Tìm hiểu hiện tượng triglyceride máu trong viêm tụy cấp

Viêm tụy cấp do tăng triglycerid khiến nhiều người phải đối mặt với nguy cơ gặp phải nguy hiểm. Mặc dù tỉ lệ xuất hiện chỉ 5% nhưng bệnh có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy, việc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời là rất cần thiết. Bài viết dưới đây sẽ cho chúng ta hiểu rõ hơn về tình trạng này.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của BSCK I Võ Thị Thùy Trang, bác sĩ Nội soi tiêu hóa tại khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

1. Viêm tụy cấp do tăng triglycerid là gì?

Viêm tụy cấp do tăng triglycerid thường xảy ra khi nồng độ triglycerid vượt quá 20 mmol/l. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu của viêm tụy, ngay cả khi chỉ số triglycerid chỉ tăng ở mức độ từ nhẹ đến vừa, cũng có thể góp phần vào quá trình viêm.  

Thực tế là chỉ số triglycerid có thể tăng đột biến ngay sau các bữa ăn giàu chất béo. Điều này giải thích tại sao khoảng 10% bệnh nhân được chẩn đoán viêm tụy cấp có nồng độ triglycerid trên 20 mmol/l khi kiểm tra, nhưng chỉ số này lại giảm nhanh chóng sau khoảng 72 giờ điều trị. Do đó, việc xét nghiệm có thể giúp xác định nguyên nhân gây viêm tụy liên quan đến tăng triglycerid, từ đó đưa ra phương pháp điều trị thích hợp, kịp thời.

Đến nay, cơ chế gây bệnh viêm tụy cấp do tăng triglycerid vẫn chưa được làm rõ hoàn toàn. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy, các hạt dưỡng chấp, bắt đầu xuất hiện trong máu khi nồng độ triglycerid tăng trên 10 mmol/l, chứa lượng lớn lipoprotein giàu triglycerid có thể là nguyên nhân chính gây viêm tại tụy.  

Trong quá trình lưu thông máu đến tụy, những hạt dưỡng chấp lớn nhất có thể làm tắc các mao mạch trong tụy, dẫn đến tình trạng các tế bào acinar ở những khu vực thiếu máu bị vỡ. Điều này khiến cho cholymicrons tiếp xúc trực tiếp với lipase tụy, gây ra tổn thương thêm cho các tế bào acinar và vi mạch nhu mô tụy.

2. Nguyên nhân gây ra bệnh

Viêm tụy cấp có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó hai nguyên nhân phổ biến nhất là nghiện rượu và sỏi mật. Tuy nhiên, tăng triglycerid trong máu cũng là một nguyên nhân quan trọng nhưng thường không được chú ý đến hoặc dễ bị bỏ qua trong quá trình chẩn đoán. Thông thường, nguyên nhân này chỉ được phát hiện qua các xét nghiệm khi không tìm thấy các nguyên nhân khác gây ra bệnh. 


Hai nguyên nhân viêm tụy cấp phổ biến là nghiện rượu và mắc bệnh sỏi thận.
Hai nguyên nhân viêm tụy cấp phổ biến là nghiện rượu và mắc bệnh sỏi thận.

Một chế độ ăn uống không lành mạnh cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm tụy cấp do tăng triglycerid. Đặc biệt, các rối loạn chuyển hóa lipoprotein, dù là nguyên phát hoặc thứ phát, đều liên quan đến việc phát triển viêm tụy cấp do triglycerid.

Ở người trưởng thành, tình trạng tăng triglycerid máu nặng thường là kết quả của sự kết hợp giữa các nguyên nhân nguyên phát và thứ phát. Một nghiên cứu với 123 bệnh nhân có nồng độ triglycerid trên 2.000 mg/dL phát hiện rằng tất cả các bệnh nhân đều mắc phải khiếm khuyết chuyển hóa lipoprotein nguyên phát và 110 trong số 123 bệnh nhân cũng có nguyên nhân thứ phát.  

Thực tế cho thấy, các rối loạn chuyển hóa lipoprotein di truyền thường không biểu hiện rõ rệt cho đến khi có nguyên nhân thứ phát kích hoạt, làm cho nồng độ triglycerid tăng cao và gây ra các hội chứng tăng triglycerid máu nặng.

Mức độ tăng triglycerid trong máu tỷ lệ thuận với mức độ nghiêm trọng của viêm tụy cấp. Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến tình trạng của bệnh viêm tụy cấp, bao gồm: hoạt động của enzyme lipase tuyến tụy, mức độ tổn thương tuyến tụy trước đó, và hiệu quả của quá trình loại bỏ acid béo khỏi huyết thanh...

3. Cơ chế sinh bệnh viêm tụy cấp do tăng triglycerid

Bệnh viêm tụy cấp do tăng triglycerid thường phát sinh khi nồng độ triglycerid vượt quá 1000 mg/dl. Có hai cơ chế chính liên quan đến tình trạng này:

3.1. Do có sự gia tăng nồng độ chylomicrons trong máu người bệnh

Chylomicrons được tạo ra khoảng 1 đến 2 giờ sau khi ăn và đạt nồng độ cao nhất sau 4-5 giờ. Trong điều kiện bình thường, chúng sẽ được cơ thể dọn sạch trong khoảng 8 giờ.  

