có 1 người bị đột quỵ. Ở Việt Nam, mỗi năm có 200.000 người bị đột quỵ, tỷ lệ tử vong do đột quỵ ở nam giới là 18% và ở nữ giới là 23%.
Đột quỵ não được chia làm 2 loại chính: đột quỵ do chảy máu não (chảy máu nội sọ, chảy máu khoang dưới nhện) và đột quỵ do thiếu máu não (nhồi máu não, cơn tai biến mạch máu não thoáng qua).
Nguyên nhân bệnh Đột quỵ não
Tùy loại đột quỵ não mà có những nguyên nhân khác nhau: tăng huyết áp, vữa xơ động mạch, đái tháo đường, rung nhĩ, dị dạng mạch não bẩm sinh, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá…
Triệu chứng bệnh Đột quỵ não
Các triệu chứng của đột quỵ não có bản chất là do sự thiếu hụt các chức năng thần kinh do thiếu mãu não gây ra. Có các nhóm triệu chứng chính bao gồm:
-
Liệt vận động: từ mức độ nhẹ (giảm khả năng vận động của các chi) đến mức độ nặng (liệt hoàn toàn một bên cơ thể, bên trái hoặc phải)
-
Liệt các dây thần kinh sọ: có nhiều biểu hiện phong phú như liệt mặt, mắt nhắm không kín,…
-
Rối loạn cảm giác: cảm giác tê bì trên da hoặc không cảm nhận được sự đau, nóng hay lạnh…
-
Rối loạn ý thức: mức độ nhẹ từ trạng thái lơ mơ đến mức độ nặng là hôn mê
-
Rối loạn ngôn ngữ: không nói được hoặc lời nói không rõ, không hiểu người khác nói gì,…
Đối tượng nguy cơ bệnh Đột quỵ não
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ não, bao gồm:
- Lối sống tĩnh tại, lười vận động, thừa cân, béo phì, lạm dụng các chất kích thích như rượu, ma túy
- Các yếu tố nguy cơ tim mạch: hút thuốc lá, rối loạn chuyển hóa lipid máu, đái tháo đường, tiền sử gia đình mắc các bệnh tim mạch (tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ…), lứa tuổi và giới tính (nam giới trên 45 tuổi và nữ giới trên 55 tuổi)
- Các yếu tố khác: tăng huyết áp và một số bệnh lý tim mạch (suy tim, rung nhĩ, một số bệnh van tim, tim bẩm sinh…)
Phòng ngừa bệnh Đột quỵ não
Mặc dù đột quỵ não có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng nhưng vẫn có nhiều cách phòng tránh như:
-
Thay đổi lối sống: không hút thuốc lá, không uống quá nhiều rượu, bia, không sử dụng các chất kích thích, tập thể dục thường xuyên, chế độ dinh dưỡng lành mạnh (ăn nhiều rau xanh, hoa quả, tránh ăn mặn, đồ chiên dầu mỡ và hạn chế đồ ngọt..), hạn chế làm việc căng thẳng thần kinh quá sức, tránh thức khuya,…
-
Dùng thuốc và điều trị bệnh (nếu có) theo chỉ định của bác sĩ (kiểm soát huyết áp, đường máu và các rối loạn chuyển hóa khác nếu có)
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Đột quỵ não
Chẩn đoán đột quỵ não dựa trên bệnh sử và khám lâm sàng, tuy nhiên để chẩn đoán xác định loại đột quỵ thì phải dựa vào các biện pháp chẩn đoán hình ảnh (chụp cắt lớp vi tính hoặc MRI).
Các biện pháp điều trị bệnh Đột quỵ não
Tùy theo các nguyên nhân dẫn đến đột quỵ não, phương pháp điều trị đột quỵ bao gồm:
-
Đột quỵ do nhồi máu não gây ra: tiêu sợi huyết (dùng thuốc để làm tan cục máu đông đang gây tắc mạch máu), đặt stent mạch não, can thiệp nội mạch não.
-
Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ cho bạn dùng một số thuốc khác để làm loãng máu như warfarin (Coumadin), aspirin hoặc lopidogrel (Plavix).
-
Đột quỵ do xuất huyết não: tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định từ điều trị nội khoa đến can thiệp phẫu thuật.
Xem thêm:
- Ảnh hưởng của COVID-19 đến sức khỏe tim mạch
- Vì sao bạn dễ bị đau đầu sau khi ngủ trưa?
- Khi nào cần phẫu thuật u cột sống?
- Phẫu thuật dị tật đốt sống chẻ đôi bằng đường vào phía sau
- Điều trị bệnh nhược cơ: Thông tin cần biết
- Tê bì chân tay khi ngủ, vì sao?
- Tìm hiểu về bệnh tăng trương lực cơ thần kinh (neuromyotnia), còn gọi là hội chứng Isaac
- Các mẹo dân gian chữa đau thần kinh tọa
- Trẻ 8 tuổi thường xuyên tê chân khi ngủ có sao không?
- Đau đầu mỗi lần sốt, giật nhói và co giật cơ đùi bắp tay sát xương sườn là dấu hiệu bệnh gì?