Tuy nhiên, khi có sự bất thường trong cấu trúc lipoprotein hoặc hoạt động của enzyme lipoprotein lipase, nồng độ chylomicrons trong máu có thể tăng cao. Khi nồng độ triglycerid trong máu vượt quá 1000 mg/dL, chylomicrons xuất hiện nhiều trong các mao mạch.  

Kích thước lớn của chúng có thể gây tắc nghẽn các mao mạch tụy, dẫn đến hoại tử do thiếu máu và toan hóa máu. Trong môi trường acid, các acid béo tự do kích hoạt trypsinogen, dẫn đến quá trình tự tiêu hóa mô tụy và cuối cùng gây ra bệnh viêm tụy cấp.

3.2. Phân hủy triglycerid thành acid béo tự do

Khi nồng độ chylomicron trong máu tăng cao, triglycerid sẽ tiếp xúc với enzyme lipase của tụy ở khu vực xung quanh tụy, từ đó chuyển hóa thành acid béo tự do với nồng độ cao. Điều này gây ra tổn thương nhiễm độc cho các tế bào tuyến tụy và tổn thương tại chỗ, cũng như tăng các chất trung gian của phản ứng viêm và các gốc tự do. Cuối cùng, những tác động này biểu hiện ra bên ngoài qua các dấu hiệu của viêm tụy cấp.

4. Triệu chứng viêm tụy cấp do triglycerid

Bệnh viêm tụy cấp do tăng triglycerid thường có các triệu chứng lâm sàng giống với viêm tụy cấp từ các nguyên nhân khác, bao gồm:

  • Đau bụng dữ dội, cảm giác bụng trướng và bí trung đại tiện.
  • Buồn nôn và nôn mửa.
  • Khó thở do bụng trướng hoặc tràn dịch màng phổi.
  • Cảm giác hoảng loạn, lo sợ hoặc trạng thái kích động, ý thức không rõ ràng.
  • Huyết áp giảm, làn da tái nhợt, mạch nhanh, yếu và khó bắt.
  • Khi khám, có thể thấy bụng trướng hơi và xuất hiện phản ứng cục bộ ở vùng trên rốn hoặc điểm sườn lưng phải, trái. 
Buồn nôn là triệu chứng viêm tụy cấp do tăng triglycerid.
Buồn nôn là triệu chứng viêm tụy cấp do tăng triglycerid.

Mặc dù đa số người bệnh bị viêm tụy cấp thường là ở tuổi trung niên, nhưng ở những người có rối loạn lipid máu di truyền, bệnh có thể được phát hiện ngay khi tuổi tác vẫn còn nhỏ.

5. Phương pháp điều trị

Phương án điều trị viêm tụy cấp do triglycerid thường tương tự như các trường hợp viêm tụy cấp từ các nguyên nhân khác, bao gồm các biện pháp như bổ sung dịch lỏng, nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch, điện giải, sử dụng kháng sinh nếu có nhiễm trùng, điều chỉnh cân bằng kiềm toan và hồi sức tích cực trong các trường hợp bệnh nghiêm trọng có biểu hiện suy tạng

Trong trường hợp bệnh viêm tụy cấp do triglycerid quá cao, một phương pháp điều trị có thể áp dụng là thay huyết tương. Việc này giúp loại bỏ lượng chylomicrons tăng cao trong máu, là biện pháp hiệu quả và an toàn, giúp ngăn ngừa quá trình viêm ở nhu mô tụy. Phương pháp này cũng có chi phí phù hợp nên được xem một lựa chọn khả thi cho nhiều bệnh nhân.

Sau khi ổn định tình trạng viêm tụy cấp do tăng nồng độ triglycerid máu, bệnh nhân cần tìm hiểu nguyên nhân gây ra sự tăng triglycerid này để có thể loại bỏ và sử dụng thuốc giảm nồng độ triglycerid trong máu, nhằm ngăn ngừa bệnh tái phát.

6. Các biện pháp phòng ngừa tái phát

Để phòng ngừa tái phát bệnh viêm tụy cấp do tăng triglycerid, bệnh nhân cần duy trì nồng độ triglycerid máu dưới 200 mg/dl. Các biện pháp bệnh nhân có thể thực hiện bao gồm:

  • Tầm soát và điều trị các nguyên nhân thứ phát như đái tháo đường type 2, ngừng sử dụng hoặc giảm liều lượng một số loại thuốc bao gồm thuốc ức chế beta, lợi tiểu thiazide, corticosteroid ở liều cao, estrogen ở liều cao,...
  • Tuân thủ lối sống lành mạnh, giảm cân và hạn chế tối đa chất béo, tránh các loại thức ăn và nước uống chứa nhiều đường.
  • Hạn chế tiêu thụ rượu bia và ngừng hẳn hút thuốc lá.
  • Ngoài ra, bệnh nhân có thể dùng thuốc hạ triglycerid máu. 
Ngưng sử dụng bia rượu để phòng ngừa bệnh hiệu quả.
Ngưng sử dụng bia rượu để phòng ngừa bệnh hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe